Làng An Truyền hay còn được gọi là làng Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) nổi tiếng với thương hiệu bánh tét, bánh chưng. Những ngày cận Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, các hộ dân lại tất bật với việc làm bánh để kịp cho những đơn hàng trong và ngoài tỉnh.
Làng Chuồn mấy trăm năm qua nổi danh xứ Huế với truyền thống làm bánh tét. Những ngày này, nhiều hộ dân lại tất bật làm bánh để phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán.
Hầu hết những gia đình làm bánh tét ở làng Chuồn nối từ đời này sang đời khác.
Ông Hồ Văn Sĩ, người có kinh nghiệm làm bánh lâu năm cho biết, điểm làm nên sự khác biệt giữa bánh tét làng Chuồn so với những nơi khác là nguyên liệu sử dụng và cách gói.
Lá được sử dụng để gói bánh là lá chuối sứ, lá chuối cũng là lá chuối vườn nên người mua bánh rất yên tâm, không sợ chất nhuộm xanh.
Nếp được sử dụng gói bánh là nếp thơm ngon loại nhất được trồng trên ruộng của làng. Gần đây, khi nhu cầu cao, dân làng sử dụng nếp cái hoa vàng được nhập từ miền Bắc về để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
"Bằng việc sử dụng nguyên liệu, nêm nếm đặc trưng đã tạo nên thương hiệu cho bánh tét làng Chuồn lâu nay. Cách gói bánh tét của làng cũng khác với những nơi khác, chỉ cần nhìn vào cách buộc sợi lạt là có thể nhận ra ngay nguồn gốc xuất xứ của bánh làng Chuồn", ông Hồ Văn Sĩ nói.
Khi làm, nhân bánh cũng được người làm nêm nếm, cân đo cho đúng tỷ lệ giữa nhân và nếp.
Để cho ra được một đòn bánh thơm ngon, cũng phải trải qua nhiều công đoạn vất vả. Sau khi gói, bánh được nấu hơn 12 tiếng rồi vớt ra ngâm nước lạnh làm nguội chống khô vỏ sau đó để ráo, đóng gói....
Ngoài làm bánh tét, làng Chuồn cũng nổi tiếng với làm bánh chưng. Theo chuẩn riêng, một đòn bánh tét sau khi ra lò nặng giao động từ 1,6 – 1,8kg, bánh chưng 1,3 – 1,5kg. Giá giao động từ 150.000 – 170.000 đồng/đòn bánh tét, bánh chưng.
Anh Hồ Đức Anh, chủ một cơ sở làm bánh cho biết, nhờ giữ được thương hiệu mà nhiều năm qua bánh chưng, bánh tét làng Chuồn luôn được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Những năm trước, gia đình và người thân của anh còn được chủ lò người làng Chuồn sống ở TPHCM mua vé máy bay cho gần cả chục người bay vào để gói bánh phục vụ Tết. Năm nay, bánh được đặt làm tại làng rồi hút chân không gửi vào TPHCM bằng xe khách.
"Riêng Tết năm nay, cơ sở của tôi nhận gói 1.000 đòn bánh tét và bánh chưng gửi đi TPHCM. Đơn hàng cuối cùng sẽ được đưa lên xe chuyển đi TPHCM vào ngày 27 tháng Chạp. Việc làng giữ được nghề làm bánh không chỉ giúp gìn giữ một nét văn hóa truyền thống của địa phương mà còn mang lại thu nhập cho nhiều người trong dịp Tết", anh Hồ Đức Anh nói.
Theo Toquoc