Nhà thờ Phủ Cam, nơi đây được biết đến là nhà thờ lâu đời nhất ở Huế, sau nhiều lần trùng tu, nhà thờ khoác lên mình chiếc áo khiến ai cũng phải ngỡ ngàng khi đặt chân đến.
Cố đô Huế nghìn năm văn võ luôn là địa điểm du lịch hấp dẫn không chỉ với du khách Việt Nam mà còn với cả du khách quốc tế. Khi nói đến Huế, mọi người nghĩ ngay đến những cung điện, lăng tẩm nguy nga lộng lẫy, mang đậm giá trị thời gian. Tuy nhiên, ít người biết rằng ngay tại vùng đất cố đô vẫn còn một địa điểm đẹp tựa châu Âu đang thu hút giới trẻ, đó là nhà thờ Phủ Cam.
Vài nét về nhà thờ Phủ Cam Huế
Nhà Thờ Phủ Cam còn được gọi là nhà thờ chính tòa Tổng Giáo Phận Huế. Đây là một công trình kiến trúc nổi tiếng nằm trên đồi Phước Quả. Đây là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng cho giáo dân.
Từ ngày xưa, Huế được xem là trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam với hàng loạt ngôi chùa thiêng liêng, cổ kính hàng trăm năm. Nhà thờ Phủ Cam nổi lên như một điểm nhấn độc đáo. Kiến trúc nhà thờ được xây dựng theo phong cách châu Âu đặc sắc. Bao bọc xung quanh nhà thờ là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình đậm chất Huế.
Lịch sử nhà thờ Phủ Cam
Nhà thờ được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XVII và trở thành giáo đường lâu đời nhất tại Huế. Vào năm 1682, người khởi công xây dựng nhờ là linh mục Langlois. Tuy nhiên công trình này hết sức đơn giản chỉ làm từ tre nứa. Khoảng 2 năm sau đó, linh mục Langlois đã mua đất trên ngọn đồi Phước Quả tạo nên nhà thờ bằng đá kiên cố với vẻ đẹp lộng lẫy.
Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), nhà thờ Phủ Cam bị triệt giải hoàn toàn. Tưởng chừng như số phận của ngôi thánh đường đã dừng lại ở đó. Thế nhưng, mãi tận 2 thế kỷ sau, đạo Thiên Chúa được nhìn nhận lại và được chấp nhận.
Năm 1898, Giám mục Allys (1852 – 1936) cho xây dựng lại nhà thờ Phủ Cam theo phong cách Gothic. Tuy nhiên, đến năm 1960, nhà thờ trở nên chật chội vì số lượng giáo dân đang ngày càng gia tăng. Lần thứ 10 được xây dựng của nhà thờ diễn ra vào năm 1963, dưới thời Ngô Đình Diệm. Tổng giám mục Ngô Đình Thục (1897 – 1984) cho triệt giải nhà thờ cũ để xây dựng một phiên bản rộng và mới hơn. Nhà thờ lần này được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2000, nhà thờ mới được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 150 năm thành lập giáo phận Huế.
Kiến trúc độc đáo của nhà thờ Phủ Cam
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người con xứ Huế, ông tinh thông Hán học, phong thủy và am hiểu về kiến trúc phương Tây. Năm 1955, ông trở thành người Châu Á đầu tiên nhận giải Khôi nguyên La Mã. Ông là người đã phục hồi di tích quý giá mang giá trị trăm năm.
Nhìn từ bên ngoài, nhà thờ Phủ Cam tựa như cuốn kinh thánh khổng lồ. Cả công trình toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, đậm nét nghệ thuật tôn giáo. Phía trước thánh đường Phủ Cam là hai bức tượng khổng lồ, bên trái là thánh Phao Lô và bên phải là thánh Phê Rô. Khi đi dạo xung quanh nhà thờ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh về cuộc đời của chúa Giê – su, được đóng trong khung gỗ.
Không gian bên trong của nhà thờ có sức chứa lên đến 2500 người. Mái nhà thờ được xây dựng uốn cong, với những đường lượn mềm mại tạo nên sự thanh thoát cho công trình. Chính vì thế, nhà thờ Phủ Cam trở thành niềm tự hào của những người con xứ Huế.
Di chuyển đến nhà thờ Phủ Cam
Nhà thờ Phủ Cam nằm tại trung tâm thành phố nên di chuyển đến đây khá dễ dàng. Từ trung tâm thành phố Huế, bạn di chuyển theo đường Đống Đa, rẽ vào đường Hai Bà Trưng, tiếp tục rẽ vào đường Phan Đình Phùng và rẽ trái vào Nguyễn Trường Tộ. Đến khu vực ngã ba Hàm Nghi – Đoàn Hữu Trưng, bạn chỉ cần đi thêm một đoạn thì nhà thờ sẽ hiện ra trước mắt.
Nhà thờ Phủ Cam với lịch sử lâu đời và là một trong những địa điểm check-in nổi tiếng không thể bỏ lỡ khi đến Huế. Khi tham quan nhà thờ Phủ Cam, bạn cần lưu ý về trang phục, không gây tiếng ồn, đặc biệt là khi chụp ảnh check-in.
Wanderlust Tips
Sưu tầm: Ngô Diệp