Trong hành trình xuyên Việt, du khách có cơ hội ghé thăm di sản UNESCO Tràng An, động Thiên Đường, Đại Nội Huế và phố cổ Hội An.
Tràng An là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Ở đây có 48 hang động, trong đó có nhiều hang xuyên thủy dài 2 km kết nối với 31 hồ, đầm nước.
Đến Tràng An, du khách hãy vượt qua 486 bậc đá để lên Hang Múa ngắm cảnh đẹp. Từ đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, những cánh đồng lúa và những con thuyền rẽ sóng chầm chậm trên dòng sông êm đềm uốn lượn.
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003. Trong đó, động Thiên Đường được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá là hang động khô dài nhất châu Á, một trong những hang động kỳ vĩ nhất đoàn từng khảo sát trên thế giới.
Động có chiều dài hơn 31,4 km và chiều rộng từ 30 đến 100 m, nơi rộng nhất lên tới 150 m. Chiều cao từ đáy động lên đến trần động khoảng 60 đến 80 m. Hệ thống măng đá, nhũ đá tráng lệ.
Quần thể di tích Cố đô Huế được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 giữa kinh đô xưa. Quần thể được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993. Nổi bật trong đó là ba tòa thành: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành được bố trí đăng đối xuyên suốt trên một trục nam - bắc.
Hoàng Thành là công trình quan trọng, bao gồm nhiều khu vực như khu vực phòng vệ, khu vực cử hành đại lễ, khu vực miếu thờ... được đặt giữa không gian thiên nhiên rộng lớn. Trải qua gần 2 thế kỷ và chứng kiến bao mốc sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, Cổng Ngọ Môn vẫn tồn tại theo thời gian, được coi là một kiến trúc cổ xuất sắc.
Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Vietravel chính thức khai trương sự kiện “Thắp sáng Kỳ Đài”. Chương trình không chỉ tôn vinh và bảo tồn giá trị lịch sử của di tích, mà còn góp phần tạo thêm điểm hấp dẫn về đêm cho du lịch cố đô.
Hội An hình thành từ thế kỷ XVI. Ngày nay, nơi này vẫn còn khá nguyên vẹn những di tích bến cảng, phố cổ, nhà liên kế, nhà thờ tộc họ, đình chùa, đền miếu, hội quán người Hoa, lăng mộ. Độc đáo nhất là Cầu Nhật Bản.
Hội An hướng đến phát triển thành phố xe đạp. Từ giữa năm 2019, Hội An đã triển khai hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng tân tiến. Các xe đạp đều được trang bị định vị GPS và hệ thống khóa mở bằng mã QR thông qua ứng dụng QIQ global trên điện thoại di động.
Dạo quanh phố cổ bằng xe đạp an toàn, tiện lợi và bảo vệ môi trường. Bạn có thể dễ dàng luồn lách qua những hẻm nhỏ để cảm nhận nét cổ kính, thanh bình.
Theo Vietravel
Ảnh: Vietravel, Shutterstock