GIA LAI - Có khoảng 30 dấu tích miệng núi lửa đã tắt ở Gia Lai, trong đó có núi lửa Chư Đăng Ya, Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp...
Chư Đăng Ya cao khoảng 500 m, thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm phố núi Pleiku khoảng 30 km về hướng đông bắc. Đây là ngọn núi lửa cổ dương (nhô lên trên mặt đất) đã từng hoạt động ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm.
Từ trên cao nhìn xuống, miệng núi lửa tựa như một cái phễu khổng lồ, lòng chảo miệng núi mang sắc đỏ đất bazan màu mỡ đã được những lớp nham thạch tạo nên từ xa xưa. Theo người dân Jarai sinh sống ở làng Ia Gri dưới chân núi, Chư Đăng Ya dịch theo tiếng địa phương có nghĩa là "Củ gừng dại".
Chị Mít, 45 tuổi, cùng người thân làm cỏ cho rẫy mì rộng 3 sào (500 m2 một sào) của gia đình dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya. Người đồng bào Jarai cho biết, mảnh đất của chị màu mỡ, cây trồng xanh tốt quanh năm, luôn cho sản lượng cao.
Ở giữa và xung quanh lòng chảo, là những nương rẫy đồng bào Jarai trồng cà phê, ngô, khoai, bí đỏ, dong riềng...
Ngay dưới chân núi Chư Đăng Ya, trên khu đất rộng hơn một sào, có hai căn nhà và vườn hoa đang nở rộ, cho du khách đến tham quan chụp hình lưu niệm.
Cuối 11/2020, UBND huyện Chư Păh đã tổ chức Tuần lễ hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đăng Ya. Hoa dã quỳ nở rộ, vàng rực dưới chân núi, ven đường và bên miệng lòng chảo...
Dấu tích miệng núi lửa cổ âm, hình lòng chảo ở làng Ốp, TP Pleiku, bán kính khoảng 500 m, tạo thành thung lũng rộng lớn. Đất đai màu mỡ, phì nhiêu, có nguồn nước ổn định. Người dân địa phương trồng lúa, khoai, rau... trên miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm trước.
Núi Hàm Rồng là một miệng núi lửa cổ dương, cao 1.028m, diện tích 0,7 km2, sườn dốc 20-30 độ, dưới chân núi rộng 14 km2, cách trung tâm TP Pleiku khoảng 10 km, khí hậu trên đỉnh núi mát mẻ, thường xuyên bị sương mù che phủ.
Núi có dạng hình tròn khuyết giống như một cái móng ngựa, với một rãnh sâu lớn cắt sườn từ miệng phễu hướng về nam - vết tích đường đi của dòng chảy dung nham cũ; dọc theo nó gặp nhiều bom và khối thủy tinh núi lửa.
Hiện nay, đỉnh núi là trạm thu phát sóng viễn thông của cả tỉnh nên việc leo lên đỉnh bị hạn chế.
Trần Hoá