QUẢNG NGÃI Hàng nghìn cây cóc trắng rụng lá mang tới vẻ đẹp khác lạ cho rừng ngập mặn gần cảng Dung Quất trong mắt khách tham quan.
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái là nơi trồng 50 ha cây cóc trắng, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 40 km về phía đông bắc. Vào mùa thu, khu rừng mang vẻ đẹp khác lạ khi cây rũ hết lá, chỉ còn lại phần thân và cành màu trắng.
Khu vực bàu Cá Cái nằm gần biển, được chính quyền quy hoạch trồng cây cóc trắng thành rừng phòng hộ chắn sóng và cải thiện môi trường sinh thái. Đây là một phần của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện.
Bên cạnh mảng màu trắng của những cây cóc đã rụng lá hoàn toàn là các mảng rừng đang đâm chồi non xanh biếc. Ngoài cóc trắng, đước là loài cây được trồng chủ yếu tại đây và đã phát triển được 6 năm.
Hình ảnh đặc trưng của rừng ngập mặn bàu Cá Cái là những luống cây dài khoảng 100 - 200 m đều nhau tăm tắp, mỗi luống trồng khoảng 200 cây cóc trắng. Cóc trắng là loài cây gỗ nhỏ, cao 4 - 10 m, trồng trên đất bồi tụ ven sông biển, có nhiều mấu trên thân và rụng lá vào mùa thu.
Phên tre được đóng theo luống để chờ máy xúc tới đắp bùn, tiếp tục trồng những khoảnh rừng mới.
Sau khi rừng phát triển tươi tốt, các loài chim, cò, vịt trời đã bay tới làm tổ, trong khi mặt nước bên dưới là môi trường sống của các loài cá, tôm, cua, ốc.
Bàu Cá Cái là điểm đến còn hoang sơ, xung quanh chưa có nhiều dịch vụ ăn uống và lưu trú. Một số công ty du lịch đã tới khảo sát khu rừng để mở tour tham quan cho khách tại Quảng Ngãi.
Du khách có thể thuê thuyền của người dân địa phương để ngắm cảnh rừng ngập mặn trong ngày.
“Ngoài tận hưởng không khí trong lành, du khách tới đây có thể tham gia các hoạt động chèo thuyền, thả lưới, dùng nơm hoặc vó để đánh bắt cá cùng ngư dân”, nhiếp ảnh gia Duy Sinh (Quảng Ngãi), tác giả bộ ảnh, cho biết.
Huỳnh Phương
Ảnh: Duy Sinh