Chăn vịt ở Trà Ổ, đăng lưới trên đầm Ô Loan hay nắng sớm chợ Vị Thanh mỗi nơi có vẻ yên bình riêng biệt.
Mùa lúa chín tại Phong Nậm, Cao Bằng. Đầu tháng 10, những ruộng lúa ở đây chín vàng ươm bên dòng sông Quây Sơn. Đoạn đường Trùng Khánh - Phong Nậm dài khoảng 10 km được đánh giá là nơi sở hữu nhiều khung cảnh mùa vàng ấn tượng.
Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân (quê ở Phú Yên, sống và làm việc tại TP. HCM). Với niềm đam mê nhiếp ảnh, anh thường dành thời gian du lịch, chụp phong cảnh, đặc biệt là nhịp sống miền quê từ bắc vào nam.
Đám trẻ nhảy tắm ao thỏa thích giữa trưa hè oi bức ở Bắc Sơn, Lạng Sơn, một trong những điểm dừng chân trên hành trình của nhiếp ảnh gia. Với anh, đi chụp trước tiên là để trải nghiệm, chiêm ngưỡng cảnh đẹp cũng như khám phá văn hóa vùng miền, sau đó là muốn chia sẻ để mọi người thưởng thức vẻ đẹp của quê hương, đất nước.
Người dân tắm trâu chụp tại Sơn Tây, Hà Nội. Với chủ đề miền quê, anh luôn gửi gắm trọn vẹn tình cảm của mình.
Cây cầu tre này là biểu tượng của thôn Cẩm Đồng, xã Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam. Nhìn từ trên cao, cầu tre đơn sơ tựa như tấm lụa vắt qua sông Vĩnh Điện.
Cưỡi ngựa trên bãi biển Mỹ Khê thuộc thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 12 km về hướng đông. Nơi đây còn hoang sơ với rừng dương xanh ngắt, biển trong, nắng vàng cùng bờ cát mịn trải dài 7 km.
Biển Mỹ Khê cách không xa cảng Sa Kỳ và cách khu chứng tích Sơn Mỹ chỉ 3 km.
Hàng trăm con vịt quây quanh người nông dân khi đang chuẩn bị cho chúng ăn tại khu vực đầm Trà Ổ, Phù Mỹ, Bình Định.
Người phụ nữ chèo thuyền đăng lưới trên đầm Ô Loan.
Người địa phương gọi hoạt động mưu sinh này là đăng chấn tôm, một người đi chấn thường đăng từ 5 - 8 miệng lưới, với phương tiện là sõng nan (hay sõng câu là một loại thuyền). Họ đứng trên đầu sõng để bủa những miệng lưới xuống mặt nước theo hình tam giác. Sau khi xong thì kiểm tra lại đáy, bỏ đá xuống đáy để dằn và trời bắt đầu tối sẽ chong đèn dầu lên từng miệng chấn để thu hút tôm, cá.
Người dân đi làm rẫy qua cầu treo bắc ngang sông tại Đăk Hà, Kon Tum. Toàn tỉnh Kon Tum có hàng trăm cây cầu treo như trên để trẻ em đi học, người dân đi lại và tham gia các hoạt động sản xuất.
Một đàn bò băng ngang đổ bóng trải dài trên bờ biển tại huyện Bắc Bình, Bình Thuận.
Chăn cừu trên vùng đồng cỏ xanh mướt ở Tuy Phong, Bình Thuận.
Tác giả cho biết công nghệ phục vụ nhiếp ảnh ngày càng phát triển và flycam là thiết bị đang phổ biến, giúp người chụp khai thác những góc nhìn tổng quan một khu vực và cảnh đặc trưng mà máy ảnh không thể bắt trọn.
Làng gạch Mang Thít, Vĩnh Long trông như những ngọn tháp thu nhỏ dưới ánh mặt trời.
Từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, du khách chạy theo hướng phà Đình Khao, sau đó rẽ sang tỉnh lộ 902 là đến được Mang Thít. Làng gạch có tuổi đời trên 100 năm là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng, lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây còn khoảng 1.300 lò gạch, trải dài trên diện tích 3.000 ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở ven con rạch Thầy Cai đến đoạn giáp sông Cổ Chiên - một nhánh sông Cửu Long.
Nắng sớm “chợ quê”giữa lòng thành phố Vị Thanh, Hậu Giang. Người dân ngồi bán theo một địa điểm cố định có diện tích 2 - 4 m2. Họ ngồi giữa, xung quanh bố trí các mặt hàng cần bán, vị trí người bán cứ nối tiếp trên mặt đất thành một hàng dài, chỉ chừa lối đi nhỏ cho người mua. Chợ họp từ 2h sáng đến xế trưa.
Huỳnh Phương