Thành phố hiện đại với những công trình biểu tượng, nhà cao tầng huyền ảo trong bình minh hay hoàng hôn qua góc chụp từ trên cao.
Tòa nhà Landmark 81 và khu vực Vinhomes Tân Cảng lung linh trong bình minh. Nơi đây được ví như “thành phố thu nhỏ” ven sông Sài Gòn, với góc chụp từ quận Bình Thạnh hướng về phía trung tâm quận 2. Tòa nhà cao 81 tầng, cao 461,3 m, được lấy cảm hứng từ hình ảnh bó tre truyền thống với hình dáng vươn lên mạnh mẽ.
Bức ảnh nằm trong bộ “Sài Gòn ngày nay” do nhiếp ảnh gia Trần Ngọc Dũng, hiện sống và làm việc tại TP HCM thực hiện. Tình yêu Sài Gòn cùng với niềm đam mê chụp ảnh từ trên cao đã truyền cảm hứng cho tác giả thực hiện bộ ảnh với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Qua bộ ảnh, tác giả chia sẻ đến độc giả về một Sài Gòn năng động và hiện đại, với những công trình tiêu biểu.
Bức ảnh chụp khoảng 18h ngày 1/5 trước trụ sở UBND TP HCM, số 86, Lê Thánh Tôn, quận 1. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ điển, mang tính biểu tượng và gắn liền với nhiều thế hệ công dân Sài Gòn. Công trình được xây dựng từ năm 1898 - 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế.
Nhà thờ Đức Bà đang trùng tu và khu vực xung quanh lúc lên đèn. Nhà thờ gần 140 năm tuổi tọa lạc tại quận 1, do kiến trúc sư người Pháp Jules Bourard thiết kế, được xây dựng trong thời gian 1877 - 1879. Đến năm 1880, công trình chính thức khánh thành.
Đây một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, được khởi công trùng tu đầu năm 2018, đến nay một số hạng mục sửa chữa đã hoàn thành.
Với diện tích hơn 2.000 km2, diện mạo của thành phố có những bước phát triển vượt bậc về hạ tầng đô thị.
Trong ảnh là phố đi bộ Nguyễn Huệ, có chiều dài 670 m, rộng 64 m nối liền từ trụ sở UBND TP HCM đến bến Bạch Đằng, có đài phun nước và hệ thống cây xanh. Trên tuyến đường này và khu vực xung quanh khi nhìn từ trên cao thấy các tòa nhà tiêu biểu. Đây cũng là con đường hoa nổi tiếng của thành phố vào dịp Tết Nguyên đán.
Hệ thống đường bộ của TP HCM dày đặc, trên 3.800 tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 4.000 km. Trong ảnh là Công trường Mê Linh, quận 1, được ví như “trái tim” của khu bờ Tây sông Sài Gòn. Đây là nơi giao nhau 6 tuyến đường (từ trái qua) gồm Tôn Đức Thắng, Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt, Hai Bà Trưng và Thi Sách, xung quanh vòng xoay tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp và ở giữa có một hồ nước nhân tạo đặt tượng Trần Hưng Đạo.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nằm bên bờ sông Sài Gòn, quận 2. Với hướng nhìn về phía trung tâm quận 1, có thể thấy tòa nhà Bitexco từ phía xa. Các công trình trong tu viện được xây dựng theo kiến trúc Pháp với màu sơn vàng và mái ngói đỏ đặc trưng. Năm 2019, công trình được UBND TP HCM xếp hạng di tích cấp thành phố.
Một góc cầu Phú Mỹ trong hoàng hôn. Đây là cầu dây văng hiện đại có 6 làn xe với chiều dài hơn 2.000 m, bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7, quận 9 thuộc đường vành đai ngoài của thành phố.
“Qua góc chụp từ trên cao, Sài Gòn mang vẻ đẹp riêng. Tôi thường lựa chọn góc chụp và canh thời tiết để có các tác phẩm đẹp về Sài Gòn”, tác giả cho biết.
Cầu Ông Lớn có chiều dài 372 m, nằm trên đại lộ hiện đại Nguyễn Văn Linh thuộc quận 7, bắc qua rạch Ông Lớn. Cây cầu có kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông, dễ dàng nhận ra với “chiếc áo khoác” màu đỏ đặc trưng, được xem là một trong những điểm nhấn của Sài Gòn sôi động, với khung cảnh lãng mạn nhờ cảnh quan sông nước xung quanh.
Cầu Phú Mỹ huyền ảo trong ánh đèn đêm. Cây cầu giúp kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ngoài ra giúp việc lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn từ miền Bắc và miền Trung đi đồng bằng sông Cửu Long, qua địa phận TP HCM được rút ngắn. Với dáng vẻ uy nghi, cây cầu được xem là biểu tượng của thành phố năng động và là nơi thu hút các nhiếp ảnh gia.
Cầu Khánh Hội bắc qua kênh Bến Nghé, ngay cửa ngõ sông Sài Gòn và kế bên bến Nhà Rồng, nối quận 4 và quận 1, được xem là một trong số những cây cầu trọng yếu trên tuyến Đại lộ Đông Tây. Vào năm 2006, cầu này được xây mới có chiều dài gần 167 m, rộng 22 m, 4 làn xe, có dáng cong mềm mại và cách điệu, góp phần tạo nên điểm nhấn bên cạnh Bến Nhà Rồng.
Cầu Khánh Hội là nơi lý tưởng để đứng ngắm nhìn toàn cảnh Sài Gòn từ phía đông và chiêm ngưỡng những màn trình diễn pháo hoa đẹp mắt vào các dịp lễ tết.
Bùng binh Phú Lâm, quận 6, giao nhau của 5 tuyến đường Hồng Bàng, Tân Hòa Đông, Bà Hom, Kinh Dương Vương và Nguyễn Văn Luông rực rỡ ánh đèn đêm từ các khối nhà cao tầng.
“Sài Gòn lúc nắng lúc mưa, đẹp kỳ diệu trong bình minh, hoàng hôn và huyền ảo khi thành phố lên đèn. Nhịp sống thành phố năng động với những con người thân thương từ khắp nơi tập trung làm việc mang đến cho tôi tình yêu”, anh Dũng chia sẻ.
Trần Ngọc Dũng - Huỳnh Phương