Đợt dịch thứ hai bùng phát, ngành du lịch gần như tê liệt, khi các điểm đến gây cho du khách nhiều nỗi bất an thì tour đi bộ trong rừng trở thành lựa chọn tối ưu.
Cung đường đi bộ trong rừng được cho là đẹp nhất Việt Nam hiện nay chính là Tà Năng - Phan Dũng. Không nằm ngoài sự ảnh hưởng của Covid-19, những ngày này, cung đường đi bộ đẹp nhất Việt Nam cũng trở nên thông thoáng, thơ mộng hơn vì được giảm tải.
Lúc cao điểm, cung đường này có thể đón 300 lượt khách một tuần, nhưng nay đã khác. Mặc dù tháng 8 là thời điểm đẹp nhất để khám phá cung đường nhưng hiện tại lượng khách cũng như một số dịch vụ bị hạn chế.
Tà Năng – Phan Dũng là cung đường dài hơn 50km thuộc địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Thảm thực vật đa dạng, khung cảnh hùng vĩ, độ khó vừa phải nên cung đường này phù hợp trekking với nhiều lứa tuổi.
Phía Tà Năng là cung đường đẹp, cây cỏ mọc hai bên đường, dốc không quá cao. Còn phía Phan Dũng (hướng xuống thác Yavly) đường khá trơn, ngoằn ngoèo, nhiều dốc, cây chủ yếu là thông. Ở đỉnh Tà Năng, buổi tối sương xuống khá dày và nhanh, gió đặc biệt thổi mạnh vào giữa đêm.
Leo dốc
Thường cung đường này sẽ khởi hành từ Tà Năng (Lâm Đồng) với những đồng cỏ “mời gọi” phượt thủ.
Cùng nhau lên dây cót tinh thần chinh phục thử thách cung đường đi bộ đẹp nhất Việt Nam là nghi thức không thể thiếu
Phía sau các phượt thủ chính là cung đường dài hàng chục cây số với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ chờ đón…
Đừng dại dột tự tin thái quá khi đi mà không có người dẫn đường nhiều kinh nghiệm
Trên đường đi du khách thường xuyên bắt gặp người dân bản địa đi rừng. Người dân ở đây cũng đã dần quen với sự có mặt của khách du lịch nên luôn dành “đặc sản” địa phương tặng du khách chính là nụ cười
Thử thách đầu tiên cho thấy giá trị của tinh thần đồng đội
Trạm dừng nghỉ đầu tiên, các phượt thủ mới thấy được giá trị của đôi giày khi đi rừng và quan trọng là phải mang đúng giày để có độ bám tốt. Trong ảnh, giày bị bung keo và phượt thủ phải dùng dây gút cố định phần đế, xoay phần nút thắt xuống dưới để hỗ trợ bám cho giày.
Người dẫn đường đang hướng dẫn phượt thủ cách xếp đá để di chuyển qua những suối cạn
Thử thách đầu tiên nhẹ nhàng với con dốc 30 độ
Phần thưởng đầu tiên cung đường Tà Năng dành cho phượt thủ chính là một khung cảnh xanh ngắt hiện ra trước mắt
Từ rất lâu, con đường này đã là sợi dây nối liền và thông thương giữa những người con của núi cao và những người con của biển cả. Trong suốt hành trình, sẽ rất nhiều lần bạn sẽ rơi vào trạng thái phấn khích tột độ, tim như muốn ngừng đập, tay chân run rẩy, mắt chữ O, mồm chữ A và chỉ muốn hét toáng lên “Woa, đẹp quá!”
Có rất nhiều đường mòn ngang dọc ở Tà Năng và Phan Dũng. Trong đó hai tuyến đường phổ biến dành cho những đôi chân ham mê xê dịch trải nghiệm là tuyến Đồi Lính (2 ngày 1 đêm) với quãng đường trung bình 35km và tuyến thác Yavly (3 ngày 2 đêm) với tổng độ dài trung bình 45km
Bạn buộc phải bước tiếp vì hai lí do: 1. Nếu không đi thì bạn sẽ không bao giờ đến; 2. Phần thưởng xứng đáng đang đợi bạn trên đỉnh dốc.
Đối với những người thành thị – mỗi ngày vốn đã quen 8 tiếng ngồi công sở, ra đường đã có xe, tập thể dục hoặc chạy bộ khoảng chừng 5km – thì việc trong một ngày đi bộ hơn chục cây số lên đồi xuống dốc quả là chuyện “không tưởng”.
“Sắp tới chưa?” chắc chắn sẽ là câu hỏi được sử dụng nhiều nhất (và chắc cũng nghe nhiều nhất) trong chuyến đi.
Lê từng bước để chinh phục con dốc nghiêng 45 độ, dài hơn 600m để kết thúc ngày đầu tiên, chuẩn bị hạ trại
Hạ trại
Cắm trại trên đồi Hai cây thông chính là trải nghiệm tuyệt vời dành cho các phượt thủ. Chương trình này thú vị như món quà công nhận khả năng chinh phục thử thách của mẹ thiên nhiên dành cho phượt thủ.
Đội hỗ trợ người địa phương có mặt trước để chuẩn bị thức ăn
Tận hưởng niềm vui khi chinh phục được 18km ngày đầu tiên
Lên đèn và nhập tiệc
Thật không may khi mùa mưa, buổi sáng thường có nhiều sương mù nên không thể ngắm bình minh
Xuống dốc
Mất sức nhiều hơn lên dốc, đòi hỏi tập trung, đau nhức hai đầu gối, giày không rộng thì đau các đầu ngón chân… chính là thử thách mà các phượt thủ phải vượt qua khi xuống dốc.
Trạm dừng nghỉ đầu tiên khi xuống được vài con dốc, lúc này sương vẫn chưa tan nên các phượt thủ cũng quên đi sự mệt mỏi, ngẩn ngơ ngắm cảnh Phan Dũng, hóng gió
Hơn 10km xuống nhiều con dốc và nhiệt độ cũng trở nên nóng hơn, mẹ thiên nhiên ban tặng cho các phượt thủ trải nghiệm ngâm những đôi chân rã rời vào dòng suối mát lạnh
Không còn những đồi cỏ hút tầm mắt, đường đi xuống là sự chào đón của những trảng cỏ hai bên lối mòn
Không có sóng điện thoại, ngoài bộ đàm thì các nhóm liên lạc với nhau bằng những ký hiệu để lại
7km cuối, các phượt thủ được trải nghiệm cảm giác đi xe ôm đường rừng…
Phạm Nguyễn - Xuân Hinh