Quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá khoảng 90 km (52 hải lý) về phía Tây. Quần đảo Nam Du có diện tích chừng 40 km2 , gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, phải mất khoảng 5 giờ lênh đênh trên biển để đi từ hòn này đến hòn kia.
Để tận mắt nhìn bà con ở đảo này ăn Tết. Trong dịp đầu Xuân, chúng tôi mở cuộc hành trình khám phá quần đảo.
Chúng tôi khởi hành từ 8 giờ 30 phút chuyến tàu Rạch Giá đi Nam Du, bến tàu tại đường Nguyễn Công Trứ, thị xã Rạch Giá. Đến Nam Du, tàu ghé Hòn Lớn, có độ cao 295 mét, con đường được trải nhựa dài hơn 2,5 km. Mướn xe ôm chạy một vòng đến đỉnh hòn lớn, đưa mắt nhìn quanh, tất cả 20 đảo còn lại trong tầm mắt với cảm giác lâng lâng thú vị. Phía Tây là làng chài bãi Ngự như một eo biển thu nhỏ, có vài trăm thuyền bè neo đậu. Trên đỉnh hòn Lớn có ngọn hải đăng, đêm đêm sáng rực cả quần đảo.
Chúng tôi tiếp tục khám phá, từ Hòn Lớn đến Hòn Ngang dài 3km. Hòn Ngang dưới sắc màu lấp lánh bạc của biển cả, hàng ngàn tàu thuyền neo đậu, hàng trăm lồng bè nuôi cá bóp, cá mú sao nhấp nhô như bức tranh sống động, lạ mắt. Cạnh cầu cảng là những dãy nhà sàn cất lên san sát chạy dài hơn 2km. Chỉ có một con lộ duy nhất rộng chừng 1,5 m là lối đi. Điểm độc đáo là chợ Hòn Ngang chạy dài theo trục đường chính của đảo, mỗi nhà đều trưng bày bán sản phẩm góp phần làm nên góc chợ. Tất cả các hòn, bãi xung quanh đảo Nam Du đều ghé chợ Hòn Ngang mua sắm vật dụng hằng ngày cũng như ba bữa Tết.
Hành trình khám phá hòn Ngang sẽ thú vị hơn khi trước hết thả bộ tham quan Miếu thờ bà Chúa Hòn ở ấp An Bình, được xây dựng cách đây hơn 58 năm. Trong mấy ngày Tết, bà con làng biển kéo nhau đến đây cúng vái, dâng hương tỏ lòng thành kính với đấng thần linh đã che chở cuộc sống làng chài của họ. Khung cảnh nơi đây náo nhiệt như ngày hội. Ghe thuyền vào ra tấp nập kéo dài ven biển.
Kế đến, tham quan Hòn Mấu, cách Hòn Ngang 2km. Diện tích Hòn Mấu rộng khoảng 200 ha, có hơn 120 hộ dân, hầu hết sống bằng nghề biển. Trong số 21 hòn đảo, Hòn Mấu có đến 5 bãi biển tuyệt đẹp. Bãi Nam và Bãi Chướng là hai bãi cát trắng mịn, còn lại ba bãi là Bãi Đá Trắng, Bãi Đá Đen và Bãi Bắc. Hòn Mấu còn thờ bộ xương cá Ông
Chúng tôi tiếp tục hành trình đến những hoang đảo với những "chúa đảo" sống một mình bám đất bám biển như Hòn Nồm Giữa có gia đình ông Sáu Ánh, bãi giếng Tiên có chị em gái Hồ Ngọc Nhẫn, Hòn Ông ở bãi Gềnh có ông Nguyễn Văn Rõ, Hòn Dầu có Robinson Nguyễn Văn Phương, Hòn Đụng Nguyễn Văn Mực. Mỗi hòn, mỗi bãi chỉ có một gia đình nương náu trên 40 năm qua ở các đảo này.
Thăm nhau, đốt nhang ông bà
Trong những ngày Tết, không khí trên biển thật vui nhộn, ghe thuyền qua lại tấp nập, bà con ăn mặc áo quần tươm tất, trẻ nhỏ xúng xính trong bộ áo quần mới. Họ bơi xuồng đi thăm mồ mả ông bà, thắp nhang cúng kiếng.
Đã thành tập tục từ buổi sơ khai ở đảo, sáng mùng một, sau khi cúng ông bà, cư dân hú nhau chạy ghe tập trung tại Hòn Lớn, mấy năm nay có điện thoại di động, việc hẹn cùng giờ giấc đơn giản hơn. Từ đó, kéo thành đoàn đi đến các hòn, bãi có một, hai gia đình ở để chúc Tết cho nhau, nhất là đến những gia đình bám đảo từ thuở sơ khai heo hút.
Bà con ở hòn, bãi thương yêu nhau lạ lùng, họ đến với nhau chân thật, mộc mạc và sẻ chia tình người trên đầu sóng ngọn gió. Tình yêu đó còn gọi là “tấm lòng hòn bãi”.
Trong chén rượu đầu Xuân, người dân hòn bãi không quên nhắc lại thuở gian nan vất vả khai phá hoang đảo. Đọng lại sau những tháng năm cơ cực là dạy con cái nên người.
Ông Sáu Ánh ở Hòn Nồm Giữa tâm sự: Mới đó mà 50 năm đã qua, thời gian theo cha tôi là Vương Văn Kiều ra đây lập nghiệp, hồi đó vùng Nam Du ít người ở, nhiều tháng liền không thấy người lạ. Ngày Tết, cha của tôi thèm trà quá, phải ra gềnh hái lá bàng nướng vàng, nấu nước uống thay trà cho đỡ buồn.
Ông Phương ở Hòn Dầu nhớ lại: Năm 1969, cái Tết đầu tiên ở đảo, hai vợ chồng cùng hai đứa con đốt lửa suốt đêm, ngồi bó gối đưa mắt nhìn vào đất liền thèm được gặp người lạ, thèm cái không khí náo nức đón Xuân của xóm ấp. Nhấp cạn ly bia ông Phương chỉ cậu con trai, tâm sự: “Tôi thấy đời mình ngu dốt nên hứa với lòng, bất cứ giá nào cũng cho thằng Du đến trường. Tám năm ròng, cứ thứ hai tôi đưa nó đi học ở Hòn Củ Tron, thứ bảy thì rước về, gần chục cây số với chiếc xuồng nan trên biển vượt qua sóng gió”. Ông Phương cười tự hào, những người chung quanh thông cảm chuyện cơ cực nuôi con đi học. Hiện thằng Phương con ông đã tốt nghiệp THPT, làm cán bộ địa chính xã.
Riêng hai chị em Hồ Ngọc Nhẫn luôn tự hào là nhi nữ vẫn thủy chung ở một mình bám bãi giếng Tiên, giữ lời nguyền của cha mẹ trăn trối.
Đi biển lấy ngày
Đầu năm mới, bà con trên các hoang đảo chọn ngày khai trương nghề đánh bắt. Ra biển đốt nhang cầu Phật Bà Nam Hải, cầu Chúa Hòn. Sau khi thắp nhang, bà con quăng một vài mẻ lưới, giăng một vài tay lưới, cầu mong tổ tiên, thần linh độ trì cho họ trong năm đánh bắt được nhiều, được bình yên trên đầu sóng ngọn gió. Xong bà con trở về các đảo tiếp tục ăn Tết, vui Xuân.
Không như những Tết xưa, những năm trở lại đây, bà con ở hòn, bãi hưởng những cái Tết đúng nghĩa. Chưa có điện lưới, họ dùng máy nổ kéo điện hay dùng đèn măng-sông sáng trưng. Nhà nào cũng có đủ bánh chưng, mứt kẹo và rượu trà, bao tiền đỏ lì xì cho con cháu. Nhiều gia đình, mai vàng nở rộ trước sân tô thắm “sắc Xuân” trên đảo.
Nguồn : TN