Treo một bức thư pháp không còn là chuyện xa lạ, đặc biệt là vào dịp Tết. Vì thế, hình ảnh những ‘ông đồ’ mặc áo dài, khăn đóng, ngồi trên chiếu hoa viết thư pháp mỗi độ xuân về xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Sài Gòn. Họ phần lớn là sinh viên, hay những bạn trẻ yêu thích thư pháp say mê tự mày mò sáng tạo... nên cũng có thể gọi là những "anh đồ".
|
Ngày càng có nhiều "ông đồ" trẻ xuống đường phố Sài Gòn vào những dịp Tết -Ảnh: Quốc Hùng |
Phong trào “ông đồ xuống phố” Sài Gòn bắt đầu xuất hiện trở lại vào những năm 2004-2005. Đến nay hình ảnh những "ông đồ" áo dài, khăn đóng, ngồi trên chiếu hoa viết thư pháp mỗi độ xuân về đã quen thuộc với người dân TPHCM. Khi những chiếu hoa được trải ra cũng là lúc du khách đến tấp nập, các "ông đồ" phải làm việc hết công suất từ 10h sáng đến 22h đêm mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Điều đặc biệt là khác với hình ảnh ông đồ thời xưa phần lớn là những người lớn tuổi viết thư pháp bằng chữ nôm, chữ nho cho chữ, thì ông đồ thời nay trẻ tuổi hơn rất nhiều với chữ viết chủ yếu là bằng tiếng Việt. Phần lớn họ đến với thư pháp bằng sự tò mò, đam mê, tự nghiên cứu và học qua những người biết viết về thư pháp, chứ không qua các trường lớp cụ thể nào.
'Ông đồ' học ngành cơ khí
|
Mới 27 tuổi, nhưng Dương Mình Hoàng đã có thâm niên hơn 10 năm viết thư pháp cũng như tham gia triển lãm thư pháp và mở các lớp giảng dạy về thư pháp - Ảnh: Quốc Hùng |
Dương Minh Hoàng là một trong số những người trẻ đam mê nghệ thuật thư pháp Việt. Mới bước sang tuổi 27, nhưng Hoàng đã có thâm niên hơn mười năm viết thư pháp. Hiện anh trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp tại Nhà Văn hoá Thanh Niên. Dù bản thân anh không có học chuyên môn trường lớp về viết thư pháp nhưng Hoàng sống được với nghề này nhiều năm qua với một cửa hiệu ở quận Phú Nhuận. Anh cũng là một trong những “ông đồ trẻ” tham gia vào phong trào “ông đồ xuống phố” của nhà văn hoá Thanh Niên từ ngày mới thành lập. Không những tham gia phong trào về thư pháp tại các trung tâm văn hoá trong thành phố, tham gia nhiều cuộc triển lãm lớn, anh còn tham gia đứng lớp giảng dạy về viết thư pháp cho những bạn sinh viên học sinh và cả những người trung niên…
Nhưng không ai nghĩ rằng ông đồ trẻ Minh Hoàng lại tốt nghiệp khoa cơ khí tại trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM). Anh Hoàng chia sẻ, theo học ngành cơ khí thực ra là anh tuân theo ước muốn của cha mẹ, bởi thực chất niềm đam mê của anh là văn hoá thư pháp.
Hoàng cho biết, anh đam mê viết thư pháp thời còn học sinh phổ thông cơ sở mà bức thư pháp đầu tay của anh là viết tặng cô giáo dạy Văn lúc anh học lớp tám, nhân này Nhà giáo Việt Nam 20-11. Hơn 10 năm trước, trong một lần cùng những thầy cô tại trường đi xem triển lãm những dòng tranh của các họa sĩ nước ngoài, anh rất thích thú với một số dòng tranh chữ của Tây Phương. Thay vì vẽ tranh phong cảnh, vẽ chân dung người, thì những bức tranh này dùng những con chữ thành một bức tranh. Từ đó anh tập viết theo bản năng và niềm đam mê hội họa vốn có trong người. Rồi cũng từ đó, Minh Hoàng tìm hiểu, tự tìm tòi về thư pháp như một cách thể nghiệm một loại hình văn hoá. Hết sách này đến sách khác, hết cuộc triển lãm này đến cuộc triển lãm khác… ở đâu nghe có thư pháp là Minh Hoàng tìm đến.
Tốt nghiệp ngành cơ khí, nhưng đến nay Hoàng đã định hướng cho mình cuộc sống tự lập bằng công việc viết thư pháp, vẽ tranh mặc dù ban đầu gia đình ra sức can ngăn.
Hoàng nói công việc viết chữ thư pháp thực chất chỉ sôi động vào những dịp Tết. Còn lại những ngày trong năm, anh có nhiều cách để tạo ra nguồn thu nhập trong cuộc sống bằng nghề này như cung ứng các sản phẩm làm quà lưu niệm cho các nhà sách, vẽ tranh, viết thư pháp gửi các phòng tranh, tổ chức các chương trình sự kiện. Những người làm kiến trúc, nội thất cũng hay nhờ anh thiết kế. Bên cạnh đó ông đồ Hoàng còn có một nguồn thu nhập khác là mở lớp dạy, chia sẻ kiến thức với những người cùng đam mê… Với sự linh hoạt trong công việc ông đồ trẻ Hoàng hiện sống được với nghề thư pháp chữ Việt.
'Ông đồ' khi còn là học sinh
|
Hiện còn là sinh viên năm cuối của trường đại học Hồng Bàng, nhưng Lê Quốc Bình lại có thâm niên hơn mười năm viết thư pháp và đã tự trang trải cuộc sống, việc học với nghề viết thư pháp trong hơn 4 năm học đại học -Ảnh: Quốc Hùng |
Cũng giống Dương Minh Hoàng, ông đồ trẻ Lê Quốc Bình đến với thư pháp bằng niềm đam mê khi anh còn là học lớp 7 ở một trường của huyện Phù Cát xa xôi tỉnh Bình Định. Niềm đam mê những con chữ ngoằn ngèo ấy đã thôi thúc Quốc Bình tìm hiểu và tự mày mò học cách viết chữ. Cứ thế mà anh đã viết nhuần nhuyễn những con chữ thứ pháp Việt cho đến ngày hôm nay. Điều đáng lưu ý, dù còn là sinh viên ngành kiến trúc năm cuối của trường đại học Hồng Bàng (TPHCM), nhưng cái chữ viết của 'ông đồ trẻ' Quốc Bình tại khu phố ông đồ, ở Cung Văn hoá Lao động TPHCM xuân Nhâm Thìn 2012, lại luôn thu hút khá đông đảo những người trung niên và lớn tuổi đến xin chữ.
Mặc dù trong những năm qua, việc viết thư pháp giúp Quốc Bình tự trang trải cuộc sống của một sinh viên sống xa nhà, nhưng ông đồ trẻ này sẵn sàng không nhận tiền cho khách ‘mua’ chữ nếu không chấp nhận cho Bình ký tên tác giả viết. Bình tâm niệm, thư pháp là thể hiện cả nghệ thuật và tâm hồn của người viết, nếu không cho ký tên bút tích người viết thì sẽ không còn ý nghĩa của thư pháp, mà nó sẽ trở thành những mãnh giấy in bằng máy. Do vậy, một số người đến xin chữ, nếu yêu cầu không cho ký tên, thì anh không viết. “Cái hay ở thư pháp, ngoài yếu tố nghệ thuật, còn có tính nhân văn, cái đạo lý làm người trong đó. Và tôi đã đưa cả tâm hồn của mình vào từng nét chữ”, Bình chia sẻ.
Không biết sau này có theo nghề viết thư pháp chuyên nghiệp như ông đồ Minh Hoàng hay không, nhưng với Quốc Bình thì việc viết thư pháp chắc chắn sẽ không bao giờ bị quên lãng với anh bởi nó đã đi vào tiềm thức và đam mê.
Và 'ông đồ' học ngành điện
|
Huỳnh Quang Lĩnh cũng được xem là ông đồ trẻ đang rất thành công với việc đưa thư pháp vào đá -Ảnh: Quốc Hùng |
So với nhiều ‘ông đồ trẻ' khác, Huỳnh Quang Lĩnh được xem là ông đồ khá thành công với công việc thư pháp hiện nay tại Sài Gòn. Lớn lên ở vùng quê nghèo miền trung Quảng Ngãi, từ nhỏ Lĩnh đã được ông nội dạy viết thư pháp. Lĩnh còn tìm đến sách báo, nghe đài và lặn lội ra Hội An học thư pháp, vẽ tranh với cố họa sĩ Ái Nhi.
Tốt nghiệp trung cấp điện, nhưng Lĩnh lại làm công việc trang trí sân khấu, thiết kế nội thất. Năm 22 tuổi anh vào Sài Gòn lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. 25 tuổi, Huỳnh Quang Lĩnh nổi tiếng với tài viết thư pháp trên đá (được gọi là thạch thư). Với Lĩnh, mảnh đất phương Nam như có một lực hút đặc biệt giữ chân anh. Và cái nghề tay trái lẫn tay phải này đã giúp Quang Lĩnh trở nên nổi tiếng ở Sài Gòn và nuôi bốn đưa em ăn học tại đây.
Với Quang Lĩnh, để thành công với văn hoá thư pháp này không chỉ là yêu mê nghệ thuật viết, vẽ mà phải có tâm hồn sáng tạo. Với suy nghĩ đó Lĩnh luôn sáng tạo trong việc đưa thư pháp vào nhiều vật liệu khác nhau. Thành công lớn nhất của anh là đưa thư pháp vào những hòn đá, viên sỏi mà hiếm thấy ở các thư pháp của các ông đồ khác.
Thực ra việc đưa thư pháp vào hòn đá, viên sỏi là niềm đam mê của Lĩnh từ lúc nhỏ khi còn ở quê. Lúc nào trong giỏ, cặp đi học của Lĩnh cũng có đá, ở đâu có đá lạ, đá đẹp cậu đều tìm đến để xem. Một lần tình cờ đến Non Nước, Đà Nẵng, Lĩnh say mê xem các nghệ nhân điêu khắc trên đá. Lĩnh tự hỏi sao mình không thể viết thư pháp lên đá? Và Lĩnh bắt đầu mày mò học. Anh tìm những viên đá có hình thù lạ, độc đáo rồi viết những câu danh ngôn theo lối thư pháp đem tặng bạn bè.
Hai năm đầu lập nghiệp tại Sài Gòn, Lĩnh chuyên đi thiết kế, trang trí sân khấu, nhưng lúc rảnh rỗi anh lại đem đá ra viết, vẽ. Năm 2005, trong cuộc giao lưu giữa Nhà Văn hóa Thanh Niên với Lãnh sự quán Trung Quốc, Quang Lĩnh đã có cơ hội triển lãm thư pháp viết trên đá. Cuộc triển lãm đã thu hút nhiều người quan tâm. 100 tác phẩm thạch thư Quang Lĩnh được bán hết chỉ sau một buổi sáng.
Thấy nhiều người tìm đến làm quen, trao đổi kinh nghiệm và đặt hàng, nên Lĩnh quyết định mở câu lạc bộ thư pháp mang tên anh rồi trở thành phó chủ nhiệm và đến nay là chủ nhiệm câu lạc bộ Mỹ thuật thuộc Nhà Văn hóa Thanh Niên, sân chơi của những người yêu thích thư pháp, hội họa.
Đến nay, Quang Lĩnh đã có một phòng tranh, triển lãm thư pháp tại một quận Phú Nhuận. Nơi này vừa là chỗ để đàm đạo về thư pháp, vừa là nơi anh hướng dẫn cho người yêu thích môn nghệ thuật này. Tranh, đá thư pháp Quang Lĩnh cũng đã có mặt trên hệ thống các nhà sách Văn Lang, Nhân Văn, Nguyễn Văn Cừ. .. Với Lĩnh, viết thư pháp phải sáng tạo và anh không dừng lại với thành công viết thư pháp lên đá sỏi mà anh còn thử nghiệm ở nhiều loại hình vật liệu khác như vải bố, cây quế, một loại cây hương liệu và dược liệu nổi tiếng ở vùng quê anh, gốm sứ, vỏ sò, vỏ ốc…
|
Nhiều du khách trong và ngoài nước thích thú đến tìm hiểu thư pháp tại 'phố ông đồ' vào những ngày đầu xuân -Ảnh: Quốc Hùng |
Mặc dù “ông đồ trẻ” xuất hiện ngày càng nhiều ở đất Sài thành, tuy nhiên phần lớn là tự phát mang tính phong trào. Bởi theo những người trong nghề như Dương Minh Hoàng, hay Huỳnh Quang Lĩnh… thì để sống với nó không dễ tí nào. Dương Minh Hoàng cho biết, trong số khoảng 55 ‘ông đồ’ xuống phổ tại nhà văn hoá Thanh Niên Tết Nhâm thìn, thì hơn 90% là sinh viên và những người trẻ tuổi và chỉ có khoảng 10 ông đồ trong số này sống được với nghề viết thư pháp, số còn lại chỉ vì yêu thích nên tham gia cho vui.
Ai cũng biết thư pháp là loại chữ thiên về giá trị tinh thần, thường người ta chỉ viết tặng, biếu hay cho chữ chứ mấy ai “mua chữ”. Ngày xưa, những ông đồ chỉ xem viết thư pháp như một thú chơi tao nhã. Nhưng những ông đồ trẻ bây giờ viết không chỉ để chơi mà còn viết để “sống”.
Nguồn : SGT