Những gốc đào thế, đào cổ Nhật Tân được bày san sát nhau, phủ sắc hồng lên đường Lạc Long Quân.
Tháng 12 Âm lịch hàng năm, chợ đào trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) lại diễn ra để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Đây là chợ đào lớn nhất Hà Nội, dài khoảng 2 km. Các tiểu thương tập trung chủ yếu từ vườn hoa Lạc Long Quân đến ngã ba đoạn giao với đường Âu Cơ.
Một người bán hàng ngồi nghỉ trên vỉa hè đường Lạc Long Quân sau khi chở đào giao cho khách. Những hộ kinh doanh tại đây đa phần là người dân làng Nhật Tân.
Người dân có nhu cầu mua đào cành thường tìm đến khu vực vườn hoa Lạc Long Quân. Phần còn lại của khu chợ chủ yếu bán đào gốc và một số ít quất, bưởi… Các gốc đào tại chợ có giá trung bình từ một chục đến cả trăm triệu đồng.
Người bán hàng giới thiệu các cành đào với khách hàng. Đầu tháng Chạp, một cành nhỏ để bàn có giá từ 70.000 đến 100.000 đồng. Theo chị Hiền, một tiểu thương tại đây, mức giá sẽ tăng dần vào những ngày cận Tết.
“Chợ chủ yếu bán và cho thuê đào gốc. Nhà tôi ở Nhật Tân gần đây nên mở hàng từ đầu tháng, người trong nhà thay ca nhau túc trực suốt ngày đêm ở chợ này”, chị Tâm, một chủ hộ kinh doanh, cho hay.
Thương hiệu đào Nhật Tân gắn với loại đào bích có bông to, màu hồng thắm, dày cánh, nở rộ. Loại đào này được các nhà trồng nhiều nhất do dễ tiêu thụ.
Gốc đào được người bán rao với giá 60 triệu đồng chưa mặc cả, nằm ở ngã ba Lạc Long Quân - Âu Cơ.
Không chỉ rực hồng trên tuyến phố chính, sắc xuân còn xuất hiện cả trong những con ngõ gần đường lớn.
Hoa đào Nhật Tân là biểu tượng văn hóa của Hà Nội mỗi độ xuân về. Trong đó, ba loại chính được bán phổ biến là đào thế, đào cổ và đào cành. Mỗi loại đào phục vụ các nhu cầu và không gian trang trí khác nhau của khách trong dịp Tết Nguyên đán.
Kiều Dương