Người Việt tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những năm tháng vất vả trong cuộc mưu sinh.
Hòa vào dòng người đi lễ bạn sẽ cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ.
Theo quan điểm của người Việt, muốn cầu mong thần tài phù hộ thì đầu năm xuất hành nên chọn hướng chính Tây, còn nếu mong điều hạnh phúc thì phải chọn hướng Nam xuất hành để lời cầu chúc được như ý. Đồ lễ thì là mâm xôi, con gà, chén rượu, ấm trà, cũng có khi chỉ là bông hoa tươi, nén nhang thơm...nhưng theo lệ thường thì một mâm lễ bao giờ cũng phải đủ cả hương, hoa, tiền vàng (tiền âm phủ), tiền dương gian, có thêm một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm mới vạn sự như ý. Lời văn khấn có bài bản, văn vẻ, có vần, có điệu, nghe như thơ, như nhạc, vang mãi trong không gian âm u, huyền bí của đình, chùa tạo nên sự linh thiêng, vừa như ảo, vừa như thực. Lễ xong thường ai cũng muốn nán lại để xin "lộc" nhà chùa, chỉ là một nhánh cây hay bông hoa... tượng trưng cho sự tươi tốt, dồi dào khỏe mạnh.
Bạn có thể bắt gặp hình ảnh dòng người Việt hành hương về cõi Phật khi mùa xuân về ở khắp các ngôi chùa lớn nhỏ trên cả nước như chùa Hương, Yên Tử, Tây Phương, Yên Tử, Tây Phương...hay chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc mọi người đến để cầu lộc tài, ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cầu mong cháu con học hành giỏi giang, tài hiền giúp ích cho đời...Những lời thỉnh cầu, ước nguyện ấy có đến được với những vị thần linh hay không thì mọi người cũng tin rằng chỉ cần đi lễ đầu năm, thành tâm khấn cho gia đình, con cháu được sum vầy, vui vẻ, bình an, đất nước được an vui, thái bình, người người no ấm thì chính bản thân mỗi người cũng sẽ nhận được những phước lành trong cuộc sống. Đó cũng là nét văn hóa và nhân văn của dân tộc Việt Nam.
Nguồn : CSV