Khi cái rét miền Bắc len lỏi theo dãy Trường Sơn để đến vùng Tây nguyên cũng là lúc hoa dã quỳ ở vùng đất đỏ bazan bắt đầu bung nở mãnh liệt.
Khi ấy, đi từ các huyện phía tây của Quảng Nam vào Tây nguyên, hay từ thị trấn Bù Đăng của Bình Phước lên Đắk Nông, rồi theo quốc lộ 28 đi Lâm Đồng, du khách chạy dọc những cánh đồng dã quỳ bất tận.
|
Những cung đường hoa |
Hiện tại hầu như chưa có công ty hay hãng lữ hành nào tổ chức tour du lịch xuyên Tây nguyên chỉ để ngắm hoa dã quỳ dù loài hoa dại này có thể coi là một “đặc sản du lịch” của Tây nguyên. Những cánh đồng dã quỳ trải dài trên gần 700km xuyên qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum không thể tìm ở bất kỳ nơi đâu.
Những ngày cận tết, không gì tuyệt bằng cưỡi xe máy thong dong từ thị trấn Bảo Lộc (Lâm Đồng) qua những cung đường đèo đến Mang Yang (Gia Lai) hay ngược lên Đắk Glei (Kon Tum) để được mãn nhãn ngắm nhìn sắc dã quỳ vàng rực dưới ánh mặt trời, trong không khí se lạnh và những ngọn gió cao nguyên hoang dã.
Một truyền thuyết ở Tây nguyên kể rằng: “Ngày xưa có chàng K’lang của núi rừng yêu tha thiết nàng H’limh của sông suối. Ngày ngày K’lang vào rừng săn bắt thú rừng, còn H’limh khéo léo dệt tấm chăn kiệu chồng (theo tục lệ của bộ tộc, người con gái trước khi lấy chồng phải dệt một tấm chăn thật đẹp để mang về nhà chồng). Cuộc sống hạnh phúc của họ cứ thế trôi đi.
Một ngày kia, H’limh chờ đến tối không thấy K’lang đi săn về. Lo lắng, nàng đi tìm K’lang, đi mãi, hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn núi vẫn không thấy bóng dáng người yêu đâu cả. Mệt quá nàng ngủ thiếp đi, trong giấc mơ nàng thấy K’lang gọi nàng và bảo hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó.
Nàng giật mình tỉnh giấc rồi đi tiếp đến cuối nguồn, thấy K’lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt. Nàng chạy lại ôm lấy người yêu mặc cho những mũi tên, ngọn giáo đâm vào da thịt. Mặc đau đớn, nàng quyết bảo vệ người yêu cho tới khi trúng mũi tên độc cuối cùng của La Rihn, con trai tộc trưởng Lasiêng, kẻ quá hờn ghen với tình yêu của H’limh dành cho K’lang.
Từ đó, cứ mỗi độ tháng 10 nơi nàng H’limh qua đời lại nở ra một loài hoa có màu vàng rực. Đó chính là hoa dã quỳ với những cánh hoa vàng mãnh liệt như tình yêu chung thủy”.
|
Dã quỳ còn nở rộ đến tháng 2 dương lịch nên còn nhiều thời gian cho chuyến du xuân |
Dã quỳ chỉ nở từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Nông dân ở Tây nguyên thường cắt thân dã quỳ để ủ làm phân bón cho cây cà phê. Việc ấy càng khiến chồi non dã quỳ mọc nhanh hơn để bùng lên thành những thảm hoa khổng lồ khi những đợt gió heo may mang theo cái lạnh của miền Bắc tràn vào.
Hoa nở dưới rẫy cà phê, bên những con đường chạy dài bất tận dưới những cánh rừng thông, tràn ngập sắc vàng trên những thảo nguyên bao la.
Cũng từ đó hành trình bằng xe gắn máy từ Lâm Đồng đến Đắk Glei được các bạn trẻ ưa chuộng. Dễ dàng bắt gặp từng tốp học sinh giữa rừng hoa dã quỳ chụp ảnh cho nhau, và các đôi lứa sắp cưới cũng chọn những cánh đồng dã quỳ cho bộ ảnh cưới của mình. Còn bạn, bao giờ sẽ lên đường?
|
Dã quỳ rực rỡ dưới ánh mặt trời |
Tự thiết kế tour ngắm dã quỳ
Có thể đi bằng xe gắn máy hoặc ôtô trên hành trình từ Bảo Lộc đến Đắk Glei. Những điểm dừng chân ngắm hoa dã quỳ thú vị nhất là cao nguyên Lang Bian (Lâm Đồng), cao nguyên M’Đrắk (Đắk Lắk), núi Hàm Rồng (Gia Lai), cao nguyên Chư Pah (Gia Lai).
Bạn có thể kết hợp tìm hiểu đời sống người dân ở các buôn làng Tây nguyên trên suốt hành trình, tham quan thành phố hoa Đà Lạt, làng cà phê Trung Nguyên (Đắk Lắk), buôn cổ M’Liêng (Đắk Lắk), Biển Hồ (TP Pleiku, Gia Lai)...
Với một hệ thống khách sạn, nhà nghỉ dày đặc và giá cả hợp lý suốt hành trình, bạn có thể thoải mái bố trí thời gian để tận hưởng một chuyến du lịch đáng nhớ. |
Nguồn : Tuổi Trẻ