Cái vòng tuần hoàn của chu kỳ trời đất năm nào cũng đến. Ấy vậy mà khi đứng trước khí trời se lạnh cùng những hạt mưa xuân lất phất vương trên những nụ đào, lại thấy lòng xốn xang lạ thường! Và còn bồi hồi, nao lòng hơn nữa khi hình ảnh của xuân xưa cùng những kỷ niệm về Tết cổ truyền dân tộc cứ ùa về…
Dường như đã thành quy luật, những điều khiến con người hoài niệm sẽ luôn trở nên thiêng liêng, đẹp đẽ. Bạn sẽ cảm nhận rõ điều này qua ánh mắt reo vui, qua giọng nói hồ hởi, đôi lúc chùng xuống như thầm tiếc nuối… của những ai từng một thời được sống trong không khí Tết xưa.
Ngày ấy, tuy điều kiện vật chất còn hạn chế nhưng chẳng thể làm phai nhạt không khí rộn ràng của những ngày Tết đến xuân về. Thậm chí, “hồn xuân” trong lòng người còn tới sớm hơn cả sắc xuân đất trời.
Vài tháng trước Tết, người ta đã lo sắm khi thì chút măng khô, lúc ít bóng, ít miến… còn tụi trẻ đếm ngày đếm tháng trông chờ đến Tết. Cứ thế, cứ thế, rồi cũng đến lúc Tết cận kề bên mình.
Nhớ lắm cái khung cảnh cả gia đình tíu tít dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm: chế biến nào mứt quất, mứt cà chua hay ô mai khế, nào thịt đông, hành muối, dự trữ cái chân giò tới cả súp lơ, củ su hào…
Mọi thứ trong nhà được lau chùi sạch sẽ, đến cái xoong, cái chảo cũng được mang ra cọ rửa sáng bong. Ngôi nhà vì thế như được khoác lên mình chiếc áo mới.
Nếu nhà nào không có điều kiện sắm cành đào, chậu quất thì cũng có lọ hoa lay ơn điểm tô cùng mấy bông thược dược đủ màu và sắc tím nhẹ nhàng của violet… Dù không có nhiều loài hoa đa dạng như ngày nay, nhưng chừng ấy cũng đủ để con người cảm nhận về một mùa xuân đang đến thật gần.
Góp phần làm nên không khí ấy, có một thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình là những chiếc bánh chưng tự gói. Mỗi người một việc, nào vo nếp, đãi đỗ, rửa lá, chuẩn bị củi lửa… người lớn thì gói bánh to, trẻ con “góp công” với những chiếc bánh nhỏ nhân đường.
Không khí xoay quanh nồi bánh chưng thật rôm rả với chuyện năm trước năm nay của ông bà, cha mẹ, còn tụi trẻ thì loay hoay đánh dấu “thành quả lao động” vào chiếc bánh mới gói, thi thoảng lại nhấn mạnh thêm: “chiếc buộc 6 lạt của em, cái 8 lạt của chị đấy nhé…”.
Đến ngày 30 Tết, không khí đón xuân càng thêm ấm áp, tươi vui khi hương nước lá mùi lan tỏa, trẻ con người lớn cũng được tắm bằng nước lá thơm ấy. Tất cả mọi lo âu thường nhật cũng như thể được trút bỏ, chỉ còn lại tâm trạng hồ hởi, chờ đón năm mới.
Mọi việc được hoàn tất cũng là lúc nàng xuân tới gõ cửa. Các thành viên trong gia đình diện những bộ quần áo đẹp nhất để đón chờ thời khắc của năm mới. Không khí trước giao thừa trở nên lắng đọng biết bao.
Ý nghĩa thiêng liêng của nó dường như tràn ngập khắp không gian và lòng người. Đến cả tụi trẻ hàng ngày nghịch ngợm là thế mà khi ấy bỗng rụt rè, nghiêm trang lạ thường.
Và khi chuông đồng hồ điểm 12 giờ, khi lộc non trên cành như cựa mình vươn lên... thì người người, nhà nhà cũng chuyển mình theo để đón lấy những điều vui tươi nhất của mùa xuân.
Bên tách trà ấm nóng, bên những chiếc kẹo hoa hồng, kẹo lạc… con cháu kính cẩn chúc ông bà sống lâu trăm tuổi; người lớn “mừng tuổi” trẻ con chăm ngoan, học giỏi; thanh niên đến tuổi dựng vợ gả chồng được chúc đi có đôi, về có lứa… âm thanh của tiếng nói, tiếng cười cứ thế vang lên hòa cùng nhịp thở mùa xuân đã tràn ngập mọi nhà.
Và như tự xa xưa, ngày Tết vẫn là ngày quây quần, đoàn tụ của gia đình, dòng tộc. Sau bữa cơm thân mật, ấm áp tình thân bên chén rượu nồng, các thành viên từ ông bà, cha mẹ tới con cháu lại xúm xít quanh chiếc chiếu với những trò chơi ngày Tết như tổ tôm, tam cúc… Thi thoảng lại rộ lên tiếng “ồ, à” của cả đại gia đình, và chẳng bao giờ thiếu tiếng cười sảng khoái của ông, tiếng cười “giòn tan” của bà hay lanh lảnh của đám con cháu…
Xuân nay cũng lại sắp về, mong rằng những nét đẹp của Tết xưa sẽ không chỉ còn là khoảnh khắc đáng lưu giữ trong tim mỗi người mà còn trở về hiện hữu nơi mỗi nếp nhà.
Nguồn : TN