Từ ngày 07 - 09/02 (tức mùng 10 - 12/01 năm Ất Tỵ) UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Tuần VHTTDL các dân tộc huyện Nậm Nhùn năm 2025, tại quần thể di tích cấp quốc gia Đền thờ Vua Lê Thái Tổ thuộc xã Lê Lợi với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách dịp đầu Xuân Ất Tỵ.
Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ 2025 góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tỉnh Lai Châu nói chung, huyện Nậm Nhùn nói riêng
Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ 2025 là sự kiện văn hóa quan trọng thể hiện sự tri ân, tôn vinh trước những cống hiến, hy sinh của anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sỹ, nghĩa quân, nhân dân đã có công lao to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước, khơi dậy nét đẹp truyền thống, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là dịp để tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em, quảng bá tiềm năng du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung.
Trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia tại lễ hội
Tại lễ hội, ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt là Địa điểm lưu niệm Vua Lê Thái Tổ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Việc tổ chức Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ vào dịp đầu xuân năm mới không chỉ là dịp để tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa mà còntạo ấn tượng tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của nhân dân, du khách,góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh tỉnh Lai Châu giàu bản sắc đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích Địa điểm lưu niệm Vua Lê Thái Tổ gắn với phát triển du lịch.
Chương trình nghệ thuật “Nậm Nhùn miền biên cương ngời sắc” tại lễ khai mạc
Trong khuôn khổ lễ hội, người dân, du khách được tham gia các nghi thức dâng hương tại đền trình và rước tượng Vua Lê Thái Tổ lên khu vực đền chính, nghi thức dâng lễ và phát lộc cho người dân đến tham gia lễ hội nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ.
Điểm nhấn, tại Quảng trường nhân dân huyện Nậm Nhùn, lễ khai mạc Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái tổ năm 2025 vào 20h ngày 070/2 với chương trình nghệ thuật đặc biệt có chủ đề “Nậm Nhùn miền biên cương ngời sắc” chào mừng Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ năm 2025.
Với 3 chương: "Chuyện kể dòng sông", "Sắc màu mùa hội" và "Nậm Nhùn ngời sắc" giới thiệu đến nhân dân, du khách về chiến công của Vua Lê Thái Tổ, sự ra đời của Bia Lê Lợi, dòng sông Đà hùng vĩ;, nét đẹp thiên nhiên, văn hóa, tinh thần kiên cường, vượt khó của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu nói chung và huyện Nậm Nhùn nói riêng trong hành trình phát triển cùng đất nước.
Cùng trải nghiệm các hoạt động sôi động, phản ánh đời sống văn hóa phong phú của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu nói chung, huyện Nậm Nhùn nói riêng như: đua thuyền én, đua bè, thi giã bánh giày, thi văn nghệ, trình diễn trang phục các dân tộc, giải bóng đá nữ dân tộc 7 người…
Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa tại lễ khai mạc
Năm 2025 là năm đầu tiên Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ được tổ chức quy mô cấp tỉnh nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa và quảng bá tiềm năng du lịch độc đáo của Nậm Nhùn.
Những sắc màu văn hóa độc đáo tại Lễ hội Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Tuần VHTTDL các dân tộc huyện Nậm Nhùn năm 2025 không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóatruyền thống tốt đẹp củacác dân tộc nơi biên cương Nậm Nhùn.
Quần thể Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Bia Lê Lợi là một trong những di tích lịch sử quan trọng để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi trong công cuộc dẹp loạn vùng biên cương, nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh, văn hóa mang ý nghĩa sâu sắc. Bia Lê Lợi được vua Lê Thái Tổ cho khắc vào vách đá năm 1431, ghi lại sự kiện dẹp loạn và lời răn dạy các tù trưởng địa phương.
Năm 2005, Nhà máy Thủy điện Sơn La khởi công, để tránh bị ngập nước phần bút tích, văn Bia của vua Lê Thái Tổ đã được di dời. Năm 2012, Bia Lê Lợi được di dời khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ đến khuôn viên Đền thờ vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500m. Di tích Bia Lê Lợi đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, Đền thờ vua Lê Lợi cũng được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nguyễn Oanh
Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 08/02/2025