Từ giao thừa đến hết tháng Giêng, lượng khách hành hương khiến các ngôi chùa trở nên đông đúc, khác hẳn so với khung cảnh thanh bình trước giao thừa.
Phủ Tây Hồ
Đây là một trong những điểm tâm linh đông đúc nhất ở nội
thành Hà Nội vào dịp Tết. Hầu như năm nào từ mùng 1 tháng Giêng mọi con đường dẫn
vào phủ cũng đông kín xe máy, ôtô, nhiều thời điểm dòng xe cộ còn kẹt cứng. Người
đi lễ tấp nập từ cổng vào đến bên trong.
Vào các thời gian còn lại trong năm, phủ không quá đông đúc,
nhờ không gian thoáng rộng. Nhiều du khách thích ghé nơi này vừa đi lễ, vừa tận
hưởng bầu không khí trong lành, thoáng đãng.
Không chỉ có cảnh đẹp, phủ Tây Hồ còn được coi là nơi linh
thiêng cầu tài lộc. Do đó, nơi đây đặc biệt đông đúc vào ngày đi làm đầu tiên của
năm mới
Đền Ngọc Sơn
Cầu Thê Húc dẫn vào ngôi đền nằm giữa Hồ Gươm trở nên nhộn
nhịp hơn trong những ngày đầu năm mới. Trong năm, thường cuối tuần hoặc ngày rằm,
mùng một, đền mới có cảnh đông đúc. Để vào tham quan hoặc đi lễ, du khách phải
mua vé 30.000 đồng/người.
Đền Ngọc Sơn mở cửa từ 7h đến 18h, cuối tuần hoặc ngày lễ, Tết,
đền mở muộn hơn, đến 21h. Nằm ở vị trí trung tâm Hà Nội nên lượng khách đổ về
đây rất lớn. Có thời điểm lượng người đến lễ quá đông, nhà đền phải đóng cửa
chính để hạn chế người vào, chỉ mở cổng phụ cho người từ trong đi ra.
Trước khi vào đền, du khách thường ghé Tháp Bút, Đài Nghiên,
bước qua cầu Thê Húc, cổng Đắc Nguyệt Lâu... Đây đều là những công trình thể hiện
tư tưởng Nho giáo kết hợp Đạo giáo và Phật giáo.
Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương Đế Quân, ngôi sao chủ việc
văn chương, khoa cử và Trần Hưng Đạo, vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ
13.
Chùa Trấn Quốc
Nằm trên đường Thanh Niên, giữa đền Quán Thánh và phủ Tây Hồ,
chùa Trấn Quốc thường xuyên rơi vào cảnh tắc nghẽn lối vào trong những ngày Tết.
Đây là ngôi chùa lâu đời bậc nhất Hà Nội, nổi tiếng với bảo tháp cao 11 tầng ở
giữa vườn tháp Tổ, vừa được công nhận có kiến trúc đẹp nhất thế giới.
Đền Quán Thánh
Chỉ cách chùa Trấn Quốc vài trăm mét, đền thờ Huyền Thiên Trấn
Vũ, một trong bốn vị thần để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa. Nếu
những ngày thường, cổng chùa thông thoáng thì ngày Tết, nơi này nhộn nhịp, dòng
người xe tấp nập cả trên vỉa hè và dưới lòng đường, chờ vào lễ.
Chùa Hà
Nằm xa trung tâm thành phố nhưng chùa Hà thu hút nhiều du
khách và Phật tử, nổi tiếng về cầu duyên. Sân và nhà chùa không quá rộng nên dịp
Tết, không gian càng trở nên bé nhỏ với lượng khách lúc nào cũng tấp nập. Đến
đây vào những ngày thanh vắng, bạn sẽ cảm nhận được không gian xanh với nhiều
cây ăn trái quanh sân chùa.
Vy An
Theo VnExpress