Từ ngày 27 đến 29-1, tức mùng 5 đến mùng 7 Tết Nhâm Thìn, lễ hội bài chòi - một nét văn hóa đặc trưng của miền Trung - sẽ lần đầu tiên diễn ra tại sân nhà hát Kim Mã, Hà Nội.
Lễ hội do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức nhân kỷ niệm 223 năm Quang Trung đại phá quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long trong mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789.
Lễ hội có sự tham dự của 15 nghệ nhân bài chòi không chuyên, được lựa chọn từ lực lượng hát bài chòi đông đảo ở Bình Định. Bên cạnh các nghệ nhân cao tuổi có khả năng sáng tác, khả năng ứng khẩu nhanh nhạy còn có nhiều nghệ nhân tuổi đời còn rất trẻ nhưng có giọng hát được đánh giá là rất ngọt, tham dự lễ hội này.
Đại diện của Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho biết, năm 2010, Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đầu tư cho Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch dự án văn hóa phi vật thể "Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định". Dự án phục dựng này đã được các nghệ nhân thực hiện thành công và tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân ở một số nơi.
Sau đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định đã tổ chức lớp tập huấn Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định cho các cán bộ chuyên môn, nghệ nhân. Từ đó, các trình thức của loại hình diễn xướng này từ phần khai trường, khai hội, chạy hiệu, trúng thưởng, phát thưởng, kết thúc một hội chơi bài chòi đã được hầu hết các nghệ nhân nơi đây nắm rõ.
Bài chòi phát triển khắp vùng đất Nam Trung bộ, thậm chí lan tỏa tới vùng Bình Trị Thiên nhưng phát triển mạnh nhất ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Hiện Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đang tiến hành dự án phục hồi bài chòi ở miền Bắc...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bình Định đang triển khai xây dựng hồ sơ, đề xuất UNESCO công nhận bài chòi là di sản văn hóa của nhân loại.
Nguồn : SGT