Mỗi năm thêm một tuổi. Ký ức ấu thời với những đồng tiền mừng tuổi nhạt dần. May là tục lì xì vẫn còn đó như một sự gợi nhớ, nhắc nhở đẹp.
Những chiếc xe thổ mộ cuối cùng sót lại đang được trân trọng lưu giữ để thế hệ sau nhớ lại một thời quá vãng. Tục lì xì, nếu không khéo phát huy mặt tốt để thành tập quán, e rằng còn khó được lưu giữ hơn các vòng bánh gỗ. Đơn giản chỉ vì chúng toàn là thứ dễ mai một nhất: các phong bao đo đỏ và các mảnh tiền thuần chất liệu… giấy.
Vòng quay độc đáo
Cũng may, đến giờ, hai từ “lì xì” mỗi năm còn được “đến hẹn lại lên”. Mối gắn kết của nó với sự phát triển xã hội, mặt bằng địa lý quê-tỉnh, liên hệ thân thuộc và tầm mức xã giao mở rộng đang là một tiềm năng giúp lì xì có thể tồn tại lâu dài. Trong cố gắng bảo lưu ấy không thể thiếu những suy nghĩ nghiêm túc của mỗi người. Hãy tạm quên đi những biến tướng từ lệ tục này để chân nhận rằng, lì xì đã lách vào và chiếm hẳn được một chỗ đứng riêng trong sinh hoạt xã hội Việt, vốn đang một ngày một lạ.
Càng xa ánh đèn đô thị, hình thức lì xì càng giữ được nét đẹp nguyên tuyền
|
TDù chỉ hiện diện ngắn ngủi những ngày xuân nhưng lì xì cũng đã có cả một vòng quay độc đáo. Các phong bao đo đỏ lớn nhỏ mang các chữ phúc, lộc, thọ hay hình mai vàng, chú bé ôm đào vẫn là một mặt hàng tạo kế sinh nhai hằng năm cho biết bao nhiêu người. Tiệm sách, siêu thị, quầy tạp hóa cứ đến Tết là tràn ngập sắc màu bao và bao. Cứ gần cuối năm ngân hàng nhà nước đều lên tiếng khẳng định một việc mà dân kinh tế châu Âu nghe cũng thấy lạ: không thiếu tiền lẻ cho dân chúng “tiêu” tết. Lương cuối năm của một số nhân viên nhà băng được chấp nhận lãnh bằng… tiền mới mệnh giá thấp. Từ đó đẻ ra vòng quay đua nhau đổi tiền lì xì trong dân gian với lắm chuyện nhiêu khê bi hài. Các trang mạng và xã hội ngầm cứ gần cuối năm lại rộn lên rao hàng những sản phẩm để “mừng tuổi” lạ, từ đồng 2 USD, tiền Zimbabwe mệnh giá hàng tỷ hay tiền hình Cọp cách đây hằng mấy thập niên. Tất cả xã hội xoay vần như thế chỉ để phục vụ mỗi chuyện lì xì.
|
60 năm trước, khi báo Phong Hóa ra một bài phê phán về đợt cải tổ nếp sống mới sau Cách mạng tháng Tám, tục lì xì đã một lần bị “xìu” gần hai ba năm. Cũng may đó chỉ là một thử thách nhỏ để lệ này chứng tỏ được những điểm sáng và ngoi lên tồn tại tiếp. Học giả Nguyễn Quảng Tuân cũng từng lên tiếng bênh vực duy trì thứ “nền nếp” chỉ kéo dài suốt những ngày mùng đầu năm này. Theo ông, nhờ xã hội cho một chỗ đứng, lì xì tựa con thuyền nhỏ chở người cho-kẻ nhận tiền mừng đầu năm sống và về lại vùng ký ức tuổi thơ.
|
|
Cứ theo lịch sử, người Minh Hương đã đưa tục lì xì từ Trung Quốc đến mảnh đất phía Nam nước ta vào thế kỷ 17, 18. Thế nên lì xì chỉ là một phương ngữ được mượn diễn tả thói quen “mừng tuổi”. Cũng vì lệ tục này gắn bó quá mật thiết với đồng tiền, nên xét ra, càng xa ánh đèn đô thị hình thức lì xì càng dễ giữ được nét đẹp nguyên tuyền.
Ở làng quê, mặt bằng kinh tế có độ chênh lệch thấp. Thước đo tài chính nằm ở sản vật hơn ở đồng tiền có mệnh giá. Một phong bao – phải màu đỏ - chứa bên trong những tờ tiền - phải mới toanh - nhưng ai cũng biết tỏng chúng đều mang các mệnh giá vừa, nhỏ, sàn sàn. Về quê ăn Tết người lớn ít phải lo đối phó các tình huống bối rối, bẽ mặt vì lì xì như khi đi chúc nhau tại thành phố. Nét trong trẻo hồn nhiên ấy chỉ cần đổi chỗ quê-tỉnh là ai cũng sẽ nhẹ nhàng “sống chung với lì xì”.
Ở quê, tiền bên trong phong bao đỏ có giá trị kinh tế thực tiễn hơn, rất dễ chuyển thành sách vở, quà mừng, thậm chí từ thiện sau khi đã một lần nằm trong heo đất hay túi nhỏ tiết kiệm. Có khi gom hết lại các phong bao trẻ được nhận sẽ là tấm vé tàu xe từ tỉnh trở lại quê của cả một gia đình. Lệ lì xì chỉ dễ thành tập quán nếu người thành phố “biến mình thành dân quê” mỗi năm một lần là thế!
Sợi chỉ hồng buộc tay trẻ
|
Năm 2004 tấm phong bao lì xì đo đỏ suýt biến mất khỏi thị trường hàng hóa khi xuất hiện các túi đựng lì xì dễ thương ngộ nghĩnh song hành với sự ra đời của những tiền đồng be bé xinh xinh mệnh giá 1, 2 và 5 ngàn đồng. Ngày ấy heo đất bán thật chạy và những ngày đầu năm nhà nhà đều có những tiếng kêu leng keng vui tai.
|
|
Lì xì ra đời từ cái nôi gia đình nên muốn tồn tại để trở thành một phần của văn hóa Việt nó cũng phải được nâng cấp từ mặt bằng này. Xét ý nghĩa nguồn gốc xuất xứ, lì xì không hề là một hủ tục. Nó là hình thức trao phước tạo hên đầu năm cho nhau, không nhất thiết phân biệt chiều lớn xuống nhỏ, hay ngược lại.
Cho dù bắt nguồn từ truyện bát tiên chầu tiền trong tục “canh tụy” trừ tà con nít hay từ tích được rắn vừa tặng ngọc trấn an cho trẻ vừa phát ra âm thanh “lì xì”… tất tật đều mang nặng ý nghĩa tấm lòng người thân trao cho các em bé ngày đầu năm. “Mừng tuổi”, đó là nội dung thiết yếu mà người Việt cần dứt khoát trích ra từ phương ngữ lì xì vay mượn. Càng dứt nó ra khỏi hình thức quà Tết, mừng đám cưới, sinh nhật, thưởng cuối năm mà người Hoa vẫn “khoác” thêm cho lì xì, tục tặng tiền này càng dễ biến thành tập quán.
Ngày xưa con cái cháu chắt phải lạy bố mẹ ông bà 2 lạy rưỡi mới được phép dâng tiền chúc, thì chí ít bây giờ, kẻ nhận phong bao phải biết “chúc” mới đáng nhận lì xì. Điều đó nằm ở quá trình dạy bảo. Ở mẫu giáo, tiểu học, lứa tuổi mục tiêu của lì xì, trẻ hiếm khi được “hội thảo” về quyền lợi và bổn phận của niềm vui này. Càng hiếm hơn là những bài học dạy cách chúc tết, nhận phong bao, sử dụng tiền mừng. Dường như người lớn nghĩ lũ trẻ trưởng thành rất nhanh, sẽ quên ngay việc lì xì, hơi đâu bận tâm. Đừng quên, theo thống kê có đến 76,25% trẻ thích và chỉ 2,5% trẻ làm lơ tiền lì xì. Còn hỏi về ý nghĩa lì xì có đến 92% trẻ đều nghĩ đó là mang phúc và vận may đầu năm cho chúng. (webtretho.com). Trẻ đã nghĩ được thế thì e rằng các biến tướng đang được “tru tréo” lên như hiện nay đều xuất phát từ... người lớn.
Thuyền lì xì khẳm vì tuổi đời
Ngày nay chắc chắn sẽ chẳng còn ai nhận được phong bao bên trong chỉ ghi độc một chữ Phước. Thế nhưng người lớn, lớp tuổi mà giờ đây mỗi lần Tết đến không được lì xì nữa, chí ít cũng vài lần kể lại chuyện nhận lì xì ngày thơ ấu của mình cho con nghe. Họ cũng biết rằng niềm vui nho nhỏ ấy trẻ chỉ có được vài ngày rồi sẽ chìm vào cuộc sống xô bồ chữ nghĩa cả năm. Hiểu thì hiểu nhưng mấy người lớn biết cách giữ ấm niềm vui ấy trong nhà và làm lan tỏa ra ngoài.
Bố mẹ, anh chị lớn vẫn có thể tự nghĩ cách giúp cho trẻ cũng như chính mình “thăng hoa” trong suy nghĩ hành xử chuyện lì xì. Cách ta mừng tuổi ông bà ra sao, kể cả nội dung lẫn hình thức, là kiểu giáo dục lớp trẻ tại gia tốt nhất. Ra ngoài đường, người lớn cần biết “lạnh đầu” trước cám dỗ so kè hơn thua vị thế xã hội qua tiền mừng; biết giữ nhịp vui ngày xuân cho gia đình người khác bằng các hành xử hợp lý (trẻ chưa biết tiêu tiền thì lì xì mệnh giá thấp, đứa biết sử dụng tiền thì mệnh giá khá hơn) và quyết đoán khi rút ví ra mừng.
Cũng may, lớp tuổi teen ngày nay đã trở thành một van điều hòa giữa ý nghĩa lì xì nguyên thủy và lì xì biến tướng. Họ đã biết trao nhau những phong bao tự chế với các đồng tiền mệnh giá thật nhỏ nhưng thật mới, thật gói ghém tình. Chúng còn tổ chức lì xì nhau bằng các hình thức dễ thương như bốc thăm, game show. Thậm chí giữa các cô cậu vẫn vui khi cho và nhận những phong bao và tiền lì xì... ảo được gửi qua đường mạng. Ngay cả như năm nay, khi mùng 1 tết trùng đúng ngày lễ Tình nhân, nhiều bạn trẻ cũng cho biết sẽ không để phòng bao lì xì mừng tuổi gánh thêm món quà người yêu tặng nhau. Họ nghĩ “phải đâu ra đó”, và như thế, chiếc thuyền lì xì chở nặng ký ức sẽ không bị khẳm vì những thứ vụn vặt biến tướng khác.
Nguồn : TN