Tiếng nổ đì đùng từ gian hàng kế bên khiến cô gái trạc 4 tuổi tò mò hỏi: Tiếng gì vậy ba? À, đó là tiếng pháo, ba cô bé trả lời. Pháo là gì hả ba? Tại sao nó lại kêu được vậy? Tại sao... Ba cô bé bắt đầu giải thích cho con trẻ khái niệm mà có lẽ lần đầu tiên trong đời nó được nghe.
Nhìn dây pháo điện tử dài cả mét với các viên pháo màu đỏ to gần bằng cổ tay, không chỉ có cô bé tò mò mà nhiều người cũng phải quay về phía gian hàng này khi thỉnh thoảng nghe tiếng nổ được khuếch đại bằng cặp loa, lấn lướt các âm thanh lẫn lộn khác phát ra từ các gian hàng trong hội chợ hoa xuân tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TPHCM.
Tiếng hỏi của bé trong khung cảnh thấm đẫm chất quê mộc mạc với hoa, với đồng lúa, với vườn bắp giữa chốn phồn hoa đô hội, khiến ba cô bé bất giác nghe trong không khí mùi nồng nồng của hương vị quen quen, thấy cay cay trong khóe mắt làn khói cay ngày nào, và thấy vọng về trong ký ức của mình âm thanh của hơn 20 năm trước – thời mà tiếng đì đùng của pháo là âm thanh không thể thiếu trong đêm giao thừa.
Đã có một thời người ta tiễn năm cũ đi và đón năm mới về bằng tiếng nổ của pháo đại, pháo trung, pháo chuột và nhiều loại khác. Người thích thì nói tiếng nổ của pháo rộn ràng, làm con người hưng phấn với hương xuân; còn kẻ không ưa thì coi những âm thanh chỉ ồn ào, vì không có pháo xuân vẫn sang đấy thôi!
Tết xưa nhuốm màu xác pháo đỏ trong sân, ngoài cổng, và thậm chí người ta chứng tỏ sự giàu sang của mình qua độ dài của băng pháo. Người nhiều tiền thì khoe băng pháo dài vài mét, còn kẻ ít tiền thì cũng ráng tìm băng pháo dài cỡ gang tay đốt cho có với người ta.
Với đám con trai choai choai ngày ấy thì pháo có sắc màu riêng. Nhiều khi đó là cách chứng tỏ sự lì lợm của mình qua việc châm ngòi pháo rồi đợi pháo sắp nổ mới quăng đi. Chính cái trò này đôi khi được con gái phong lên làm ‘quỷ’. Viên pháo được xé ngòi, búng bớt thuốc để khi đốt không nổ ngay mà cháy từ từ. Đám con trai đợi con gái đi ngang qua, đốt rồi quăng vào chân cô gái. Nhiều cô giật bắn người vì tiếng nổ ngay dưới chân mình, vội đưa mắt nhìn đám con trai đang cười hí hí chửi: Đồ quỷ! Nhiều khi chửi xong lại bẽn lẽn cười với ‘đám quỷ’ đó. Ngày xưa nghèo nhưng người ta ăn tết dài, hết mùng (hết mùng 10) mới chịu thôi, và do vậy pháo cũng nổ trong thời gian ấy.
Mà đâu chỉ có dịp tết, ngày thường người ta cũng nghe được âm thanh ấy. Nghe tiếng pháo nổ, người ta biết ngay là đâu đó có đám cưới. Tiếng pháo nổ góp vui cho niềm vui hai họ, nhưng nhiều khi nó cũng là nỗi buồn của kẻ đang tan nát cõi lòng theo xác pháo khi người yêu người yêu đi lấy người khác!
Sắc thái vui buồn của pháo cũng đã được người ta đưa vào thơ, vào nhạc, và dùng nó với môt nghĩa tượng trưng nào đó. Thực tế, pháo cũng đem đến không ít đau thương cho nhiều người. Hồi đó, năm nào chả nghe có tai nạn vì pháo. Người làm ra nó bị nạn, và người chơi nó cũng bị thương. Không ít kẻ trong đám choai choai ngày ấy bị nám tay, thậm chí rách bàn tay vì không kịp ném đi viên pháo đã tới lúc nổ.
Chính vì sự nguy hiểm này, Việt Nam đã cấm sản xuất và đốt pháo kể từ đầu năm 1995. Kể từ đó, không khí đêm giao thừa là những đám đông ngửa cổ lên trời nhìn pháo bông nổ thành chùm rồi rơi xuống; trong khi đó những người ở nhà dán mắt vào tivi theo dõi những tia sáng vụt lên không trung rồi tản ra với nhiều hình dạng và nhiều sắc màu. Ở một vài nơi, khoảnh khắc đêm giao thừa được điểm bằng tiếng chuông nhà thờ, tiếng chuông chùa thay tiếng pháo nổ năm xưa.
Xuân vẫn sang, tết vẫn đến dù pháo không nổ trong 17 năm qua. Bất chấp những khó khăn của năm cũ và cho dù viễn cảnh kinh tế sắp tới có màu gì đi chăng nữa, người ta vẫn đang hối hả đón tết và chơi xuân.
Tiếng pháo năm xưa nay được mô phỏng lại trong tiếng loa điện tử (cũng giống như người ta lấy kim đâm vào chùm bong bóng giả tiếng pháo trong ngày tân hôn). Có thể cô bé kia đã phần nào hiểu được tại sao pháo nổ qua giải thích của ba mình, nhưng có lẽ nó sẽ không cảm nhận được mùi pháo trong đêm giao thừa và trong mấy ngày tết như ba nó, và chắc chắn nó sẽ chẳng bao giờ có dịp chửi kẻ nào đó là ‘đồ quỷ’ khi giật mình vói tiếng pháo nổ ngay dưới chân mình.
Nguồn : SGT