Phố ông Đồ - một nét văn hóa mỗi độ xuân về đã bắt đầu khởi động trước nhu cầu "xin chữ" ngày tết của người dân TPHCM.
Xuân đến, bên cạnh những chậu mai, cành đào mang lại không khí Tết, các gia đình Việt ngày xưa thường có thói quen treo mấy câu liễn, đối… vừa trang trí vừa bày tỏ khát vọng năm mới và cảm nhận cuộc đời của gia chủ. Truyền thống chơi liễn, đối này bộc lộ một khía cạnh văn hóa của một dân tộc yêu văn chương, quý chữ nghĩa, trọng người học thức.
Có khi, người ta không treo đầy đủ hai câu liễn, hai vế đối mà giản dị chỉ treo một vài chữ mà chủ nhà tâm đắc; có thể là chữ Nhẫn, chữ Phúc, chữ Tâm… viết theo lối chữ Hán cổ một cách nghệ thuật, bay bướm hay nghiêm chỉnh, theo lối “thư trung hữu họa” (trong chữ có tranh) vẫn được gọi là thư pháp. Chữ - thực chất là tranh chữ - được treo trang trọng trong gia đình, vừa bày tỏ tâm niệm của gia chủ vừa là lời nhắn gửi đến con cháu, khách khứa về đạo làm người.
Gần Tết, các gia chủ thường tìm tới những nhà nho văn hay chữ tốt trong làng, xã để “xin chữ”; ở phố thị, người xin chữ có thể tìm tới những ông Đồ trên phố. Và đó là tình huống ra đời bài thơ nổi tiếng “ông Đồ” của Vũ Đình Liên (1913-1996).
Ngày nay, người đọc và hiểu được chữ Hán không còn nhiều, nhưng truyền thống “chơi chữ” ngày Xuân vẫn còn mạnh mẽ; và thế là thay vì trưng bày liễn đối, chữ bằng chữ Hán thì người ta treo những bức “tranh chữ” viết bằng chữ Việt, theo chữ cái Latin nhưng được cách điệu cho bay bướm, đẹp mắt. Tuy không đạt tới mức "thư trung hữu họa" như thư pháp chữ Hán (vốn là chữ tượng hình), những bức tranh bằng chữ Việt vẫn có những nét hấp dẫn riêng, tùy vào tài hoa của người cho chữ.
Những “phố ông Đồ” hình thành trong những ngày giáp Tết ở Sài Gòn, Hà Nội và một số nơi khác đáp ứng nhu cầu đó, và đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết đến, Xuân về.
Dạo qua “phố ông Đồ”, “chợ” thư pháp những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, không thể không bồi hồi nhớ lại “những người muôn năm cũ” trong thơ Vũ Đình Liên, bài thơ đã đi cùng bao thế hệ qua mỗi mùa xuân:
Ông Đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay".
Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy.
Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên
(Tinh Hoa, 1936)
>>> “Ông Đồ” – thơ Vũ Đình Liên, nhạc Võ Tá Hân, trình bày Khắc Dũng.
Nguồn : SGT