Ngày đầu năm, tôi ngồi sửa soạn khay bánh mứt chuẩn bị đón khách tới chơi mới chợt giật mình. Ở một góc nhà, mấy thùng bia chất thành chồng cao, đếm qua đếm lại thấy có đến 14 thùng, với đủ nhãn hiệu, từ trong nước, đến nhập khẩu.
Tất cả đều là quà biếu tết của ba mẹ tôi, hai ông bà già đã vào tuổi thất thập cổ lai hy.
Ba mẹ chẳng phải là dân làm ăn, kinh doanh, cũng không phải từng làm quan to chức lớn nên hàng chục thùng quà bia, rượu kia không phải là quà cảm ơn từ đối tác mà đều là của con, cháu biếu ông bà lúc xuân về.
Mẹ tôi kể, nhà có 5 đứa con thì có đến 3 đứa tặng bia với rượu tây, rồi mấy đứa cháu ruột, cháu họ cũng lũ khủ mang đến toàn bia với rượu. Thậm chí, quà của thằng cháu ngoại 20 tuổi, biếu ông bà để mừng món tiền đầu tiên kiếm được trong đời cũng là một thùng bia.
"Hình như không biết tặng gì nên tụi nó cứ mua bia. Cứ tết là mỗi đứa lại ôm đến một thùng", mẹ nói.
Nhà tôi không phải là trường hợp cá biệt, mấy nhà hàng xóm - chủ yếu là nhà của những bậc cao niên cũng vậy. Nhà nào cũng có vài thùng bia là quà biếu tết. Tính sơ sơ, chỉ hơn chục căn nhà ở một xóm nhỏ bình thường như quê tôi đã tiêu thụ gần cả trăm thùng bia trong tết này.
Tết quả là mùa làm ăn béo bở cho mấy hãng bia, một phần là do "sức uống khủng khiếp của người tiêu dùng" như cách nói của một tờ báo đã dùng khi đưa thông tin cho biết người Việt tiêu thụ hàng tỉ lít bia mỗi năm, phần khác có lẽ là do văn hóa tặng quà của người quê tôi đang dần thay đổi. Dường như khi khấm khá hơn, người ta lại có xu hướng chọn quà đắt tiền và dễ mua hơn còn phần ý nghĩa tinh thần của món quà, rồi chuyện liệu món quà đó có thích hợp với người nhận quà hay không thì lại bị kém ưu tiên hơn một chút.
Me lại nhớ, trước đây, loại quà biếu tết mà ông bà nhận được nhiều nhất là mấy hộp bánh, những đòn bánh tét tự gói, bó bông chưng bàn thờ hay chả giò, hủ mắm chua, củ kiệu, dưa món để ăn tết. Thậm chí, anh con rể lớn là người gốc Bắc còn cất công đặt người quen mang vào phương Nam một cành đào để ba mẹ thưởng thức xuân phương Bắc. Nếu có biếu rượu thì cũng chỉ là lít rượu nếp được đặt riêng để ông bà cúng mấy ngày Xuân.
Giờ đây, mấy món đó quà của ngày xưa đã dần mai một, thay vào đó là rượu hộp, bia và những "hộp quà công nghiệp" tức là giỏ quà bọc bởi tấm giấy kiếng to, gói bên trong đó thường là bánh tây, rượu... và bột cà phê hòa tan kèm theo bột pha cà phê theo kiểu phương Tây, thứ mà ông bà già không hề đụng đến vì "nó dở ẹc" và cũng không dám uống vì sợ đêm mất ngủ nhưng lại cũng không thể cho hàng xóm vì ở quê hiếm có người uống được loại thức uống này.
Thế nên, cứ mỗi sau tết, ba mẹ tôi lại phải bỏ công tính toán coi phải làm gì với mấy món quà tết. Một ít thứ có thể dùng, một số phải năn nỉ mấy đứa trẻ con ăn giúp và nhiều món cứ phải để hoài rồi bỏ đi vì chẳng ai biết làm gì với nói. "Cả một đống tiền, bằng đó là mấy nhà ở quê ăn được cái tết rồi", mẹ tiếc.
Quay lại chuyện bia, tôi nói với mẹ, người Việt mình uống bia là số 1. Có tờ báo nói rằng, một hãng bia nước ngoài dự báo đến năm nay, năm 2012 Việt Nam sẽ chiếm vị trí của Pháp để trở thành thị trường tiêu thụ lớn hai của hãng, chỉ xếp sau Mỹ. Đến vài năm nữa thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường lớn nhất thế giới của hãng này.
Mẹ dường như không hiểu thị trường lớn nhất thế giới là lớn cỡ nào, chỉ nói thêm vào là thời này, mấy quán bia là bán được nhất, rồi chặc lưỡi: "Quà của con cháu thì quý nhưng toàn bia là bia, không biết đến khi nào mới uống hết. Tết sau mà có mấy món hồi xưa thì thích hơn hay chỉ đến ăn cơm tết thôi thì cũng vui rồi".
Nguồn : SGT