Cứ mỗi dịp Tết đến, chúng ta lại luôn cảm thấy xao xuyến, rộn ràng, náo nức khó tả. Tết luôn là một khoảng thời gian có ý nghĩa lớn trong tâm trí mọi người Việt Nam dù ở bất cứ nơi nào. Đó như là điểm mốc giữa hiện tại và tương lai, là sự hòa hợp, giao thoa giữa không gian và thời gian, giữa con người với trời đất.
Thiếu nữ Hà Nội với mùa xuân
|
Ngay khi những cơn rét cuối Đông ngắn dần, những cơn mưa bụi li ti giăng giăng vào buổi sớm mai, chiều hôm, những chồi biếc vừa nhú lên trên cành và những nụ hoa chớm nở đón tiết Xuân về…, thì những âm hưởng Tết đã ngân lên trong lòng mỗi người. Những ý nghĩ, kế hoạch cho ngày Tết chợt len lỏi trong đầu ngay từ trước Tết hàng tháng. Trẻ con thì nghĩ tới quần áo mới và những phong lì xì. Các cô, cậu lớn hơn thì để mắt tìm bộ cánh thật đẹp, thật mốt và trong đầu đã nghĩ tới chuyến du Xuân cùng bạn bè trang lứa… Người lớn thì nghĩ tới việc mua sắm, tới những chi phí, những nơi cần biếu quà Tết, vạch kế hoạch cho cả gia đình trong dịp nghỉ Tết. Các ông, bà cao tuổi thì mong ngóng tin tức của con cháu đang xa nhà xem năm nay có được về sum vầy ăn Tết không… Bánh xe thời gian cứ lặng lẽ quay và người ta lại thỉnh thoảng nhẩm tính: còn 1 tháng nữa, còn 20 ngày nữa, rồi còn vài ngày nữa… là đến Tết. Tết Hà Nội đến dần trên từng con phố tràn ngập hàng hoá, đỏ rực màu của mứt, của bánh kẹo, của lịch, của hoa đào… Phố phường như nhộn nhịp hơn, người ta đi lại dường như hối hả hơn…
Bàn thờ tổ tiên ngày Tết
|
Tôi nhớ tới ngày Tết khi còn nhỏ, mẹ tôi cứ lặng lẽ mua sắm mọi thứ cho gia đình đón Tết. Mỗi hôm bà sắm một thứ, về đem cất vào tủ hoặc để trên bàn thờ: lúc là vài lạng măng lưỡi lợn, bó miến, khi là mấy cân gạo nếp, đỗ xanh… rồi cân hành để muối, ít mộc nhĩ, nấm hương, hộp mứt, chai rượu… Tôi thì luôn để ý xem mẹ đã mua cho mình bộ quần áo mới chưa. Mẹ tôi thường nói với bố: Mình phải tranh thủ mua sớm, kẻo nhỡ hết hàng thì không mua được. Bây giờ thì khác rồi, người ta mải mê mua quà đi biếu Tết trước đã, rồi sau đó ngồi nhẩm tính xem năm nay mua gì, ăn gì… viết vào tờ giấy, rồi ước tính lượng tiền phải chi, rồi gạch đi, thêm vào. Khi còn cách Tết vài ngày, ào ào phóng xe đi siêu thị khuân về túi lớn, túi nhỏ… Chỉ 1, 2 lần mua là cả một cái Tết đã được chở về nhà. Bây giờ không chỉ có vài cân măng, cân miến, giò lụa, thịt gà mà đến cả xúc xích, lạp sườn, cá hồi, đà điểu… cũng có thể là món ăn ngày Tết và có thể mua được ở bất cứ siêu thị nào. Mọi người thường bảo nhau: Bây giờ sướng thật, muốn mua gì cũng có, chỉ cần có nhiều tiền.
Sắc Xuân
|
Ngày 23 tháng Chạp bao giờ cũng được mọi người coi như là một mốc quan trọng trong dịp Tết. Ngày này còn được gọi là Tết ông Công, ông Táo. Người Việt vẫn thường quan niệm, 23 tháng Chạp là ngày ông Táo lên Trời bẩm báo về mọi việc trong năm qua của gia chủ và dưới trần cho Ngọc Hoàng biết. Vào ngày này, thường từ 20 tháng Chạp, mẹ tôi bao giờ cũng mua 3 bộ quần áo, 3 chiếc mũ cho các Táo ông, Táo bà và một con cá chép nhỏ để ông bà Táo cưỡi lên chầu Trời. Cũng có khi là con cá chép bằng giấy. Chiều 23 tháng Chạp, thường có một mâm cơm cúng trên bàn thờ. Sau khi cúng xong, hoá vàng bộ quần áo, giầy cho ông bà Táo, mẹ tôi lại tất bật thay tro ở các bát hương rồi lúi húi lau bàn thờ thật cẩn thận, chu đáo. Bây giờ, tục cúng Tết ông Công, ông Táo vẫn được duy trì và phần nào được đẩy cao hơn về mức độ tín ngưỡng. Quần áo, mũ cho Táo ông, Táo bà vẫn thế, nhưng cá để cưỡi về Trời nhất định phải là cá thật. Bữa cơm cúng thịnh soạn hơn nhiều và khi cúng xong người ta mang các con cá ra sông, ra hồ để thả. Còn tro đốt quần áo, mũ của Táo ông, Táo bà cũng phải mang ra sông, hồ để đốt. Người ta nghĩ, làm như thế thì Táo ông, Táo bà mới có thể về Trời được và sẽ bẩm báo với Ngọc Hoàng về sự thành kính của gia chủ và phù hộ cho gia chủ gặp may trong cuộc sống.
Viếng thăm mộ tổ tiên
|
Sau ngày 23 tháng Chạp thì không khí chuẩn bị Tết càng gấp gáp, nhộn nhịp. Tết đã đến ngưỡng cửa mỗi nhà. Bố tôi thường tranh thủ giúp mẹ dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, bàn ghế, bát đũa, ấm chén… Tôi thường giúp bố mỗi lần ông làm. Vừa làm ông vừa bảo đây là nề nếp mà ông nội tôi để lại, bố tôi cũng thường làm với ông nội tôi khi còn bé. Nhà cửa được thu dẹp gọn gàng, lau chùi thật cẩn thận nên rất đẹp, sạch, sáng choang cả lên, nhìn thật thích mắt. Bây giờ nhịp điệu cuộc sống cao hơn, người ta bận trăm công ngàn việc, nhưng nhiều gia đình vẫn giữ được nếp đẹp này. Tuy nhiên, vì không có thời gian, giờ đây người ta có thể thuê người quét dọn nhà cửa.
Ngày Tết trước đây, có một việc mà mọi nhà đều rất quan tâm là gói bánh chưng. Tôi còn nhớ mẹ tôi đã mua gạo nếp, đỗ xanh từ rất sớm, rồi đến là mua lá dong. Ngày xưa lá dong cũng khó mua lắm. Phải mua lá dong to, lành lặn, lại không quá già vì dễ rách, không quá non vì bánh sẽ không xanh. Mẹ tôi đi chợ mấy hôm mới mua được loại lá dong ưng ý. Chuẩn bị cho gói bánh chưng là hàng loạt công việc. Tối hôm trước phải ngâm gạo nếp, rồi đãi đỗ xanh. Hai tay mẹ cứ bợt trắng, lạnh cóng vì ngâm nước hàng giờ. Lá dong phải rửa kỹ từng tàu, dùng khăn lau kỹ mặt trước, mặt sau lá. Sau khi rửa lá, cắt bỏ phần cuống, rồi tước bớt phần cọng cứng cho lá không bị gãy khi gói. Các cuống lá cắt ra được bỏ vào đáy nồi bánh để khỏi bị cháy, khê khi nhựa gạo nếp chảy ra. Gói bánh chưng có thể gói bằng khuôn hoặc gói tay. Bố tôi bảo nếu khéo tay, gói tay thì bánh chặt, chắc chắn, ăn ngon hơn gói khuôn. Nhà tôi hay nấu bánh chưng ban ngày, thỉnh thoảng mới nấu bánh chưng buổi tối. Tôi thích nấu bánh chưng buổi tối hơn vì mấy anh em, rủ thêm đứa bạn hàng xóm đến ngồi canh nồi bánh, trò chuyện, đánh tam cúc, tú lơ khơ, thật là vui. Sau này lớn rồi không hiểu sao tôi lại không muốn ngồi canh nồi bánh chưng như trước nữa. Bây giờ mọi người hầu như không duy trì lệ gói và luộc bánh chưng nữa. Hà Nội bây giờ đất chật, người đông, tìm được chỗ để đun bánh chưng mà không ảnh hưởng đến xung quanh cũng khó. Rồi nhịp độ công việc khiến mọi người có ít thời gian cho công việc này. Thêm nữa, bây giờ lúc nào muốn ăn bánh chưng cũng được. Người ta không phải gói bánh để dành, ăn trong nhiều ngày như trước nữa. Giờ đây ngày Tết chỉ cần 3-4 chiếc bánh là đủ, nên chỉ cần thuê gói hoặc mua là được.
Tranh Thư pháp treo ngày Tết - một phong tục đẹp của người Hà Nội
|
Tết nào cũng vậy từ khoảng 25 đến 28, 29 tháng Chạp, bố tôi thường đưa anh em chúng tôi về quê để thăm mộ tổ tiên và mời vong linh các bậc tiền nhân về ăn Tết. Thăm mộ tổ tiên trong dịp Tết là một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam. Hà Nội là đất Kinh kì nên người từ nhiều tỉnh về đây lập nghiệp, sinh sống, vì thế việc về quê thăm mộ tổ tiên vào các dịp Lễ, Tết xem ra đã trở thành một nét văn hoá của xứ Hà Thành. Quê tôi cũng chỉ cách Hà Nội chưa đầy 20km. Khi còn nhỏ, tôi rất thích được về quê vào dịp này vì đơn giản được đi chơi xa một chuyến. Nhưng càng lớn tôi càng nhận ra giá trị thiêng liêng của nét văn hoá này. Ngày nay, với người Hà Nội, nét đẹp văn hoá này vẫn được duy trì bền vững và có phần được suy tôn hơn.
Tết ở Hà Thành còn có một nét rất riêng. Đó là chợ đào, chợ quất dọc theo nhiều con phố. Người Hà Nội xưa rất coi trọng việc đi chọn cây quất cành đào để chơi ngày Tết. Đào thắm, quất vàng mang ý nghĩa sinh khí, lộc làm ăn, bền vững trụ cột của cả gia đình. Không biết từ khi nào, hoa đào đã trở thành một biểu tượng của mùa Xuân nói chung và của Tết Hà Nội nói riêng. Người Hà Nội coi hoa đào như là sản vật quý giá mà trời đất ban tặng cho đất Kinh kì ngàn năm văn vật mỗi độ Xuân sang. Dường như màu hồng thắm của hoa đào làm ấm lên tiết trời Xuân nhưng vẫn còn se se của cái lạnh cuối Đông. Hoa đào đã đi vào đời sống tinh thần của người Hà Nội từ lúc nào không biết. Người Hà Nội đi xa khắp bốn phương, chợt nhìn thấy hoa đào là lòng dạ xốn xang, da diết nhớ về cố hương. Từ khoảng giữa tháng Chạp, người ta đã tập kết rất nhiều cây quất, cây đào về những khu vực chợ hoa. Đến sau 23 tháng Chạp thì toàn thành phố đã tràn ngập màu hồng thắm của hoa đào, màu vàng của quất. Quất, đào còn theo sau xe của nhiều người bán len lỏi khắp phố phường, ngõ hẻm. Nhưng phải kể đến chợ hoa trên phố Hàng Lược là lâu đời nhất, rồi đến khu vực vườn hoa Hàng Đậu, Quốc Tử Giám, Nhật Tân, Nghi Tàm, Thụy Khuê, Âu Cơ, Lạc Long Quân, dọc theo Đường Láng, Ngã Tư Sở… Ngoài đào, quất, còn có rất nhiều loại hoa như lay ơn, hoa hồng, mẫu đơn, thược dược, thủy tiên,... Thú chơi hoa Tết của người Hà Nội cũng có nhiều thay đổi. Ngày xưa, người ta thường mua cành đào về cắm lọ. Bây giờ mọi người thích chơi đào thế, quất thế. Nhiều người còn cầu kỳ lên tận trên vườn đào, quất trên Nhật Tân, Nghi Tàm để chọn cây có thế đẹp từ đầu tháng Chạp, rồi đặt tiền mua cây, gần Tết mới chở về nhà. Có nhiều gốc đào, gốc quất giá tới cả chục triệu bạc. Ngoài chơi đào, chơi quất, thuỷ tiên… như xưa, bây giờ người Hà Nội còn sắm mai vàng miền Nam, đào phai xứ Tây Bắc, phong lan Thái Lan, Đà Lạt… Tiền sắm hoa nhiều hơn cả tiền mua thực phẩm ăn Tết.
Chiều 30 tháng Chạp, ngày cuối cùng của năm cũ, mọi việc chuẩn bị cho Tết như sửa sang trang trí nhà cửa, sắm cành đào, cây quất, mâm ngũ quả, đồ ăn thức uống, bánh chưng, giò chả... đã được hoàn tất. Nhà nào cũng làm mâm cỗ cúng tất niên, thỉnh mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Bữa cơm tất niên có vị trí quan trọng trong dịp Tết Việt nói chung và Tết của người Hà Nội nói riêng. Đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình. Các thành viên trong gia đình dù đi xa cũng gắng về họp mặt, quây quần bên mâm cơm kết thúc năm cũ, chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều điều cầu chúc an lành, tốt đẹp nhất. Thật ấm áp nếu bữa cơm chiều 30 Tết có đông đủ các thành viên trong gia đình. Trong khói hương trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò chả… mọi người vui vẻ trò chuyện. Con cháu thành kính báo cáo với ông bà, cha mẹ những việc đã làm trong năm. Ông bà, cha mẹ cũng không quên nhắc nhở con cháu phải phát huy truyền thống quê hương, gia đình, đồng thời lên kế hoạch cho việc đi chúc Tết. Người Hà Nội vốn trọng hình thức nên mâm cơm cúng tất niên không chỉ gồm các món ăn ngon mà còn phải đủ lệ, về cơ bản thường có bóng, miến, măng, mọc, giò, chả, gà luộc, xào, nộm... Còn những nhà sang phải có đủ 6 bát 6 đĩa, 8 bát 8 đĩa…Kể từ thời khắc cúng tất niên đến hết Tết, việc thắp hương, đốt trầm trên bàn thờ tổ tiên cũng được mọi nhà chăm lo một cách thành kính.
Bánh chưng - linh hồn Tết Việt
|
Sau bữa cơm tất niên, các thành viên trong gia đình sửa soạn cho đón Giao Thừa. Người Hà Nội thường hay tắm lá thơm vào dịp này. Trong các lá thơm đó không thể thiếu cây mùi già. Mùi hương của cây, của lá, của quả mùi rất lạ, cứ thoang thoảng trong gió làm ngây ngất, xao xuyến tâm hồn người ta.
Đón Giao Thừa luôn là thời khắc rất quan trọng, có ý nghĩa thiêng liêng, có sức lay động lan toả rất lớn đối với đời sống tinh thần người Hà Nội trong dịp Tết. Vì thế, hầu như mọi người đều thức để chờ đợi thời khắc đó. Đám thanh niên thì khỏi phải bàn rồi. Đây là một dịp để trai gái ăn diện thật đẹp, hẹn hò, dập dìu bên nhau đi chơi quanh Hồ Gươm lung linh huyền ảo. Trẻ em không đi chơi thì cũng ngồi xem ti vi, đánh tú lơ khơ hoặc nô đùa với nhau trước cửa nhà. Người già thì thi thoảng lại thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên hoặc chơi cùng mấy đứa cháu nhỏ. Dù có mệt thì cũng chỉ ngả lưng chút ít chứ cũng không ngủ. Bố mẹ tôi thường hay đi lễ Chùa rồi trở về nhà chuẩn bị cho cúng Giao Thừa. Lễ cúng Giao Thừa thường là một con gà trống, luộc nguyên cả con, miệng ngậm một bông hoa hồng, bát cơm trắng, đĩa xôi gấc, mâm ngũ quả… Mâm cúng Giao Thừa thường đặt trên ban công tầng thượng hoặc ngoài sân như để dâng lên trời đất và các vị thần linh tấm lòng của con người.
Đón Giao Thừa ở Hồ Gươm bao giờ cũng là niềm say mê, háo hức của riêng người Hà Nội. Cho dù thời tiết thế nào, khoảng 8-9 giờ tối, người Hà Nội với những trang phục đẹp, lịch sự, sang trọng nhất từ mọi nơi, mọi nẻo phố đổ về Hồ Gươm. Ðông nhất trong dòng người vẫn là lớp trai gái trẻ tuổi, nhiều gia đình cả vợ chồng con cái trên chiếc xe máy trôi về Hồ Gươm. Trên các vỉa hè không thiếu các cụ ông, cụ bà ăn vận sang trọng lững thững đi bách bộ đến với Hồ Gươm đêm Giao Thừa để "ôn cố tri tân", để được sống trong không khí lễ hội thiêng liêng mỗi năm chỉ có một lần... Khoảng 10 giờ đêm, xung quanh Hồ Gươm, người đã đông như nêm đủ mọi lứa tuổi, thành phần, không phân biệt sang hèn..., gương mặt ai cũng rạng rỡ, hồ hởi và phơi phới nét xuân. Người Hà Nội ung dung thả bộ ngắm nhìn, hít thở thật sâu, cảm nhận thật đầy đủ cái không khí, cái hơi thở của đất trời, của lòng người ở chốn linh thiêng tích tụ hồn khí núi sông...
Đi lễ chùa cũng là một nét văn hoá trong đời sống tâm linh người Hà Nội dịp Tết. Mọi người đến lễ chùa, thắp nén nhang, nghiêm trang chắp tay cầu trước Trời, Phật và các vị thần linh phù hộ cho gia đình họ một năm mới an lành, khoẻ mạnh, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong công việc, học hành và cuộc sống. Có người đi trước, có người đi sau Giao Thừa. Phần đông là đi vào ngày Mồng Một Tết. Trước đây, chỉ có các bậc cao niên và trung niên, chủ yếu là phụ nữ đi chùa. Bây giờ rất đông tầng lớp thanh niên cũng đi chùa, cũng trang nghiêm, thành kính không kém các bà, các mẹ, các chị. Ngoài cầu xin được may mắn trong học hành, trong công việc, kinh doanh, cho công thành danh toại… họ còn cầu cho được tốt lành trong đường tình duyên đôi lứa.
Đi chơi Xuân, chúc Tết ở Hà Nội cũng là một nếp văn hoá đẹp của người Việt nói chung và của người Hà Nội nói riêng. Thông thường trước tiên là đến nhà người có thứ bậc cao nhất trong gia tộc để chúc Tết. Tục “Mồng Một tết Cha, Mồng Hai tết Mẹ, Mồng Ba tết Thầy” vẫn được duy trì ở nhiều nhà. Ngày Tết đi chơi Xuân, chúc Tết, mọi người đều ăn diện và rất vui vẻ. Những va chạm trên đường phố hầu như rất ít và được bỏ qua. Phố phường Hà Nội những ngày Tết không đông như ngày thường do một số lượng lớn người ngoại tỉnh đã về quê ăn Tết. Mọi người gặp nhau, câu cửa miệng đều là: “Năm mới, chúc… bằng năm bằng mười năm ngoái…”. Ngoài họ hàng, ngày Tết mọi người đều cố gắng tranh thủ đến nhà hàng xóm, láng giềng, bè bạn, đồng nghiệp để thăm hỏi, chúc Tết nhau. Nhiều mối bất hoà, nhờ ngày Tết mà có dịp giãi bày thông cảm, xí xoá cho nhau, những mong năm mới mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Thật là một nét văn hoá đẹp đáng trân trọng, lưu giữ và phát huy.
“Chị ơi, chị ra lấy bánh chưng nhé!”. Tiếng chị gói bánh chưng thuê đầu phố cắt ngang dòng suy tư của tôi. Thế là Tết đã đến ngưỡng cửa nhà rồi. Tết ơi, bao năm rồi nhiều nét văn hoá truyền thống đất Hà Thành vẫn duy trì và ngày càng đẹp hơn, đáng yêu hơn. Thủ đô sắp bước vào Lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Xuân này chắc còn rực rỡ hơn rất nhiều.
Nguồn : QH