Ngày Tết, một số người nước ngoài thường rời Việt Nam để đi đến những bãi biển thơ mộng ở Thái Lan hay Bali, song cũng nhiều người ở lại đón Tết truyền thống của người Việt, gặp mặt bạn bè.
Ông Mark Conroy, 65 tuổi, đại diện Văn phòng Đông Tây hội ngộ tại Đà Nẵng, cho biết đã 18 lần ăn Tết cổ truyền Việt Nam cùng vợ và các con. Tết là dịp ông muốn dành thời gian cho gia đình chứ ít đi chơi, bởi ông và vợ không phải đi làm, các con được nghỉ học.
“Điều thú vị nhất tôi cảm nhận ở Việt Nam đó chính là một cái tết sum họp với gia đình, mọi người đi đến nhà thăm hỏi, chúc Tết và cùng ăn tiệc với nhau. Điều này làm cho Tết cổ truyền Việt Nam khác hẳn so với Tết ở phương Tây, chỉ ăn Tết có một ngày và rất ít khi tụ họp”, ông Mark nói và cho biết ngày tết, ông vẫn phụ vợ gói bánh chưng, mua hoa về trang trí nhà cửa.
Ông Mark nhớ mãi lần đầu tiên ăn Tết ở Việt Nam cùng với gia đình nhà vợ. “Khi lấy vợ Việt, tôi chưa hiểu nhiều về phong tục ở đây. Năm mới, sau khi chúc Tết mọi người đều lì xì tiền cho nhau. Điều đó làm tôi thực sự bất ngờ và thấy thú vị”, ông kể và cho biết tục lì xì vẫn được ông áp dụng cho đến nay. Tuy nhiên, năm nay ông sẽ lì xì ít thôi vì đi đổi tiền mới ở ngân hàng mấy lần nhưng không đâu chịu đổi.
|
Ông Mark Conroy, đại diện Văn phòng Đông Tây hội ngộ tại Đà Nẵng, thích thú với món quà Tết ở Việt Nam mà ông vừa được tặng. Ảnh: Nguyễn Đông |
Tết Việt với vợ chồng bà Kathlee (60 tuổi, quốc tịch Mỹ), chủ quán Bread of Life ở số 4 đường Bạch Đằng, TP Đà Nẵng, để lại nhiều ấn tượng với những món ăn truyền thống và cảm giác vui nhộn. “Lần đầu ăn Tết ở Việt Nam tôi và chồng cứ ngớ người khi thấy trước Tết cả đến chục ngày mọi người đi mua sắm đồ. Họ tụ họp bên nhau cùng ăn tiệc, đi chúc Tết trong nhiều ngày. Tôi thấy điều này thật thú vị”, bà Kathlee chia sẻ.
Chồng bà ông Bod (63 tuổi) cứ say sưa kể về việc được đi hội hoa xuân, chơi trò chơi dân gian ở Việt Nam và đặc biệt là được người dân mời ăn Tết. Những món ăn ban đầu thấy lạ nhưng ăn nhiều lại thấy ngon. Dịp Tết đến, nếu vợ chồng không có dự định đi du lịch, ông Bob vẫn thường dặn vợ ra chợ mua bánh chưng, mứt gừng và nhiều món ăn để tiếp đón bạn bè, người quen.
Cách đây 14 năm, sau nhiều lần du lịch đến Việt Nam, mảnh đất và con người nơi đây cùng những hình ảnh về trẻ em bất hạnh như đã níu chân hai ông bà. Quay trở lại Việt Nam và chọn Đà Nẵng để sống, hai ông bà quyết định mở một quán bán đồ ăn cho khách du lịch nước ngoài nhưng điều đặc biệt hơn cả là những nhân viên ông bà thuê làm lại là những đứa trẻ khiếm thính.
Nhiều người cảm động trước tấm lòng của cặp vợ chồng này thường tặng những món quà quê vào dịp tết. Điều đó càng làm cho bà Kathlee, ông Bod thêm gắn bó với quê hương thứ hai của mình dù 4 đứa con và 9 đứa cháu của ông bà đều không ở Việt Nam.
Ông Richard KH Chua, Tổng quản lý Tập đoàn Bảo Sơn, người Singapore đã sống hơn 10 năm ở Việt Nam, cho biết Tết là kỳ nghỉ lễ quan trọng với phần lớn người dân Singapore, là dịp đặc biệt để mọi người tới thăm người thân cao tuổi và thể hiện lòng kính trọng của mình. Đây cũng là truyền thống quan trọng ở nhiều nước châu Á.
"Vợ tôi là người Hà Nội và điều này càng khiến Tết có ý nghĩa hơn với gia đình. Ngày đầu năm mới, chúng tôi thường tới gia đình bố mẹ vợ và chị vợ. Chúng tôi cùng ăn những món ngon. Các ngày sau đó là đi chơi với bạn bè", ông Richard KH Chua bảy tỏ.
|
Ông Anthony Gill. |
Ông Anthony Gill, Tổng giám đốc khách sạn La Residence Huế, bày tỏ: “Chúng tôi rất bận rộn trong dịp Tết. Mặc dù thời tiết đôi khi khá ảm đạm, song tháng 1 và tháng 2 vẫn là mùa cao điểm đón tiếp du khách quốc tế. Một số khách của chúng tôi hiểu biết khá rõ về các tập tục và truyền thống ngày Tết Việt, nhưng cũng có người thắc mắc tại sao tất cả cửa hàng đều đóng cửa suốt dịp này”.
Đây là cái Tết thứ năm của ông Gill tại Việt Nam. Ông thích không khí hội tụ đông vui và ấm áp vào dịp Tết, thích lì xì đầu năm và kỷ niệm về cái Tết Việt đầu tiên khi hai vợ chồng ông cùng dùng bữa tối với ca sĩ Hồ Ngọc Hà tại TP HCM. “Sự nổi tiếng của ca sĩ Hồ Ngọc Hà làm cho không khí ngày lễ thêm hưng phấn. Cảm giác ấy chúng tôi vẫn còn giữ mãi", ông Gill nói.
Ông Albert Lafuente, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của khu nghỉ dưỡng The Nam Hải, lại thích điểm tương đồng giữa phong tục tập quán ngày Tết ở Việt Nam với lễ Giáng sinh và đón năm mới tại Philippines, nơi ông sinh ra. Đây đều là thời điểm đoàn tụ gia đình, thăm hỏi người thân, tặng quà cho nhau, mời khách dùng món ăn chỉ có trong ngày lễ.
Ông cho hay, khu nghỉ dưỡng nơi ông làm việc được khoác một diện mạo mới để khách có thể cảm nhận không khí Tết ở đây. Chuẩn bị đón cái Tết thứ ba tại Việt Nam, ông Albert Lafuente chia sẻ: “Những phong tục ngày Tết của Việt Nam khiến tôi thấy ấm lòng và gần gũi hơn với quê hương”.
|
Ông Albert Lafuente. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Thích không khí Tết Việt, nhưng việc nâng ly chúc mừng năm mới, hay cách tăng giá các mặt hàng, lại khiến nhiều người nước ngoài e ngại. Ông Anthony Gill, Tổng giám đốc khách sạn La Residence Huế, bày tỏ: “Theo phép lịch sự, không ai muốn khước từ lòng hiếu khách của bạn bè. Nhưng vấn đề là ngày hôm sau tất cả chúng tôi đều phải thức dậy đi làm”.
Giám đốc điều hành Công ty Mandarin Media Jim Sullivan dường như có kinh nghiệm hơn trong việc từ chối khéo khi "bị ép" uống nhiều bia rượu. Ông tiết lộ: “Tôi thì lúc nào cũng giả vờ mình mắc bệnh viêm gan A”.
Ông Keith Thibeth lấy vợ Huế tâm sự, cũng như Giáng sinh ở phương Tây, Tết càng ngày càng mang tính thương mại và giá trị của nó đã bị đẩy qua một bên chỉ vì lợi nhuận đơn thuần. Hàng quán tranh thủ lúc người dân sẵn sàng chi tiêu mạnh tay để nâng giá và làm giảm chất lượng mặt hàng.
"Tôi đón Tết với ít nhiều nghi ngờ, như cách tôi đón Giáng sinh vậy. Tôi yêu giá trị và ý nghĩa truyền thống của ngày Tết, cũng chính vì thế mà tôi thấy khá buồn khi có nhiều người tận dụng thời cơ để làm lợi cho mình một cách quá đáng", ông Keith nói.
Nguồn : Vnexpress