Dân tộc nào cũng có thức ăn truyền thống. Song chưa thấy dân tộc nào có một thức ăn vừa độc đáo, vừa ngon lành, vừa bổ, vừa gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời, lại vừa có nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh dầy của Việt Nam.
Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.
Bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh dầy dương giành cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.
Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân.Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: ”Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.
Các con trai đua nhau kiếm của con vật lạ, hy vọng được làm vua. Người con trai thứ mười tám của Hùng Vương thứ 6 là Lang Lèo (tên chữ gọi là Tiết Liêu), tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho, nên rất lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: ”Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.
Lang Lèo (sau có người gọi Lang Liêu) tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi.
Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Lèo chỉ có bánh Dầy bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Lèo, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.
Từ đó, cứ đến Têt nguyên đán hay các đám cưới, đám tang, dân gian bắt chước làm theo, sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất.
Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn ở những vật liệu và cách gói, cách nấu. Lúa gạo thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm, được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau, mang tính đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hay Đông Nam Á. Người Trung Hoa ưa chế biến từ bột mì hơn; người Ấn Độ thì ưa chế biến từ kê…
Thịt lợn hay heo được coi là lành nhất, nên các bệnh viện ngày nay thường chỉ sử dụng lọai thịt heo chứ không dùng thịt bò hay thịt gà là thức ăn chính cho bệnh nhân. Người Việt thích thịt luộc hay nấu. Đậu xanh vừa ngon lành vừa bổ dưỡng. Bánh chưng như thế rất nhiều chất, đặc trưng của các món ăn Việt Nam.
Độc đáo hơn nữa, khi nấu trong một thời gian khá dài thường trên 10 tiếng đồng hồ, phải để lửa râm râm, bánh mới ngon. Nấu bằng lò gas, tuy nhanh, nóng quá cũng sẽ không ngon. Vì được gói bằng lá dong, bánh chưng vừa xanh vừa đẹp, thơm hơn lá chuối. Phải gói thật kín, không cho nước vào trong, bánh mới ngon. Lạt phải buộc thật chật, chắc; gói lỏng tay, ăn không ngon. Song nếu chắc quá, bánh cũng không ngon.
Tuy gọi là luộc (người Việt Nam thích luộc, người Trung Quốc thích quay), song vì nước không tiếp xúc với vật liệu được luộc, nên lại là hình thức hấp hay chưng (chưng cách thủy), khiến giữ nguyên được chất ngọt của gạo, thịt, đậu!
Có lẽ vì cách chế biến bằng chưng, nên mới gọi là bánh chưng. Vì thời gian chưng lâu nên các hạt gạo mềm nhừ quyện lấy nhau, khác hẳn với xôi khi người ta “đồ”, khi hạt gạo nhừ quyện vào nhau như thế, người ta gọi bánh chưng “rền”. Vì nấu lâu như thế, các vật liệu như thịt (phải là thịt vừa nạc vừa mỡ mới ngon; chỉ thịt nạc, nhân bánh sẽ khô), gạo, đậu đều nhừ. Cũng vì thời gian chưng lâu, khiến các chất như thịt, gạo đậu nhừ, có đủ thời gian chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, cũng mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.
Cách chế biến như thế rất độc đáo, công phu. Bánh chưng, nhất là bánh dầy, có thể để lâu được. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với các lọai mật hay với nước mắm thật ngon, giàu chất đạm; cũng có thể ăn thêm với củ hành muối, củ cải dầm hay dưa món… Dân Bắc Ninh xưa thích nấu bánh chưng, nhân vừa thịt vừa đường!
Bánh chưng, bánh dầy quả thật là một món ăn độc đáo có một không hai của dân tộc. Bánh chưng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều tiềm năng khiến Việt Nam trở thành một cường quốc về văn hóa ẩm thực!
Ngày Tết, bánh chưng xanh –câu đối đỏ, hai thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt. Cái Tết sẽ kém thi vị, ý nghĩa khi mất đi, hoặc vắng một trong hai. Bánh chưng xanh –sản phẩm lâu đời của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Nó bình dị thân thiết màu xanh tươi tắn như mạ non thì con gái chứa đựng nhiều lý thú.
Nếp ba tháng trắng phau, vo sạch để ráo nước. Từng hạt chắc mẩm, ánh lên bóng bẩy. Thịt heo đầy đủ phức hợp nạc –mỡ –da, cùng với đỗ (đậu) vàng bỏ vỏ làm nhân. Tất cả được đùm bọc lại bên ngoài bằng lá dong (hoặc lá chuối) có dây lạt mềm đen tuyền buộc chặt. Sản phẩm hoàn toàn từ nông nghiệp: trồng trọt và chăn nuôi.
Đơn giản như thế nhưng nó thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa. Cắt chiếc bánh chưng, một tổng thể năm sắc màu hiện lên: vàng ngà hạt đỗ bùi bùi thoảng hương, đỏ thịt lợn chín, trắng ngần màu nếp, xanh lá dong và đen tuyền sợt lạt buộc bên ngoài. Từ trong ra ngoài, thể hiện triết lý: Âm dương, Tam tài và Ngũ hành.
Năm màu tượng trưng cho Ngũ hành trong triết lý phương Đông: Thủy (đen), Hỏa (đỏ), Mộc (xanh), Kim (trắng), Thổ (vàng). Ngũ hành tương sinh –tương khắc hài hòa, bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức. Màu vàng ứng với hành Thổ trong thế đất vuông nằm ở trung ương, tượng trưng cho con người rất quan trọng. Trong chiếc bánh chưng, hạt đỗ vàng được bao bọc chính giữa bánh, bên cạnh thịt lợn –thể hiện sự quan trọng này.
Bên cạnh hạt đỗ vàng là thịt lợn đỏ. Hai cặp phạm trù Âm dương hòa quyện lấy nhau (hạt đỗ –thịt lợn; động vật –thực vật; tĩnh –động), chúng bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển. (Trong đời sống thực vật và động vật đã có sự nương dựa vào nhau. Thực vật là nguồn sống của động vật, ngược lại, chất thải của động vật tạo năng lượng cho thực vật hấp thụ phát triển). Cùng bao bọc hạt đỗ –thịt lợn (âm –dương) là màu trắng của nếp. Nếp –hạt đỗ –thịt lợn (âm –dương –âm; thực vật –động vật –thực vật) tạo thành một Tam tài.
Tam tài với ba cặp phạm trù âm dương (nếp –thịt lợn, âm –dương), (hạt đỗ –thịt lợn, âm dương), (nếp –hạt đỗ, âm –dương, nếp được trồng dưới nước –đỗ trồng trên cạn, nước –đất, ướt –khô) đã hòa quyện và bổ trợ cho nhau trong tổng thể phức hợp. Và từ Âm dương, Tam tài đã phát triển lên Ngũ hành. Đó là lạm bàn bản chất của bánh chưng. Ngay cả quá trình luộc chín bánh cũng thể hiện triết lý Ngũ hành: Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ.
Người ta dùng nước để luộc bánh, lửa được đốt từ củi và tất nhiên dùng nồi lớn (kim) đặt lên ba ông đầu rau (thổ). Cả năm thứ: nước, lửa, củi, nồi, ông đầu rau bổ trợ cho nhau, hài hòa bên nhau. Xưa, nền kinh tế chính của ông cha ta không gì ngoài làm nông. Quanh năm làm bạn với nước, đất, giống và vô hình thiên nhiên, thời tiết đã đóng vai trò rất quan trọng. Hội làng mở ra cũng chỉ nhằm mục đích cầu trời phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt. Triết lý Âm dương, Tam tài, Ngũ hành ra đời cũng không ngoài ý niệm trên.
Chỉ gói gọn trong chiếc bánh chưng xinh xắn kia là cả tư duy độc đáo, đáng khâm phục của ông cha. Nó đã thoát khỏi đơn thuần là vật chất, móm ăn bình thường trở thành đại diện chuyển tải tư tưởng triết lý sâu sắc đậm nét nông nghiệp lúa nước. Từ đây, cần nên gìn giữ phát huy cho xứng đáng với vị thế chiếc bánh chưng trong ngày tết. |
Nguồn : SGT