Tết về với mọi người nhưng có mấy ai có Tết ở trong lòng. Hay, Tết chỉ ở ngoài đường phố!? Năm nay tôi tất bật từ châu Âu trở về ngày giáp tết. Vội vã bắt chuyến xe sớm về Tây Nguyên.
Con đường đã dễ đi hơn nhiều so với những năm 90, thời sinh viên vất vả. Nhìn qua lớp kính mờ vẫn nhận ra chút xuân đã về vùng núi. Hoa cúc dại trắng li ti ven đường, dã quỳ vàng đượm lác đác trong cái gió hanh hanh, thoang thoảng hương nồng hoa anh đào nở rộ dọc buôn xóm…
Mất hơn 10 tiếng ngồi xe, xa xa, cây gạo già năm nào vẫn sừng sững với những chùm hoa màu cam ngọt ngào, vẫy chào phía trước, tôi mừng trong bụng vì biết mình đã sắp về đến nhà, vẫn không bị lạc… sau bao nhiêu năm.
Tết quả là đã về đến nhà khi mẹ loay hoay bánh chưng, bánh tét, chả giò, hoa trái bánh mứt. Tôi ôm mẹ mà ngửi thấy toàn mùi Tết. Bố và anh hai cọ dài cọ ngắn sơn sơn quét quét. Ngôi nhà này cũng được gần hai mươi năm tuổi rồi. Ặc ặc. Tôi lại sắp thêm một tuổi... già rồi!
Đang mơ mơ thì mẹ gọi ngược. Cắm hoa, trang trí phòng khách, sắp mâm ngũ quả… vì tôi được mẹ tặng danh hiệu “có thẩm mỹ nghệ thuật” nhất nhà! (Sao bố và anh hai không giành danh hiệu này với mình nhỉ?). Rồi mẹ quay tôi như chong chóng (được dịp mà! Con gái lớn gì mà đi biền biệt! Không sai mới lạ!). Chuẩn bị đồ cúng và quà cho ông bà, cô cậu.
Mẹ tôi thì cực kỳ chu đáo. Quà cho ông ở Pleiku nè. Quà cho cô, cho cậu. Cậu dưới suối vàng cũng được dâng quà; cậu trên…mặt đất cũng gà vịt đầy đủ, đến củ hành mẹ cũng không quên kèm. Cúng ông bà thì càng kỹ lưỡng với đủ loại đĩa lớn trung nhỏ. Đang đứng canh con cún… không chụp con gà cúng, tôi trộm nghĩ “Không biết mai mốt mình có giữ được lễ nghi này không!”
Giao thừa. Mẹ lại cúng. Hương nhang nghi ngút. Nhìn mẹ. Tôi bỗng nhói bên ngực. Ước gì!!!
Mùng 1. Cả nhà mừng tuổi và lì xì. Nhưng năm nay lại không ai thèm chụp hình mới lạ. Thằng cháu năm ngoái còn đòi chụp xèo nẹo. Chắc cu cậu cũng sợ... thấy nếp nhăn vì sắp vào lớp 1 chăng!
Mùng 2. Nhóm họp bạn cũ. Chúc tết thầy cô cũ. Gặp những cô vợ, anh chồng cũ, lì xì lũ trẻ đều chúc tôi một câu rất cũ “Chúc năm mới…dẹp ngay kiểu…một mình cũ) Hừm.
Mùng 3. Tôi ở nhà cho yên lành. Nếu có ra đường, ra xóm, sẽ treo ngay cái bảng trước ngực “Cấm hỏi!” Hoặc “Xin hỏi tại đây…nếu chưa vợ lần nào”. Quyết định vậy đi.
Nói vậy chứ tôi cũng cười he he khi bà con chúc thế. Mai mốt mà có lấy chồng, bà con chúc “Đầu bạc răng long” hay “Con bồng con bế” (khiếp!), có con rồi thì chúc “Sống lâu trăm tuổi” (sợ!). Đâu như thằng cháu tôi chúc “Chúc cô ăn nhiều chóng lớn sống lâu với con”. Quá chuẩn! Chứ nó mà chúc “ăn nhiều chóng lớn không chồng sống lâu với con”, thì chết chắc.
Phố phường thì càng gần tết càng vui, chứ trong tết thì vắng ngắt người. Ra chợ xôm tụ hết biết. Mấy chị hàng rau, từ hồi tôi còn xách cặp… đi chợ, hỏi um "Về rồi à? Càng ngày càng đẹp ra đó!”. Thế là tôi nhảy xổ vào mua cho chị ấy bó rau. Xem ra, tôi càng nhiều tuổi càng đẹp đó.
Đặc trưng vui chơi trong mấy ngày tết Việt là đến nhà thăm hỏi lẫn nhau, bù khú chơi bài, lô tô hay rủ nhau hát hò. Riêng ở đây, tôi với bạn chiều mùng một xách chai rượu cùng vài món khô, chạy ra bờ sông Đăkla, cửa ngõ vào thành phố, ngồi hàn thuyên, ngắm hoàng hôn cho hết rượu hết mồi mới về. Hay bữa sau thì thổi cái lò than, nướng con gà dân tộc, miếng heo rừng, rượu cần và cây đàn ghita, chúng tôi thâu đêm trong cái lạnh thấm da nhưng ấm lòng biết mấy.
Nét riêng Tây Nguyên còn có Hội đua thuyền độc mộc trên dòng Đăkla dân dã. Hòa vào đám thanh niên, dân tộc thiểu số, khiêng thuyền xuống sông, nói cười rôm rả, tôi không hiểu nhưng thấy rất vui. Không khí hội qua tiếng trống vang vọng. Người người thành thị, buôn làng đổ về…trông thật tết!
Tết về tết lại đi. Trong lòng bỗng se sắt. Xếp quần xếp áo sẵn sàng. Mẹ để dành vài món đặc sản măng khô, café, bánh tráng…để tôi mang vị tết Tây Nguyên vào thành phố. Có mấy ai đi mà không lưu luyến. Mười bốn năm đi là bấy nhiêu lần giọt dài giọt ngắn… Riêng lúc này, Tết mới ngự trong lòng. Mặc dù Tết đã không còn ngoài song cửa, ngoài phố phường.
Ôm mẹ, tôi thì thầm: Năm sau về…con sẽ “mới” hơn!
Nguồn : Vnexpress