LÀO CAI Gặp cây cầu bằng thân cây phủ rêu xanh, Ngân mất vài phút chần chừ mới dám bước qua, nên tới đỉnh Fansipan, cô tự hào vì đã vượt qua chính mình.
Fansipan là gạch đầu dòng đặc biệt trong kế hoạch "trước tuổi 25" của Dương Nguyễn Bảo Ngân (sinh năm 1996, ở Hà Nội). Để hoàn thành mục tiêu vào tháng 11 vừa qua, cô không chỉ tốn sức lực mà cả nước mắt.
Từ khi có hệ thống cáp treo, cung đường trekking Fansipan (đi bộ dài ngày ở những nơi hoang dã) không còn là điểm yêu thích của dân phượt. Song, tôi và những người bạn đồng hành vẫn quyết định chọn nơi đây, phần vì nó là đỉnh núi cao nhất, phần nhụt chí nghĩ rằng nếu không leo nổi vẫn sẽ có cáp treo đưa về.
Đoạn "hành xác" đầu tiên
Chúng tôi bắt đầu hành trình tại Trạm Tôn (độ cao 1.900 m) lúc 10h sáng. Đoàn có 9 người, thêm ba người H'Mong là porter (người dẫn đường) cùng leo núi và mang lương thực. Tại đây, chúng tôi được phát mỗi người một áo mưa, hai chai nước suối, hai chai nước muối khoáng và một đôi găng tay.
Những bước đi đầu tiên, tôi hào hứng dẫn đầu. Nhưng chỉ khoảng 15 phút sau, đường bắt đầu dốc, còn tôi thì thở gấp. Chân nặng như chì, không thở nổi, tôi dần bị bỏ lại cuối đoàn dù balo đã gửi bạn đeo giúp. Đôi lúc mệt đến nỗi rơi nước mắt, tôi thầm trách mình đã không tập thể lực tốt hơn. Nhưng với sự động viên của mọi người và quyết tâm nhìn ngắm thiên nhiên hùng vĩ, tôi vẫn cố gắng vừa đi vừa nghỉ.
Những đoạn đường đầu tiên của hành trình.
Đồng hồ điểm 12h30 cũng là lúc đoàn đến trạm 2.200 m để nghỉ trưa. Bữa trưa có bánh chưng đen Tây Bắc, thịt gà nướng và chuối tiêu. Đây là lần đầu tôi được ăn bánh chưng đen nên khá tò mò. Theo A Sử - người dẫn đường - điều quan trọng nhất khiến bánh ngon là màu đen tuyền tự nhiên của bánh. Màu sắc sẽ tạo nên độ thơm ngon và mùi vị đặc trưng. Người dân phải lọc tro rơm, sau đó ngâm gạo nếp với tro khoảng 8-12 tiếng, khi gạo đã chuyển hoàn toàn màu sang màu đen thì mang ra để cho ráo nước và bắt đầu gói bánh.
Đêm ngàn sao, không có điện
Nghỉ trưa xong, chúng tôi lên đường tiếp tục hành trình để tới điểm hạ trại ở độ cao 2.800 m. Càng lên cao, đường càng dốc nhưng quang cảnh hùng vĩ khiến mọi người như quên đi mệt nhọc. Nào là những dãy núi trập trùng, nào là mây bay, chim chóc hót, côn trùng kêu, lá rơi xào xạc, gió ríu rít...
Vẻ đẹp của thiên nhiên mà chúng tôi đã đi qua.
Địa hình nơi đây cũng hiểm trở hơn, nhiều bậc đá cao, một vài đoạn lắp cầu thang sắt có tay vịn rất đơn sơ. Thang được đóng trên tảng đá để người leo đặt chân lên. Có những chỗ chúng tôi phải bám vào cọc gỗ nhỏ vừa bằng nắm tay nên vừa leo vừa run. Đi sâu hơn, chúng tôi gặp cây cầu làm bằng thân cây phủ rêu xanh rờn. Phải chần chừ mất 5 phút tôi mới dám bước qua.
Đi cuối và chậm nhất đoàn, tôi thầm ngưỡng mộ các anh chị H'Mong đeo gùi với bao nhiêu là đồ ăn, chăn gối, balo... mà vẫn đi phăm phăm. Song đi chậm cũng là dịp để tôi nói chuyện với những người bản địa. Bác Vừ là người dẫn đường lớn tuổi nhất đoàn, tôi đi cuối nên có bác đồng hành. Bác chia sẻ: "Ngày trước còn trẻ, còn khỏe thì hai ngày bác dẫn khách một lần, cứ xuống núi rồi sáng hôm sau lại đi tiếp. Nhưng bây giờ già hơn, chỉ đi vào cuối tuần thôi. Đi quen rồi không mệt, nhưng đeo đồ nặng rồi đợi khách thì mất sức".
Mỗi lúc tôi hỏi bác đến nơi chưa, bác lại bảo 10 phút nữa, và để đến được điểm hạ trại cũng phải hơn 5 lần cái 10 phút đó. Nhờ có bác động viên, những lán gỗ lợp mái tôn xanh dần hiện ra, cuối cùng tôi đã đến được chỗ nghỉ đêm vào lúc 5h chiều.
Tại trạm 2.800 m, chúng tôi vào một căn phòng gỗ vừa đủ cho khoảng 8 người. Phòng đơn sơ với một tấm phản gỗ to, góc bên trái của phản có túi ngủ. Ở đây không có sóng, cũng không có điện, tôi vừa hào hứng vừa lo lắng về đêm lạnh giá ở vùng núi cao này.
Trong lúc các porter chuẩn bị đồ ăn, tôi tò mò ghé vào bếp để trò chuyện và hỗ trợ. Nơi đây chỉ có một bếp và tất cả đồ ăn cho khách của tour trekking Fansipan đều được nấu ở chỗ này. Mỗi đoàn có thực đơn khác nhau nhưng tựu chung họ sẽ cùng chia sẻ bếp, mỗi tối phục vụ cho khoảng 20 - 30 khách tùy thời điểm.
Chinh phục giấc mơ
Ăn tối xong, chúng tôi trở lại lán nghỉ để sáng hôm sau khởi hành sớm đón bình minh. Trên đường trở về lán, tôi bất giác nhìn lên trời và không thốt nên lời khi thấy cả một bầu trời sao lấp lánh hiện ra trước mắt, và tự nhiên nước mắt cứ rơi. Những vì sao hội tụ, lấp lánh trên bầu trời đêm vùng Tây Bắc. Tôi đưa tay lên trời, vờ như quờ quạng và cố gắng chạm vào các vì sao, cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ. Tôi mê mẩn vẻ đẹp đơn sơ của nơi đây, với bầu trời đêm triệu vì sao vốn khó tìm kiếm ở chốn thị thành.
Đêm trên núi lạnh buốt xương nên chúng tôi trằn trọc mãi không ngủ được. 3h sáng, chúng tôi bắt đầu chặng đường cuối cùng để kịp đón bình minh trên đỉnh Fansipan. Trời vẫn tối đen như mực, mỗi người cầm trên tay một chiếc đèn pin để dò đường đi. Quãng đường từ đây lên đến đỉnh là một thử thách mới khác hẳn quãng đường hôm trước. Những người đã đi tổng kết chặng đường này là "trèo lên 2.900 m, tụt xuống 2.700 m rồi leo lên 3.143 m" bởi những vách núi, vách đá sừng sững cứ trập trùng lên xuống như không hồi kết.
Đi thêm một đoạn nữa đường bắt đầu dốc cheo leo, một bên là vách núi sâu thăm thẳm, một bên mỏm đá hoặc cây bên đường để bám vào. Tôi thầm nhủ rằng may mà đi lúc trời tối, chứ trời sáng chắc không dám đặt chân. Nhờ có sự trợ giúp của những porter, chúng tôi biết được chỗ nào an toàn, hay phía nào dễ đi hơn.
Gần đến đỉnh, tôi ngỡ ngàng khi mở ra trước mắt mình là đường chân trời, những vệt sáng hòa vào nhau tạo thành bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ. Màu xanh lam hòa quyện với màu cam và những phớt hồng của bầu trời khiến chúng tôi chỉ biết thẫn ngờ ngắm nhìn.
Cảm giác tuyệt vời khi nhận huy chương trên đỉnh Fansipan.
Đúng 6h sáng, tôi chinh phục được Fansipan - nóc nhà Đông Dương. Nhìn chiếc chóp kim loại khắc tên đỉnh núi cao nhất Đông Dương nằm sừng sững trong sương gió, tôi cảm thấy tự hào và vui sướng khôn cùng. Tự hào vì đã vượt qua giới hạn bản thân, mệt mỏi như tan biến hết. Tôi nhắm mắt hòa vào thiên nhiên, cảm nhận từng cơn gió lùa qua da mặt, hít một phổi đầy không khí trong lành.
Ngân Dương