Dân trí - Việt Nam không chỉ có phong cảnh đẹp, món ăn ngon, mà còn gây thương nhớ cho du khách bởi những món quà lưu niệm mang đậm nét truyền thống. Ngoài ra, áo dài, nón lá hay đồ thổ cẩm… cũng đồng thời thể hiện sự khéo léo và nét đẹp trong văn hóa người Việt.
Áo dài
Hình ảnh người phụ nữ Việt duyên dáng, thu hút trong trang phục truyền thống là ấn tượng khó phai đối với du khách nước ngoài. Tà áo dài ôm sát cơ thể, được xẻ ra ở hông vừa quyến rũ lại vừa kín đáo, giúp tôn lên nét đẹp sẵn có của người phụ nữ.
Tà áo dài là một trong những món quà lưu niệm mang đậm đặc trưng Việt Nam.
Nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam rất thích áo dài, thậm chí còn đặt may vài bộ tặng bạn bè, người thân. Đối với họ, đó không chỉ là món quà mà còn là linh hồn của một đất nước giàu giá trị truyền thống, văn hóa mà họ có dịp ghé chân qua.
Nón lá
Nón lá cũng được du khách biết đến như một biểu tượng của Việt Nam. Ngoài công dụng che nắng che mưa, nón lá còn là vật dụng thể hiện nét duyên dáng của người con gái Việt Nam khi kết hợp với các bộ trang phục truyền thống như: áo dài, áo bà ba...
Những chiếc nón với đủ kích cỡ được trang trí đẹp mắt.
Nón Việt được trang trí khéo léo và bày bán tại khắp mọi nơi với đủ kích cỡ. Nhiều du khách mua nón lá để đội đầu, nhưng cũng có người thích thú với những chiếc nón nhỏ xinh hay chiếc chuông gió được tạo thành từ nón lá…
Hàng thủ công mỹ nghệ
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lâu đã trở thành vật phẩm lưu niệm khá “hút” khách. Để làm ra 1 sản phẩm, người thợ phải vô cùng khéo léo mới thể hiện được hết hồn cốt, văn hóa của người Hà Thành.
Gian hàng thủ công mỹ nghệ với đa dạng các mặt hàng.
Nếu yêu thích các sản phẩm này, bạn có thể ghé ra các cửa hàng bán đồ lưu niệm sơn mài, sản phẩm truyền thống tại các cửa hàng dọc phố Lý Quốc Sư, Hàng Gai, Hàng Bông, Nhà Thờ, Văn Miếu... Những đồ thủ công này chủ yếu được bán cho khách Tây hoặc những ai khó tính, khắt khe về mặt thẩm mỹ, vì thế giá cả cũng cao hơn những sản phẩm thông thường.
Đồ thổ cẩm
Đối với nhiều du khách, thổ cẩm là một trong những hình ảnh ấn tượng của Việt Nam. Trong bất kỳ cửa hàng ở khu du lịch nào, người ta cũng thấy những gian hàng bày bán đủ các mặt hàng thổ cẩm từ túi, khăn, quần áo, mũ, váy cho đến móc chìa khóa…
Các sản phẩm thổ cẩm thu hút du khách.
Họa tiết trên đồ thổ cẩm rất bắt mắt, sặc sỡ với nhiều hình khối tạo nên sự đối xứng và hài hòa. Tất cả các món đồ đều được thêu bằng tay, chất chứa cả tâm hồn, sự khéo léo và tình cảm của người dân đất Việt. Nhờ đó, sản phẩm dệt thổ cẩm không chỉ phổ biến với bà con các dân tộc mà còn trở thành một mặt hàng “đắt khách”, thu hút rất nhiều khách du lịch tới Việt Nam.
Tranh nghệ thuật
Với những du khách yêu thích nghệ thuật, tranh vẽ thực sự là một món quà đầy ý nghĩa. Việt Nam nổi tiếng với nhiều thể loại tranh khác nhau như: tranh Đông Hồ, tranh chép, tranh tơ tằm, tranh tre hun khói Xuân Lai…
Tranh nghệ thuật thường lấy bối cảnh làng quê hay cuộc sống thường nhật của người Việt.
Nếu tranh Đông hồ được yêu thích bởi có khả năng phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống giản dị, mộc mạc của người Việt Nam, thì tranh thêu tay lại khiến du khách thán phục bởi sự tỉ mỉ, trau chuốt đến từng chi tiết. Ngoài ra, bức tranh cát với những lớp cát nhiều màu sắc được sắp đặt đan xen cũng gây sự tò mò cho nhiều người.
Mỗi bức tranh được lấy bối cảnh từ thiên nhiên, đất nước Việt Nam hay khắc họa chân dung người Việt. Chính vì vậy, tặng tranh nghệ thuật cũng là một cách gửi đi bức thông điệp về đất nước, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp năm châu.
Thực phẩm khô
Một món quà khác mà khách du lịch thường mua về làm quà là thực phẩm khô. Có rất nhiều loại thực phẩm qua quá trình chế biến, tẩm ướp đã trở thành một món ăn tuyệt vời. Nổi tiếng nhất ở Việt Nam là khô mực, khô bò và các loại trái cây khô như mít sấy, chuối sấy, dừa sấy, sen sấy…
Thực phẩm khô là một gợi ý không tồi cho du khách nước ngoài.
Bên cạnh đó, những loại thực phẩm như ô mai, mứt cổ truyền,… chắc chắn là món quà tuyệt vời, vừa gợi nhớ về khẩu vị của người Việt, vừa thích hợp mang đi xa và dễ dàng mang qua đường hàng không.
Hoàng Ngọc