TITC- Năm 2019, du lịch Việt Nam đón lượng khách quốc tế đến kỷ lục trên 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với 2018. Tăng trưởng của du lịch Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của các thị trường gần khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam, năm qua đạt
trên 5,8 triệu lượt, chiếm 32,2% tổng lượng khách đến Việt Nam, tăng trưởng
16,2%. Thị trường này trong 8 tháng đầu năm tăng rất chậm (+0,9%), thậm chí có
3 tháng giảm. Tuy nhiên với những giải pháp quyết liệt của Ngành, trong 4 tháng
cuối năm, thị trường này tăng trưởng đột phá (+55,6%), lấy lại đà tăng trưởng
cho cả năm 2019.
Giai đoạn 2015-2019, lượng khách Trung Quốc tăng 3,3 lần từ
1,78 triệu lượt lên 5,80 triệu lượt, tăng trưởng bình quân 34,4% mỗi năm. Trung
Quốc là thị trường lớn nhất thế giới, nhiều nước tập trung khai thác. Việt Nam
có nhiều ưu thế để khai thác thị trường này và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng
cao.
Thị trường Hàn Quốc tăng trưởng rất cao (+22,1%), đạt 4,3
triệu lượt, chiếm 23,8% tổng lượng khách. Có thể nói đây là mức tăng trưởng ấn
tượng khi 11 tháng 2019, lượng khách Hàn Quốc đi nước ngoài chỉ tăng 0,7% (đạt
trên 26 triệu lượt) và liên tục giảm từ tháng 8 đến tháng 11/2019.
Giai đoạn 2015-2019, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng 3,9 lần
từ 1,1 triệu năm 2015 lên 4,3 triệu năm 2019, tăng trưởng bình quân 40,1% mỗi
năm, cao nhất trong các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam.
Cũng ở khu vực Đông Bắc Á, thị trường Nhật Bản đạt tăng trưởng
cao 15,2%, đạt 952 nghìn lượt, có tốc độ tăng trưởng cao gần gấp đôi so với mức
trung bình 8,1% giai đoạn 2010-2018. Giai đoạn 2015-2019, khách Nhật Bản tăng
1,4 lần từ 671 nghìn lượt năm 2015 lên 952 nghìn lượt năm 2019, tăng trưởng
bình quân 9,1% mỗi năm. Năm 2019 cũng là năm tăng trưởng cao nhất trong 5 năm
qua, đây có thể là cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh thu hút trong thời gian tới.
Khách đến từ thị trường Đài Loan tăng rất cao 29,8%, đạt 927
nghìn lượt. Đây là tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh 10 tháng đầu
năm 2019 khách Đài Loan đi nước ngoài chỉ tăng 3,2% (đạt 14,5 triệu lượt). Giai
đoạn 2015-2019, khách Đài Loan đến Việt Nam đã tăng 2,1 lần từ 439 nghìn lượt
năm 2015 lên 927 nghìn lượt năm 2019, tăng trưởng bình quân 20,5% mỗi năm. Năm
2019 cũng là năm khách Đài Loan có tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có tăng trưởng ấn tượng nhất
trong tất cả các thị trường nguồn của Việt Nam (+45,9%), đạt 510 nghìn lượt.
Thái Lan liên tục duy trì tốc độ tăng cao kỷ lục trong năm nay, trong đó 3
tháng tăng cao nhất là tháng 3 (+78,3%), tháng 7 (+74,0%) và tháng 10 (+60,3%).
Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng đối với du khách Thái Lan, nhất là
các điểm đến Đà Nẵng, Đà Lạt, Sa Pa... được thúc đẩy bởi kết nối hàng không thuận
tiện, các hoạt động xúc tiến, trao đổi hợp tác du lịch được tăng cường.
Các thị trường quan trọng khác ở Đông Nam Á cũng tăng trưởng
cao: Ma-lai-xi-a (+12,2%), Phi-líp-pin (+18,2%), In-đô-nê-xi-a (+21,3%). Những
kết quả trên có thể cho thấy một xu hướng tăng trưởng mới từ các thị trường gần
trong khu vực.
Đáng chú ý, thị trường Ấn Độ tăng rất cao (+27,7%), đạt 169
nghìn lượt. Đặc biệt, tốc độ tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm: tháng 10
(+39,7%), tháng 11 (+40,4%) và tháng 12 (50,9%). Động lực chính đến từ các đường
bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được chính thức khai trương từ đầu tháng
10/2019 bởi hãng hàng không Ấn Độ IndiGo và từ đầu tháng 12/2019 do Vietjet của
Việt Nam. Ấn Độ là thị trường đông dân, có quy mô rất lớn và còn rất nhiều dư địa
tăng trưởng cao, có thể trở thành một thị trường quan trọng của du lịch Việt
Nam khi các hoạt động xúc tiến được tăng cường và kết nối hàng không ngày càng
thuận lợi.
Bên cạnh sự tăng trưởng ấn tượng của các thị trường khu vực
châu Á, các thị trường quan trọng khác của du lịch Việt Nam vẫn duy trì mức
tăng khá đều: Mỹ (+8,6%), Nga (+6,6%), Anh (+5,7%), Đức (+6,0%)./.
Truyền Phương