Dân trí- Vốn là vùng đất có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, nhưng cho đến nay, du lịch Cao Bằng vẫn chưa có bước tiến nào thực sự nổi bật. Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng, Cao Bằng cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực và có chính sách khai thác du lịch hợp lý.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nguồn nhân lực
Với địa hình phong phú và đa dạng, Cao Bằng sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ và có giá trị du lịch cao. Nhắc đến Cao Bằng, du khách nhớ ngay đến thác Bản Giốc hùng vĩ, khu di tích Pác Bó hay động Ngườm Ngao bí ẩn… Hiện nay, toàn tỉnh có 215 di tích và một kho tàng văn hóa, văn học – nghệ thuật truyền thống đang được tiếp tục nghiên cứu, phát huy.
Buổi gặp gỡ giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam với sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng
Trong buổi gặp gỡ, tọa đàm với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, vùng đất này còn rất nhiều điểm du lịch chưa khai thác hết nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng. Trong đó, không thể không kể đến Khu di tích Bác Hồ với chiến thắng chiến dịch Điện Biên Giới đang tiếp tục được đầu tư tôn tạo; khu di tích Pác Bó đang triển khai hạng mục xe điện phục vụ khách tham quan hay những dự án cải tạo đường sá dẫn vào điểm du lịch…
Cũng như nhiều tỉnh, thành khác, Cao Bằng xác định du lịch là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đề ra mục tiêu đưa Khu di tích Pác Bó là điểm du lịch Quốc gia và Khu du lịch thác Bản Giốc là Khu du lịch Quốc gia.
Các khu di tích, lịch sử ở Cao Bằng thu hút nhiều khách du lịch.
Trước mắt, du lịch tỉnh Cao Bằng đang có sự khởi sắc khi lượng khách đến tham quan, khám phá ngày càng đông. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề hạn chế mà lãnh đạo các sở, ban, ngành cần khắc phục và giải quyết nếu muốn phát triển du lịch lâu dài.
Nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng, tỉnh Cao Bằng đang đề ra rất nhiều chương trình, dự án nhưng lại thiếu nguồn lực trầm trọng nên rất khó để đi đến kết quả tốt. Ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển Hội viên thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá: “Cơ sở vật chất của Hà Giang đang phát triển. Nhưng song song với đó, liệu nguồn nhân lực có đáp ứng được hay không, đó là điều phải cân nhắc. Sản phẩm dịch vụ là vô hình nên phụ thuộc lớn vào chất lượng dịch vụ, cụ thể hơn là con người. Chính từ các lớp học đào tạo nghiệp vụ, nhân lực trong du lịch mới nhận ra lợi thế và thiếu sót của họ”.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đồng tình với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chất lượng phục vụ du khách đến toàn thể nhân viên của các cơ sở lưu trú, địa điểm tham quan du lịch hay các nhà hàng, quán ăn,….
Phát triển Công viên địa chất non nước Cao Bằng thành sản phẩm du lịch
Hiện tại, tỉnh Cao Bằng tập trung phát triển tuyến du lịch công viên địa chất non nước Cao Bằng và đang trong thời gian chờ đợi điểm du lịch mới này được UNESCO công nhận. Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cao Bằng phát biểu: “Mô hình công viên địa chất vừa có ý nghĩa phát triển kinh tế- xã hội, vừa bảo tồn thiên nhiên và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời sẽ phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong các lĩnh vực”.
Bàn về tuyến điểm du lịch mới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: “Sau này, khi công bố điểm công viên địa chất Cao Bằng, mọi việc sẽ có sự thay đổi. Hãy rút kinh nghiệm từ trường hợp Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Họ đã mất 6, 7 năm loay hoay tìm hướng phát triển, nhưng hiện tại, đây có thể coi là một trong những yếu tố trọng tâm để phát triển du lịch”.
“Trước mắt, hãy tập trung vào đối tượng khách nội địa để khai thác du lịch Cao Bằng. Sau này, khi có công viên địa chất, lúc đó mới phát triển đến khách quốc tế. Cần xác định rõ ràng đối tượng mới có thể biến du lịch thành thế mạnh”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Cao Bằng có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa – nghệ thuật, thêm nữa có nhiều dân tộc cùng sinh sống, là điều kiện tốt để phát triển du lịch cộng đồng. Cũng tại buổi tọa đàm, một số đại diện của các công ty du lịch chuyên phát triển du lịch cộng đồng đưa ra nhận xét: “Cao Bằng để phát triển du lịch cộng đồng rất có tiềm năng. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn quá yếu kém, có điểm đến nhưng chưa có các hoạt động, dịch vụ văn hóa như đốt lửa trại, sinh hoạt cộng đồng,… Nhìn chung chưa đạt yêu cầu cho du khách trải nghiệm”.
Thác Bản Giốc là điểm tham quan du khách nào cũng muốn khám phá.
Coi thác Bản Giốc là một trong những điểm du lịch chính, nhưng Cao Bằng vẫn cần chú trọng đầu tư và thay đổi, bởi có nhiều ý kiến cho rằng, điểm du lịch này từ cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn,… đều rất ít và chưa đủ điều kiện phục vụ du khách.
Hoàng Ngọc