Hình 1: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành
quý I các năm 2020-2024
Doanh thu hoạt động dịch vụ, du lịch quý I năm nay tăng cao nhờ sự đóng góp tích cực của ngành du lịch. Du lịch được phục hồi mạnh mẽ, số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng cao. Khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm nay đều đạt hơn 1,5 triệu lượt người/tháng; tính chung quý I/2024 đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam gần như phục hồi hoàn toàn và thậm chí tăng 3,2% so với quý I/2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục tăng trưởng mạnh, là động lực chính cho sự phục hồi lượng khách quốc tế; thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt; thị trường ở châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh do hiệu quả từ chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày.
Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những tháng đầu năm mới, là cơ sở để ngành hoàn thành mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Khách nội địa[1] quý I/2024 ước đạt 30 triệu lượt, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách tham quan trong ngày đạt 17,1 triệu lượt khách, tăng 27,6% và gấp 1,4 lần cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19; khách lưu trú đạt 12,9 triệu lượt khách, giảm 8,5% và tăng 2,4%.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 195 nghìn tỷ đồng. Kết quả tích cực đạt được cho thấy hiệu quả tác động rõ ràng từ các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như từ sự nỗ lực của các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành.
Hình 2: Số lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam các tháng năm 2023-2024 (Triệu lượt người). Nguồn: Tổng cục Thống kê và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Hoạt động dịch vụ và du lịch quý I/2024 của nhiều địa phương[2] ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch đến Hà Nội do các cơ sở lưu trú phục vụ quý I/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách du lịch nội địa ước đạt 412 nghìn lượt người, tăng 21,9%; khách quốc tế đạt 1,1 triệu lượt người, tăng 58,3%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống của Hà Nội quý I/2024 ước đạt 24,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng 47,6%.
Kết quả đạt được là do ngay từ những tháng đầu năm 2024, Thành phố chủ động đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội – Đến để yêu” và “Hà Nội – Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Hà Nội cũng được các tổ chức quốc tế vinh danh qua nhiều giải thưởng như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023; “Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023”. Đây là tiền đề hướng đến hoàn thành mục tiêu đón 27 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội năm 2024, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của Quảng Ninh quý I/2024 ước đạt 3,2 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% so cùng kỳ năm 2023; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 242,6 tỷ đồng, tăng 18,5%. Trong quý I, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Ninh quý I/2024 ước đạt 5,4 triệu lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023; tổng doanh thu ước tính đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20%.
Hoạt động du lịch, dịch vụ của Hải Phòng quý I/2024 tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 488,5 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 36,3 tỷ đồng, tăng 5,3%.
Trong quý I/2024, thành phố tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao, lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước tham dự. Bên cạnh đó, các trào lưu Food tour, City tour Hải Phòng tiếp tục là những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang lại luồng sinh khí mới cho du lịch Hải Phòng, thu hút rất nhiều du khách đến Hải Phòng vào dịp cuối tuần và các ngày lễ, tết.
Hoạt động du lịch Hải Phòng tiếp tục khởi sắc nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo ra nhiều sản phẩm, thu hút du khách, kích thích tăng trưởng, hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch. Trong quý I/2024, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành Thành phố phục vụ ước đạt 1,6 triệu lượt người, tăng 10,9% với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt gần 241 nghìn lượt, tăng 1,4%.
Hoạt động du lịch Đà Nẵng đang từng bước được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống quý I/2024 ước đạt 6,4 nghìn tỷ đổng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 69%. Số lượt khách do các cơ sở lưu trú của Thành phố phục vụ trong quý I ước đạt gần 1,9 triệu lượt người, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt 636 nghìn lượt, tăng 21,6%; khách trong nước đạt 1.249 nghìn lượt, tăng 24,3%.
Sự sôi động của hoạt động du lịch là kết quả quảng bá du lịch Đà Nẵng tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua. Với việc khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, du lịch của Đà Nẵng dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo đà để đạt mục tiêu đón 8,4 triệu du khách năm 2024.
Nhằm tăng tốc phát triển hoạt động du lịch, trong quý I/2024, Khánh Hòa đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến du lịch đến thị trường quốc tế, các hoạt động quảng bá được đầu tư, tổ chức quy mô, mang tính trọng tâm, nâng cao hình ảnh thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa.
Trong quý I/2024, các đường bay quốc tế của một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga bắt đầu phục hồi; các chuyến tàu du lịch cao cấp đưa khách du lịch từ các nước châu Âu, Mỹ, Canada… đã cập bến Nha Trang và trải nghiệm các tour, các điểm du lịch hấp dẫn của địa phương. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch trong nước tăng cao vào những tháng đầu năm Giáp Thìn là những tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Khánh Hòa trong năm 2024.
Doanh thu ngành lưu trú và ăn uống quý I/2024 ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 29,1%; doanh thu ngành dịch vụ ăn uống ước đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, tăng 37,3%.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành quý I ước đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2024, ngành du lịch Khánh Hòa đã đón khoảng 2,1 triệu lượt khách lưu trú, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước, trong đó có hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế, gấp 5,2 lần và 942 nghìn lượt khách nội địa, gấp 1,7 lần; tổng doanh thu du lịch ước đạt 11,6 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước.
Doanh thu lưu trú và ăn uống của thành phố Hồ Chí Minh quý I/2024 ước đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu lưu trú tăng 47,4% do tác động từ ngành du lịch; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 8,1%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 8,2 nghìn tỷ đồng, tăng 58,7%.
Khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh quý I/2024 đạt gần 1,4 triệu lượt, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa ước đạt hơn 8 triệu lượt, tăng 6,6%.
Ngay từ đầu năm, thành phố tiếp tục triển khai tích cực Đề án phát triển du lịch thông minh giai đoạn 2021-2025, trong đó có các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; phát triển sản phẩm du lịch đường thủy… Với tín hiệu khởi sắc trên, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu năm 2024 sẽ đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch ước đạt 190 nghìn tỷ đồng[3].
Để hiện thực hóa mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành du lịch trong năm 2024 đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt du khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 850 nghìn tỉ đồng, ngành du lịch Việt Nam xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm[4] gồm có:
(1) Ban hành Kế hoạch triển khai có hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(2) Tăng cường hoạt động liên kết trong phát triển du lịch, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động liên kết, phát triển điểm đến xanh - bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm; đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch;
(3) Tham mưu triển khai đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung khai thác các phân khúc thị trường khách, các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch MICE, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh du lịch bằng đường sắt; đề xuất thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài;
(4) Phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng của Việt Nam để nâng cao năng lực trạnh tranh thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỉ lệ khách quay lại;
(5) Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế, cơ sở hạ tầng để du lịch phát triển đồng bộ, toàn diện;
(6) Phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách;
(7) Tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu về du lịch trên các nền tảng số dùng chung; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong du lịch gắn với chuyển đổi số.
[1] Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
[2] Nguồn: Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2024 của các Cục Thống kê.
[3] https://tphcm.chinhphu.vn.
[4] Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê - www.gso.gov.vn - Đăng ngày 10/4/2024