Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dự hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Du lịch.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2022 với những biến động của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, hoạt động du lịch thế giới đã không được phục hồi như dự báo mà diễn ra chậm với tỷ trọng thấp.
Ở trong nước, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ VHTTDL, ngành du lịch đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ quan trọng và đạt được những kết quả nổi bật góp phần quan trọng trong việc phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, năm 2022 là năm đầu tiên khôi phục lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới (kể từ ngày 15/3), đến thời điểm này những chỉ số, chỉ tiêu về du lịch đã đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ.
Tổng cục Du lịch với chức năng nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ VHTTDL giao là cơ quan trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Bộ về công tác quản lý nhà nước về du lịch, đã triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp theo đúng kế hoạch. Trong năm 2022, Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng như triển khai các hoạt động xây dựng các văn bản quản lý nhà nước về du lịch, tham mưu cho lãnh đạo Bộ tổ chức rất nhiều hoạt động liên kết, hợp tác, nhất là liên kết vùng trong phát triển du lịch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tổng cục Du lịch cũng đã chủ trì, triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội tới các thị trường mục tiêu và đã trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Bộ triển khai một số hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn và hoàn toàn sẵn sàng chào đón khách du lịch trở lại sau đại dịch Covid-19… và hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa được triển khai đầy đủ, có những nhiệm vụ còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đều ra.
Tại Hội nghị, trình bày Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt (bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022); Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách (vượt qua các dự báo, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19); Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019).
Sự tăng trưởng thần kỳ của thị trường du lịch nội địa sau dịch Covid-19 là một điểm sáng, cứu cánh cho toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành Du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu.
Với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ 15/3, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là 1 trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực.
Du lịch Việt Nam được truyền thông mạnh mẽ thông qua các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, ngành du lịch đăng cai nhiều sự kiện diễn đàn du lịch quốc tế quan trọng của khu vực. Qua đó truyền tải thông điệp khẳng định Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn đã mở cửa du lịch hoàn toàn, sẵn sàng chào đón và cung cấp những trải nghiệm trọn vẹn dành cho du khách khắp nơi trên thế giới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu trình bày Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Tại Giải thưởng World Travel Awards 2022, Du lịch Việt Nam được vinh danh ở 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á.
Trong đó Việt Nam dành được những giải thưởng nổi bật như: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á. Tổng cục Du lịch Việt Nam lần thứ 3 được vinh danh là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á. Nhiều điểm đến nổi tiếng của Việt Nam cũng vinh dự nhận được các hạng mục giải thưởng danh giá: Hà Nội - Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới; Phú Quốc - Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới; Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới; Tam Đảo - Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới… Việt Nam lần thứ 6 đoạt danh hiệu "Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á" tại giải thưởng World Golf Awards 2022.
Phấn đấu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, bên cạnh sự trở lại "ngoạn mục" sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng.
Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại; Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam (Trung Quốc, Đài Loan, …) chưa mở cửa hoàn toàn.
Chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành Du lịch sẽ mạnh mẽ hơn; xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch.
Quang cảnh Hội nghị.
Về mục tiêu đặt ra năm 2023, ông Hà Văn Siêu cho biết, năm 2023 ngành du lịch phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Năm 2023, ngành du lịch cũng triển khai công bố Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Chính phủ phê duyệt.
Hoàn thành việc tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch sau khi tổ chức lại mô hình Tổng cục Du lịch.
Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt cho Hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến tổ chức vào Quý 1/2023; Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và tổ chức Hội nghị chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt khẳng định, dù trải qua năm 2022 với nhiều khó khăn nhưng với những nỗ lực, cố gắng, ngành du lịch đã đạt được những kết quả rất tích cực. Những con số đạt được về các chỉ tiêu du lịch trong năm 2022 đã minh chứng những nỗ lực của ngành.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao việc triển khai quy hoạch hệ thống du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là công việc khó, thực hiện trong một thời điểm khó nhưng đã cơ bản hoàn thành những nội dung quan trọng. Thứ trưởng cũng đánh giá cao công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, các hoạt động truyền thông, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế cũng như phối hợp với các địa phương…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị ngành du lịch tiếp tục đổi mới tư duy theo quan điểm đổi mới của Bộ VHTTDL đó là chuyển từ làm sang quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch.
Đề nghị Tổng cục Du lịch rà soát, triển khai thực hiện các chức năng nhiệm vụ được quy định sau khi sắp xếp lại bộ máy, tập trung chính vào công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Thứ trưởng đề nghị ngành du lịch cần tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế; Tham mưu các vấn đề liên quan đến xuất nhập cảnh đối với khách quốc tế, kết nối thị trường… làm sao để có chính sách thông thoáng trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, khơi thông các điều kiện để thu hút du khách quốc tế tốt nhất.
Đồng thời, cần tập trung công tác quản lý nhà nước đối với các chương trình liên quan đến du lịch cộng đồng, du lịch MICE, du lịch biển đảo, du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số…
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng yêu cầu Tổng cục Du lịch tập trung chuẩn bị tốt các phần việc liên quan đến Hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến tổ chức vào Quý 1/2023; Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị cũng như Hội nghị du lịch quốc tế do Thủ tướng chủ trì. Đồng thời làm tốt công tác xúc tiến quảng bá du lịch, tập trung các vấn đề về cơ sở vật chất, công tác tài chính… sau khi sắp xếp lại bộ máy.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo và bế mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, Tổng cục Du lịch sẽ cố gắng, nỗ lực vượt qua các khó khăn trước mắt để hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch công tác mà lãnh đạo Bộ ban hành. Bên cạnh đó sẽ tham mưu sâu sát hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn để thúc đẩy hoạt động du lịch của Việt Nam phát triển, đạt kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân.
Theo toquoc.vn