Du khách náo nức tham quan một đường hoa xuân Hà Nội. (Ảnh: Home Hanoi Xuan)
Theo
thống kê của Tổng cục Du lịch, từ ngày 21/1 đến 26/1 (29 tháng Chạp đến
Mùng 5 Tết), toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa (tăng
khoảng 47,5% so cùng kỳ Tết Nhâm Dần năm 2022), nhưng số khách lưu trú
ước đạt 2 triệu lượt (giảm khoảng 37,5% so cùng kỳ năm 2022), công suất
phòng trung bình ước đạt 40-45%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 17,5
nghìn tỷ đồng (giảm 30% so cùng kỳ).
Lượng khách quốc tế đến
Việt Nam dịp này tăng mạnh so Tết Dương lịch 2023. Đặc biệt, việc Trung
Quốc chính thức mở cửa trở lại từ ngày 8/1 đã khiến thị trường du lịch
quốc tế sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn. Các cơ sở lưu trú ghi nhận khách
quốc tế đặt phòng đạt 30-40% tổng lượng đặt phòng dịp Tết.
Đáng
chú ý, Khánh Hòa đón 15 chuyến bay mỗi ngày của Vietjet Air đưa khách du
lịch đến từ Trung Quốc, mỗi chuyến có từ 180-220 khách; 1.400 khách từ
Kazakhstan, Hàn Quốc; ước tổng lượt khách quốc tế lưu trú trong 6 ngày
Tết đạt 11.300 lượt.
Ninh Bình ước đón 29.500 lượt khách quốc tế
ghé thăm các điểm tham quan nổi tiếng. Tuy Hòa (Phú Yên) ước tính các
khu nghỉ dưỡng trên thành phố có số khách nước ngoài chiếm khoảng 40%
tổng số khách lưu trú.
Hà Nội ước đón 32.000 lượt khách quốc tế
với lượng khách lưu trú tăng mạnh, chủ yếu là khách Hàn Quốc, Nhật Bản,
Singapore, Canada, Pháp. Bà Rịa-Vũng Tàu ước phục vụ khoảng 10.688 lượt
khách quốc tế lưu trú, đón gần 2.400 khách quốc tế “xông đất” bằng đường
biển…
Đây là kết quả có được từ việc một số địa phương trọng
điểm du lịch đã chủ động kết hợp cùng các hãng hàng không, doanh nghiệp
lữ hành tổ chức hàng loạt sự kiện thu hút khách quốc tế, như: Vietnam
Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways phối hợp một số tỉnh, thành phố tổ
chức sự kiện chào đón những vị khách quốc tế tới “xông đất” đầu năm; tổ
chức các hoạt động chào mừng tại sảnh sân bay, ga tàu, lì xì năm mới,
tạo không khí hứng thú và khẳng định hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn,
thân thiện.
Các hãng hàng không cũng đã tăng cường thêm các
chuyến bay, không để xảy ra tình trạng chen lấn, mất trật tự an ninh.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng ước tính phục vụ 768 chuyến với 98.000 hành
khách di chuyển dịp Tết; Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Rạch Giá
(Kiên Giang) cũng phục vụ hơn 400 chuyến bay nội địa, quốc tế tới tham
quan, du lịch.
Bên cạnh đó, các hãng lữ hành đã xây dựng nhiều
sản phẩm du lịch phục vụ Tết Nguyên đán, mang đến nhiều sự lựa chọn cho
du khách trên cơ sở tập trung làm nổi bật ưu thế vùng miền, liên kết các
điểm đến, đa dạng hóa dịch vụ, trải nghiệm; đồng thời tích cực quảng
bá, thu hút khách quốc tế tới Việt Nam.
Một số doanh nghiệp đạt
kế hoạch kinh doanh mùa Tết từ 85-100%: Vietravel phục vụ hơn 47.000
lượt khách; Saigontourist phục vụ 200 đoàn khách đi tour trong nước, 70
đoàn khách đi tour nước ngoài. Tại nhiều công ty du lịch khác như:
TSTtourist, Fiditour-Vietluxtour, Ben Thanh Tourist, Vinagroup, Kiwi
Travel, Saco,… cũng ghi nhận lượng đăng ký tour, khởi hành cận và trong
Tết của du khách tăng cao.
Cùng
với đó, các cơ sở lưu trú du lịch xây dựng hàng loạt chương trình khuyến
mãi, kết hợp chuỗi các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm, đồng thời
nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tối đa nhu cầu của du khách. Nhìn
chung, giá phòng có sự tăng nhẹ từ 15-20%, không xảy ra tình trạng cháy
phòng, chặt chém giá phòng, bán sai giá niêm yết.
Nhiều địa
phương trong nước đã trở thành “điểm sáng” thu hút khách du lịch, như
Thành phố Hồ Chí Minh với 1.700.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú
đạt 250.000 lượt, công suất phòng trung bình đạt 85%, tổng thu từ khách
du lịch ước đạt 6.300 tỷ đồng; Khánh Hòa phục vụ 431.800 lượt khách,
công suất phòng trung bình đạt 77,45%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt
650 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so cùng kỳ năm ngoái; Thanh Hóa ước phục vụ
428.000 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 357 tỷ đồng, công
suất phòng trung bình đạt 31%; Cần Thơ ước phục vụ 370.000 lượt khách,
tổng thu từ khách du lịch ước đạt 340 tỷ đồng, công suất phòng trung
bình đạt 82%...
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du
lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi sau hai năm dịch bệnh. Tín hiệu
bắt đầu quay trở lại Việt Nam của khách quốc tế cũng chứng tỏ hướng đi
đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường
khách và chủ động làm mới sản phẩm.
Bên cạnh những kết quả đạt
được, hoạt động du lịch dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão cũng vẫn còn một số
hạn chế. Đơn cử, do ảnh hưởng của xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu và
biến động kinh tế-xã hội trong nước, sức mua của du khách đã giảm,
khách hạn chế chi tiêu hơn khi sử dụng các dịch vụ du lịch trung và cao
cấp.
Các lễ hội văn hóa, du lịch tâm linh dịp này đã được khôi
phục lại, nhu cầu đi du lịch kết hợp các hoạt động tâm linh tăng cao
nhưng chủ yếu là đi lại trong ngày. Vì vậy, số ngày lưu trú giảm, từ đó
kéo theo tổng thu du lịch giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện
tượng mất trật tự an ninh cũng còn tái diễn tại một số địa phương trọng
điểm du lịch. Chẳng hạn, một số điểm du lịch tâm linh vẫn xảy ra hiện
tượng móc túi, trộm cắp tài sản; hoạt động trông xe trái phép chưa được
xử lý triệt để… Hiện tượng ùn tắc cục bộ cũng vẫn diễn ra vào giờ cao
điểm và kéo dài nhiều giờ. Đây là những tồn tại cần được nhìn nhận để
tìm cách tháo gỡ, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của du lịch Việt
Nam.