Mặc dù Việt Nam đã “mở toang cửa” du lịch, thế nhưng đã qua 7 tháng mà lượng khách quốc tế đến vẫn cô cùng khiêm tốn. Vậy trong 5 tháng cuối năm, toàn ngành cần làm gì để có thể "cán đích" thành công?
(Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trong khuôn khổ diễn đàn Liên kết sức mạnh Du lịch Việt Nam vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù du lịch đã mở cửa hoàn toàn, thị trường nội địa đang trên đà phục hồi, tăng trưởng mạnh nhưng lượng khách quốc tế đến còn nhiều hạn chế.
Vậy vì sao chính sách thông thoáng mà vẫn ít khách ngoại, giải pháp nào sẽ khả thi để thu hút dòng khách này trong giai đoạn mới ở Việt Nam?
Khách ngoại đang cần gì?
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, có 7 xu hướng du lịch quốc tế tại Việt Nam, trong đó yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu sau đại dịch. Tiếp đó, du khách sẽ chọn những điểm đến có hệ thống y tế tốt, những dịch vụ, điểm du lịch đảm bảo quy định về vệ sinh và an toàn phòng chống dịch, đồng thời cũng sẽ có xu hướng đến những nơi riêng tư, cách biệt để hạn chế tiếp xúc đông người.
Hậu đại dịch con người nhận thức rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của sức khỏe, nhờ đó xu hướng du lịch phục hồi sức khỏe cùng phương thức di chuyển nhanh, tiện nghi nhằm giảm tiếp xúc, rút ngắn thời gian di chuyển được ưu tiên. Bên cạnh đó, du khách thích du lịch ngoài trời, trở về thiên nhiên, du lịch gắn với công nghệ cao, tính linh hoạt trong suốt hành trình…
Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy trong 7 tháng qua, cả nước đã đón và phục vụ 71,8 triệu lượt khách nội địa (vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm), song lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì rất hạn chế khi cả nước mới đón khoảng hơn 900.000 lượt (kế hoạch mục tiêu là 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022).
Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 nhiều khả năng không khả thi. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định có những nguyên nhân khách quan khiến thị trường quốc tế chưa thể tăng tốc trở lại, điển hình là xung đột Nga-Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam-Nga, ảnh hưởng lớn đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam đã “mở toang cửa” nhưng chính sách phòng chống dịch, mở cửa ở các nước lại khác nhau khi hầu hết thị trường khu vực Đông Bắc Á hiện đang xiết chặt phòng chống dịch. Hơn nữa, thời điểm này Việt Nam vẫn chưa phải cao điểm mùa du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50%-75% (mức tăng cao thứ 4 thế giới). Điều này hứa hẹn tốc độ phục hồi mạnh mẽ du lịch quốc tế của ngành du lịch nước nhà.
Địa phương, doanh nghiệp vào cuộc
Trước tình hình khách quốc tế đến còn rất khiêm tốn so với giai đoạn trước dịch COVID-19, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố đã ban hành các chính sách, chương trình phục hồi phát triển du lịch, tập trung liên kết và giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, khởi động lại các hoạt động hợp tác phát triển du lịch.
Ngoài ra, thành phố cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phục hồi du lịch quốc tế. Đặc biệt, liên kết-hợp tác là giải pháp chủ chốt nhằm gia tăng sức mạnh, khả năng phục hồi và phát triển cũng như tính cạnh tranh của du lịch Việt.
Các địa phương cần xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù để hấp dẫn khách ngoại. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Về kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù để hấp dẫn khách ngoại của Hà Nội, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam chia sẻ các địa phương cần phát triển sản phẩm du lịch bền vững dựa vào lịch sử và cộng đồng theo nhu cầu khách; tăng cường kết nối, hợp tác trong phát triển sản phẩm; sáng tạo trong phát triển nội dung, chú trọng yếu tố khác biệt; luôn đổi mới hình thức khám phá và trải nghiệm đích thực.
Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng để tiếp cận tới 70% khách hàng tìm kiếm thông tin trước khi đi du lịch, cần tận dụng tối đa hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá truyền thống, đồng thời chuyển dần sang xu thế mới là ứng dụng chuyển đổi số, phải xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn bên cạnh sử dụng các nền tảng thương mại, giúp đưa sản phẩm dịch vụ du lịch đến với khách hàng một cách trực tiếp.
Từ phía doanh nghiệp, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group kiến nghị từ nay tới cuối năm 2022, ngành du lịch cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường quốc tế có tiềm năng như Mỹ, Ấn Độ, Australia, ASEAN…
Dẫn chứng hoạt động của Saigontourist, ông Tài cho hay từ ngày 15/3 đến nay, đơn vị này đã tiên phong tổ chức các sự kiện roadshow lớn để quảng bá, xúc tiến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung ngay tại thị trường Mỹ (phối hợp cùng Vietnam Airlines), tại Ấn Độ, và sắp tới là Singapore thông qua hội chợ Du lịch quốc tế ITB Asia…
Bên cạnh đó, “Saigontourist còn tập trung đào tạo lại, củng cố chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách trong nước và quốc tế,” ông Tài cho biết.
Khách quốc tế trải nghiệm sản phẩm thủ công ở Hội An. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Giải pháp của toàn ngành
Nhằm tận dụng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm 2022, ông Nguyễn Trùng Khánh lưu ý các địa phương và doanh nghiệp cần tập trung làm mới sản phẩm du lịch, tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá…
“Chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu đó, theo ông Khánh, chính là thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương nhằm phát huy thế mạnh mỗi bên…, tạo sức mạnh tổng lực cho toàn ngành, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt với khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, để thu hút khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm 2022, Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị ngành du lịch tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…
Lãnh đạo ngành du lịch cho rằng các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng, đào tạo lại nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ du khách; cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến để thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam…
Du khách ngoại trải nghiệm văn hóa trà Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng lưu ý các doanh nghiệp lữ hành phải là nơi liên kết giữa nhu cầu và điểm đến, hiện thực bằng cách kết nối nhiều điểm đến để tạo ra các tour tuyến mới phục vụ nhu cầu đã và đang thay đổi của dòng khách ngoại.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần có tư duy mới, hành động mới trên cơ sở nhận diện thực trạng du lịch như vừa qua. Tư duy đó cần hài hòa giữa các yếu tố “Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa và kết nối”./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Sưu tầm: Ngô Diệp