Suối Rao Ecolodge (thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) không đơn thuần là một khu sinh thái nghỉ dưỡng, đó còn là nơi giữ gìn và phát triển đa dạng sinh học.
9 giờ sáng một ngày cuối tuần, bà Lê Thị Nga - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, chủ nhân của khu nghỉ dưỡng Suối Rao Ecolodge ngồi trò chuyện với chúng tôi ở một chiếc bàn gỗ, đặt phía sau sân nhà hàng. “Suối Rao như một cô gái miền sơn cước ngủ quên”, bà Nga ví von.
Hơn 10 năm trước, với niềm đam mê của một nhà thiết kế cảnh quan, nhà sinh vật học, bà Nga bắt đầu hành trình đánh thức “cô gái miền sơn cước” ấy. Bà bắt đầu tìm đến kiến trúc sư, nhà sinh vật học để thu thập các loại cây quý hiếm. Ban đầu chỉ có khoảng hơn 1.000 cây các loại như thông caribe, giáng hương, tùng, đến nay 5ha đất Suối Rao của bà có đến khoảng 1 triệu cây xanh với khoảng 600 loài. Trong đó có nhiều cây gỗ bản địa thuộc dòng quý, hiếm của BR-VT như: cẩm lai, chiu liu, giáng hương huyết, gõ đỏ, gõ mật, sến mù, lát hoa, vên vên, sưa đỏ… Đặc biệt là cây thành mát cánh và rừng cây hoa anh đào Miến Điện nở rộ vào tầm tháng 4 và tháng 5.
Du khách thích thú đạp xe trong không gian xanh mát của Suối Rao Ecolodge.
Ngoài ra, Suối Rao Ecolodge còn có 181 loại cây thuốc như: Mật nhân, ngũ thảo, ngà voi, trầu không, sâm đất, lài tía, sử quân tử, riềng, gừng rừng, ngãi cứu, thiên lý, khổ qua rừng, rau răm… Đặc biệt có nhiều loài cây hoang dã như xuyến chi, cỏ xước mọc rất nhiều. Các loài hoa như sơn quỳ, dã quỳ, bươm bướm, thiên điểu, hoa hồng, cẩm tú cầu… cũng được chị đưa về ươm trồng ở vườn. Khi vườn nhiều cây xanh, hoa nở khiến nhiệt độ, độ ẩm giảm xuống nên nấm tự mọc; chim chóc, ong bướm, cũng tự bay về; tắc kè, sóc cũng đến đây nương náu.
PGS – TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn khi đến Suối Rao Ecolodge cũng khẳng định: “Đây là một cú hích về đa dạng sinh học mà chính mỗi một cá nhân như bà Nga đều có thể làm, có thể đóng góp cho sự đa dạng sinh học của BR-VT”.
Trong không gian buổi sáng đầy nắng, nhưng Suối Rao Ecolodge vẫn có một bầu không khí mát vẻ tựa Đà Lạt, yên tĩnh, nghe rõ cả tiếng chim hót thảnh thót, tiếng nước suối róc rách phía ngoài xa… Thỉnh thoảng giữa không gian yên tĩnh đó, chúng tôi bắt gặp những khách du lịch già có, trẻ cũng rất nhiều họ đến Suối Rao Ecolodge lắng mình với không gian yên bình này để nghỉ ngơi, thiền, yoga… hoặc chỉ để đệm một tiếng guitar nho nhỏ đủ cho một người nghe.
Tôi nhìn rõ niềm vui trong ánh mắt của chủ nhân trong khung cảnh ấy. Bà Nga chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ nghĩ biến khu đất 5ha hoang sơ, sỏi đá ở Suối Rao của mình thành một vùng rừng để làm đa dạng sinh học cho thỏa niềm đam mê ngành nghề. Khi có 1.000 cây, tôi muốn có 1 triệu cây. Và tôi đã biến một khu đất không mấy rộng lớn thành một vùng rừng sinh thái với đồi núi, với cây rừng bản địa, với thuốc, với rau và hoa lá, chim muông… Từ đó, tôi muốn lan tỏa năng lượng tích cực này đến nhiều người nên khu nghỉ dưỡng Suối Rao Ecolodge được xây dựng”.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhân của Suối Rao Ecolodge hái cây xuyến chi trong vườn về chế biến món ăn cho khách du lịch
Vậy rồi, hơn 10 năm qua bà cứ thầm lặng, góp nhặt từng cái cây, từng giống loài để vùng rừng của bà ngày thêm đa dạng. Bà xây dựng thêm 1 nhà hàng, 1 phòng trà và 8 căn villa diện tích từ 30-140m2 được làm hoàn toàn bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như: gạch nung tự nhiên, mái ngói, tre, gỗ… với kiến trúc nhà ba gian Bắc bộ, Trung bộ và cả nhà sàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, diện tích trồng cây vẫn chiếm đến 95% trên tổng diện tích của khu nghỉ dưỡng.
Mỗi lần Suối Rao Ecolodge chỉ nhận tối đa 50 khách để bảo đảm không gian riêng biệt và yên tĩnh. Những đêm ở Suối Rao Ecolodge, du khách có thể hòa mình vào không gian văn hóa bản địa với đàn đá, đàn T’rưng, đàn guitar; cùng nhau đốt lửa trại, múa sạp, ném còn… Và thưởng thức những món ăn được nuôi, trồng tự vườn và thưởng thức gần 100 loại trà đạo. Ngoài ra khách du lịch cũng có thể đạp xe xuyên rừng, bơi trong hồ bơi sinh thái mà nước của hồ bơi được lấy từ suối về, được chèo thuyền kayak và được câu cái, hái sen.
“Tại Việt Nam, hiện có 6 khu Ecolodge là vùng sinh thái biệt lập, có địa hình đồi núi, cánh đồng, cánh rừng trong đó có Suối Rao Ecolodge. Nói về làm du lịch như Suối Rao Ecolodge thì chưa có lãi nhưng lãi chính là ở giá trị cốt lõi - giúp mọi người có thể tận hưởng bầu không khí trong lành, nghỉ dưỡng, từ đó nghĩ về môi trường nhiều hơn, trồng thêm cây xanh khi có điều kiện”, bà Nga nói.
Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu
Sưu tầm: Ngô Diệp