Am Gia Hội thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội là nơi phụng thờ và tưởng niệm ba vị nữ thần là Công chúa Vạn Thọ được phong tặng là “Kính thiên pháp tổ Bà Vương” hay “Trấn tĩnh Bà Vương”, Vạn Phúc Đệ nhất Công chúa, Vạn Lộc Đệ nhị Công chúa.
Cuốn thần phả có ký hiệu Aea2/34 lưu trữ tại Viện Nghiên cứu
Hán Nôm ghi chép rõ ràng về nguồn gốc, công tích của ba vị nữ thần được thờ tại
Am Gia Hội. Theo thần phả này:
Hai nàng Công chúa họ Lý, là con gái của vua Lý Nam Đế, húy
Lý Bí (Lý Bôn), chị là Phúc, em là Lộc, người Long Hưng, Thái Bình, tổ tiên là
Lý Hành. Khi mới sinh, các nàng đã có dung mạo khác thường: mày ngài, mắt phượng,
mặt hoa, da phấn, tóc mượt như mây. Khi lớn lên hai nàng mê sông nước, thích
vui đùa cùng sóng gió, thường bơi thuyền ngắm cảnh nơi biển cả, sông dài.
Vua cha và Hoàng hậu ra lệnh cấm hai nàng đi chơi. Hai nàng
buồn rầu thề nguyện “Chúng con nguyện cưỡi gió, đạp sóng, chém cá kình trên biển
cả, cứu vớt dân sinh trong nạn nước, nạn lửa. Tấm thân sắt đá, khí tiết bách
tùng này há lại bắt chước người đời cúi đầu khom lưng làm tỳ thiếp, cam tâm phục
dịch nội sự hay sao?”.
Vua và Hoàng hậu từ đó phải chấp thuận sở thích và khát vọng
của các nàng. Một hôm hai nàng bơi thuyền trên sông Tô, dừng chèo bên chân hòn
núi đá nhỏ, bỗng nghe kể về con cáo chín đuôi có phép thần thông biến hóa hại
người ở đây. Hai công chúa bí mật quay thuyền đi học phép thuật để trừ yêu quái
giúp dân.
Đến sông Như Nguyệt, hai nàng gặp một nữ tu có đạo pháp cao
siêu, không phải người thường. Hai nàng bèn mời nàng vào cung. Trước nhà vua và
triều thần nàng đã gọi gió, làm mưa, sấm chớp ầm ầm. Nhà vua rất kinh ngạc, ban
tên cho nàng là Vạn Thọ Công chúa. Sau đó Công chúa Vạn Thọ cùng hai nàng Vạn
Phúc, Vạn Lộc xin đi giúp vua dẹp trừ yêu quái.
Nàng Vạn Thọ xin vua cho lập đàn tế và nói: “Ta bẩm sinh từ
khí thiêng của nguyên khí. Thiên đình cao xa bận rộn nên không để ý tà ma gây hại.
Nay thấy Thiên tử mưu việc lớn, Thượng đế sai ta xuống cứu giúp, làm phúc lâu
dài, sáng tỏ ơn đức của quân vương”.
Nhà vua sai lập Tám đàn tế trời đất cho Vạn Thọ Công chúa diệt
trừ yêu quái. Công chúa Vạn Thọ cung thỉnh Ngọc hoàng Thượng đế, thần tướng
thiên binh 18 đạo rồi niệm thần chú. Giông gió, sấm sét nổi lên dữ dội, cây rừng
bị nhổ hết, đồi núi sạch không, yêu ma tuyệt tích.
Giữa đàn có đám mây đỏ rực bay lên. Trông lại không thấy Vạn
Thọ đâu. Từ đó hồ tinh tuyệt tích. Vua khen mãi không thôi, cho lập miếu thờ và
phong làm “Trấn tĩnh Bà Vương”, ban sắc chỉ cho hai Công chúa sớm tối phụng thờ.
Khi thành đạo, nhị vị Công chúa lại giúp cha dẹp giặc phương
nam, biên cương yên ổn, đất nước phồn thịnh. Một ngày nhị vị công chúa nhận được
tin dữ, vua Lý Nam Đế bị bênh qua đời, các nàng khóc thương thảm thiết rồi cũng
hóa tại nơi tu hành. Dân địa phương tôn vinh nhị vị Công chúa là phúc thần, thờ
chung với Vạn Thọ Công chúa.
Năm Trùng Hưng thứ tư (1288) vua gia phong tam vị Công chúa
là Thượng đẳng phúc thần. Các triều đại phong kiến về sau đều ban sắc phong thần.
Đền Thọ Phúc Lộc nằm bên bờ nước hồ Tây cạnh Đình Trích Sài,
làng Trích Sài. Đền có quy mô không lớn nhưng uy nghiêm, thanh tịnh như tâm đức
của Tam vị Công chúa và là điểm đến thường xuyên của những khách hành hương, tưởng
nhớ công đức của các vị nữ thần.
Đền Thọ Phúc Lộc có kiến trúc kiểu chữ đinh, Tòa Tiền tế có
3 gian, nối với 1 gian hậu cung. Trên bài trí tượng Phật, dưới là tượng thờ Tam
vị Công chúa Thọ, Phúc, Lộc.
Trong đền có bức hoành phi: Mẫu nghi thiên hạ, hai bên là
câu đối:
Từ am phát tích chung tú địa
Linh thiêng giáng ứng tại phủ đường.
Tạm dịch:
Từ am phát tích đất cẩm tú
Linh thiêng giáng ứng chốn phủ đường.
Các đền thờ Mẫu tối linh không thuộc tam phủ như đền thờ
Nguyên Phi Ỷ Lan, đền thờ thân mẫu Phù Đổng Thiên Vương, đền Tam vị Công chúa
Thọ, Phúc, Lộc đều có bức hoành phi: Mẫu nghi thiên hạ. Thần phát tích tại
Trích Sài, giáng ứng tại Trích Sài là ba công chúa Thọ, Phúc, Lộc.
Hiện ở đền không còn bia đá nói về sự việc hiển tích giáng ứng
của các thần, nhưng ở Chùa Thiên Niên vẫn còn tấm bia nói rất rõ việc này –
chùa Thiên Niên cũng thuộc địa bàn phường Bưởi cách đây không xa…
Đền Thọ Phúc Lộc, còn gọi là Đền ba Bà Chúa, Đền Trích Sài,
Đền Gia Hội làng Trích Sài, phường Bưởi quận Tây Hồ, Hà Nội thờ ba Công chúa thời
Lý Nam Đế là Vạn Thọ, Vạn Phúc, Vạn Lộc. Qua tư liệu Hán - Nôm hiện có như:
Hoàn Long Trích Sài Thiên Niên tự bi ký; Tây Hồ chí; Tam vị công chúa linh phả
đã khẳng định điều này.
Theo sách Tây Hồ chí, đền Thọ Phúc Lộc, còn gọi là Am Gia Hội tại Trích Sài, được lập bên Hồ Tây từ thời Lý Nam Đế (544-548), thờ ba vị công chúa: Vạn Thọ Phu nhân (hóa thân của Kim Mẫu), Vạn Phúc Công chúa và Vạn Lộc Công chúa, đều là con của Lý Nam Đế, do Đoàn phi sinh ra.
Chính hai công chúa Vạn Phúc và Vạn Lộc khi đến tuổi cài trâm, trong một lần du ngoạn trên sông Canh (sông Thiên Đức), đã đón được Ma nương, hóa thân của Kim Mẫu về làm phép diệt trừ hồ ly tinh. Sau, vua đã sắc phong Ma nương là Vạn Thọ Phu nhân, Trấn tĩnh Bà vương. Chuyện Tây Hồ chí chép mang màu sắc huyền thoại, cũng cho biết là Đàn trấn yểm hồ ly là do Trấn tĩnh Bà vương dựng lên để cầu đảo, làm phép diệt trừ hồ ly.
Cùng với việc xây đền Thọ Phúc Lộc, vua Lý Nam Đếá còn cho xây chùa Bát Tháp để hai công chúa trụ trì. Vốn chỗ gần Đàn trấn yểm có 8 quả tháp, khi Kim Mẫu làm phép, hai công chúa ngồi bắt quyết ở đó, lửa cháy rừng rực, núi đổ ầm ầm, nước sôi lên, nhưng không hề phạm tới hai công chúa.
Chùa dựng chỗ 8 quả tháp, nên gọi là chùa Bát Tháp. Hai công chúa trụ trì tại chùa Bát Tháp một thời gian cũng hóa về theo Tiên-Phật. Cho đến thời nhà Lý (1010-1225), cứ hai mùa xuân, thu, đều có cúng tế theo nghi thức quốc lễ tại cả đền Thọ Phúc Lộc và chùa Bát Tháp.
Cho đến đời Lê Thánh Tông, vua cho tiến hành cải cách lớn về kinh tế. Năm Hồng Đức thứ mười hai (1481) đã cho lập nhiều sở đồn điền và trang trại để phát triển nông nghiệp.
Vùng Hồ Tây có các làng Quán La Sở, Xuân Tảo Sở, chữ “sở” là dấu tích sở đồn điền xưa. Làng Trích Sài có trang Thiên Niên, cũng từ thời Lê Thánh Tông. Thời ấy, vua chia một nửa đất ruộng của Trích Sài cho các cung phi lập thái địa để tổ chức canh tác lấy hoa lợi, và đặt tên là trang Thiên Niên. Trong trang có lập miếu và điện cho các cung phi ở đó phụng sự.
Nhân trước miếu có chùa Bát Tháp đang ở nơi trũng, bèn cho chuyển lập dựng chùa mới ở thân đất cao hơn, phía trên bờ Hồ Tây, như vị trí ngày nay. Do trang có tên là Thiên Niên, nên chùa cũng được gọi là Thiên Niên tự (chùa Nghìn Năm), nơi các cung phi thờ Phật và tu hành. Sau vài chục năm, phần nhiều các cung phi tịch, hóa, còn lại vài chục người, rồi chùa Thiên Niên thành chùa làng, cho dân chúng thờ Phật.
Theo Bi ký chùa Thiên niên, làng Trích Sài do nhà sư họ Trần tên Văn Tựu soạn ngày 23 tháng Giêng năm Thành Thái thứ mười ba (1901), thì cuối thời Lê có quan Thái bảo Đà Quốc công đã tu sửa chùa và cúng tiến ruộng cho nhà chùa, nay hiện còn bia ghi lại việc đó.
Quả chuông đồng cổ của chùa có khắc chữ: “Nhà sư trụ trì Dưỡng Chân thị, nguyên Công bộ Hiệp lý triều Lê, đảm nhiệm thuê thợ đúc chuông, và tự tay viết chữ khác vào”.
Những năm cuối thời Lê, sư thầy có khi là người làng được đến giữ chùa, cúng Phật. Đến thời nhà Nguyễn, đời Minh Mạng (1820-1840), trang Thiên Niên nhập vào làng, cũng là xã Trích Sài, và chùa là chùa làng Trích Sài. Từ đó, dân làng cùng sư thầy chăm giữ chùa, thờ Phật.
Tới năm Thành Thái thứ năm (1893) dân làng Trích Sài mời nhà sư đến trụ trì, cho mở rộng phòng ở, sửa mới lại chùa, đúc chuông mới, tô thêm tượng Phật.
Bi ký chùa Thiên Niên, làng Trích Sài có viết lại khá kỹ sự tích Trấn tĩnh Bà vương, Vạn Phúc Công chúa và Vạn Lộc Công chúa. Trong khi đó, ở đền Thọ Phúc Lộc không có bia ghi sự tích ba Bà. Người lạ có thể thấy khó hiểu, nhưng đối với người Trích Sài, dù chùa đã được chuyển đến một chỗ khác hơn năm trăm năm, nhưng đền và chùa luôn là một cụm di tích trong tĩnh và linh thiêng.
Am Gia Hội được Thành phố xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc
nghệ thuật tại Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2008.
Tân An
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quận Tây Hồ - Báo Đại biểu Nhân Dân