Bích Câu Đạo quán là một di tích của Đạo giáo Việt Nam nổi tiếng ở Hà Nội, thờ Chân nhân đắc đạo thành tiên Trần Tú Uyên. Xưa nơi đây thuộc thôn An Trạch, huyện Vĩnh Thuận, phủ Phụng Thiên, nay là số 14, phố Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Bích Câu Đạo quán được xây dựng từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ
XVI đời vua Lê Thánh Tông, là nơi để các đạo sĩ đến luyện phép trường sinh và
thờ cúng thần tiên. Đến thời Lê Trung Hưng, Đạo giáo suy thoái, phần lớn các đạo
quán dần dần trở thành đền, chùa. Trong khuôn viên Bích Câu Đạo quán cũng có
thêm chùa và điện thờ Mẫu.
Tương truyền, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Một
hôm mơ thấy Phật bà Quan Âm mời vua lên đài sen, bẻ tám cành hoa sen trắng ban
cho vua. Tỉnh mộng, vua đem việc ấy nói với các quan trong triều và các cao
tăng. Các cao tăng thưa với vua ở hồ Tảo Liên phường Bích Câu cửa Nam thành có
loại sen trắng nở sớm, mùi hương rất thơm.
Vua sai đem hoa sen ấy đến nhìn, quả đúng như trong mộng, liền
cho xây ngôi chùa đề phụng thờ Quan Âm gọi là chùa Đắc Quốc. Mỗi khi hoa sen nở,
vua lại ngự thuyền rồng đến làm lễ dâng hoa. Vua sai người hái mấy bông sen trắng
đẹp nhất làm lễ dâng lên chùa Đắc Quốc, sau đó mới lấy mấy bông đem về dâng lên
nhà Thái miếu. Nhân dân trong thành nô nức đến xem, đây quả là một lễ hội vui vẻ.
Một thuyết khác cho rằng: Bích Câu là tên một ngòi nước
trong xanh như ngọc bích. Ngòi này chảy từ núi Nùng xuống Thủ Lệ rồi đổ vào hồ
Tảo Liên thuộc thôn An Ninh, tổng An Thành, huyện Vĩnh Thuận. Tên phường Bích
Câu được đặt theo tên ngòi nước thơ mộng ấy.
Hồ Tảo Liên là hồ nước mênh mông trong suốt. Hồ sản sinh một
loại hoa sen trắng nở vào đầu hè, trước khi các hoa sen khác nở, nên Tảo Liên
có ý nghĩa là hoa sen nở sớm. Vùng hồ này chính là đầu nguồn của sông Kim Ngưu.
Giữa hồ Tảo Liên có gò Kim Quy rộng mấy trượng trông như bồng lai tiên cảnh. Lý
Thái Tổ cho xây ngôi chùa trên gò gọi là chùa Đắc Quốc sau Lê Thánh Tông đổi là
chùa An Quốc.
Bích Câu đạo quán có lẽ không xa lạ với nhiều người, một phần
bởi đây là “quán” của đạo giáo Việt Nam, thờ tiên ông Trần Tú Uyên. Quen thuộc
hơn, nơi đây còn gắn liền với mối duyên kỳ ngộ giữa nàng tiên Giáng Kiều và
chàng trai họ Trần nơi hạ giới, gửi gắm ước mơ người và tiên hòa hợp của dân
gian.
Hiện dấu tích của Bích Câu Đạo quán chỉ còn lại chùa An Quốc
Tự, đền Tú Uyên và điện thờ Mẫu. Sau cổng tam quan tuy nhỏ nhưng độc đáo là một
khoảng sân khá rộng nối liền đền Tú Uyên với chùa An Quốc bên tả và tòa nhà đối
xứng bên hữu.
Theo kiểu kiến trúc của Đạo giáo, ở giữa sân đặt một hòn non
bộ để chắn gió (bình phong giả sơn), trước sân lại có hai giếng hình tròn và
vuông tượng trưng cho trời đất (thiên địa phong thuỷ). Cả ba toà nhà chính này
đều nhìn về hướng Nam và xây theo lối kiến trúc truyền thống hình chuôi vồ.
Phía sau còn có hậu đường, nhà khách, vườn tháp và nhà Ni.
Bích Câu không chỉ là vùng đất Phật mà còn được coi là mảnh
đất của chốn “bồng lai tiên cảnh”. Đây thực sự là trường hợp hiếm hoi có sự biến
đổi từ vùng đất Phật thành nơi có cảnh sắc và những câu chuyện huyền bí mang đậm
tính chất của đạo giáo thần tiên. Cảnh thần tiên thần bí đã được khắc trên những
câu đối trong quán:
Tuyết kính châu thiên độc hoán hồng trần khai giác lộ
Vân hương đặc địa tích thành bích thuỷ hội đào nguyên
Tạm dịch:
Đường tuyết khai thiên biến đổi bụi trần nơi giác lộ
Vân hương mở đất tụ thành bích thuỷ chốn đào nguyên
Tuyết kính là đường của thần, vân hương là quê của tiên. Thần
tiên bao giờ cũng đi mây về gió, ngủ tuyết nằm sương.
Hàng năm, nhân dân nơi đây mở hội tế vào mồng 4 tháng 2 âm lịch
kỷ niệm ngày thành đạo của Tiên Ông, ngày mồng 3 tháng 6 kỷ niệm ngày chân nhân
bay về trời, ngày 12 tháng 8 ngày sinh của Tiên Ông cũng là lễ hội chính của đền.
Trong ngày hội chính có các chương trình lễ tụng kinh thỉnh Phật, thỉnh Thánh của
các bà Vãi của đền.
Tiếp đó là các cụ ông trong đội tế nam An Trạch – Bích Câu
trong trang phục áo thụng xanh, đầu đội mũ thư sinh, đi hài xanh làm lễ tế. Tiếp
đó là Chương trình văn nghệ biễu diễn ca trù và hoạt cảnh diễn lại cảnh Tiên
Ông tu học, làm thuốc cứu người và gặp tiên nữ.
Buổi chiều dành cho dân làng và khách thập phương vào dâng hương làm lễ.
Bích Câu Đạo quán thực sự là một di tích tiêu biểu minh chứng
cho Đạo giáo thần tiên đã tồn tại trong đời sống người dân Thăng Long và cũng
là một địa chỉ được nhiều du khách viếng thăm để tìm hiểu một thiên tình sử
lãng mạn giữa tiên nữ và người trần. Gần 20 năm qua, Bích Câu Đạo quán còn là
“chiếu” ca trù đặc sắc, quy tụ những danh ca trên đất Hà thành.