Các di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh của huyện Hải Hậu Các di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh của huyện Hải Hậu Huyện Hải Hậu hiện có 31 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng, trong đó 9 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích ở Hải Hậu còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm. 1. Đền - Chùa Quế Phương - Hải Tây Đền - chùa Quế Phương được xây dựng từ năm Duy Tân thứ 6 (1912), qua hơn 6 năm xây dựng bằng sự đóng góp công sức, tiền của của nhân dân trong vùng do Hòa Thượng Bùi Xuân Quế trực tiếp thiết kế và chỉ đạo thi công đến năm 1918 chùa mới hoàn thành. Đây là quần thể di tích bề thế thể hiện sự tài năng, sức sáng tạo, đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật cổ truyền của dân tộc. Cùng với thờ Phật, thờ Mẫu, khu di tích Quế Phương còn có đền thờ Đỗ Tông Phát, đây là nơi ghi nhận công lao khai hoang lấn biển tạo dựng làng xã của Dinh điền Chánh sứ Đỗ Tông Phát ở cuối thế kỷ XIX. Tiến sỹ Đỗ Tông Phát là người con sinh ra và lớn lên tại Hải Hậu, cuộc đời làm quan của ông luôn gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển và chăm lo đời sống cho nhân dân. Sự nghiệp khẩn hoang của tiến sỹ Đỗ Tông Phát đã góp phần xây dựng nên một vùng đất mới (tổng Quế Hải) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và tạo dựng mảnh đất Hải Hậu giàu đẹp hôm nay. Việc lập đền thờ ông tại quần thể di tích không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân địa phương mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Không chỉ là công trình tôn giáo mang ý nghĩa tâm linh, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, di tích đã có những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp cách mạng của địa phương. Di tích là nơi công tác của ông Hoàng Thọ Đan Trưởng ty công an Nam Định trong thời kỳ 1950 - 1951. Nhà chùa còn có hầm bí mật cất giấu tài liệu và nuôi giấu cán bộ của Đảng, nhà nước. Công trình kiến trúc Đền - Chùa Quế Phương là một quần thể kiến trúc rộng lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Với lối kiến trúc nhiều gian, nhiều phòng, nhiều tòa kết hợp với cảnh quan môi trường thoáng đãng, rộng rãi đã mang lại cho di tích một dáng vẻ bề thế mang đầy đủ yếu tố cổ truyền và hiện đại hiếm thấy ở các di tích trong vùng. Đặc biệt tại đây còn bảo lưu được nhiều cổ thư quý như: câu đối, đại tự, sắc phong, văn bia góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu về lịch sử mảnh đất, con người nơi đây. Vào dịp lễ hội đầu xuân nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu cho cộng đồng dân cư ven biển Nam Định. Ngày 12/12/2003, Chùa Quế Phương được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH. 2. Chùa Phúc Quang - xã Hải Thanh Chùa được xây dựng trong quá trình lấn biển lập ấp của An phủ sứ Vũ Duy Hoà và con cháu. Chùa được nhân dân Phúc Quang, tổng Kiên Trung đóng góp xây dựng lại vào năm Thành Thái thứ 8 (1906); nay thuộc thôn Thanh Quang- Hải Thanh. Chùa thờ Phật, thờ Mẫu và thờ cụ Vũ Duy Hoà cùng các Tổ dòng họ có công khai sáng đất Hải Thanh ngày nay. Trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc, Chùa và những nhà sư trụ trì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày12/12/2003, Chùa được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích lịch sử văn hoá. Hàng năm, vào đầu xuân, nhân dân địa phương có tổ chức lễ hội. 3. Chùa Phúc Hải - xã Hải Cường Chùa do sư cụ Thanh Sơn Lại Sinh Chí trụ trì xây dựng vào năm 1905, Ất Tỵ, Thành Thái thứ 7, thuộc địa phận xã Trung Trại (nay thuộc xóm 2 Hải Cường). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ “Tứ Tính- Cửu Tộc” là Thuỷ Tổ khai sáng Quần Anh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa là cơ sở cách mạng, nhà sư Thích Thanh Năng đi bộ đội, đã hy sinh, là liệt sỹ chống Pháp, nhà sư Thích Thanh Đạt trở thành sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, sư cụ Thích Thanh Vỵ được chính phủ tặng bằng khen. Ngày 26/2/2003, Chùa được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích lịch sử văn hoá. Hàng năm nhân dân địa phương mở hội vào đầu xuân. 4. Đền Trần - thị trấn Thịnh Long Đền Trần- thị trấn Thịnh Long được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, là một di tích có giá trị lịch sử. Đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng của dân tộc, nhà quân sự thiên tài của quốc gia Đại Việt thế kỷ XIII- XIV. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” nhân dân địa phương đã rước chân nhang Đức Thánh Trần trên đền Trần của thôn Phú Lễ, xã Hải Châu về thờ để tỏ lòng biết ơn sâu sắc với người anh hùng có công với dân, với nước. Bên cạnh việc thờ phụng Đức Thánh Trần, còn thờ các vị tổ có công khai hoang lấn biển tạo lập làng xã. Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đền Trần- Thịnh Long đã trở thành địa điểm an toàn tin cậy cho các đơn vị bộ đội, du kích tập luyện và tham gia chiến đấu. Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước Đền Trần- Thịnh Long là nơi chứa vũ khí, cứu chữa thương binh, tập kết bộ đội tham gia chiến đấu góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Thịnh Long được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ. Công trình kiến trúc Đền Trần- thị trấn Thịnh Long được xây dựng theo phong cách cổ truyền mang đặc trưng tiêu biểu của lối kiến trúc thời Nguyễn trên vùng đất ven biển của tỉnh Nam Định. Ngày 26/02/2003, Đền Trần- Thịnh Long được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH. 5. Nhà lưu niệm ông Vũ Văn Hiếu - xã Hải Anh Ông Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/3/1907 tại ấp Văn Định xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương, huyện Hải Hậu (nay là xóm 10, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu). Ông là một Đảng viên Cộng sản lão thành có tinh thần yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân. Ông hy sinh cuối tháng 3/1943 tại nhà tù Côn Đảo (xem phần Nhân vật lịch sử Văn hóa). Để tưởng nhớ công lao của ông Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã dựng tượng đài ông bằng đá nguyên khối tại phường Hà Tu, trường THPT Hà Tu mang tên trường THPT Vũ Văn Hiếu; tại nghĩa trang Hàng Dương- Côn Đảo đã xây dựng bức tượng “Trao áo” thể hiện tinh thần vì sự nghiệp cách mạng của những người Cộng sản Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên đường phố mang tên Vũ Văn Hiếu, tại quê hương nhân dân địa phương được sự ủng hộ của chính quyền các cấp đã tu sửa ngôi nhà nơi ông sinh ra và lớn lên thành nhà lưu niệm để các thế hệ mai sau luôn tự hào và học tập tinh thần anh dũng kiên cường của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người con thân yêu của Hải Hậu anh hùng. Nhà thơ Tố Hữu viết: “Chết còn cởi áo cho nhau Nắm cơm để lại người sau ấm lòng” Ngôi nhà lưu niệm ông Vũ Văn Hiếu là một di tích lịch sử gắn liền với thời niên thiếu của ông. Trải qua bao quá trình hình thành và phát triển đến nay vẫn bảo tồn được giá trị lưu niệm đầu tiên về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông Vũ Văn Hiếu. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định nói chung, nhân dân xã Hải Anh nói riêng sẽ mãi tự hào về hình ảnh người chiến sĩ cộng sản kiên trung: ‘‘Sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng”. Ngày 07/01/2005, Nhà lưu niệm ông Vũ Văn Hiếu được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH. 6. Đền An Phủ Sứ Vũ Duy Hoà - xã Hải Phúc Đền An phủ sứ Vũ Duy Hoà nằm ở thôn Thượng Phúc, xã Hải Phúc, được xây dựng vào thế kỷ XVII ngay sau khi An phủ sứ Vũ Duy Hoà qua đời. Đây là công trình tín ngưỡng được hình thành gắn với công cuộc khai hoang lấn biển của cư dân vùng Hà Lạn xưa, Hải Phúc ngày nay. Đền thờ An phủ sứ Vũ Duy Hoà là một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh được xây dựng theo phong cách truyền thống. Tại đây vừa là nơi thờ tự, vừa là nơi đặt lăng mộ của An phủ sứ Vũ Duy Hoà và phu nhân, do vậy tạo được nhu cầu tâm linh rất lớn trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, di tích còn lưu giữ được nhiều câu đối, đại tự có giá trị lịch sử, nhiều mảng chạm, chạm khắc công phu, nghệ thuật thể hiện trình độ tay nghề của các nghệ nhân xưa, góp phần tăng thêm giá trị của di tích. Ngày 06/03/2006, Đền An phủ sứ Vũ Duy Hoà được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH. 7. Đền Hướng Thiện- xã Hải Long Đền Hướng Thiện thuộc xóm 6 xã Hải Long, được xây dựng từ năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái 6 (1894). Đây là nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là người có công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Do sự tỏa sáng về tài năng và nhân cách nên Hưng Đạo Đại vương đã được người đời sau ngưỡng mộ tôn lên bậc Thánh- Đức Thánh Trần và trở thành vị thánh bất tử trong tâm thức người Việt Nam. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhân dân địa phương đã rước chân nhang thờ ông tại di tích Đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc) về thờ tự để tỏ lòng biết ơn sâu sắc người anh hùng dân tộc. Trong phong trào cách mạng và kháng chiến, đền Hướng Thiện trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đặc biệt, trong thời gian giặc Pháp chiếm đóng Hải Hậu (từ tháng 11/1949 đến tháng 2/1952) di tích là cơ sở hoạt động của các cán bộ bí mật gây dựng phong trào cách mạng tại miền 4 xã: Hải Long, Hải Sơn, Hải Phương, Hải Trung và huyện Hải Hậu. Công trình kiến trúc đền Hướng Thiện đến ngày nay vẫn bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống: Tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Bia đá, sắc phong, kinh sách, tượng thờ… thể hiện sự nâng niu, trân trọng của nhân dân địa phương đối với việc bảo tồn những di sản văn hóa quý báu mà cha ông xưa để lại. Ngày 27/9/2006, Đền Hướng Thiện được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH. 8. Chùa An Nghiệp xã Hải An Chùa thôn An Nghiệp xã Hải An là nơi thờ Phật, ngoài ra còn thờ đức Thánh Tổ Dương Không Lộ một vị Quốc sư triều Lý có nhiều công lao đóng góp với đất nước và nhân dân và là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Ngôi chùa được toạ lạc trong khuôn viên với diện tích rộng. Hiện nay tại chùa An Nghiệp gồm các hạng mục công trình vẫn bảo lưu được kiến trúc gỗ truyền thống được nhiều thế hệ gìn giữ và bảo quản. Trong những năm qua, chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc của người Việt. Ngoài ra Chùa thôn An Nghiệp còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật, tượng thờ có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa như: Câu đối, đại tự, chuông đồng, Sắc phong và hệ thống tượng thờ Phật, tượng Đức Thánh Tổ... Trong hai hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Đế quốc Mỹ chùa thôn An Nghiệp là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương. Hàng năm chùa thôn An Nghiệp thường xuyên tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Phật đản (15/4), Lễ Vu Lan (15/7) và Lễ kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh tổ (15/9) đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Với những giá trị đó chùa An nghiệp đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2019. 9. Chùa Nam Anh xã Hải Sơn Chùa Nam Anh tọa lạc tại xóm 1 xã Hải Sơn, được khởi dựng vào năm Đinh Mão, niên hiệu Bảo Đại 2 (1927). Đến năm Giáp Thân (1944), ngôi chùa được trùng tu lớn và các công trình phụ trợ được hoàn thành. Ngời đứng đầu hưng công, tổ chức xây dựng chùa là Cửu phẩm bách hộ Phạm Văn Đoan, Lý trưởng Đặng Đình Hòe. Cụ Nguyễn Văn Nghĩa hưng công xây dựng phủ Mẫu. Nên tại địa phương truyền tụng câu ca “Chùa Đoan, phủ Nghĩa”. Ngôi chùa có quy mô 5 gian tam bảo quay hướng nam, sau là thượng điện thờ Tam thế và các vị La hán. Nối niền tao bảo là gác chuông. Tiếp nối 5 gian nhà tổ, phía đông nhà tổ là tăng phòng và nhà khách, phía tây là nhà tiếp linh, phía đông tam bảo là phủ Mẫu. Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc chùa còn lưu giữu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Bia, khánh đá, chuông đồng, hệ thống tượng gỗ... Trong phong trào cách mạng chùa là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đặc biệt giai đoạn 2 năm 4 tháng chùa nơi nơi hội họp của dân quân du kích, là trạm giao liên, trong chùa có hầm bí mật nuôi dấu cán bộ, là kho vũ khí của Trung đoàn 46... Hàng năm tại chùa diễn ra nhiều ngày lễ như: Lễ Phật Đản ngày 14/4 âm lịch, lễ Vu lan 15/7 âm lịch, và các ngày Sóc, Vọng...Đặc biệt lễ hội lớn nhất được chùa và nhân dân tổ chức hàng năm vào trung tuần tháng Giêng. Chùa được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2013. 10. Đền An Phú- xã Hải Phong Đền An Phú là công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng trong quá trình khai hoang, lấn biển tạo lập làng xã của nhân dân địa phương. Ngôi đền đầu tiên được xây dựng vào năm 1835. Đến năm 1912 được trùng tu, trải qua thời gian, năm tháng, công trình đã được nhân dân đóng góp tiền của tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc truyền thống của dân tộc. Đền An Phú là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, là nơi thờ tự tri ân công đức vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn mà tài năng và đức độ của ông đã được người đời sau ngưỡng mộ tôn vinh là Đức Thánh Trần. Đền An Phú thờ dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778- 1858), người có công tổ chức công cuộc khai hoang lập nên tổng Ninh Nhất vào năm 1829. Di tích còn là nơi thờ tổ lập làng Trần Xuân Khánh, người đã theo Nguyễn Công Trứ tổ chức nhân dân khai khẩn lập nên ấp An Phú (nay là thôn An Phú, xã Hải Phong). Tín ngưỡng thờ các vị thần ở đây vừa tạo nên sức mạnh tinh thần cho những người đi khai hoang dựng xây quê mới, vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân địa phương. Trong quá trình bảo tồn và phát triển, đền An Phú đã trở thành địa điểm có nhiều mối liên quan đến lịch sử hình thành làng xã. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đền An Phú là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, góp phần vào thành tích chung của quê hương Hải Phong anh hùng. Tại di tích hiện còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Sắc phong, bài vị, câu đối, tượng thờ… Ngày 02/9/2006, đền An Phú được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa. 11. Đền Chùa Hải Tĩnh xã Hải Tân. Đền, chùa Hải Tĩnh tọa lạc tại xóm Phạm Tăng xã Hải Tân, là nơi thờ Trần Hưng Đạo và thờ phật, ngoài ra còn thờ vị tổ sư pháp danh là Thích Thanh Khái, thế danh là Nguyễn Ân Quang. Đền, chùa Hải Tĩnh ban đầu có tên là đền Tam Thánh được xây dựng vào năm 1838, gồm 3 gian, bộ khung bằng gỗ, mái gắn ngói nam. Do sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều hạng mục công trình của đền xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 1942 đến năm 1946 nhà sư trụ trì Thích Thanh Khái đã vận động nhân dân xây dựng ngôi đền và xây thêm 3 gian bái đường làm nơi thờ phật. Năm 2010, chính quyền và nhân dân địa phương, cùng sư trụ trì Thích Thanh Trúc đã kêu gọi các tín đồ phật tử và nhân dân khắp nơi phát tâm công đức xây dựng mới ngôi chùa với khuân viên như hiện nay. Gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng, Đền, chùa Hải Tĩnh là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Năm 1946 tại đền, chùa Hải Tĩnh, Hội Nông dân cứu quốc được thành lập, ngoài ra còn là nơi thành lập Trung đội tự về gồm 50 người, đền, chùa còn là nơi giao quân, đào hầm bí mật nuôi dấu bộ đội, du kích và cán bộ cách mạng của huyện về hoạt động. Trong kháng chiến chống Mỹ đền, chùa là kho vũ khí, lương thực cho chiến trường. Đã có nhiều nhà sư tu tại chùa đã “cởi áo cà sa” lên đường nhập ngũ và đã anh dũng hi sinh... Hàng năm đền, chùa Hải Tĩnh tổ chức các ngày lễ gồm: Phật Đản ngày 14/4; Vu Lan ngày 15/7, các ngày Sóc, Vọng...và ngày kỵ ĐứcThánh Trần ngày 20/8 Âm lịch. Đây là ngày lễ hội có ý nghĩa quan trọng được chính quyền, nhà chùa và nhân dân tổ chức long trọng nhất trong năm. Đền chùa Hải Tĩnh được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2016. 12. Đền Chùa Thiên Biên xã Hải Thanh Đền chùa Thiên Biên tọa lạc tại xóm Xướng Cau xã Hải Thanh với quy mô bao gồm: Chùa chính là nơi thờ phật, phủ thờ mẫu và đền thờ Đức Thánh Triệu Quang Phục. Đền chùa Thiên Biên được xây dựng năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742). Ban quản lý di tích đền chùa Thiên Biên cùng nhân dân, các nhà hảo tâm và các tín đồ đã đóng góp nhiều công sức trùng tu, tôn tạo gìn giữ nét đẹp di sản văn hóa và cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh trong vùng. Hằng năm cứ đến rằm tháng Giêng và tháng Tám Âm lịch nhân dân trong vùng và các tín đồ khắp nơi lại tụ họp về dâng hương lễ phật và tưởng nhớ công lao to lớn của người Anh hùng dân tộc Triệu Quang Phục cùng các vị tổ. Chùa được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2013. 13. Đền Đại An xã Hải Vân Đền Đại An tọa lạc tại xóm 6, xã Hải Vân. Theo tư liệu lịch sử và văn bia “Văn chỉ thạch bi ký”, niên hiệu Tự Đức 12 (1859) nhân dân thôn Thái Hòa do Tiên chỉ Bùi Vũ Cát, Xã trưởng Đinh Viết Khuê; Đỗ Viết Thuyên; Cai xã Bùi Viết Nhâm; Xã trưởng Mai Viết Tải...Bản xã Cựu Lý trưởng Đỗ Viết Tỉnh đã đứng lên vận đông nhân dân góp công, góp sức xây dựng Đền ĐẠi An để thờ Đức thánh Triệu Việt Vương. Ngôi đền trước đây được xây dựng bằng gỗ lim theo kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm 3 gian tiền đường, ở giữa là thiêu hương, hai bên là ống muống, hậu cung 3 gian. Đến năm 1978, do thiên tai bão lũ tàn phá, một phần của công trình bị đổ nát, nhân dân buộc phải hạ giải. Năm 1993, dưới sự huy động của ông Đặng Ngọc Cừu, Đặng Kim Chi, Mai Công Đăng, Cao Xuân Thu cùng những nhà hảo tâm, nhân dân xây dựng lại phần trung đường và tiền đường với lối kiến trúc như hiện nay trên khuân viên 1180m2. Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng, xã, di tích Đền Đại An đã trở thành nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và có những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của địa phương trong sự nghiệp đấu trang giành độc lập dân tộc. Hàng năm lễ hội Đền Đại An được tổ chức 3 kỳ: Lễ mùa Xuân, lễ kỷ niệm ngày sinh (mồng 6 tháng Giêng) và lễ kỷ niệm ngày mất của Đức thánh Triệu Việt Vương. Đền Đại An được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2013. 14. Từ Đường Tổ Lại Xuân Không - xã Hải Trung Từ đường Tổ Lại Xuân Không nằm trên địa bàn xóm 15, xã Hải Trung, được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ XIX. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, từ đường đã được xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình. Đến niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896) từ đường được hoàn chỉnh cho đến ngày nay với mục đích để con cháu tỏ lòng tri ân công đức của Tổ Lại Xuân Không; người đã có nhiều công lao trong công cuộc khai hoang lấn biển, xây dựng và củng cố đất Quần Anh. Được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong “Dực bảo trung hưng, linh phù tôn thần”; được nhân dân Hải Hậu liệt vào hàng đầu trong “Cửu tộc” đã có công lớn cùng “Tứ tính” tạo dựng nên mảnh đất Quần Anh xưa, Hải Hậu ngày nay. Từ đường Tổ Lại Xuân Không là công trình kiến trúc cổ quy mô, mang đậm đường nét kiến trúc nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Tại đây còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị như sắc phong, văn bia, nhang án, câu đối, đại tự góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá của dân tộc. Ngày 28/8/2008, Từ đường Tổ Lại Xuân Không được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH. 15. Từ Đường Thuỷ Tổ Hương Cống Trần Quốc Thể - xã Hải Phúc Từ đường Thuỷ tổ Hương cống Trần Quốc Thể được xây dựng từ năm 1911 tại xóm 13 xã Hải Phúc. Đây là một công trình tín ngưỡng được hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc khai hoang mở đất, tạo lập làng xã và có giá trị về lịch sử. Công sức và thành quả lao động mà Hương cống Trần Quốc Thể cùng các tổ khai sáng và nhân dân đạt được đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nên mảnh đất Hải Phúc giàu đẹp ngày nay. Công trình kiến trúc Từ đường Thuỷ tổ Hương cống Trần Quốc Thể được xây dựng theo phong cách truyền thống. Tại đây vừa có nơi thờ phụng, vừa có lăng mộ là nơi an nghỉ vĩnh hằng của ông. Di tích còn là nơi giữ gìn được nhiều câu đối, đại tự có nội dung ghi về công lao sự nghiệp của Hương cống Trần Quốc Thể đối với quê hương đất nước. Đặc biệt trong cung cấm còn có nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, góp phần tăng thêm giá trị nghệ thuật cho di tích. Ngày 12/01/2009, Từ đường Thuỷ tổ Hương cống Trần Quốc Thể được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH. 16. Từ đường Họ Lê xã Hải Phương Họ Lê Đại Tôn nằm trên mảnh đất thuộc xóm 11 xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh nam Định. Theo “Quần Anh địa chí” thì Tổ họ Lê gồm 3 anh em (Tổ Toàn Vinh; Tổ Huyền Đô; Tổ Đạo Thông) từ Tương Đông xuống mảnh đất Quần Anh phía nam Lạch Lác khai hoang lập ấp cách đây hơn 500 năm. Ban đầu các Tổ làm nghề đánh cá và làm muối kiếm kế sinh nhai đồng thời cùng với Tứ tổ (Trần Vu; Vũ Chi; Hoàng Gia; Phạm Cập) và các họ khác trong Cứu Tộc (Lại; Nguyễn; Bùi; Phan; Đoàn; Đỗ và Trần, Vũ phái khác) khai khẩn đất đai, mở mang ruộng đất khai cơ lập nghiệp. Sau khi 3 Tổ qua đời con cháu cùng nhau xây dựng từ đường ở phía tây chùa Lương. Năm 1804 đất Quần anh chia làm 3 xã và bắt đầu có sự phân tách, riêng Quý chi (Tổ Đạo Thông) con cháu vươn xa mở mang xuống phía nam đê Hồng Đức xã Quần Anh Hạ (Nay thuộc xóm 11 – Hải Phương). Năm 1835 con cháu họ Lê bắt đầu xây dựng ngôi từ đường (Lê Qúy Chi) ban đầu chỉ là nóc cỏ rường tre. Năm Quí Mùi (1883) xây hậu chẩm; Năm 1897 tiến hành đại tu xây tiền đường 3 gian bằng gỗ lim. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay ngôi từ đường vẫn giữ được kiến trúc cổ kính và truyền thống. Trong kháng chiến chống Pháp từ đường là nơi nuôi dấu cán bộ và là nơi hoạt động bí mật của cách mạng. Ngày 16/10/1948 từ đường là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên xã Quần Phương – Tiền thân của Đảng bộ xã Hải Phương ngày nay. Trong chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ từ đường là nơi sơ tán, cất dấu lương thực và vũ khí của nhà nước. Tổng kết kháng chiến từ đường họ Lê được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây vào những ngày kỷ niệm trọng thể của địa phương, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Phương luân tổ chức dâng hương nhớ ơn tiên tổ từ đường họ Lê. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2016. 17. Từ đường Họ Đoàn xã Hải Long Từ đường họ Đoàn tọa lạc tại xóm 12 xã Hải Long trên khu đất với diện tích trên 400 m2. Khởi nguồn xây dựng từ năm 1827 chỉ là mái tranh, vách đất, đến năm 1811 được xây dựng lại bằng gỗ lim. Từ năm 1915 đến 2015 được trùng tu, mở rộng nhiều lần tạo lên tổng thể kiến trúc theo kiểu chữ Đinh trên diện tích 1.360 m2. Theo các tư liệu để lại họ Đoàn xã Hải Long thuộc dòng Tứ tính, Cửu tộc góp công khai sáng đất Quần anh xưa, vào thế kỷ XVII họ Đoàn cùng các doàng họ khác tiến hành khai hoang, mở đất vùng phía Nam đê Hồng Đức từ Nhất trùng đến Tam trùng. Với những công lao mở đất, lập làng vào triều Nguyễn năm Khải Định thứ 9 (1924) Thủy tổ Đoàn Thanh Lộc được vua ban sắc phong “Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần”. Hiện nay tại từ đường vẫn còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật có giá trị như: Tượng thờ, khám thờ, nhang án, bia đá, cùng với gia phả, hoành phi, câu đối, bài vị... Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ các thế hệ con cháu trong dòng họ đã góp công, góp sức hòa cũng cả nước chiến đấu, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hàng năm cứ vào ngày 15,16 tháng 11 âm lịch con cháu dòng họ lại tụ hội về từ đường giỗ tổ để tưởng nhớ công lao to lớn của các Thủy tổ, cùng với đó kết hợp phát thưởng khuyến học để động viên con cháu không ngừng học tập phấn đấu vươn lên góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2019. 18. Từ đường Họ Hoàng xã Hải Sơn Từ đường họ Hoàng Đại Tông tọa lạc tại xóm 7, xã Hải Sơn huyện Hải Hậu trên khu đất với diện tích trên 720 m2. Từ đường họ Hoàng là nơi thờ Thủy Tổ Hoàng Gia (Một trong 4 vị Thủy Tổ có công cùng với các Thủy Tổ Trần vu, Vũ Chi, Phạm Cập khai hoang bãi bồi Lạch Lác, lấn biển thành lập đất Quần Anh xưa- Hải Hậu ngày nay). Năm 1830-1841 thời vua Minh Mạng, cụ tổ kế thành dòng họ Hoàng là Hoàng Đại Thành (người con trai thứ 5 của Thủy tổ Hoàng Gia) đã dời quê cha đất tổ Quần Cường- Hải Trung về phía nam, nơi bãi biển đất bồi phì nhiêu màu mỡ chọn vùng đất Ngũ Trùng là nơi tọa lạc để lập ấp, phát triển dinh điền cho con cháu mai sau. Từ năm 1864-1869 thời vua Tự Đức tổ họ Hoàng cùng với các tổ dòng họ Trần, Lê, Vũ cùng nhau chung sức khai khẩn đất đai, lập làng, dựng ấp nay là vùng đất xóm 7, xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu. Từ đây con cháu dòng họ đã lập từ đường lúc đầu chỉ bằng vách đất, thanh tre, lứa để thờ phụng. Đến năm Tân Hợi 1911- thời vua Duy Tân con cháu trong dòng họ chung sức xây dựng ngôi từ đường 3 gian hướng tây nam. Năm Quý Mùi 1943 thời Bảo Đại con cháu trong dòng họ xây dựng lại ngôi từ đường hướng đông gồm tiền đường và hậu chẩm theo phong cách kiến trúc của người Việt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ đường là nơi hội họp của dân quân du kích, là cơ sở cách mạng của địa phương. Từ năm 1955 đến 1957 từ đường là cơ sở lớp bình dân học vụ. Năm 1964-1975 từ đường dòng họ là kho chứa đạn pháo, vũ khí của trung đoàn 46 thuộc Quân khu III. Năm 1972 sau nhiều lần ném bom của Đế quốc Mỹ từ đường họ Hoàng đã bị sập hư hỏng toàn bộ hậu chẩm, đồ thờ tự và sắp phong cũng bị cháy theo. Trải qua năm tháng con cháu trong họ không ngừng góp công sức xây dựng lại từ đường khang trang cho tới ngày nay. Hiện nay từ đường vẫn còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị như ngai thờ, bát hương, câu đối, đại tự... Hàng năm cứ đến ngày 07 tháng 11 âm lịch con cháu trong họ lại tụ hội về giỗ tổ, kết hợp phát thưởng khuyến học để động viên con cháu không ngừng học tập, xây dựng quê hương đất nước. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2021. 19. Từ đường Họ Lại xã Hải Long Từ đường họ Lại chi Đệ Tam thờ tổ Lại Chính Tâm tại xóm 6 xã Hải Long được xây dựng năm Tân Mùi 1871 với tổng diện tích 1044m2 kiến trúc theo kiểu chữ công. Khởi đầu từ đường chỉ là nơi làm bằng tre lứa, lợp cỏ trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo (2008, 2009) mới có được một tổng thể công trình gồm nhiều hạng mục như ngày nay. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp: Tháng 8/1945 đến 1947 là nơi mở lớp huấn luyện giáo viên bình dân học vụ cho huyện Hải Hậu do Ty bình dân học vụ tỉnh Nam Định tổ chức. Tháng 6/1947 Tỉnh ủy Nam Định đã chọn là nơi thành lập Huyện ủy Hải Hậu và Ban chấp hành Đảng bộ huyện. Từ năm 1947 đến 1949 từ đường là nơi làm việc của Tòa án tỉnh Nam Định. Năm 1952 – 1954 từ đường giành 2 gian làm kho thóc thuế nông nghiệp của huyện; 2 gian được làm kho vũ khí của Quân khu III do Trung đoàn 46 phụ trách. Ngoài ra từ đường còn là nơi cất giữ tài liệu lưu trữ của Đảng và chính quyền huyện Hải Hậu. Năm 1954 từ đường là địa điểm trường cấp II quốc lập của huyện. Trong Kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ đường là địa điểm sơ tán của Bệnh viện huyện Hải Hậu và nhiều cơ quan đơn vị khác. Trải qua các cuộc kháng chiến các thế hệ con cháu trong dòng họ đã có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương và đất nước, có nhiều thế hệ con cháu lên đường nhập ngũ và hi sinh, nhiều người được phong tặng Liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, và cũng có nhiều người trở thành sỹ quan cao cấp trong quân đội. Hiện nay trong công cuôc xây dựng và bảo vệ đất nước con cháu trong dòng học đang phấn đấu không ngừng học tập, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước để làm rạng rỡ tổ tiên. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2016. 20. Từ đường họ Lê xã Hải Hưng Từ đường họ Lê Đại Tông tọa lạc tại thôn Trung Lễ - nay là xóm 15 xã Hải Hưng huyện Hải Hậu trên khu đất với diện tích trên 600 m2. Khởi nguồn xây dựng từ năm Nhâm Thân (1811) niên hiệu Gia Long, ban đầu từ đường được xây dựng bằng tre, gỗ lợp cỏ. Để thờ phụng tổ tiên năm Quý Tỵ 1893 niên hiệu Thành Thái triều Nguyễn tiền nhân xây dựng lại phần hậu cung và chung đường. Từ năm 1906 đến 1911 xây dựng thêm tiền đường và hai gác chuông tạo lên tổng thể kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc. Từ năm Bảo Đại thứ 13 (1937) đến năm 2002 từ đường đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần, hiện nay trở thành khu quần thể khang trang, sạch đẹp mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống của người Việt. Theo các tư liệu để lại họ Lê Đại Tông - Kiên Trung xã Hải Hưng thuộc dòng dõi Lê Hiển Tông, hậu duệ nhiều đời của vua Lê Thái Tổ. Vào những năm Cảnh Hưng (1774) Thủy tổ Lê Công Bắc cùng với các tổ họ Đinh, Phạm, Lương... Từ Kiên Lao phủ Xuân Trường đã chọn đất Kiên Trung để khai thiên lập địa, quai đê lấn biển làm nơi sinh sống. Từ đây đất đai ngày càng được mở rộng, bồi đắp con cháu nối nghiệp càng phồn thịnh dài lâu. Với những công lao mở đất, lập làng Thủy tổ Lê Công Bắc được vua ban sắc phong “Tứ thiên hộ hầu” và đặt tên thụy là “Đôn Nhã”. Hiện nay tại từ đường vẫn còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật có giá trị như: Tượng thờ, khám thờ, nhang án, bia đá, cùng với gia phả, hoành phi, câu đối, bài vị... Trong công cuộc kháng chiến cứu nước (1950-1952) từ đường họ Lê Đại Tông là nơi tập kết lui quân của lực lượng vũ trang đánh thắng trận Cầu Đôi lịch sử và các trận càn của Pháp. Từ năm (1954-1957) là nơi tổ chức mở lớp bình dân học vụ xóa mù chữ. Năm 1965-1975 từ đường được trưng dụng làm kho chứa vũ khí, đạn dược và lương thực hàng hóa của Quân khu 3. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ con cháu họ Lê Đại Tông có hàng trăm người tham gia nhập ngũ, trong đó có 12 người là Liệt sỹ, 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm người được thưởng huân huy chương các loại. Trong công cuộc xây dựng đất nước con cháu trong dòng họ không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập lao động sản xuất xây dựng nông thôn mới làm rạng rỡ cho tổ tiên, nhiều người trưởng thành giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Hàng năm cứ vào dịp 16 tháng 9 âm lịch con cháu dòng họ lại tụ hội về từ đường giỗ tổ kết hợp phát thưởng khuyến học, qua 20 năm phát động phong trào khuyến học khuyến tài đã được tặng 2 bằng khen của Trung ương hội khuyến học Việt Nam và mặt trận tổ quốc tỉnh Nam Định, nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, xã. Với những giá trên từ đường họ Lê xã Hải Hưng đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2018. 21. Từ đường Họ Nguyễn Xã Hải Hà Họ Nguyễn xã Hải Hà thuộc dòng Thái Thủy Tổ Nguyễn Bặc – Hậu duệ nhiều đời của tổ Nguyễn Kim. Vào những năm đầu thế kỷ XVII tổ Phúc Thủy cùng các tổ Phạm, Hoàng, Vũ , Nguyễn, Lã…quai đê lấn biển lập lên xóm, làng trù phú Cẩm Hà Trang (nay là xã Hải Hà) và dựng chùa Đào Am, mở rộng chợ Quán, xây đình làng… Dưới triều Nguyễn năm Khải Định thứ 9 (1924) đã được Vua ban sắc phong: “ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần”; Năm 1864 ba hậu duệ của tổ Phúc Thủy đứng đầu trong danh sách 117 vị Tiên công xuất tài, xuất lực khai hoang lập được 8558 mẫu và đắp đê Ngự Hàm từ Hải Quang ra Kiên chính dài hơn 5Km, ngoài ra còn làm thủy lợi thau chua, rửa mặn, trồng cây chắn sóng để lại cho hôm nay một vùng đất trù phú chạy dài từ Hải Quang, Hải Đông, Hải Tây ra tới một Hải Chính. Trong Công cuộc kháng chiến cứu nước: Năm 1946 – 1949 từ đường là nơi chứa lương thực, là nơi mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ. Trong hậu cung còn có hầm bí mật cho du kích hoạt động… Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Đế quốc Mỹ các thế hệ con cháu trong dòng họ đã có nhiều người lên đường nhập ngũ, cầm súng đánh giặc. Trong đó đã có nhiều người hi sinh được nhà nước phong tặng Liệt sỹ; có nhiều người trở thành sỹ quan cao cấp trong quân đội. Trong học tập dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao như: Tiến sỹ, Thạc sỹ, Cử nhân…Dòng họ đã vinh dự được Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu tặng danh hiệu: “Dòng họ hiếu học”. Từ đường không chỉ là nơi ghi nhận công lao của các vị Tổ dòng họ Nguyễn trong công cuộc khai hoang lấn biển, đây còn là công trình kiến trúc nghệ thuật, mặc dù trải qua nhiều lần xây dựng và trùng tu tôn tạo nhưng di tích vẫn giữ được phong cách nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong di tích lưu giữ nhiều tư liệu quý ghi lại công lao, sự nghiệp của các vị tổ dòng họ Nguyễn trong công cuộc mở đất. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2014. 22. Từ đường Họ Nguyễn Tây xã Hải Hà Từ đường họ Nguyễn tây tọa lạc tại xóm 7, thôn Hà Quang, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Theo các tư liệu để lại thì lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất phía tây sông Hà Lạn, trong đó có xã Hải Hà với tên gọi ban đầu là Cẩm Hà Trang gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển, tạo lập làng xã của các vị Thủy tổ dòng họ Vũ, Trần, Lâm...diễn ra vào cuối thế kỷ XVI. Căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá giá trị di tích của cơ quan chuyên môn thì từ đường họ Nguyễn tây, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu thuộc loại hình di tích Lịch sử. Qua tìm hiểu và khảo sát nguồn tư liệu lịch sử tại địa phương, tư liệu Hán Nôm của dòng họ thì hiện nay trên địa bàn thôn Hà Quang có 3 dòng họ Nguyễn đó là: họ Nguyễn tây nằm ở phía tây của thôn Hà Quang, họ Nguyễn giữa nằm ở trung tâm của thôn và họ Nguyễn Đoài nằm ở phía đông của thôn. Mỗi từ đường thờ một vị Thủy tổ của dòng họ đã có công khai khẩn đất đai, tạo dựng làng xã, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ. Qua đó nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ Nguyễn được khái quát như sau: Họ Nguyễn thôn Hà Quang là một trong số những dòng họ đầu tiên tham gia khai khẩn đất đai ở vùng phía tây cửa Lạn Môn (khi đó có tên gọi là Cẩm Hà Trang) vào khoảng những năm đầu thế kỷ XVI. Người đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn tây thôn Hà Quang là Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà. Căn cứ theo cuốn: “Thế phả Nguyễn Đại Tông (Hải Hậu – Trực Ninh) cùng các nguồn tư liệu khác Thủy Tổ Nguyễn Phúc Hà là con trai trưởng của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng, hậu duệ đời thứ 23 của Đức Khởi tổ Nguyễn Bặc, có công phù Lê, diệt Mạc và được phong tước Hòa Quận công. Vào cuổi thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đức Thủy tổ đã từ trang Gia Miêu – Thanh Hóa về vùng đất này cùng các vị tổ của dòng họ Phạm, Lê, Trần, Lâm, Lã, Hoàng...tham gia vào lực lượng khẩn hoang do An phủ sứ Vũ Duy Hòa tổ chức, lập nên vùng đất Cẩm Hà Trang – nay là các xã Hải Phúc, Hải Hà, Hải Lộc của huyện Hải Hậu. Cùng với việc khai khẩn đất đai, tạo dựng làng xã, Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà cùng các dòng họ còn quan tâm đến xây dựng các công trình phúc lợi, tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của nhân dân vùng đất mới. Mặc dù đời sống có nhiều khó khăn nhưng Thủy tổ các dòng họ đã vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức để xây dựng đền, chùa như: Chùa Hà Lạn ngoài thờ phật còn thờ An phủ sứ Vũ Duy Hòa và các vị tổ lập làng; Đình Hà Quang thờ Đức thánh Triệu Quang Phục... Những nhân vật thờ ở đây vừa mang ý nghĩa tôn vinh, vừa mang ý nghãi phù trợ, làm chỗ dựa tinh thần trong cuộc chiến đấu chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt của một vùng đất tân bồi đầy gian khổ. Bên cạnh các công trình tôn giáo, tín ngưỡng các tổ còn cho bắc cầu, mở chợ để nhân dân đi lại giao lưu buôn bán thuận tiện. Bằng tinh thần lao động bền bỉ, đoàn kết sáng tạo, vượt qua khó khăn lực lượng khẩn hoang do An phủ sứ Vũ Duy Hòa tổ chức cùng nhân dân Cẩm Hà Trang đã tạo một bãi bồi mênh mông hoang hóa trở thành ấp Hà Lạn trù phú với đồng ruộng quy củ, thôn xóm đông vui. Trong thành quả to lớn đó, có một phần đóng góp không nhỏ của các vị tổ dòng họ Nguyễn mà người đứng đầu là Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà. Ghi nhận công lao của Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà và các vị tổ kế thành trong sự nghiệp khai khẩn đất đai, tạo ấp, lập làng triều đình đã ban sắc phong chuẩn cho nhân dân các xã phụng thờ. Nội dụng đạo sắc phong ban tặng dới triều vua Nguyễn, niên hiệu Khải Định năm thứ 2 (1917) dịch như sau: “Sắc hai xã Hà Quang, Thanh Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định phụng thờ vị thần Cao Sơn Phúc Hà và vị thần Bản cảnh Phúc Yên giúp nước cứu dân linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay trẫm kế thừa mệnh sáng, suy nghĩ về sự sâu xa tốt đẹp của thần, đều được phong thêm là: Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần (Vị thần linh thiêng phù giúp nền chính trị). Chuẩn cho được phụng thờ, thứ đến thần sẽ che chở bảo vệ cho muôn dân của trẫm”. Như vậy, Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà không chỉ là người có công khai hoang lập ấp, tạo dựng xóm làng mà còn là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn trên địa bàn xã Hải Hà ngày nay. Sau khi Thủy tổ qua đời con cháu trong họ đã xây dựng từ đường để thờ tự và tri ân công đức. Hiện nay, ngai thờ và tượng thờ Thủy tổ được thờ trang trọng tại gian giữa của tòa hậu đường. Cùng với Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà, các vị tổ kế thành là Nguyễn Phúc Yên, Nguyễn Phúc Hiền, Nguyễn Phúc Hào cũng được thờ trang trọng tại từ đường. Căn cứ vào 3 đạo sắc phong hiện đang lưu giữ tại di tích thì có thể khẳng định các vị tổ kế thành của dòng họ Nguyễn, thôn Hà Quang cũng là người có công lớn trong sự nghiệp khẩn hoang, tạo dựng làng xóm và phát triển dòng họ. Với những công lao đó, các vị tổ dòng họ Nguyễn tây thôn Hà Quang đã được các triều đại phong kiến ban tặng sắc phong, nhân dân suy tôn là bậc phúc thần và được ghi nhớ thờ tự. Từ đường ho Nguyễn được xây dựng năm 1744. Công trình ban đầu làm bằng tre nứa, lợp tranh. Đến năm Giáp Thân (1844) từ đường được xây dựng lại kết cấu theo kiểu chữ Đinh gồm 2 tòa: Tiền đường và hậu đường với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ lim, lợp ngói nam. Do sự tàn phá của thiên nhiên, bão lũ và nhất là qua hai cuộc chiến tranh, một số hạng mục công trình đã bị hư hại nên con cháu trong họ đã đóng góp công sức, tiền của, đất đai để tu sửa lại ngôi từ đường đồng thời mở rộng khuôn viên nơi thờ tự vào các năm 1925, 1985. Từ đường tọa lạc trên khuôn viên với tổng diện tích 629m2, mặt quay về hướng nam. Trên mặt bằng tổng thể, từ đường họ Nguyễn gồm các thành phiền kiến trúc: Nghi môn, sân và công trình kiến trúc từ đường. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2016 23. Từ Đường Họ Nguyễn Vũ Xã Hải Bắc Từ đường Nguyễn Vũ là nơi thờ cụ Nguyễn Phả Quang thân sinh của cụ Nguyễn Vũ Huyền Diệu là người đã đến khai hoang lấn biển từ những ngày đầu cùng với cụ Nguyễn Phúc Thành được tôn vinh vào hàng “Cửu tộc”. Cụ Nguyễn Vũ Huyền Diệu là người có công tổ chức khai khẩn vùng Bắc Biên thôn Đông Cường (một trong 4 thôn – 10 giáp cổ, nay là xã Hải Bắc), được lịch sử Đảng bộ xã Hải Bắc ghi nhận. Đặc biệt tại từ đường còn có “bài minh” được khắc trên gỗ ghi lại lời giáo huấn của Liệt tổ đối với con cháu muôn đời sau được lưu giữ và treo trang trọng tại từ đường. Các thế hệ hậu duệ của họ Nguyễn Vũ tiếp tục công cuộc khai khẩn của ông cha mở được nhiều đất đai ở nơi khác như: cụ Nguyễn Vũ Cự tiến hành công cuộc khai khẩn tại Cồn Cốc (nay là T.T.Cồn), cụ Nguyễn Vũ Thâm khai khẩn vùng Phú Lễ-Thịnh Long, Nguyễn Vũ Đoán khai khẩn vùng Hải Nhuận, Nguyễn Vũ Đăng khai khẩn vùng Hạ Trại (Hải Triều) – Cồn Vành (Nghĩa Hưng). Vì vậy Di tích không chỉ có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của con cháu trong dòng họ và nhân dân xã Hải Bắc mà còn ảnh hưởng đến các xã, thị trấn trong huyện và các huyện trong vùng. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2010. 24. Từ đường Họ Nguyễn xã Hải Anh Từ đường họ Nguyễn tọa lạc tại xóm 9 xã Hải Anh. Từ đường trước đây được xây dựng ở đầu xã Quần Anh, phía bắc Cầu Ngói. Công trình được xây dựng từ năm Đinh Mùi (1547) thời vua Lê Trang Tông, thời gian này công trình còn đơn giản chủ yếu là tre, lứa, vách đất. Đến thời Nguyễn, niên hiệu Tự Đức, Canh Ngọ (1870) công trình bị xuống cấp, con cháu trong họ họp bàn trùng tu tôn tạo lại toàn bộ gồm: Tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, hậu chẩm bằng gỗ lim trang trí hoa văn rồng phượng... Năm 1962, huyện Hải Hậu mở rộng sông Đối đã ảnh hưởng đến sự bền vững của công trình nên con cháu trong họ thống nhất di dời từ đường về chi thứ 3 để làm từ đường Nguyễn ngành cả tọa lạc trên diện tích 2160m2 xây cuốn vòm. Hiện nay từ đường còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự như: Gia phả chữ Hán, đại tự, câu đối, bia đá cổ... Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp từ đường được Ủy ban kháng chiến hành chính xã và Huyện đội Hải Hậu dùng làm kho chứa lương thực phục vụ kháng chiến, ngoài ra còn là nơi mở lớp bình dân học vụ. Kháng chiến chống Mỹ từ đường là nơi làm việc của của Ủy ban Hợp tác xã nông nghiệp. Hàng năm từ đường diễn ra các ngày lễ gồm: 15/10 âm lịch là ngày kỵ Đức Thái thủy tổ Nguyễn Bặc; ngày 20/5 âm lịch là ngày kỵ Triệu tổ Nguyễn Kim; ngày 16/8 âm lịch là ngày kỵ tổ Nguyễn Trãi. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2013. 25. Từ đường Họ Nguyễn xã Hải Long Từ đường họ Nguyễn tọa lạc tại xóm 9 xã Hải Long huyện Hải Hậu. Từ đường là nơi thờ, tri ân công đức Tổ Nguyễn Tần Triều, là hậu duệ đời thứ 28 của đức khởi tổ Nguyễn Bặc. Tổ Tần Triều sinh ra Tổ Chính Pháp. Tổ Chính Pháp sinh ra 2 người con trai là Vạn Công (tự Phúc Vạn) và Viên Thông, là những người có công lao góp sức cùng các dòng họ khác mở mang, lập ấp đất Cát Chử - Trực Ninh và Quần Anh – Hải Hậu. Công trình từ đường mang đậm kiến trúc truyền thống theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Năm 1938 được trùng tu tôn tạo lại. Hiện nay từ đường còn lưu giữ được 2 đạo Sắc phong niên hiệu Gia Long 2 (1803) và Khải Định 9 (1924) và nhiều đồ thờ, hoành phi, câu đối có giá trị. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, từ đường là nơi cất dấu lương thực phục vụ kháng chiến, là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến, là nơi Bệnh viện huyện Hải Hậu sơ tán, đặt phòng khám và kho thuốc tại từ đường. Hàng năm từ đường họ Nguyễn tổ chức các kỳ lễ Giỗ Tổ và các Tổ kế thành, kết hợp phát thưởng khuyến học khích lệ cho con cháu trong dòng họ. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2018. 26. Từ đường Họ Nguyễn xã Hải Minh Từ đường họ Nguyễn Sáng Thuỷ tọa lạc tại xóm 2A xã Hải Minh, huyện Hải Hậu được xây dựng trên khuân viên có diện tích 1.820m2. Khởi nguồn xây dựng vào thời Vua Lê Thần Tông ban đầu chỉ là nhà tranh tre để thờ phụng. Qua thời gian, chiến tranh, từ đường thờ tổ đã được con cháu xây dựng lại, nhiều lần sửa chữa, trùng tu, gần đây nhất từ đường được xây dựng lại trên nền móng cũ của bậc tiền nhân. Theo tư liệu Tộc Phả họ Nguyễn Sáng Thuỷ xã Hải Minh thuộc dòng họ Nguyễn Trãi. Thuỷ Tổ phát tích từ Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá về huyện Thanh Lâm (cũ) tỉnh Hải Dương (nay thuộc địa phận hai huyện Nam Sách và huyện Chí Linh). Thời Vua Lê Thuỷ Tổ làm Quan Kinh Dịch từ huyện Thanh Lâm, Hải Dương lại về Cổ Lễ tỉnh Nam Định cùng ở với hai cụ Thuỷ Tổ họ Phạm và họ Phan. Năm 1485 Thuỷ Tổ Nguyễn Công Tự Chính Trực, cùng với Thuỷ Tổ Họ Phạm và Thuỷ Tổ Họ Phan vượt sông Trường Giang (tức sông Ninh Cơ) gặp Thuỷ Tổ Họ Mai dẫn đường xuống khai khẩn vùng đất Kim Đê. Đến năm 1511 triều Vua Lê Hồng Thuận tam niên đất đai ngày càng được mở rộng, bồi đắp, gần 20 thế hệ con cháu dòng Họ Nguyễn Sáng Thuỷ nối tiếp truyền thống tổ tiên xây dựng quê hương ngày càng phát triển, thịnh vượng, phồn vinh. Với công lao khai cơ, kiến ấp Thuỷ Tổ Nguyễn Sáng Thuỷ được Vua phong hai đạo sắc, cả hai lần có nội dung: “ Đương Cảnh Thành Hoàng, Hoàng Triều sắc phong Sáng Thuỷ Tổ Nguyễn Công Tự Chính Trực – Trung đẳng thần”. Tổ Cô cũng được phong sắc: “ Phi phong hoá vũ, khiết tuyết thục thuần, hoà nhu tĩnh mặc, anh diệu Nguyễn Môn phổ hoá âm phù chưng đạo nga thần sắc phong dực bảo trung hưng, phổ hoá âm phù Công Chúa – tôn thần” Hiện nay dòng họ còn lưu giữ được 6 bản sắc của Tổ tiên để lại, những bức đại tự, câu đối cổ và nhiều hiện vật có giá trị vẫn đang được lữu giữ thờ phụng. Trong kháng chiến chống Pháp Từ đường là nơi hoạt động cách mạng, có hầm bí mật nuôi giấu các chiến sỹ cách mạng. Ngoài ra từ đường là kho thóc kháng chiến. Nơi đây còn là nơi mở lớp Bình dân học vụ, là sân kho của đội sản xuất số 7 xã Hải Minh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ họ Nguyễn Sáng Thuỷ có rất nhiều con em tham gia xung phong nhập ngũ, có những người con của dòng họ đã anh dũng hi sinh, nhiều người được phong tặng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại. Trong công cuộc xây dựng đất nước con cháu dòng Họ Nguyễn Sáng Thuỷ không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới làm rạng rỡ cho Tổ tiên. Có nhiều con cháu đỗ đạt đang nắm giữ các chức vụ quan trọng từ trung ương tới địa phương. Hàng năm vào ngày 13-3 âm lịch con cháu trong dòng họ lại tụ hội về từ đường giỗ Tổ, kết hợp phát thưởng khuyến học động viên con cháu không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2021. 27. Từ đường Họ Nguyễn xã Hải Sơn Từ đường họ Nguyễn (Nguyễn Nam Từ) tọa lạc tại Đội 3, Tứ Trùng Đông, Nam thôn Quần Phương Trung nay là xóm 4 xã Hải Sơn huyện Hải Hậu trên một khu đất rộng rãi với diện tích 340 m2. Khởi nguồn xây dựng năm Minh Mạng thứ 10 (1830) chỉ là một Am nhỏ mái tranh vách đất; Năm Tự Đức thứ 27 (1875) từ đường được xây dựng lại theo kiểu chữ nhất; Năm Duy Tân thứ 5 (1912) được xây lại theo hình chứ Đinh 3 gian bằng gỗ; Từ năm Bảo Đại thứ 17 (1941) đến năm 2009 từ đường đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần hiện nay đã trở thành một khu quần thể khang trang sạch đẹp mang đậm phong cách kiến trúc, nghệ thuật của người Việt. Theo các tài liệu để lại chi tộc họ Nguyễn xóm 4 – Hải Sơn thuộc dòng Đức Thái Thủy tổ Nguyễn Bặc, hậu duệ nhiều đời của Thủy tổ Nguyễn Kim, hậu duệ 4 đời của tổ họ Nguyễn trong “ Tứ tính, Cửu tộc” ( Khắc Cần) khai sáng đất Quần Anh xưa. Vào những năm đầu của thế kỷ XVIII tổ Khắc Cần và các hậu duệ cùng với các tổ họ khác ( Hoàng, Trần, Phạm, Ninh…) tiến hành khai hang lấn biển mở đất họp dân, lập làng vùng ngoài bể, phía nam đê Hồng dức từ Nhất Trùng đến Tứ Trùng tọa lên xóm làng trù phú. Tổ Nguyễn Khắc Cần đã chọn nơi định cư tại Tứ Trùng đông nam thôn Quần Phương Trung nay là xóm 4 Hải Sơn. Dưới triều Nguyễn, năm Khải Định thứ 9 (1924), được Vua ban sắc phong “ Rực Bảo Trung Hưng linh phù tôn Thần” cùng với đại danh Tứ Trùng Đông Nam thôn Quần Phương Trung xã. Trong Công cuộc kháng chiến cứu nước: - Năm 1946 – 1949 từ đường là nơi chứa kho lương thực, là nơi mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ; Năm 1952- 1953 trong Hậu cung có hầm bí mật cho du kích hoạt động, ngoài ra còn là nơi tạm giam tù binh Pháp. - Năm1956- 1968 từ đường được trưng dụng làm kho chữa thuốc, trạm quân y trung đoàn 46; Năm 1971- 1972 từ đường được phòng thương nghiệp huyện Hải Hậu nhờ làm kho chứa hàng hóa. Hàng năm cứ đến ngày 16-17 tháng 11 Âm lịch con cháu trong dòng họ lại tụ hội về từ đường Giỗ tổ, kết hợp phát thưởng khuyến học để động viên con cháu không ngừng học tập phấn đấu xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2014. 28. Từ đường Họ Lâm Hòa Đạo xã Hải Lộc Từ đường họ Lâm tọa lạc tại xóm 3 xã Hải Lộc là nơi thờ tự tổ dòng họ Lâm (tổ Lâm Hòa Đạo và các tổ kế thành). Theo Gia phả họ Lâm viết, sau khi tổ Lâm Hòa Đạo mất, đến năm 1692 sau khi ổn định cuộc sống, con cháu họ Lâm do cụ Lâm Công Huyền làm trưởng họ đã vận động con cháu đóng góp sức người, sức của xây dựng từ đường để làm nơi thờ phụng tổ tiên. Ngôi từ đường trước đây được xây dựng gồm 3 gian tường đắp đất, mái lợp bổi quay về hướng tây nam. Năm 1910, dưới sự huy động của ông Lâm Ngọc Môn con cháu trong dòng họ đã đóng góp xây dựng từ đường với kiến trúc chữ nhị gồm: Tiền đường 3 gian 2 trái, bộ khung gỗ lim, hậu đường 1 gian xây cuốn vòm. Từ đường họ Lâm tọa lạc trên diện tích khuân viên 460m2 . Hiện này từ đường còn lưu giữ được nhiều di vật cổ vật quý như: Đại tự, cuốn thư, câu đối, đồ thờ tự... Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ từ đường họ Lâm đã có nhiều đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của dân tộc. Từ đường là nơi diễn ra nhiều cuộc họp bí mật của dân quân, du kích địa phương... Với những giá trị đó từ đường họ Lâm đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014. 29. Từ Đường Họ Phạm Thị Trấn Yên Định Từ đường họ Phạm Đại Tôn tọa lạc tại đất Văn Đàn – Quần Phương xưa, nay là TDP số 7 – thị trấn Yên Định huyện Hải Hậu trên khu đất có diện tích 1330m2. Từ đường được khởi nguồn xây dựng năm Gia Long – Giáp Tý (1804), lúc đầu chỉ là một am nhỏ mái tranh, vách đất. Đến năm Minh Mạng – Nhâm Thìn (1832) từ đường được xây dựng lại 5 gian bằng gạch vữa, lợp ngói, có nhà tiền tế bằng gỗ. Năm 1952 bị giặc Pháp đốt phá, đồ thờ tự được các con cháu trong họ di tản về đền Bảo Ninh, xã Hải Phương để thờ tự. Sau năm 1956 từ đường được xây dựng lại và được yên vị thờ phụng từ đó. Năm 1990 dòng họ tiến hành xây dựng hậu chẩm. Năm 2012 cải tạo nhà tế, xây cổng tam quan và nhiều hạng mục công trình khác tạo lên một quần thể khép kín, khang trang, sạch đẹp mang đậm phong cách kiến trúc của người Việt. Từ đường là nơi thờ Tổ khai sáng Phạm Kim Cập, là một trong bốn Thủy Tổ (Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập) khai sáng đất Quần Anh xưa – Hải Hậu nay. Ngoài ra từ đường còn thờ Tổ Huệ Minh, Huyền Đức là hậu duệ đời thứ 6 của Thủy Tổ Phạm Cập và các thế hệ hậu duệ của dòng họ. Tính đến nay dòng họ đã lối truyền được 23 đời. Theo sử sách để lại thì khoảng đầu thế kỷ XV, bốn Cụ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập đã đến khai khẩn bãi bồi Lạch Lác đặt tên là đất Phú Cường, trải qua năm tháng khai hoang lấn biển, mở đất để lại cho con cháu thế hệ ngày nay những dải đất phì nhiêu, màu mỡ, những xóm làng trù phú . Với những công lao đóng góp trong việc khai hoang, lấn biển, mở đất , lập làng thủy Tổ Phạm Cập đã được triều Vua Khải Định năm thứ 9 ban tặng Sắc phong “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần”. Trong những năm kháng chiến chống Pháp từ đường là nơi hội họp, tổ chức bàn cách đánh bốt Văn Đàn và Đông Biên của bộ đội. Trong kháng chiến chống Mỹ từ đường là kho đạn của trận địa pháo phòng không - không quân. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc các thế hệ con cháu trong họ đã có nhiều người là Liệt sỹ, Thương bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và có nhiều cán bộ cấp cao trên mọi lĩnh vực, nhiều người được Đảng và nhà nước tặng thưởng Huân Huy chương các loại. Ngày nay nối tiếp truyền thống tổ tiên con cháu trong họ không ngừng phấn đấu, học tập xây dựng quê hương, đất nước. Hàng năm cứ tới rằng tháng Giêng con cháu trong họ từ khắp mọi nơi lại tụ hội về dâng hương, bái tổ, tế Xuân cầu ban một năm mới an khang thịnh vượng. Đến rằm tháng Tám lại tụ hội về giỗ tổ Cô báo ơn công đức, răn dạy con cháu uống nước nhớ nguồn, kết hợp phát thưởng khuyến học nhằm động viên con cháu không ngừng học tập phấn đấu xây dựng quê hương đất nước. Rằm tháng 11 báo ân công đức truyền đời của các thế hệ tổ tiên ban phúc ấm cho con cháu... Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2016. 30. Từ đường Họ Phạm Vũ xã Hải Đường Từ đường Phạm Vũ tọa lạc tại xóm 13 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu. Theo các nguồn tư liệu để lại từ đường là nơi thờ, tri ân công đức của con cháu đối với các vị thủy tổ dòng họ bao gồm: Thủy tổ Phạm Chính Tâm, dưỡng tổ Vũ Đức Nghĩa, tổ Phạm Vũ Tình, Phạm Vũ Thịnh, Phạm Vũ Hữu, Phạm Vũ Nghiêm, Phạm Vũ Lễ, Phạm Vũ Bá Đăng là những người có công lao góp sức cùng với Tứ tính Cửu tộc khai hoang lấn biển, tạo lập làng xã diễn ra vào thế kỷ XV dưới triều Vua Lê Hồng Đức. Đến đầu thế kỷ XVI, khi xã Quần Anh được thành lập, vùng đất Hải Đường còn là vùng trũng nằm ngoài đê Hồng Đức. Kế tục sự nghiệp khai hoang mở đất của các bậc tiên tổ, các vị tổ dòng họ Phạm Vũ là tổ Phạm Vũ Hoành, Phạm Vũ Thông, Phạm Vũ Đạt tiếp tục đóng góp công sức khai hoang mở đất Nhất Trùng đến Tứ Trùng... thuộc xã Quần Anh (nay là xã Hải Anh và xã Hải Đường huyện Hải Hậu). Ngoài việc góp công sức khai hoang mở mang vùng đất xã Hải Đường, các vị tổ kế thành còn góp công sức mở mang vùng đất Thượng Trại xã Hải Phú, tiêu biểu như tổ Phạm Vũ Nho. Hiện nay tại chùa Thượng Trại (Hải Ninh tự) xã Hải Phú vẫn còn tượng, văn bia, ngai thờ ghi nhận công đầu trong khai hoang mở đất. Từ đường Phạm vũ được xây dựng năm 1812 theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt (Chữ Đinh) với Tiền đường 3 gian bằng gỗ, đến năm 1863 tu sửa tòa hậm trẩm. Tại từ đường hiện nay vẫn còn lưu giữ được những hiện vật có giá trị như văn bia “ Vạn Đại Tôn Từ” soạn năm Kiến Phúc đầu tiên 1884 cùng với gia phả, hoành phi, câu đối, bài vị... Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, con cháu trong họ đã có nhiều người lên đường tòng quân đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Đặc biệt trong thời kỳ cách mạng 1949-1950, hầu hết địa bàn xã Quần Anh trước đây bị giặc tạm chiếm, nhiều địa điểm trong xã trở thành nơi giam giữ, tra tấn các cán bộ cách mạng, trong đó có ngôi từ đường dòng họ Phạm Vũ. Trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa dòng họ có nhiều người học hành đỗ đạt và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước, góp phần làm rạng danh cho quê hương cũng như dòng họ. Hàng năm, tại từ đường dòng họ tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của đức thủy tổ vào ngày 15 tháng 11, lễ khai xuân tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng...Tuần tiết nào văn nấy đều linh thiêng, nhiệm màu. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2018 31. Từ đường Họ Phạm xã Hải Hà Từ đường họ Phạm tọa lạc tại xóm 4, thôn Hà Quang, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Theo các tư liệu để lại thì lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất phía tây sông Hà Lạn, trong đó có xã Hải Hà với tên gọi ban đầu là Cẩm Hà Trang gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển, tạo lập làng xã của Thủy tổ các dòng họ diễn ra vào cuối thế kỷ XVI. Căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá giá trị di tích của cơ quan chuyên môn thì từ đường họ Phạm, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu thuộc loại hình di tích Lịch sử. Qua tìm hiểu và khảo sát nguồn tư liệu lịch sử tại địa phương, tư liệu Hán Nôm cùng truyền ngôn của con cháu dòng họ thì di tích thờ vị Thủy tổ là người có công khai khẩn đất đai, tạo dựng làng xóm, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển dòng họ. Qua đó nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ Phạm được khái quát như sau: Họ Phạm là một trong số những dòng họ tham gia khai khẩn đất đai ở vùng phía tây cửa Lạn Môn (khi đó có tên gọi là Cẩm Hà Trang) vào thế kỷ XVI. Người đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của dòng họ Phạm là Thủy tổ Phạm Phúc Trực quê ở xã Vân Côi, tổng Vân Côi (nay thuộc thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản). Vào cuối thế XVI đầu thế kỷ XVII đức Thủy tổ đã từ thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản về vùng đất này cùng các vị tổ của dòng họ Nguyễn, Lê, Trần, Lâm, Lã,... tham gia vào lực lượng khẩn hoang do An phủ sứ Vũ Duy Hòa tổ chức, lập nên vùng đất Cẩm Hà Trang (nay là các xã Hải Phúc, Hải Hà, Hải Lộc của huyện Hải Hậu). Cùng với việc khai khẩn đất đai, tạo dựng làng xã, Thủy tổ Phạm Phúc Trực cùng các dòng họ còn quan tâm đến xây dựng các công trình phúc lợi, tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của nhân dân vùng đất mới. Mặc dù đời sống có nhiều khó khăn nhưng Thủy tổ các dòng họ đã vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức để xây dựng đền, chùa như: Chùa Hà Lạn ngoài thờ phật còn thờ An phủ sứ Vũ Duy Hòa và các vị tổ lập làng; Đình Hà Quang thờ Đức thánh Triệu Quang Phục... Những nhân vật thờ ở đây vừa mang ý nghĩa tôn vinh, vừa mang ý nghĩa phù trợ, làm chỗ dựa tinh thần trong cuộc chiến đấu chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt của một vùng đất tân bồi đầy gian khổ. Bên cạnh các công trình tôn giáo, tín ngưỡng các tổ còn cho bắc cầu, mở chợ để nhân dân đi lại giao lưu buôn bán thuận tiện. Bằng tinh thần lao động bền bỉ, đoàn kết sáng tạo, vượt qua khó khăn lực lượng khẩn hoang do An phủ sứ Vũ Duy Hòa tổ chức cùng nhân dân Cẩm Hà Trang đã tạo một bãi bồi mênh mông hoang hóa trở thành ấp Hà Lạn trù phú với đồng ruộng quy củ, thôn xóm đông vui. Trong thành quả to lớn đó, có một phần đóng góp không nhỏ của các vị tổ dòng họ Phạm mà người đứng đầu là Thủy tổ Phạm Phúc Trực. Ghi nhận công lao của Thủy tổ Phạm Phúc Trực và các vị tổ kế thành trong sự nghiệp khai khẩn đất đai, tạo ấp, lập làng triều đình đã ban sắc phong chuẩn cho nhân dân các xã phụng thờ. Nội dụng đạo sắc phong ban tặng dới triều vua Nguyễn, niên hiệu Khải Định năm thứ 2 (1917) dịch như sau: “Sắc Giáp Đông xã Hà Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định phụng thờ tôn thần Bản cảnh Đại Lang Phúc Trực giúp nước cứu dân linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay trẫm kế thừa mệnh lớn, tưởng nhớ sâu xa sự tốt đẹp của thần, phong tặng rõ ràng là tôn thần là: Dực bảo Trung hưng linh phù tôn thần (Vị thần linh thiêng phù giúp nền chính trị). Chuẩn cho được phụng thờ, thứ đến thần sẽ che chở bảo vệ cho muôn dân của trẫm”. Như vậy, Thủy tổ Phạm Phúc Trực không chỉ là người có công khai hoang lập ấp, tạo dựng xóm làng mà còn là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ Phạm trên địa bàn xã Hải Hà ngày nay. Sau khi Thủy tổ qua đời con cháu trong họ đã xây dựng từ đường để thờ tự và tri ân công đức. Hiện nay, ngai thờ và tượng thờ Thủy tổ được thờ trang trọng tại gian giữa của tòa hậu đường. Tại từ đường hiện nay ngoài thờ Thủy tổ Phạm Phúc Trực còn có bài vị thờ các vị tổ kế thành đến đời thứ 5. Mặc dù không có nguồn tư liệu nào ghi chép kỹ lưỡng về thân thế sự nghiệp của các vị, song căn cứ vào nội dung 2 đạo sắc phong hiện đang lưu giữ tại di tích thì có thể khẳng định các vị tổ kế thành của dòng họ Phạm, thôn Hà Quang cũng là người có công lớn trong sự nghiệp khẩn hoang, tạo dựng làng xóm và phát triển dòng họ. Với những công lao đó, các vị tổ dòng họ Phạm thôn Hà Quang đã được các triều đại phong kiến ban tặng sắc phong, nhân dân suy tôn là bậc phúc thần và được ghi nhớ thờ tự. Từ đường họ Phạm được xây dựng năm 1822. Công trình ban đầu gồm 1 gian bằng gỗ, tường xây gạch đỏ chát vữa, mái lợp ngói nam. Đến năm 1951 – 1952, từ đường được xây dựng lại kết cấu theo kiểu chữ “Đinh” gồm hai tòa: Tiền đường và hậu đường với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Do tàn phá của thiên tai, bão lũ, nhất là qua hai cuộc chiến tranh, một số hạng mục của công trình từ đường đã bị hư hại nên con cháu trong họ đã góp công sức, tiền của, đất đai để tu sửa lại ngôi từ đường đồng thời mở rộng khuân viên thờ tự vào năm 1995. Từ đó đến nay, từ đường có kết cấu theo kiểu “tiền nhất hậu đinh”. Từ đường tọa lạc trên khuôn viên với tổng diện tích 900m2, mặt quay về hướng nam. Trước mặt là đường liên thôn, xung quanh là nhà dân. Trên mặt bằng tổng thể, từ đường họ Phạm gồm các thành phiền kiến trúc: Nghi môn, sân, nhà khách và công trình kiến trúc từ đường. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2017. 32. Từ đường Họ Phạm xã Hải Phúc (Hương Cống Phạm Hương Lan) Từ đường họ Phạm thờ đức Thủy tổ Hương cống Phạm Hương Lan tọa lạc tại xóm 8 xã Hải Phúc huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Thủy tổ Phạm Hương Lan sinh năm 1544 tại Hải Dương, đỗ Tú tài dưới thời Lê (1573), đỗ Hương Cống năm 1579. Nhận chỉ dụ của nhà Vua tổ Phạm Hương Lan cùng với An phủ sứ Vũ Duy Hòa về thị sát vùng đất phía tây của Lạn môn thuộc huyện Giao thủy, phủ Thiên Trường tổ chức lực lượng tiến hành khẩn hoang vùng đất này. Sau khi xác lập cương giới tịch điền, lực lượng khẩn hoang được bổ sung hùng hậu, các dòng họ cùng chung sức, chung lòng đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang lập lên làng Hà Lạn gồm 8 thôn vào năm 1619. Để ghi nhận công lao khai hoang, lập ấp của đức Thủy tổ Phạm Hương Lan con cháu trong họ đã xây dựng ngôi từ đường thờ phụng vào năm 1642 trên khuân viên rộng 1785m2 quay về hướng nam, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, ngoài ra từ đường còn thờ Tổ Cẩm Công người có công đầu trong đánh giặc. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo (1923, 2007) đến nay mới có được ngôi từ đường khang trang, sạch đẹp. Trong kháng chiến chống Pháp từ đường là nơi để kho thuế nông nghiệp, là nơi làm việc của Ủy ban kháng chiến xã Hưng Đạo. Thời kỳ địch tạm chiến là cơ sở Cách mạng, nơi hội họp bí mật của các tổ chức, đoàn thể kháng chiến của xã, huyện và tỉnh. Các thế hệ con cháu trong họ không ngừng cống hiến, có nhiều người tham gia cách mạng và đã hy sinh, nhiều được phong tặng Liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang. Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng 2 và 15 tháng 12 Âm lịch con cháu trong họ lại hội tụ về từ đường giỗ tổ để tưởng nhớ công lao to lớn của tổ tiên, kết hợp phát thưởng khuyến học để động viên con cháu không ngừng học tập, phấn đấu. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2018. 33. Từ đường Họ Phan xã Hải Minh Từ đường họ Phan Sáng Thủy tọa lạc tại xóm 2B, xã Hải Minh huyện Hải Hậu trên khu đất với diện tích trên 1860 m2. Khởi nguồn xây dựng từ năm 1658 (Thời vua Lê Thần Tông) ban đầu xây dựng bằng tre, nứa lợp cỏ. Đến năm 1859 thời vua Tự Đức được xây dựng mới theo kiểu nội công ngoại quốc mái gỗ, lợp ngói. Từ năm 1906 đến nay từ đường được trùng tu nhiều lần, hiện nay trở thành khu quần thể khang trang, sạch đẹp mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống của người Việt. Theo các tư liêu để lại họ Phan Sáng Thủy thuộc dòng dõi Thượng Thủy tổ Phan Chính Phúc tại Cổ Lễ huyện Trực Ninh. Vào năm 1485 Thủy Tổ Phan Công tự Huệ Tài cùng các Tổ họ Mai, Phạm, Nguyễn... vượt sông Ninh Cơ để quai đê lấn biển lập làng Kim Đê nay là xã Hải Minh. Với những công lao mở đất, lập làng Thủy Tổ Huệ Tài được vua ban 2 đạo sắc phong: Sắc phong thứ nhất “Đôn ngưng dực bảo trung hưng linh phù tôn thần” chuẩn cho thờ phụng theo nghi lễ nhà nước; Sắc phong thứ 2 niên hiệu Khải Định (1917) “ Trung đẳng thần”. Hiện nay từ đường còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như bài vị, khám thờ, nhang án, bia đá cùng phả tộc 19 đời, các bức hoành phi, câu đối và 6 đạo sắc phong của 3 thế hệ đời thứ nhất, nhì và đời thứ 4... Trong kháng chiến cứ nước, từ đường họ Phan là nơi tập kết lui quân của lực lượng vũ trang, là kho thóc kháng chiến, nơi giam giữ tù binh Pháp. Sau năm 1954 là nơi tổ chức lớp học bình dân học vụ. Trải qua hai cuộc kháng chiến con cháu họ Phan đã có hàng trăm người tham gia nhập ngũ... Hàng năm cứ đến ngày 07 tháng Giêng âm lịch con cháu trong họ lại tụ hội về giỗ tổ, kết hợp phát thưởng khuyến học để động viên con cháu không ngừng học tập, phát quà từ thiện nhân đạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng quê hương đất nước. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2021. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Hải Hậu Huyện Hải Hậu hiện có 31 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng, trong đó 9 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích ở Hải Hậu còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm.1. Đền - Chùa Quế Phương - Hải TâyĐền - chùa Quế Phương được xây dựng từ năm Duy Tân thứ 6 (1912), qua hơn 6 năm xây dựng bằng sự đóng góp công sức, tiền của của nhân dân trong vùng do Hòa Thượng Bùi Xuân Quế trực tiếp thiết kế và chỉ đạo thi công đến năm 1918 chùa mới hoàn thành. Đây là quần thể di tích bề thế thể hiện sự tài năng, sức sáng tạo, đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật cổ truyền của dân tộc.Cùng với thờ Phật, thờ Mẫu, khu di tích Quế Phương còn có đền thờ Đỗ Tông Phát, đây là nơi ghi nhận công lao khai hoang lấn biển tạo dựng làng xã của Dinh điền Chánh sứ Đỗ Tông Phát ở cuối thế kỷ XIX. Tiến sỹ Đỗ Tông Phát là người con sinh ra và lớn lên tại Hải Hậu, cuộc đời làm quan của ông luôn gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển và chăm lo đời sống cho nhân dân. Sự nghiệp khẩn hoang của tiến sỹ Đỗ Tông Phát đã góp phần xây dựng nên một vùng đất mới (tổng Quế Hải) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình hình thành và tạo dựng mảnh đất Hải Hậu giàu đẹp hôm nay. Việc lập đền thờ ông tại quần thể di tích không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân địa phương mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Không chỉ là công trình tôn giáo mang ý nghĩa tâm linh, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, di tích đã có những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp cách mạng của địa phương. Di tích là nơi công tác của ông Hoàng Thọ Đan Trưởng ty công an Nam Định trong thời kỳ 1950 - 1951. Nhà chùa còn có hầm bí mật cất giấu tài liệu và nuôi giấu cán bộ của Đảng, nhà nước.Công trình kiến trúc Đền - Chùa Quế Phương là một quần thể kiến trúc rộng lớn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Với lối kiến trúc nhiều gian, nhiều phòng, nhiều tòa kết hợp với cảnh quan môi trường thoáng đãng, rộng rãi đã mang lại cho di tích một dáng vẻ bề thế mang đầy đủ yếu tố cổ truyền và hiện đại hiếm thấy ở các di tích trong vùng.Đặc biệt tại đây còn bảo lưu được nhiều cổ thư quý như: câu đối, đại tự, sắc phong, văn bia góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu về lịch sử mảnh đất, con người nơi đây. Vào dịp lễ hội đầu xuân nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu cho cộng đồng dân cư ven biển Nam Định.Ngày 12/12/2003, Chùa Quế Phương được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH.2. Chùa Phúc Quang - xã Hải ThanhChùa được xây dựng trong quá trình lấn biển lập ấp của An phủ sứ Vũ Duy Hoà và con cháu. Chùa được nhân dân Phúc Quang, tổng Kiên Trung đóng góp xây dựng lại vào năm Thành Thái thứ 8 (1906); nay thuộc thôn Thanh Quang- Hải Thanh. Chùa thờ Phật, thờ Mẫu và thờ cụ Vũ Duy Hoà cùng các Tổ dòng họ có công khai sáng đất Hải Thanh ngày nay. Trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc, Chùa và những nhà sư trụ trì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày12/12/2003, Chùa được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích lịch sử văn hoá. Hàng năm, vào đầu xuân, nhân dân địa phương có tổ chức lễ hội.3. Chùa Phúc Hải - xã Hải CườngChùa do sư cụ Thanh Sơn Lại Sinh Chí trụ trì xây dựng vào năm 1905, Ất Tỵ, Thành Thái thứ 7, thuộc địa phận xã Trung Trại (nay thuộc xóm 2 Hải Cường). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ “Tứ Tính- Cửu Tộc” là Thuỷ Tổ khai sáng Quần Anh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa là cơ sở cách mạng, nhà sư Thích Thanh Năng đi bộ đội, đã hy sinh, là liệt sỹ chống Pháp, nhà sư Thích Thanh Đạt trở thành sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, sư cụ Thích Thanh Vỵ được chính phủ tặng bằng khen. Ngày 26/2/2003, Chùa được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích lịch sử văn hoá. Hàng năm nhân dân địa phương mở hội vào đầu xuân. 4. Đền Trần - thị trấn Thịnh LongĐền Trần- thị trấn Thịnh Long được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, là một di tích có giá trị lịch sử. Đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng của dân tộc, nhà quân sự thiên tài của quốc gia Đại Việt thế kỷ XIII- XIV. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” nhân dân địa phương đã rước chân nhang Đức Thánh Trần trên đền Trần của thôn Phú Lễ, xã Hải Châu về thờ để tỏ lòng biết ơn sâu sắc với người anh hùng có công với dân, với nước. Bên cạnh việc thờ phụng Đức Thánh Trần, còn thờ các vị tổ có công khai hoang lấn biển tạo lập làng xã.Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đền Trần- Thịnh Long đã trở thành địa điểm an toàn tin cậy cho các đơn vị bộ đội, du kích tập luyện và tham gia chiến đấu. Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước Đền Trần- Thịnh Long là nơi chứa vũ khí, cứu chữa thương binh, tập kết bộ đội tham gia chiến đấu góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Thịnh Long được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ.Công trình kiến trúc Đền Trần- thị trấn Thịnh Long được xây dựng theo phong cách cổ truyền mang đặc trưng tiêu biểu của lối kiến trúc thời Nguyễn trên vùng đất ven biển của tỉnh Nam Định.Ngày 26/02/2003, Đền Trần- Thịnh Long được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH.5. Nhà lưu niệm ông Vũ Văn Hiếu - xã Hải AnhÔng Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/3/1907 tại ấp Văn Định xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương, huyện Hải Hậu (nay là xóm 10, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu). Ông là một Đảng viên Cộng sản lão thành có tinh thần yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân. Ông hy sinh cuối tháng 3/1943 tại nhà tù Côn Đảo (xem phần Nhân vật lịch sử Văn hóa). Để tưởng nhớ công lao của ông Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã dựng tượng đài ông bằng đá nguyên khối tại phường Hà Tu, trường THPT Hà Tu mang tên trường THPT Vũ Văn Hiếu; tại nghĩa trang Hàng Dương- Côn Đảo đã xây dựng bức tượng “Trao áo” thể hiện tinh thần vì sự nghiệp cách mạng của những người Cộng sản Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên đường phố mang tên Vũ Văn Hiếu, tại quê hương nhân dân địa phương được sự ủng hộ của chính quyền các cấp đã tu sửa ngôi nhà nơi ông sinh ra và lớn lên thành nhà lưu niệm để các thế hệ mai sau luôn tự hào và học tập tinh thần anh dũng kiên cường của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người con thân yêu của Hải Hậu anh hùng. Nhà thơ Tố Hữu viết:“Chết còn cởi áo cho nhauNắm cơm để lại người sau ấm lòng”Ngôi nhà lưu niệm ông Vũ Văn Hiếu là một di tích lịch sử gắn liền với thời niên thiếu của ông. Trải qua bao quá trình hình thành và phát triển đến nay vẫn bảo tồn được giá trị lưu niệm đầu tiên về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông Vũ Văn Hiếu. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định nói chung, nhân dân xã Hải Anh nói riêng sẽ mãi tự hào về hình ảnh người chiến sĩ cộng sản kiên trung: ‘‘Sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng”. Ngày 07/01/2005, Nhà lưu niệm ông Vũ Văn Hiếu được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH.6. Đền An Phủ Sứ Vũ Duy Hoà - xã Hải PhúcĐền An phủ sứ Vũ Duy Hoà nằm ở thôn Thượng Phúc, xã Hải Phúc, được xây dựng vào thế kỷ XVII ngay sau khi An phủ sứ Vũ Duy Hoà qua đời. Đây là công trình tín ngưỡng được hình thành gắn với công cuộc khai hoang lấn biển của cư dân vùng Hà Lạn xưa, Hải Phúc ngày nay. Đền thờ An phủ sứ Vũ Duy Hoà là một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh được xây dựng theo phong cách truyền thống. Tại đây vừa là nơi thờ tự, vừa là nơi đặt lăng mộ của An phủ sứ Vũ Duy Hoà và phu nhân, do vậy tạo được nhu cầu tâm linh rất lớn trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, di tích còn lưu giữ được nhiều câu đối, đại tự có giá trị lịch sử, nhiều mảng chạm, chạm khắc công phu, nghệ thuật thể hiện trình độ tay nghề của các nghệ nhân xưa, góp phần tăng thêm giá trị của di tích.Ngày 06/03/2006, Đền An phủ sứ Vũ Duy Hoà được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH.7. Đền Hướng Thiện- xã Hải LongĐền Hướng Thiện thuộc xóm 6 xã Hải Long, được xây dựng từ năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái 6 (1894). Đây là nơi thờ tự vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là người có công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Do sự tỏa sáng về tài năng và nhân cách nên Hưng Đạo Đại vương đã được người đời sau ngưỡng mộ tôn lên bậc Thánh- Đức Thánh Trần và trở thành vị thánh bất tử trong tâm thức người Việt Nam. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhân dân địa phương đã rước chân nhang thờ ông tại di tích Đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc) về thờ tự để tỏ lòng biết ơn sâu sắc người anh hùng dân tộc. Trong phong trào cách mạng và kháng chiến, đền Hướng Thiện trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đặc biệt, trong thời gian giặc Pháp chiếm đóng Hải Hậu (từ tháng 11/1949 đến tháng 2/1952) di tích là cơ sở hoạt động của các cán bộ bí mật gây dựng phong trào cách mạng tại miền 4 xã: Hải Long, Hải Sơn, Hải Phương, Hải Trung và huyện Hải Hậu. Công trình kiến trúc đền Hướng Thiện đến ngày nay vẫn bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống: Tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Bia đá, sắc phong, kinh sách, tượng thờ… thể hiện sự nâng niu, trân trọng của nhân dân địa phương đối với việc bảo tồn những di sản văn hóa quý báu mà cha ông xưa để lại.Ngày 27/9/2006, Đền Hướng Thiện được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH.8. Chùa An Nghiệp xã Hải AnChùa thôn An Nghiệp xã Hải An là nơi thờ Phật, ngoài ra còn thờ đức Thánh Tổ Dương Không Lộ một vị Quốc sư triều Lý có nhiều công lao đóng góp với đất nước và nhân dân và là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Ngôi chùa được toạ lạc trong khuôn viên với diện tích rộng.Hiện nay tại chùa An Nghiệp gồm các hạng mục công trình vẫn bảo lưu được kiến trúc gỗ truyền thống được nhiều thế hệ gìn giữ và bảo quản. Trong những năm qua, chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc của người Việt. Ngoài ra Chùa thôn An Nghiệp còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật, tượng thờ có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa như: Câu đối, đại tự, chuông đồng, Sắc phong và hệ thống tượng thờ Phật, tượng Đức Thánh Tổ...Trong hai hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Đế quốc Mỹ chùa thôn An Nghiệp là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương.Hàng năm chùa thôn An Nghiệp thường xuyên tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Phật đản (15/4), Lễ Vu Lan (15/7) và Lễ kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh tổ (15/9) đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.Với những giá trị đó chùa An nghiệp đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2019.9. Chùa Nam Anh xã Hải SơnChùa Nam Anh tọa lạc tại xóm 1 xã Hải Sơn, được khởi dựng vào năm Đinh Mão, niên hiệu Bảo Đại 2 (1927). Đến năm Giáp Thân (1944), ngôi chùa được trùng tu lớn và các công trình phụ trợ được hoàn thành. Ngời đứng đầu hưng công, tổ chức xây dựng chùa là Cửu phẩm bách hộ Phạm Văn Đoan, Lý trưởng Đặng Đình Hòe. Cụ Nguyễn Văn Nghĩa hưng công xây dựng phủ Mẫu. Nên tại địa phương truyền tụng câu ca “Chùa Đoan, phủ Nghĩa”. Ngôi chùa có quy mô 5 gian tam bảo quay hướng nam, sau là thượng điện thờ Tam thế và các vị La hán. Nối niền tao bảo là gác chuông. Tiếp nối 5 gian nhà tổ, phía đông nhà tổ là tăng phòng và nhà khách, phía tây là nhà tiếp linh, phía đông tam bảo là phủ Mẫu. Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc chùa còn lưu giữu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Bia, khánh đá, chuông đồng, hệ thống tượng gỗ...Trong phong trào cách mạng chùa là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đặc biệt giai đoạn 2 năm 4 tháng chùa nơi nơi hội họp của dân quân du kích, là trạm giao liên, trong chùa có hầm bí mật nuôi dấu cán bộ, là kho vũ khí của Trung đoàn 46... Hàng năm tại chùa diễn ra nhiều ngày lễ như: Lễ Phật Đản ngày 14/4 âm lịch, lễ Vu lan 15/7 âm lịch, và các ngày Sóc, Vọng...Đặc biệt lễ hội lớn nhất được chùa và nhân dân tổ chức hàng năm vào trung tuần tháng Giêng. Chùa được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2013.10. Đền An Phú- xã Hải PhongĐền An Phú là công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng trong quá trình khai hoang, lấn biển tạo lập làng xã của nhân dân địa phương. Ngôi đền đầu tiên được xây dựng vào năm 1835. Đến năm 1912 được trùng tu, trải qua thời gian, năm tháng, công trình đã được nhân dân đóng góp tiền của tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc truyền thống của dân tộc. Đền An Phú là di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, là nơi thờ tự tri ân công đức vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn mà tài năng và đức độ của ông đã được người đời sau ngưỡng mộ tôn vinh là Đức Thánh Trần.Đền An Phú thờ dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778- 1858), người có công tổ chức công cuộc khai hoang lập nên tổng Ninh Nhất vào năm 1829. Di tích còn là nơi thờ tổ lập làng Trần Xuân Khánh, người đã theo Nguyễn Công Trứ tổ chức nhân dân khai khẩn lập nên ấp An Phú (nay là thôn An Phú, xã Hải Phong).Tín ngưỡng thờ các vị thần ở đây vừa tạo nên sức mạnh tinh thần cho những người đi khai hoang dựng xây quê mới, vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân địa phương. Trong quá trình bảo tồn và phát triển, đền An Phú đã trở thành địa điểm có nhiều mối liên quan đến lịch sử hình thành làng xã. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đền An Phú là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, góp phần vào thành tích chung của quê hương Hải Phong anh hùng. Tại di tích hiện còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Sắc phong, bài vị, câu đối, tượng thờ…Ngày 02/9/2006, đền An Phú được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa. 11. Đền Chùa Hải Tĩnh xã Hải Tân.Đền, chùa Hải Tĩnh tọa lạc tại xóm Phạm Tăng xã Hải Tân, là nơi thờ Trần Hưng Đạo và thờ phật, ngoài ra còn thờ vị tổ sư pháp danh là Thích Thanh Khái, thế danh là Nguyễn Ân Quang. Đền, chùa Hải Tĩnh ban đầu có tên là đền Tam Thánh được xây dựng vào năm 1838, gồm 3 gian, bộ khung bằng gỗ, mái gắn ngói nam. Do sự tàn phá của thiên nhiên, nhiều hạng mục công trình của đền xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 1942 đến năm 1946 nhà sư trụ trì Thích Thanh Khái đã vận động nhân dân xây dựng ngôi đền và xây thêm 3 gian bái đường làm nơi thờ phật. Năm 2010, chính quyền và nhân dân địa phương, cùng sư trụ trì Thích Thanh Trúc đã kêu gọi các tín đồ phật tử và nhân dân khắp nơi phát tâm công đức xây dựng mới ngôi chùa với khuân viên như hiện nay. Gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng, Đền, chùa Hải Tĩnh là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc. Năm 1946 tại đền, chùa Hải Tĩnh, Hội Nông dân cứu quốc được thành lập, ngoài ra còn là nơi thành lập Trung đội tự về gồm 50 người, đền, chùa còn là nơi giao quân, đào hầm bí mật nuôi dấu bộ đội, du kích và cán bộ cách mạng của huyện về hoạt động. Trong kháng chiến chống Mỹ đền, chùa là kho vũ khí, lương thực cho chiến trường. Đã có nhiều nhà sư tu tại chùa đã “cởi áo cà sa” lên đường nhập ngũ và đã anh dũng hi sinh... Hàng năm đền, chùa Hải Tĩnh tổ chức các ngày lễ gồm: Phật Đản ngày 14/4; Vu Lan ngày 15/7, các ngày Sóc, Vọng...và ngày kỵ ĐứcThánh Trần ngày 20/8 Âm lịch. Đây là ngày lễ hội có ý nghĩa quan trọng được chính quyền, nhà chùa và nhân dân tổ chức long trọng nhất trong năm. Đền chùa Hải Tĩnh được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2016.12. Đền Chùa Thiên Biên xã Hải ThanhĐền chùa Thiên Biên tọa lạc tại xóm Xướng Cau xã Hải Thanh với quy mô bao gồm: Chùa chính là nơi thờ phật, phủ thờ mẫu và đền thờ Đức Thánh Triệu Quang Phục. Đền chùa Thiên Biên được xây dựng năm Cảnh Hưng thứ 3 (1742). Ban quản lý di tích đền chùa Thiên Biên cùng nhân dân, các nhà hảo tâm và các tín đồ đã đóng góp nhiều công sức trùng tu, tôn tạo gìn giữ nét đẹp di sản văn hóa và cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh trong vùng. Hằng năm cứ đến rằm tháng Giêng và tháng Tám Âm lịch nhân dân trong vùng và các tín đồ khắp nơi lại tụ họp về dâng hương lễ phật và tưởng nhớ công lao to lớn của người Anh hùng dân tộc Triệu Quang Phục cùng các vị tổ. Chùa được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2013.13. Đền Đại An xã Hải VânĐền Đại An tọa lạc tại xóm 6, xã Hải Vân. Theo tư liệu lịch sử và văn bia “Văn chỉ thạch bi ký”, niên hiệu Tự Đức 12 (1859) nhân dân thôn Thái Hòa do Tiên chỉ Bùi Vũ Cát, Xã trưởng Đinh Viết Khuê; Đỗ Viết Thuyên; Cai xã Bùi Viết Nhâm; Xã trưởng Mai Viết Tải...Bản xã Cựu Lý trưởng Đỗ Viết Tỉnh đã đứng lên vận đông nhân dân góp công, góp sức xây dựng Đền ĐẠi An để thờ Đức thánh Triệu Việt Vương. Ngôi đền trước đây được xây dựng bằng gỗ lim theo kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm 3 gian tiền đường, ở giữa là thiêu hương, hai bên là ống muống, hậu cung 3 gian. Đến năm 1978, do thiên tai bão lũ tàn phá, một phần của công trình bị đổ nát, nhân dân buộc phải hạ giải. Năm 1993, dưới sự huy động của ông Đặng Ngọc Cừu, Đặng Kim Chi, Mai Công Đăng, Cao Xuân Thu cùng những nhà hảo tâm, nhân dân xây dựng lại phần trung đường và tiền đường với lối kiến trúc như hiện nay trên khuân viên 1180m2.Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng, xã, di tích Đền Đại An đã trở thành nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và có những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của địa phương trong sự nghiệp đấu trang giành độc lập dân tộc.Hàng năm lễ hội Đền Đại An được tổ chức 3 kỳ: Lễ mùa Xuân, lễ kỷ niệm ngày sinh (mồng 6 tháng Giêng) và lễ kỷ niệm ngày mất của Đức thánh Triệu Việt Vương. Đền Đại An được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2013.14. Từ Đường Tổ Lại Xuân Không - xã Hải TrungTừ đường Tổ Lại Xuân Không nằm trên địa bàn xóm 15, xã Hải Trung, được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ XIX. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, từ đường đã được xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình. Đến niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896) từ đường được hoàn chỉnh cho đến ngày nay với mục đích để con cháu tỏ lòng tri ân công đức của Tổ Lại Xuân Không; người đã có nhiều công lao trong công cuộc khai hoang lấn biển, xây dựng và củng cố đất Quần Anh. Được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong “Dực bảo trung hưng, linh phù tôn thần”; được nhân dân Hải Hậu liệt vào hàng đầu trong “Cửu tộc” đã có công lớn cùng “Tứ tính” tạo dựng nên mảnh đất Quần Anh xưa, Hải Hậu ngày nay. Từ đường Tổ Lại Xuân Không là công trình kiến trúc cổ quy mô, mang đậm đường nét kiến trúc nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Tại đây còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị như sắc phong, văn bia, nhang án, câu đối, đại tự góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá của dân tộc.Ngày 28/8/2008, Từ đường Tổ Lại Xuân Không được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH.15. Từ Đường Thuỷ Tổ Hương Cống Trần Quốc Thể - xã Hải PhúcTừ đường Thuỷ tổ Hương cống Trần Quốc Thể được xây dựng từ năm 1911 tại xóm 13 xã Hải Phúc. Đây là một công trình tín ngưỡng được hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc khai hoang mở đất, tạo lập làng xã và có giá trị về lịch sử. Công sức và thành quả lao động mà Hương cống Trần Quốc Thể cùng các tổ khai sáng và nhân dân đạt được đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nên mảnh đất Hải Phúc giàu đẹp ngày nay. Công trình kiến trúc Từ đường Thuỷ tổ Hương cống Trần Quốc Thể được xây dựng theo phong cách truyền thống. Tại đây vừa có nơi thờ phụng, vừa có lăng mộ là nơi an nghỉ vĩnh hằng của ông. Di tích còn là nơi giữ gìn được nhiều câu đối, đại tự có nội dung ghi về công lao sự nghiệp của Hương cống Trần Quốc Thể đối với quê hương đất nước. Đặc biệt trong cung cấm còn có nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, góp phần tăng thêm giá trị nghệ thuật cho di tích.Ngày 12/01/2009, Từ đường Thuỷ tổ Hương cống Trần Quốc Thể được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH. 16. Từ đường Họ Lê xã Hải PhươngHọ Lê Đại Tôn nằm trên mảnh đất thuộc xóm 11 xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh nam Định.Theo “Quần Anh địa chí” thì Tổ họ Lê gồm 3 anh em (Tổ Toàn Vinh; Tổ Huyền Đô; Tổ Đạo Thông) từ Tương Đông xuống mảnh đất Quần Anh phía nam Lạch Lác khai hoang lập ấp cách đây hơn 500 năm. Ban đầu các Tổ làm nghề đánh cá và làm muối kiếm kế sinh nhai đồng thời cùng với Tứ tổ (Trần Vu; Vũ Chi; Hoàng Gia; Phạm Cập) và các họ khác trong Cứu Tộc (Lại; Nguyễn; Bùi; Phan; Đoàn; Đỗ và Trần, Vũ phái khác) khai khẩn đất đai, mở mang ruộng đất khai cơ lập nghiệp. Sau khi 3 Tổ qua đời con cháu cùng nhau xây dựng từ đường ở phía tây chùa Lương. Năm 1804 đất Quần anh chia làm 3 xã và bắt đầu có sự phân tách, riêng Quý chi (Tổ Đạo Thông) con cháu vươn xa mở mang xuống phía nam đê Hồng Đức xã Quần Anh Hạ (Nay thuộc xóm 11 – Hải Phương). Năm 1835 con cháu họ Lê bắt đầu xây dựng ngôi từ đường (Lê Qúy Chi) ban đầu chỉ là nóc cỏ rường tre. Năm Quí Mùi (1883) xây hậu chẩm; Năm 1897 tiến hành đại tu xây tiền đường 3 gian bằng gỗ lim. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay ngôi từ đường vẫn giữ được kiến trúc cổ kính và truyền thống. Trong kháng chiến chống Pháp từ đường là nơi nuôi dấu cán bộ và là nơi hoạt động bí mật của cách mạng. Ngày 16/10/1948 từ đường là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên xã Quần Phương – Tiền thân của Đảng bộ xã Hải Phương ngày nay.Trong chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ từ đường là nơi sơ tán, cất dấu lương thực và vũ khí của nhà nước. Tổng kết kháng chiến từ đường họ Lê được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây vào những ngày kỷ niệm trọng thể của địa phương, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Phương luân tổ chức dâng hương nhớ ơn tiên tổ từ đường họ Lê. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2016.17. Từ đường Họ Đoàn xã Hải LongTừ đường họ Đoàn tọa lạc tại xóm 12 xã Hải Long trên khu đất với diện tích trên 400 m2. Khởi nguồn xây dựng từ năm 1827 chỉ là mái tranh, vách đất, đến năm 1811 được xây dựng lại bằng gỗ lim. Từ năm 1915 đến 2015 được trùng tu, mở rộng nhiều lần tạo lên tổng thể kiến trúc theo kiểu chữ Đinh trên diện tích 1.360 m2. Theo các tư liệu để lại họ Đoàn xã Hải Long thuộc dòng Tứ tính, Cửu tộc góp công khai sáng đất Quần anh xưa, vào thế kỷ XVII họ Đoàn cùng các doàng họ khác tiến hành khai hoang, mở đất vùng phía Nam đê Hồng Đức từ Nhất trùng đến Tam trùng. Với những công lao mở đất, lập làng vào triều Nguyễn năm Khải Định thứ 9 (1924) Thủy tổ Đoàn Thanh Lộc được vua ban sắc phong “Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần”. Hiện nay tại từ đường vẫn còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật có giá trị như: Tượng thờ, khám thờ, nhang án, bia đá, cùng với gia phả, hoành phi, câu đối, bài vị... Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ các thế hệ con cháu trong dòng họ đã góp công, góp sức hòa cũng cả nước chiến đấu, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.Hàng năm cứ vào ngày 15,16 tháng 11 âm lịch con cháu dòng họ lại tụ hội về từ đường giỗ tổ để tưởng nhớ công lao to lớn của các Thủy tổ, cùng với đó kết hợp phát thưởng khuyến học để động viên con cháu không ngừng học tập phấn đấu vươn lên góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2019.18. Từ đường Họ Hoàng xã Hải SơnTừ đường họ Hoàng Đại Tông tọa lạc tại xóm 7, xã Hải Sơn huyện Hải Hậu trên khu đất với diện tích trên 720 m2. Từ đường họ Hoàng là nơi thờ Thủy Tổ Hoàng Gia (Một trong 4 vị Thủy Tổ có công cùng với các Thủy Tổ Trần vu, Vũ Chi, Phạm Cập khai hoang bãi bồi Lạch Lác, lấn biển thành lập đất Quần Anh xưa- Hải Hậu ngày nay). Năm 1830-1841 thời vua Minh Mạng, cụ tổ kế thành dòng họ Hoàng là Hoàng Đại Thành (người con trai thứ 5 của Thủy tổ Hoàng Gia) đã dời quê cha đất tổ Quần Cường- Hải Trung về phía nam, nơi bãi biển đất bồi phì nhiêu màu mỡ chọn vùng đất Ngũ Trùng là nơi tọa lạc để lập ấp, phát triển dinh điền cho con cháu mai sau. Từ năm 1864-1869 thời vua Tự Đức tổ họ Hoàng cùng với các tổ dòng họ Trần, Lê, Vũ cùng nhau chung sức khai khẩn đất đai, lập làng, dựng ấp nay là vùng đất xóm 7, xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu. Từ đây con cháu dòng họ đã lập từ đường lúc đầu chỉ bằng vách đất, thanh tre, lứa để thờ phụng. Đến năm Tân Hợi 1911- thời vua Duy Tân con cháu trong dòng họ chung sức xây dựng ngôi từ đường 3 gian hướng tây nam. Năm Quý Mùi 1943 thời Bảo Đại con cháu trong dòng họ xây dựng lại ngôi từ đường hướng đông gồm tiền đường và hậu chẩm theo phong cách kiến trúc của người Việt. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ đường là nơi hội họp của dân quân du kích, là cơ sở cách mạng của địa phương. Từ năm 1955 đến 1957 từ đường là cơ sở lớp bình dân học vụ. Năm 1964-1975 từ đường dòng họ là kho chứa đạn pháo, vũ khí của trung đoàn 46 thuộc Quân khu III.Năm 1972 sau nhiều lần ném bom của Đế quốc Mỹ từ đường họ Hoàng đã bị sập hư hỏng toàn bộ hậu chẩm, đồ thờ tự và sắp phong cũng bị cháy theo. Trải qua năm tháng con cháu trong họ không ngừng góp công sức xây dựng lại từ đường khang trang cho tới ngày nay. Hiện nay từ đường vẫn còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị như ngai thờ, bát hương, câu đối, đại tự...Hàng năm cứ đến ngày 07 tháng 11 âm lịch con cháu trong họ lại tụ hội về giỗ tổ, kết hợp phát thưởng khuyến học để động viên con cháu không ngừng học tập, xây dựng quê hương đất nước. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2021.19. Từ đường Họ Lại xã Hải LongTừ đường họ Lại chi Đệ Tam thờ tổ Lại Chính Tâm tại xóm 6 xã Hải Long được xây dựng năm Tân Mùi 1871 với tổng diện tích 1044m2 kiến trúc theo kiểu chữ công. Khởi đầu từ đường chỉ là nơi làm bằng tre lứa, lợp cỏ trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo (2008, 2009) mới có được một tổng thể công trình gồm nhiều hạng mục như ngày nay.Trong kháng chiến chống thực dân Pháp: Tháng 8/1945 đến 1947 là nơi mở lớp huấn luyện giáo viên bình dân học vụ cho huyện Hải Hậu do Ty bình dân học vụ tỉnh Nam Định tổ chức. Tháng 6/1947 Tỉnh ủy Nam Định đã chọn là nơi thành lập Huyện ủy Hải Hậu và Ban chấp hành Đảng bộ huyện. Từ năm 1947 đến 1949 từ đường là nơi làm việc của Tòa án tỉnh Nam Định. Năm 1952 – 1954 từ đường giành 2 gian làm kho thóc thuế nông nghiệp của huyện; 2 gian được làm kho vũ khí của Quân khu III do Trung đoàn 46 phụ trách. Ngoài ra từ đường còn là nơi cất giữ tài liệu lưu trữ của Đảng và chính quyền huyện Hải Hậu. Năm 1954 từ đường là địa điểm trường cấp II quốc lập của huyện. Trong Kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ đường là địa điểm sơ tán của Bệnh viện huyện Hải Hậu và nhiều cơ quan đơn vị khác. Trải qua các cuộc kháng chiến các thế hệ con cháu trong dòng họ đã có nhiều đóng góp to lớn cho quê hương và đất nước, có nhiều thế hệ con cháu lên đường nhập ngũ và hi sinh, nhiều người được phong tặng Liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, và cũng có nhiều người trở thành sỹ quan cao cấp trong quân đội.Hiện nay trong công cuôc xây dựng và bảo vệ đất nước con cháu trong dòng học đang phấn đấu không ngừng học tập, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước để làm rạng rỡ tổ tiên. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2016.20. Từ đường họ Lê xã Hải Hưng Từ đường họ Lê Đại Tông tọa lạc tại thôn Trung Lễ - nay là xóm 15 xã Hải Hưng huyện Hải Hậu trên khu đất với diện tích trên 600 m2. Khởi nguồn xây dựng từ năm Nhâm Thân (1811) niên hiệu Gia Long, ban đầu từ đường được xây dựng bằng tre, gỗ lợp cỏ. Để thờ phụng tổ tiên năm Quý Tỵ 1893 niên hiệu Thành Thái triều Nguyễn tiền nhân xây dựng lại phần hậu cung và chung đường. Từ năm 1906 đến 1911 xây dựng thêm tiền đường và hai gác chuông tạo lên tổng thể kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc. Từ năm Bảo Đại thứ 13 (1937) đến năm 2002 từ đường đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần, hiện nay trở thành khu quần thể khang trang, sạch đẹp mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống của người Việt.Theo các tư liệu để lại họ Lê Đại Tông - Kiên Trung xã Hải Hưng thuộc dòng dõi Lê Hiển Tông, hậu duệ nhiều đời của vua Lê Thái Tổ. Vào những năm Cảnh Hưng (1774) Thủy tổ Lê Công Bắc cùng với các tổ họ Đinh, Phạm, Lương... Từ Kiên Lao phủ Xuân Trường đã chọn đất Kiên Trung để khai thiên lập địa, quai đê lấn biển làm nơi sinh sống. Từ đây đất đai ngày càng được mở rộng, bồi đắp con cháu nối nghiệp càng phồn thịnh dài lâu. Với những công lao mở đất, lập làng Thủy tổ Lê Công Bắc được vua ban sắc phong “Tứ thiên hộ hầu” và đặt tên thụy là “Đôn Nhã”. Hiện nay tại từ đường vẫn còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật có giá trị như: Tượng thờ, khám thờ, nhang án, bia đá, cùng với gia phả, hoành phi, câu đối, bài vị... Trong công cuộc kháng chiến cứu nước (1950-1952) từ đường họ Lê Đại Tông là nơi tập kết lui quân của lực lượng vũ trang đánh thắng trận Cầu Đôi lịch sử và các trận càn của Pháp. Từ năm (1954-1957) là nơi tổ chức mở lớp bình dân học vụ xóa mù chữ. Năm 1965-1975 từ đường được trưng dụng làm kho chứa vũ khí, đạn dược và lương thực hàng hóa của Quân khu 3. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ con cháu họ Lê Đại Tông có hàng trăm người tham gia nhập ngũ, trong đó có 12 người là Liệt sỹ, 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm người được thưởng huân huy chương các loại. Trong công cuộc xây dựng đất nước con cháu trong dòng họ không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập lao động sản xuất xây dựng nông thôn mới làm rạng rỡ cho tổ tiên, nhiều người trưởng thành giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương.Hàng năm cứ vào dịp 16 tháng 9 âm lịch con cháu dòng họ lại tụ hội về từ đường giỗ tổ kết hợp phát thưởng khuyến học, qua 20 năm phát động phong trào khuyến học khuyến tài đã được tặng 2 bằng khen của Trung ương hội khuyến học Việt Nam và mặt trận tổ quốc tỉnh Nam Định, nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện, xã.Với những giá trên từ đường họ Lê xã Hải Hưng đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2018. 21. Từ đường Họ Nguyễn Xã Hải HàHọ Nguyễn xã Hải Hà thuộc dòng Thái Thủy Tổ Nguyễn Bặc – Hậu duệ nhiều đời của tổ Nguyễn Kim. Vào những năm đầu thế kỷ XVII tổ Phúc Thủy cùng các tổ Phạm, Hoàng, Vũ , Nguyễn, Lã…quai đê lấn biển lập lên xóm, làng trù phú Cẩm Hà Trang (nay là xã Hải Hà) và dựng chùa Đào Am, mở rộng chợ Quán, xây đình làng…Dưới triều Nguyễn năm Khải Định thứ 9 (1924) đã được Vua ban sắc phong: “ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần”; Năm 1864 ba hậu duệ của tổ Phúc Thủy đứng đầu trong danh sách 117 vị Tiên công xuất tài, xuất lực khai hoang lập được 8558 mẫu và đắp đê Ngự Hàm từ Hải Quang ra Kiên chính dài hơn 5Km, ngoài ra còn làm thủy lợi thau chua, rửa mặn, trồng cây chắn sóng để lại cho hôm nay một vùng đất trù phú chạy dài từ Hải Quang, Hải Đông, Hải Tây ra tới một Hải Chính. Trong Công cuộc kháng chiến cứu nước: Năm 1946 – 1949 từ đường là nơi chứa lương thực, là nơi mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ. Trong hậu cung còn có hầm bí mật cho du kích hoạt động…Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Đế quốc Mỹ các thế hệ con cháu trong dòng họ đã có nhiều người lên đường nhập ngũ, cầm súng đánh giặc. Trong đó đã có nhiều người hi sinh được nhà nước phong tặng Liệt sỹ; có nhiều người trở thành sỹ quan cao cấp trong quân đội.Trong học tập dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao như: Tiến sỹ, Thạc sỹ, Cử nhân…Dòng họ đã vinh dự được Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu tặng danh hiệu: “Dòng họ hiếu học”.Từ đường không chỉ là nơi ghi nhận công lao của các vị Tổ dòng họ Nguyễn trong công cuộc khai hoang lấn biển, đây còn là công trình kiến trúc nghệ thuật, mặc dù trải qua nhiều lần xây dựng và trùng tu tôn tạo nhưng di tích vẫn giữ được phong cách nghệ thuật truyền thống của dân tộc, trong di tích lưu giữ nhiều tư liệu quý ghi lại công lao, sự nghiệp của các vị tổ dòng họ Nguyễn trong công cuộc mở đất. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2014.22. Từ đường Họ Nguyễn Tây xã Hải HàTừ đường họ Nguyễn tây tọa lạc tại xóm 7, thôn Hà Quang, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.Theo các tư liệu để lại thì lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất phía tây sông Hà Lạn, trong đó có xã Hải Hà với tên gọi ban đầu là Cẩm Hà Trang gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển, tạo lập làng xã của các vị Thủy tổ dòng họ Vũ, Trần, Lâm...diễn ra vào cuối thế kỷ XVI.Căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá giá trị di tích của cơ quan chuyên môn thì từ đường họ Nguyễn tây, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu thuộc loại hình di tích Lịch sử. Qua tìm hiểu và khảo sát nguồn tư liệu lịch sử tại địa phương, tư liệu Hán Nôm của dòng họ thì hiện nay trên địa bàn thôn Hà Quang có 3 dòng họ Nguyễn đó là: họ Nguyễn tây nằm ở phía tây của thôn Hà Quang, họ Nguyễn giữa nằm ở trung tâm của thôn và họ Nguyễn Đoài nằm ở phía đông của thôn. Mỗi từ đường thờ một vị Thủy tổ của dòng họ đã có công khai khẩn đất đai, tạo dựng làng xã, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ. Qua đó nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ Nguyễn được khái quát như sau:Họ Nguyễn thôn Hà Quang là một trong số những dòng họ đầu tiên tham gia khai khẩn đất đai ở vùng phía tây cửa Lạn Môn (khi đó có tên gọi là Cẩm Hà Trang) vào khoảng những năm đầu thế kỷ XVI. Người đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn tây thôn Hà Quang là Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà.Căn cứ theo cuốn: “Thế phả Nguyễn Đại Tông (Hải Hậu – Trực Ninh) cùng các nguồn tư liệu khác Thủy Tổ Nguyễn Phúc Hà là con trai trưởng của Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng, hậu duệ đời thứ 23 của Đức Khởi tổ Nguyễn Bặc, có công phù Lê, diệt Mạc và được phong tước Hòa Quận công. Vào cuổi thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII đức Thủy tổ đã từ trang Gia Miêu – Thanh Hóa về vùng đất này cùng các vị tổ của dòng họ Phạm, Lê, Trần, Lâm, Lã, Hoàng...tham gia vào lực lượng khẩn hoang do An phủ sứ Vũ Duy Hòa tổ chức, lập nên vùng đất Cẩm Hà Trang – nay là các xã Hải Phúc, Hải Hà, Hải Lộc của huyện Hải Hậu.Cùng với việc khai khẩn đất đai, tạo dựng làng xã, Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà cùng các dòng họ còn quan tâm đến xây dựng các công trình phúc lợi, tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của nhân dân vùng đất mới. Mặc dù đời sống có nhiều khó khăn nhưng Thủy tổ các dòng họ đã vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức để xây dựng đền, chùa như: Chùa Hà Lạn ngoài thờ phật còn thờ An phủ sứ Vũ Duy Hòa và các vị tổ lập làng; Đình Hà Quang thờ Đức thánh Triệu Quang Phục... Những nhân vật thờ ở đây vừa mang ý nghĩa tôn vinh, vừa mang ý nghãi phù trợ, làm chỗ dựa tinh thần trong cuộc chiến đấu chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt của một vùng đất tân bồi đầy gian khổ.Bên cạnh các công trình tôn giáo, tín ngưỡng các tổ còn cho bắc cầu, mở chợ để nhân dân đi lại giao lưu buôn bán thuận tiện.Bằng tinh thần lao động bền bỉ, đoàn kết sáng tạo, vượt qua khó khăn lực lượng khẩn hoang do An phủ sứ Vũ Duy Hòa tổ chức cùng nhân dân Cẩm Hà Trang đã tạo một bãi bồi mênh mông hoang hóa trở thành ấp Hà Lạn trù phú với đồng ruộng quy củ, thôn xóm đông vui. Trong thành quả to lớn đó, có một phần đóng góp không nhỏ của các vị tổ dòng họ Nguyễn mà người đứng đầu là Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà.Ghi nhận công lao của Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà và các vị tổ kế thành trong sự nghiệp khai khẩn đất đai, tạo ấp, lập làng triều đình đã ban sắc phong chuẩn cho nhân dân các xã phụng thờ. Nội dụng đạo sắc phong ban tặng dới triều vua Nguyễn, niên hiệu Khải Định năm thứ 2 (1917) dịch như sau: “Sắc hai xã Hà Quang, Thanh Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định phụng thờ vị thần Cao Sơn Phúc Hà và vị thần Bản cảnh Phúc Yên giúp nước cứu dân linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay trẫm kế thừa mệnh sáng, suy nghĩ về sự sâu xa tốt đẹp của thần, đều được phong thêm là: Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần (Vị thần linh thiêng phù giúp nền chính trị). Chuẩn cho được phụng thờ, thứ đến thần sẽ che chở bảo vệ cho muôn dân của trẫm”.Như vậy, Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà không chỉ là người có công khai hoang lập ấp, tạo dựng xóm làng mà còn là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn trên địa bàn xã Hải Hà ngày nay.Sau khi Thủy tổ qua đời con cháu trong họ đã xây dựng từ đường để thờ tự và tri ân công đức. Hiện nay, ngai thờ và tượng thờ Thủy tổ được thờ trang trọng tại gian giữa của tòa hậu đường.Cùng với Thủy tổ Nguyễn Phúc Hà, các vị tổ kế thành là Nguyễn Phúc Yên, Nguyễn Phúc Hiền, Nguyễn Phúc Hào cũng được thờ trang trọng tại từ đường. Căn cứ vào 3 đạo sắc phong hiện đang lưu giữ tại di tích thì có thể khẳng định các vị tổ kế thành của dòng họ Nguyễn, thôn Hà Quang cũng là người có công lớn trong sự nghiệp khẩn hoang, tạo dựng làng xóm và phát triển dòng họ. Với những công lao đó, các vị tổ dòng họ Nguyễn tây thôn Hà Quang đã được các triều đại phong kiến ban tặng sắc phong, nhân dân suy tôn là bậc phúc thần và được ghi nhớ thờ tự.Từ đường ho Nguyễn được xây dựng năm 1744. Công trình ban đầu làm bằng tre nứa, lợp tranh. Đến năm Giáp Thân (1844) từ đường được xây dựng lại kết cấu theo kiểu chữ Đinh gồm 2 tòa: Tiền đường và hậu đường với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ lim, lợp ngói nam. Do sự tàn phá của thiên nhiên, bão lũ và nhất là qua hai cuộc chiến tranh, một số hạng mục công trình đã bị hư hại nên con cháu trong họ đã đóng góp công sức, tiền của, đất đai để tu sửa lại ngôi từ đường đồng thời mở rộng khuôn viên nơi thờ tự vào các năm 1925, 1985.Từ đường tọa lạc trên khuôn viên với tổng diện tích 629m2, mặt quay về hướng nam. Trên mặt bằng tổng thể, từ đường họ Nguyễn gồm các thành phiền kiến trúc: Nghi môn, sân và công trình kiến trúc từ đường. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 201623. Từ Đường Họ Nguyễn Vũ Xã Hải BắcTừ đường Nguyễn Vũ là nơi thờ cụ Nguyễn Phả Quang thân sinh của cụ Nguyễn Vũ Huyền Diệu là người đã đến khai hoang lấn biển từ những ngày đầu cùng với cụ Nguyễn Phúc Thành được tôn vinh vào hàng “Cửu tộc”. Cụ Nguyễn Vũ Huyền Diệu là người có công tổ chức khai khẩn vùng Bắc Biên thôn Đông Cường (một trong 4 thôn – 10 giáp cổ, nay là xã Hải Bắc), được lịch sử Đảng bộ xã Hải Bắc ghi nhận. Đặc biệt tại từ đường còn có “bài minh” được khắc trên gỗ ghi lại lời giáo huấn của Liệt tổ đối với con cháu muôn đời sau được lưu giữ và treo trang trọng tại từ đường. Các thế hệ hậu duệ của họ Nguyễn Vũ tiếp tục công cuộc khai khẩn của ông cha mở được nhiều đất đai ở nơi khác như: cụ Nguyễn Vũ Cự tiến hành công cuộc khai khẩn tại Cồn Cốc (nay là T.T.Cồn), cụ Nguyễn Vũ Thâm khai khẩn vùng Phú Lễ-Thịnh Long, Nguyễn Vũ Đoán khai khẩn vùng Hải Nhuận, Nguyễn Vũ Đăng khai khẩn vùng Hạ Trại (Hải Triều) – Cồn Vành (Nghĩa Hưng). Vì vậy Di tích không chỉ có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của con cháu trong dòng họ và nhân dân xã Hải Bắc mà còn ảnh hưởng đến các xã, thị trấn trong huyện và các huyện trong vùng. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2010.24. Từ đường Họ Nguyễn xã Hải AnhTừ đường họ Nguyễn tọa lạc tại xóm 9 xã Hải Anh. Từ đường trước đây được xây dựng ở đầu xã Quần Anh, phía bắc Cầu Ngói. Công trình được xây dựng từ năm Đinh Mùi (1547) thời vua Lê Trang Tông, thời gian này công trình còn đơn giản chủ yếu là tre, lứa, vách đất. Đến thời Nguyễn, niên hiệu Tự Đức, Canh Ngọ (1870) công trình bị xuống cấp, con cháu trong họ họp bàn trùng tu tôn tạo lại toàn bộ gồm: Tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, hậu chẩm bằng gỗ lim trang trí hoa văn rồng phượng... Năm 1962, huyện Hải Hậu mở rộng sông Đối đã ảnh hưởng đến sự bền vững của công trình nên con cháu trong họ thống nhất di dời từ đường về chi thứ 3 để làm từ đường Nguyễn ngành cả tọa lạc trên diện tích 2160m2 xây cuốn vòm. Hiện nay từ đường còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự như: Gia phả chữ Hán, đại tự, câu đối, bia đá cổ...Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp từ đường được Ủy ban kháng chiến hành chính xã và Huyện đội Hải Hậu dùng làm kho chứa lương thực phục vụ kháng chiến, ngoài ra còn là nơi mở lớp bình dân học vụ. Kháng chiến chống Mỹ từ đường là nơi làm việc của của Ủy ban Hợp tác xã nông nghiệp.Hàng năm từ đường diễn ra các ngày lễ gồm: 15/10 âm lịch là ngày kỵ Đức Thái thủy tổ Nguyễn Bặc; ngày 20/5 âm lịch là ngày kỵ Triệu tổ Nguyễn Kim; ngày 16/8 âm lịch là ngày kỵ tổ Nguyễn Trãi. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2013.25. Từ đường Họ Nguyễn xã Hải LongTừ đường họ Nguyễn tọa lạc tại xóm 9 xã Hải Long huyện Hải Hậu. Từ đường là nơi thờ, tri ân công đức Tổ Nguyễn Tần Triều, là hậu duệ đời thứ 28 của đức khởi tổ Nguyễn Bặc. Tổ Tần Triều sinh ra Tổ Chính Pháp. Tổ Chính Pháp sinh ra 2 người con trai là Vạn Công (tự Phúc Vạn) và Viên Thông, là những người có công lao góp sức cùng các dòng họ khác mở mang, lập ấp đất Cát Chử - Trực Ninh và Quần Anh – Hải Hậu. Công trình từ đường mang đậm kiến trúc truyền thống theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Năm 1938 được trùng tu tôn tạo lại. Hiện nay từ đường còn lưu giữ được 2 đạo Sắc phong niên hiệu Gia Long 2 (1803) và Khải Định 9 (1924) và nhiều đồ thờ, hoành phi, câu đối có giá trị. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, từ đường là nơi cất dấu lương thực phục vụ kháng chiến, là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến, là nơi Bệnh viện huyện Hải Hậu sơ tán, đặt phòng khám và kho thuốc tại từ đường. Hàng năm từ đường họ Nguyễn tổ chức các kỳ lễ Giỗ Tổ và các Tổ kế thành, kết hợp phát thưởng khuyến học khích lệ cho con cháu trong dòng họ. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2018.26. Từ đường Họ Nguyễn xã Hải MinhTừ đường họ Nguyễn Sáng Thuỷ tọa lạc tại xóm 2A xã Hải Minh, huyện Hải Hậu được xây dựng trên khuân viên có diện tích 1.820m2. Khởi nguồn xây dựng vào thời Vua Lê Thần Tông ban đầu chỉ là nhà tranh tre để thờ phụng. Qua thời gian, chiến tranh, từ đường thờ tổ đã được con cháu xây dựng lại, nhiều lần sửa chữa, trùng tu, gần đây nhất từ đường được xây dựng lại trên nền móng cũ của bậc tiền nhân.Theo tư liệu Tộc Phả họ Nguyễn Sáng Thuỷ xã Hải Minh thuộc dòng họ Nguyễn Trãi. Thuỷ Tổ phát tích từ Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá về huyện Thanh Lâm (cũ) tỉnh Hải Dương (nay thuộc địa phận hai huyện Nam Sách và huyện Chí Linh). Thời Vua Lê Thuỷ Tổ làm Quan Kinh Dịch từ huyện Thanh Lâm, Hải Dương lại về Cổ Lễ tỉnh Nam Định cùng ở với hai cụ Thuỷ Tổ họ Phạm và họ Phan. Năm 1485 Thuỷ Tổ Nguyễn Công Tự Chính Trực, cùng với Thuỷ Tổ Họ Phạm và Thuỷ Tổ Họ Phan vượt sông Trường Giang (tức sông Ninh Cơ) gặp Thuỷ Tổ Họ Mai dẫn đường xuống khai khẩn vùng đất Kim Đê. Đến năm 1511 triều Vua Lê Hồng Thuận tam niên đất đai ngày càng được mở rộng, bồi đắp, gần 20 thế hệ con cháu dòng Họ Nguyễn Sáng Thuỷ nối tiếp truyền thống tổ tiên xây dựng quê hương ngày càng phát triển, thịnh vượng, phồn vinh. Với công lao khai cơ, kiến ấp Thuỷ Tổ Nguyễn Sáng Thuỷ được Vua phong hai đạo sắc, cả hai lần có nội dung: “ Đương Cảnh Thành Hoàng, Hoàng Triều sắc phong Sáng Thuỷ Tổ Nguyễn Công Tự Chính Trực – Trung đẳng thần”.Tổ Cô cũng được phong sắc: “ Phi phong hoá vũ, khiết tuyết thục thuần, hoà nhu tĩnh mặc, anh diệu Nguyễn Môn phổ hoá âm phù chưng đạo nga thần sắc phong dực bảo trung hưng, phổ hoá âm phù Công Chúa – tôn thần”Hiện nay dòng họ còn lưu giữ được 6 bản sắc của Tổ tiên để lại, những bức đại tự, câu đối cổ và nhiều hiện vật có giá trị vẫn đang được lữu giữ thờ phụng.Trong kháng chiến chống Pháp Từ đường là nơi hoạt động cách mạng, có hầm bí mật nuôi giấu các chiến sỹ cách mạng. Ngoài ra từ đường là kho thóc kháng chiến. Nơi đây còn là nơi mở lớp Bình dân học vụ, là sân kho của đội sản xuất số 7 xã Hải Minh.Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ họ Nguyễn Sáng Thuỷ có rất nhiều con em tham gia xung phong nhập ngũ, có những người con của dòng họ đã anh dũng hi sinh, nhiều người được phong tặng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại.Trong công cuộc xây dựng đất nước con cháu dòng Họ Nguyễn Sáng Thuỷ không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới làm rạng rỡ cho Tổ tiên. Có nhiều con cháu đỗ đạt đang nắm giữ các chức vụ quan trọng từ trung ương tới địa phương.Hàng năm vào ngày 13-3 âm lịch con cháu trong dòng họ lại tụ hội về từ đường giỗ Tổ, kết hợp phát thưởng khuyến học động viên con cháu không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2021.27. Từ đường Họ Nguyễn xã Hải SơnTừ đường họ Nguyễn (Nguyễn Nam Từ) tọa lạc tại Đội 3, Tứ Trùng Đông, Nam thôn Quần Phương Trung nay là xóm 4 xã Hải Sơn huyện Hải Hậu trên một khu đất rộng rãi với diện tích 340 m2. Khởi nguồn xây dựng năm Minh Mạng thứ 10 (1830) chỉ là một Am nhỏ mái tranh vách đất; Năm Tự Đức thứ 27 (1875) từ đường được xây dựng lại theo kiểu chữ nhất; Năm Duy Tân thứ 5 (1912) được xây lại theo hình chứ Đinh 3 gian bằng gỗ; Từ năm Bảo Đại thứ 17 (1941) đến năm 2009 từ đường đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần hiện nay đã trở thành một khu quần thể khang trang sạch đẹp mang đậm phong cách kiến trúc, nghệ thuật của người Việt. Theo các tài liệu để lại chi tộc họ Nguyễn xóm 4 – Hải Sơn thuộc dòng Đức Thái Thủy tổ Nguyễn Bặc, hậu duệ nhiều đời của Thủy tổ Nguyễn Kim, hậu duệ 4 đời của tổ họ Nguyễn trong “ Tứ tính, Cửu tộc” ( Khắc Cần) khai sáng đất Quần Anh xưa.Vào những năm đầu của thế kỷ XVIII tổ Khắc Cần và các hậu duệ cùng với các tổ họ khác ( Hoàng, Trần, Phạm, Ninh…) tiến hành khai hang lấn biển mở đất họp dân, lập làng vùng ngoài bể, phía nam đê Hồng dức từ Nhất Trùng đến Tứ Trùng tọa lên xóm làng trù phú. Tổ Nguyễn Khắc Cần đã chọn nơi định cư tại Tứ Trùng đông nam thôn Quần Phương Trung nay là xóm 4 Hải Sơn. Dưới triều Nguyễn, năm Khải Định thứ 9 (1924), được Vua ban sắc phong “ Rực Bảo Trung Hưng linh phù tôn Thần” cùng với đại danh Tứ Trùng Đông Nam thôn Quần Phương Trung xã. Trong Công cuộc kháng chiến cứu nước:- Năm 1946 – 1949 từ đường là nơi chứa kho lương thực, là nơi mở lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ; Năm 1952- 1953 trong Hậu cung có hầm bí mật cho du kích hoạt động, ngoài ra còn là nơi tạm giam tù binh Pháp. - Năm1956- 1968 từ đường được trưng dụng làm kho chữa thuốc, trạm quân y trung đoàn 46; Năm 1971- 1972 từ đường được phòng thương nghiệp huyện Hải Hậu nhờ làm kho chứa hàng hóa.Hàng năm cứ đến ngày 16-17 tháng 11 Âm lịch con cháu trong dòng họ lại tụ hội về từ đường Giỗ tổ, kết hợp phát thưởng khuyến học để động viên con cháu không ngừng học tập phấn đấu xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2014.28. Từ đường Họ Lâm Hòa Đạo xã Hải LộcTừ đường họ Lâm tọa lạc tại xóm 3 xã Hải Lộc là nơi thờ tự tổ dòng họ Lâm (tổ Lâm Hòa Đạo và các tổ kế thành). Theo Gia phả họ Lâm viết, sau khi tổ Lâm Hòa Đạo mất, đến năm 1692 sau khi ổn định cuộc sống, con cháu họ Lâm do cụ Lâm Công Huyền làm trưởng họ đã vận động con cháu đóng góp sức người, sức của xây dựng từ đường để làm nơi thờ phụng tổ tiên. Ngôi từ đường trước đây được xây dựng gồm 3 gian tường đắp đất, mái lợp bổi quay về hướng tây nam. Năm 1910, dưới sự huy động của ông Lâm Ngọc Môn con cháu trong dòng họ đã đóng góp xây dựng từ đường với kiến trúc chữ nhị gồm: Tiền đường 3 gian 2 trái, bộ khung gỗ lim, hậu đường 1 gian xây cuốn vòm. Từ đường họ Lâm tọa lạc trên diện tích khuân viên 460m2 . Hiện này từ đường còn lưu giữ được nhiều di vật cổ vật quý như: Đại tự, cuốn thư, câu đối, đồ thờ tự...Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ từ đường họ Lâm đã có nhiều đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của dân tộc. Từ đường là nơi diễn ra nhiều cuộc họp bí mật của dân quân, du kích địa phương... Với những giá trị đó từ đường họ Lâm đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014. 29. Từ Đường Họ Phạm Thị Trấn Yên ĐịnhTừ đường họ Phạm Đại Tôn tọa lạc tại đất Văn Đàn – Quần Phương xưa, nay là TDP số 7 – thị trấn Yên Định huyện Hải Hậu trên khu đất có diện tích 1330m2. Từ đường được khởi nguồn xây dựng năm Gia Long – Giáp Tý (1804), lúc đầu chỉ là một am nhỏ mái tranh, vách đất. Đến năm Minh Mạng – Nhâm Thìn (1832) từ đường được xây dựng lại 5 gian bằng gạch vữa, lợp ngói, có nhà tiền tế bằng gỗ. Năm 1952 bị giặc Pháp đốt phá, đồ thờ tự được các con cháu trong họ di tản về đền Bảo Ninh, xã Hải Phương để thờ tự.Sau năm 1956 từ đường được xây dựng lại và được yên vị thờ phụng từ đó. Năm 1990 dòng họ tiến hành xây dựng hậu chẩm. Năm 2012 cải tạo nhà tế, xây cổng tam quan và nhiều hạng mục công trình khác tạo lên một quần thể khép kín, khang trang, sạch đẹp mang đậm phong cách kiến trúc của người Việt. Từ đường là nơi thờ Tổ khai sáng Phạm Kim Cập, là một trong bốn Thủy Tổ (Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập) khai sáng đất Quần Anh xưa – Hải Hậu nay. Ngoài ra từ đường còn thờ Tổ Huệ Minh, Huyền Đức là hậu duệ đời thứ 6 của Thủy Tổ Phạm Cập và các thế hệ hậu duệ của dòng họ. Tính đến nay dòng họ đã lối truyền được 23 đời.Theo sử sách để lại thì khoảng đầu thế kỷ XV, bốn Cụ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập đã đến khai khẩn bãi bồi Lạch Lác đặt tên là đất Phú Cường, trải qua năm tháng khai hoang lấn biển, mở đất để lại cho con cháu thế hệ ngày nay những dải đất phì nhiêu, màu mỡ, những xóm làng trù phú . Với những công lao đóng góp trong việc khai hoang, lấn biển, mở đất , lập làng thủy Tổ Phạm Cập đã được triều Vua Khải Định năm thứ 9 ban tặng Sắc phong “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần”.Trong những năm kháng chiến chống Pháp từ đường là nơi hội họp, tổ chức bàn cách đánh bốt Văn Đàn và Đông Biên của bộ đội. Trong kháng chiến chống Mỹ từ đường là kho đạn của trận địa pháo phòng không - không quân.Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc các thế hệ con cháu trong họ đã có nhiều người là Liệt sỹ, Thương bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và có nhiều cán bộ cấp cao trên mọi lĩnh vực, nhiều người được Đảng và nhà nước tặng thưởng Huân Huy chương các loại. Ngày nay nối tiếp truyền thống tổ tiên con cháu trong họ không ngừng phấn đấu, học tập xây dựng quê hương, đất nước.Hàng năm cứ tới rằng tháng Giêng con cháu trong họ từ khắp mọi nơi lại tụ hội về dâng hương, bái tổ, tế Xuân cầu ban một năm mới an khang thịnh vượng. Đến rằm tháng Tám lại tụ hội về giỗ tổ Cô báo ơn công đức, răn dạy con cháu uống nước nhớ nguồn, kết hợp phát thưởng khuyến học nhằm động viên con cháu không ngừng học tập phấn đấu xây dựng quê hương đất nước. Rằm tháng 11 báo ân công đức truyền đời của các thế hệ tổ tiên ban phúc ấm cho con cháu... Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2016.30. Từ đường Họ Phạm Vũ xã Hải ĐườngTừ đường Phạm Vũ tọa lạc tại xóm 13 xã Hải Đường, huyện Hải Hậu. Theo các nguồn tư liệu để lại từ đường là nơi thờ, tri ân công đức của con cháu đối với các vị thủy tổ dòng họ bao gồm: Thủy tổ Phạm Chính Tâm, dưỡng tổ Vũ Đức Nghĩa, tổ Phạm Vũ Tình, Phạm Vũ Thịnh, Phạm Vũ Hữu, Phạm Vũ Nghiêm, Phạm Vũ Lễ, Phạm Vũ Bá Đăng là những người có công lao góp sức cùng với Tứ tính Cửu tộc khai hoang lấn biển, tạo lập làng xã diễn ra vào thế kỷ XV dưới triều Vua Lê Hồng Đức.Đến đầu thế kỷ XVI, khi xã Quần Anh được thành lập, vùng đất Hải Đường còn là vùng trũng nằm ngoài đê Hồng Đức. Kế tục sự nghiệp khai hoang mở đất của các bậc tiên tổ, các vị tổ dòng họ Phạm Vũ là tổ Phạm Vũ Hoành, Phạm Vũ Thông, Phạm Vũ Đạt tiếp tục đóng góp công sức khai hoang mở đất Nhất Trùng đến Tứ Trùng... thuộc xã Quần Anh (nay là xã Hải Anh và xã Hải Đường huyện Hải Hậu). Ngoài việc góp công sức khai hoang mở mang vùng đất xã Hải Đường, các vị tổ kế thành còn góp công sức mở mang vùng đất Thượng Trại xã Hải Phú, tiêu biểu như tổ Phạm Vũ Nho. Hiện nay tại chùa Thượng Trại (Hải Ninh tự) xã Hải Phú vẫn còn tượng, văn bia, ngai thờ ghi nhận công đầu trong khai hoang mở đất.Từ đường Phạm vũ được xây dựng năm 1812 theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt (Chữ Đinh) với Tiền đường 3 gian bằng gỗ, đến năm 1863 tu sửa tòa hậm trẩm. Tại từ đường hiện nay vẫn còn lưu giữ được những hiện vật có giá trị như văn bia “ Vạn Đại Tôn Từ” soạn năm Kiến Phúc đầu tiên 1884 cùng với gia phả, hoành phi, câu đối, bài vị...Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, con cháu trong họ đã có nhiều người lên đường tòng quân đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Đặc biệt trong thời kỳ cách mạng 1949-1950, hầu hết địa bàn xã Quần Anh trước đây bị giặc tạm chiếm, nhiều địa điểm trong xã trở thành nơi giam giữ, tra tấn các cán bộ cách mạng, trong đó có ngôi từ đường dòng họ Phạm Vũ.Trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa dòng họ có nhiều người học hành đỗ đạt và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước, góp phần làm rạng danh cho quê hương cũng như dòng họ.Hàng năm, tại từ đường dòng họ tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của đức thủy tổ vào ngày 15 tháng 11, lễ khai xuân tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng...Tuần tiết nào văn nấy đều linh thiêng, nhiệm màu. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 201831. Từ đường Họ Phạm xã Hải HàTừ đường họ Phạm tọa lạc tại xóm 4, thôn Hà Quang, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.Theo các tư liệu để lại thì lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất phía tây sông Hà Lạn, trong đó có xã Hải Hà với tên gọi ban đầu là Cẩm Hà Trang gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển, tạo lập làng xã của Thủy tổ các dòng họ diễn ra vào cuối thế kỷ XVI. Căn cứ vào kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá giá trị di tích của cơ quan chuyên môn thì từ đường họ Phạm, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu thuộc loại hình di tích Lịch sử.Qua tìm hiểu và khảo sát nguồn tư liệu lịch sử tại địa phương, tư liệu Hán Nôm cùng truyền ngôn của con cháu dòng họ thì di tích thờ vị Thủy tổ là người có công khai khẩn đất đai, tạo dựng làng xóm, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển dòng họ. Qua đó nguồn gốc và sự phát triển của dòng họ Phạm được khái quát như sau:Họ Phạm là một trong số những dòng họ tham gia khai khẩn đất đai ở vùng phía tây cửa Lạn Môn (khi đó có tên gọi là Cẩm Hà Trang) vào thế kỷ XVI. Người đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của dòng họ Phạm là Thủy tổ Phạm Phúc Trực quê ở xã Vân Côi, tổng Vân Côi (nay thuộc thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản). Vào cuối thế XVI đầu thế kỷ XVII đức Thủy tổ đã từ thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản về vùng đất này cùng các vị tổ của dòng họ Nguyễn, Lê, Trần, Lâm, Lã,... tham gia vào lực lượng khẩn hoang do An phủ sứ Vũ Duy Hòa tổ chức, lập nên vùng đất Cẩm Hà Trang (nay là các xã Hải Phúc, Hải Hà, Hải Lộc của huyện Hải Hậu).Cùng với việc khai khẩn đất đai, tạo dựng làng xã, Thủy tổ Phạm Phúc Trực cùng các dòng họ còn quan tâm đến xây dựng các công trình phúc lợi, tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của nhân dân vùng đất mới. Mặc dù đời sống có nhiều khó khăn nhưng Thủy tổ các dòng họ đã vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức để xây dựng đền, chùa như: Chùa Hà Lạn ngoài thờ phật còn thờ An phủ sứ Vũ Duy Hòa và các vị tổ lập làng; Đình Hà Quang thờ Đức thánh Triệu Quang Phục... Những nhân vật thờ ở đây vừa mang ý nghĩa tôn vinh, vừa mang ý nghĩa phù trợ, làm chỗ dựa tinh thần trong cuộc chiến đấu chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt của một vùng đất tân bồi đầy gian khổ.Bên cạnh các công trình tôn giáo, tín ngưỡng các tổ còn cho bắc cầu, mở chợ để nhân dân đi lại giao lưu buôn bán thuận tiện.Bằng tinh thần lao động bền bỉ, đoàn kết sáng tạo, vượt qua khó khăn lực lượng khẩn hoang do An phủ sứ Vũ Duy Hòa tổ chức cùng nhân dân Cẩm Hà Trang đã tạo một bãi bồi mênh mông hoang hóa trở thành ấp Hà Lạn trù phú với đồng ruộng quy củ, thôn xóm đông vui. Trong thành quả to lớn đó, có một phần đóng góp không nhỏ của các vị tổ dòng họ Phạm mà người đứng đầu là Thủy tổ Phạm Phúc Trực.Ghi nhận công lao của Thủy tổ Phạm Phúc Trực và các vị tổ kế thành trong sự nghiệp khai khẩn đất đai, tạo ấp, lập làng triều đình đã ban sắc phong chuẩn cho nhân dân các xã phụng thờ. Nội dụng đạo sắc phong ban tặng dới triều vua Nguyễn, niên hiệu Khải Định năm thứ 2 (1917) dịch như sau: “Sắc Giáp Đông xã Hà Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định phụng thờ tôn thần Bản cảnh Đại Lang Phúc Trực giúp nước cứu dân linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt. Nay trẫm kế thừa mệnh lớn, tưởng nhớ sâu xa sự tốt đẹp của thần, phong tặng rõ ràng là tôn thần là: Dực bảo Trung hưng linh phù tôn thần (Vị thần linh thiêng phù giúp nền chính trị). Chuẩn cho được phụng thờ, thứ đến thần sẽ che chở bảo vệ cho muôn dân của trẫm”.Như vậy, Thủy tổ Phạm Phúc Trực không chỉ là người có công khai hoang lập ấp, tạo dựng xóm làng mà còn là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ Phạm trên địa bàn xã Hải Hà ngày nay.Sau khi Thủy tổ qua đời con cháu trong họ đã xây dựng từ đường để thờ tự và tri ân công đức. Hiện nay, ngai thờ và tượng thờ Thủy tổ được thờ trang trọng tại gian giữa của tòa hậu đường.Tại từ đường hiện nay ngoài thờ Thủy tổ Phạm Phúc Trực còn có bài vị thờ các vị tổ kế thành đến đời thứ 5. Mặc dù không có nguồn tư liệu nào ghi chép kỹ lưỡng về thân thế sự nghiệp của các vị, song căn cứ vào nội dung 2 đạo sắc phong hiện đang lưu giữ tại di tích thì có thể khẳng định các vị tổ kế thành của dòng họ Phạm, thôn Hà Quang cũng là người có công lớn trong sự nghiệp khẩn hoang, tạo dựng làng xóm và phát triển dòng họ. Với những công lao đó, các vị tổ dòng họ Phạm thôn Hà Quang đã được các triều đại phong kiến ban tặng sắc phong, nhân dân suy tôn là bậc phúc thần và được ghi nhớ thờ tự.Từ đường họ Phạm được xây dựng năm 1822. Công trình ban đầu gồm 1 gian bằng gỗ, tường xây gạch đỏ chát vữa, mái lợp ngói nam. Đến năm 1951 – 1952, từ đường được xây dựng lại kết cấu theo kiểu chữ “Đinh” gồm hai tòa: Tiền đường và hậu đường với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam. Do tàn phá của thiên tai, bão lũ, nhất là qua hai cuộc chiến tranh, một số hạng mục của công trình từ đường đã bị hư hại nên con cháu trong họ đã góp công sức, tiền của, đất đai để tu sửa lại ngôi từ đường đồng thời mở rộng khuân viên thờ tự vào năm 1995. Từ đó đến nay, từ đường có kết cấu theo kiểu “tiền nhất hậu đinh”. Từ đường tọa lạc trên khuôn viên với tổng diện tích 900m2, mặt quay về hướng nam. Trước mặt là đường liên thôn, xung quanh là nhà dân. Trên mặt bằng tổng thể, từ đường họ Phạm gồm các thành phiền kiến trúc: Nghi môn, sân, nhà khách và công trình kiến trúc từ đường. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2017.32. Từ đường Họ Phạm xã Hải Phúc (Hương Cống Phạm Hương Lan)Từ đường họ Phạm thờ đức Thủy tổ Hương cống Phạm Hương Lan tọa lạc tại xóm 8 xã Hải Phúc huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định.Thủy tổ Phạm Hương Lan sinh năm 1544 tại Hải Dương, đỗ Tú tài dưới thời Lê (1573), đỗ Hương Cống năm 1579. Nhận chỉ dụ của nhà Vua tổ Phạm Hương Lan cùng với An phủ sứ Vũ Duy Hòa về thị sát vùng đất phía tây của Lạn môn thuộc huyện Giao thủy, phủ Thiên Trường tổ chức lực lượng tiến hành khẩn hoang vùng đất này. Sau khi xác lập cương giới tịch điền, lực lượng khẩn hoang được bổ sung hùng hậu, các dòng họ cùng chung sức, chung lòng đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang lập lên làng Hà Lạn gồm 8 thôn vào năm 1619. Để ghi nhận công lao khai hoang, lập ấp của đức Thủy tổ Phạm Hương Lan con cháu trong họ đã xây dựng ngôi từ đường thờ phụng vào năm 1642 trên khuân viên rộng 1785m2 quay về hướng nam, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, ngoài ra từ đường còn thờ Tổ Cẩm Công người có công đầu trong đánh giặc. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo (1923, 2007) đến nay mới có được ngôi từ đường khang trang, sạch đẹp.Trong kháng chiến chống Pháp từ đường là nơi để kho thuế nông nghiệp, là nơi làm việc của Ủy ban kháng chiến xã Hưng Đạo. Thời kỳ địch tạm chiến là cơ sở Cách mạng, nơi hội họp bí mật của các tổ chức, đoàn thể kháng chiến của xã, huyện và tỉnh. Các thế hệ con cháu trong họ không ngừng cống hiến, có nhiều người tham gia cách mạng và đã hy sinh, nhiều được phong tặng Liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang.Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng 2 và 15 tháng 12 Âm lịch con cháu trong họ lại hội tụ về từ đường giỗ tổ để tưởng nhớ công lao to lớn của tổ tiên, kết hợp phát thưởng khuyến học để động viên con cháu không ngừng học tập, phấn đấu. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2018.33. Từ đường Họ Phan xã Hải MinhTừ đường họ Phan Sáng Thủy tọa lạc tại xóm 2B, xã Hải Minh huyện Hải Hậu trên khu đất với diện tích trên 1860 m2. Khởi nguồn xây dựng từ năm 1658 (Thời vua Lê Thần Tông) ban đầu xây dựng bằng tre, nứa lợp cỏ. Đến năm 1859 thời vua Tự Đức được xây dựng mới theo kiểu nội công ngoại quốc mái gỗ, lợp ngói. Từ năm 1906 đến nay từ đường được trùng tu nhiều lần, hiện nay trở thành khu quần thể khang trang, sạch đẹp mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống của người Việt.Theo các tư liêu để lại họ Phan Sáng Thủy thuộc dòng dõi Thượng Thủy tổ Phan Chính Phúc tại Cổ Lễ huyện Trực Ninh. Vào năm 1485 Thủy Tổ Phan Công tự Huệ Tài cùng các Tổ họ Mai, Phạm, Nguyễn... vượt sông Ninh Cơ để quai đê lấn biển lập làng Kim Đê nay là xã Hải Minh. Với những công lao mở đất, lập làng Thủy Tổ Huệ Tài được vua ban 2 đạo sắc phong: Sắc phong thứ nhất “Đôn ngưng dực bảo trung hưng linh phù tôn thần” chuẩn cho thờ phụng theo nghi lễ nhà nước; Sắc phong thứ 2 niên hiệu Khải Định (1917) “ Trung đẳng thần”. Hiện nay từ đường còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như bài vị, khám thờ, nhang án, bia đá cùng phả tộc 19 đời, các bức hoành phi, câu đối và 6 đạo sắc phong của 3 thế hệ đời thứ nhất, nhì và đời thứ 4...Trong kháng chiến cứ nước, từ đường họ Phan là nơi tập kết lui quân của lực lượng vũ trang, là kho thóc kháng chiến, nơi giam giữ tù binh Pháp. Sau năm 1954 là nơi tổ chức lớp học bình dân học vụ. Trải qua hai cuộc kháng chiến con cháu họ Phan đã có hàng trăm người tham gia nhập ngũ...Hàng năm cứ đến ngày 07 tháng Giêng âm lịch con cháu trong họ lại tụ hội về giỗ tổ, kết hợp phát thưởng khuyến học để động viên con cháu không ngừng học tập, phát quà từ thiện nhân đạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng quê hương đất nước. Từ đường được UBND tỉnh Nam Định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh năm 2021.Nguồn: Cổng thông tin điện tử Hải Hậu Trở về đầu trang Di tích lịch sử cấp tỉnh Hải Hậu Nam Định 0 Tổng số: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10