Toàn tỉnh Hải Dương có bốn Di tích quốc gia đặc biệt thì huyện Cẩm Giàng chiếm tới một nửa. Những di sản này là nền tảng tinh thần giúp người dân huyện Cẩm Giàng thêm lạc quan, yêu cuộc sống và có sức mạnh bền bỉ để vượt qua mọi khó khăn, vươn lên làm giàu.
Văn miếu Mao Điền nức tiếng trường thi xứ Đông xưa
Lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam được tính từ năm 1075 dưới triều vua Lý Nhân Tông mở khoa thi "Minh Kinh bác học" và khép lại vào năm 1919 dưới triều vua Nguyễn Hoàng Tông. Trải qua gần chín thế kỷ, cả nước tổ chức được 185 kỳ thi, tuyển chọn được 2.898 vị tiến sĩ nho học thì Hải Dương có 637 vị tiến sĩ và 12 Trạng nguyên (địa giới hành chính là Trấn, còn địa giới hành chính là tỉnh, thành từ năm 1831 đến nay là 486 vị Tiến sĩ), chiếm 1/6 số tiến sĩ trong cả nước.
Huyện Nam Sách có số Tiến sĩ nhiều nhất của Hải Dương cũng là nhiều nhất của cả nước với 125 vị đại khoa. Đặc biệt, Hải Dương còn biết đến một địa danh nổi tiếng được mệnh danh là "Lò Tiến sĩ xứ Đông", thuộc làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang có tới 39 vị Tiến sĩ. Đây là trường hợp "độc nhất vô nhị" trong lịch sử khoa cử Hán học Việt Nam. Qua đó thấy rằng, Hải Dương là tỉnh có số tiến sĩ nhiều nhất cả nước trên cả ba cấp độ hành chính tỉnh, huyện, làng xã.
Văn miếu Mao Điền nằm ở phía đông bắc của làng Mao (còn gọi làng Mậu Tài), thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, cách trung tâm thành phố Hải Dương 16 km về phía tây, rất thuận lợi về mặt giao thông.
Đây là nơi kế thừa và nối tiếp Văn miếu trấn Hải Dương xưa, nguyên ở xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang), có ba gian Chính tẩm, năm gian Bái đường. Dấu tích về khu Văn miếu xưa vẫn còn trên một khu đất cao 1,5 m, so với mặt bằng chung của cánh đồng chung quanh, khu đất hình chữ nhật có chiều dài khoảng 200 m, chiều rộng 150 m, phía trước có cánh đồng Cửa Miếu (còn gọi là cánh đồng Thánh).
Năm 1801, Văn miếu di chuyển về sáp nhập với trường thi Hương trấn Hải Dương, tạo thành một trung tâm văn hóa lớn tọa lạc trên diện tích đất ngang dọc rộng 36 nghìn m2, với các hạng mục công trình như: nhà Bái đường, Hậu cung, Đông vu, Tây vu, Đài nghiên, Tháp bút…
Tuy nhiên, trải qua thời gian và biến thiên của lịch sử, Văn miếu Mao Điền bị hư hại, xuống cấp nặng nề. Đến năm 2004, sau một cuộc đại trùng tu, Văn miếu Mao Điền cómột diện mạo hoàn toàn mới. Ở Văn Miếu Mao Điền, ngoài việc thờ Khổng Tử như trước, còn phối thờ thêm tám vị Đại khoa người Việt, trong đó đúc tượng đồng năm Danh nhân là: Đức Khổng Tử; Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An; Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các tượng được đặt trong khám gỗ sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Đồng thời, lập bài vị bốn danh nhân còn lại là: Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh; Thần toán Việt Nam Vũ Hữu; Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mệnh; Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ.
Hiện nay, Văn miếu là địa chỉ “khuyến học, khuyến tài” giáo dục cho mọi thế hệ học sinh tỉnh Hải Dương và học sinh cả nước về phát huy tinh thần “ tôn sư trọng đạo” và hiếu học của người tỉnh Đông. Tại Văn miếu diễn ra hai kỳ lễ hội 18-2 và lễ dâng hương 20-8 âm lịch hằng năm, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan học tập.
“Sau này có ai ở nước Nam sang, xin mang hài cốt tôi về với”
Lời đề nghị thống thiết của Đại danh y Tuệ Tĩnh khi phải vĩnh viễn nằm lại đất người khiến bất kỳ ai đọc được cũng thấy lòng đau nhói. Lời ấy ghi trên tấm bia đá thời Lê, được thờ tại hậu cung đền Bia.
Đền Bia nằm trong cụm di tích đền Xưa, chùa Giám, đền Bia, nằm trên cánh đồng phía tây của thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, giáp làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, quê hương của Đại danh y Tuệ Tĩnh.
Người dân địa phương và các cụ cao niên của cả hai làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ và Văn Thai, xã Cẩm Văn cho biết: Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, mồ côi cha mẹ từ lúc sáu tuổi, được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người. Năm 55 tuổi (1385), với trí tuệ uyên bác trong ngành y thuật, được ví như thần y Hoa Đà phương Bắc, Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư, ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc nhưng không rõ năm nào. Tấm Bia đá hiện đang lưu giữ tại đền Bia là do Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 -1699), người cùng làng với Đại danh y Tuệ Tĩnh, khi đi sứ sang Trung Quốc bàn việc hoạch định địa giới, trên đường đi, ông đã tìm thấy mộ cụ Tuệ Tĩnh ở bên sông Trường Giang. Tấm bia trên mộ in rõ dòng chữ “Sau này có ai ở nước Nam sang, xin mang hài cốt tôi về với”. Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho không thể đưa hài cốt cụ Tuệ Tĩnh về, ông bèn cho người lấy tờ giấy bản ốp vào tấm bia in lại dòng chữ đó và gửi về nước để mọi người biết nguyện vọng của cụ.
Khi về nước, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho cho làm một tấm bia đá và khắc lại dòng chữ đó lên bia, sau đó cho chuyển về quê. Khi vận chuyển bằng đường thủy (lúc đó cả vùng bị ngập nước) đến địa phận làng Văn Thai (Cẩm Giàng), thuyền bị lật, tấm bia rơi xuống không lấy lên được. Ít lâu sau nước cạn, nhân dân tìm được bia, thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu (dao thái thuốc) nên đã dựng miếu nhỏ để thờ bia. Đến năm 1936, nhân dân dựng lên một ngôi đền mới như kiến trúc hiện còn. Từ ngày dựng miếu thờ bia, hàng vạn người khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái lá, xin nước thuốc đền Bia ngày một đông.
Đền Bia nguyên được khởi dựng từ thời Lê, tôn tạo lại vào năm 1936 theo kiểu tiền nhất hậu chữ đinh, mặt tiền quay về hướng bắc. Khu vực đền Bia trước kia có vườn thuốc Nam rộng lớn, phong phú với các loại dược liệu. Năm 1993, tòa tiền tế được trùng tu phỏng theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn khá đẹp, gồm năm gian bằng gỗ, rộng 120 m2. Trung từ và hậu cung tuy nhỏ nhưng còn chắc chắn và khá đồng bộ.
Tọa lạc trên một diện tích 4 ha, hiện đền Bia được phân làm ba khu vực với đầy đủ các hạng mục công trình chính và phụ trợ đăng đối, liên hoàn. Đền Bia được dựng nên để tôn thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh - Người đặt nền móng, có công lớn đối với nền y - dược nước nhà và tấm Bia đá ghi lời di nguyện của Đại danh y. Năm 2005, sau đợt trùng tu lớn, đã đưa ngai và bài vị tiến sĩ Nguyễn Danh Nho thờ tại tòa Tiền tế với ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ tới người có công cho khắc bia đá và đem lời di nguyện của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh về quê hương.
Trong cụm di tích này, đền Xưa được xây dựng tại Nghĩa Lư trang (tên nôm làng Xưa), quê hương của Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Đền Xưa được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII, di tích có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm năm gian tiền tế và ba gian hậu cung, bên trong hậu cung đặt tượng thờ Đại danh y - thiền sư Tuệ Tĩnh chất liệu gỗ.
Cửu phẩm liên hoa, bảo vật quốc gia ở chùa Giám.
Chùa Giám (có tên chữ là Nghiêm Quang tự), nằm trên nền đất trống phía đông huyện Cẩm Giàng, bên hữu ngạn sông Thái Bình. Tương truyền, chùa Giám được khởi dựng vào thời Lý cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII được xây dựng lại với quy mô lớn theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, các công trình được bố trí theo một trục dọc gồm tam quan, sân, tiếp đến là bảy gian tiền đường nối với tam bảo bằng một gian ống muống (thiêu hương), tiếp đến là nhà Phẩm (nơi có tòa Cửu phẩm Liên hoa, bảo vật quốc gia) và sau cùng là bảy gian nhà Tổ cùng hai dãy hành lang tạo không gian thờ tự được khép kín, thâm nghiêm.
Ngoài thờ Phật, chùa Giám còn là nơi phụng thờ, tri ân, tưởng niệm Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, vị Thánh tổ thuốc Nam thời Trần. Lễ hội chùa Giám ngày nay được diễn ra trong ba ngày (từ ngày 14 đến 16-2 âm lịch).
Không chỉ là một Đại danh lam cổ tích, chùa, nghè Giám hiện còn lưu giữ được một khối lượng di vật, cổ vật có giá trị như: hai chuông đồng lớn đúc vào các năm Cảnh Hưng năm thứ 23 (1762) và Thiệu Trị năm thứ 8 (1848); 16 Bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII- XIX ghi chép về việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo, đúc và tạo tượng Phật chùa Giám.
Sau khi di tích được Chính phủ xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt để phát huy giá trị của các di sản này, thời gian tới, huyện Cẩm Giàng sẽ hoàn thiện quy hoạch tổng thể di tích, tu bổ, tôn tạo các di tích được đúng trọng tâm, không làm ảnh hưởng tổng thể cảnh quan, kiến trúc hiện có tại di tích.
Đồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng chương trình du lịch kết nối Văn miếu Mao Điền - Đền thờ Nhà giáo Chu Văn An - Đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ - làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao - Chùa Giám - Đền Xưa - Đền Bia.