Chùa Cao Dân là một trong những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer có truyền thống cách mạng lâu đời, là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động trong hai cuộc kháng chiến và cũng là điểm sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng tôn giáo của người Kinh và Khmer quanh vùng.
Chánh điện chùa Cao Dân
Chùa Cao Dân hay Chùa Sareymenchey tọa lạc tại Ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, chùa được xây dựng từ năm 1922 và đến năm 1958 được dời đến địa điểm hiện tại.
Chùa Cao Dân cách thành phố Cà Mau khoảng 16 km về phía Bắc. Khách du lịch Cà Mau có thể đến chùa bằng đường thủy, xuất phát từ bến tàu A, theo kênh xáng Cà Mau khoảng 3 km rẽ trái vào vàm Ô Rô, đến UBND xã Tân Lộc rẽ phải theo sông Bạch Ngưu khoảng 3 km thì đến di tích.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa là cơ sở bí mật của cách mạng. Nhiều Phật tử, chư tăng của chùa Cao Dân từng tham gia kháng chiến, tiêu biểu là Cố Đại Đức Hữu Nhem, nguyên trụ trì chùa đã viên tịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Người đã từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng khu Tây Nam bộ, tích cực vận động các nhà sư, Ban Quản trị các chùa và đông đảo đồng bào dân tộc Kinh – Hoa – Khmer ở địa phương tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Địch đã nhiều lần dội bom tàn phá ngôi chùa; nhiều chư tăng, phật tử đã anh dũng hy sinh. Ngày nay, tại chùa Cao Dân vẫn còn nhiều hố bom chưa san lấp, như chứng minh sự tàn phá của kẻ địch không thể làm lu mờ tinh thần quật khởi, yêu nước của phật tử, chư tăng.
Với ý nghĩa lịch sử đã ghi dấu và lưu lại, chùa Cao Dân được Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào ngày 13/4/2018. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Ban Quản trị chùa nói riêng và của bà con đồng bào dân tộc Khmer cùng chính quyền và Nhân dân trong tỉnh nói chung.
Ngoài giá trị về lịch sử, chùa Cao Dân còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt, ngôi tháp Hữu Nhem là tác phẩm mỹ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.