Chùa Cổ Miễu tọa lạc tại số 312, đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đây nguyên là đất trại An Lãng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên thời Lê. Đến thời Nguyễn, thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Theo truyền thuyết và hồi cố của bô lão trong làng thì chùa
Cổ Miễu có khởi nguồn từ một ngôi miếu cổ bên bờ sông Tô Lịch. Sau đó đê bị vỡ,
ngôi miếu bị đổ nát. Trên nền đất ấy, dân làng đã xây dựng ngôi chùa làm nơi thờ
Phật cho nhân dân địa phương.
Ngoài thờ Phật, chùa Cổ Miễu còn thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo,
vị anh hùng dân tộc, người đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược
Nguyên - Mông vào năm 1285 và năm 1288. Trải qua thời gian, chùa được tu sửa
nhiều lần vào các năm 1849, 1869, 1895, 1899. Theo tấm bia dựng năm 1899 hiện
còn cho hết chùa Cổ Miễu xưa kia khá rộng, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Tuy
nhiên, do quá trình đô thị hóa, quy mô của ngôi chùa nay đã bị thu hẹp so với
trước đây.
Hiện chùa tọa lạc theo hướng Tây Nam trông ra sông Tô Lịch,
Các bộ phận kiến trúc hiện nay gồm: Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Khách và khu
Tháp mộ. Tất cả đều được quy hoạch trong khuôn viên khép kín tách biệt với khu
dân cư xung quanh.
Tam Quan chùa gồm ba cổng xây cuốn vòm, dạng chồng diêm hai
tầng 8 mái lợp giả ngói ống. Chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu vào mặt trời lửa,
bốn góc mái đắp 4 rồng lá cách điệu. Hai cổng bên xây thấp hơn cổng chính, mái
lợp giả ngói ống, thân cột ghi câu đối bằng chữ Hán.
Tòa Tiền Đường gồm 3 gian, xây gạch, kiểu tường hồi bít đốc,
mái lợp ngói ri. Bộ khung gồm 4 bộ vì liên kết với nhau theo “Chồng rường con
nhị, kẻ chuyền”, lòng nhà chia các gian không đều nhau, gian giữa rộng hơn hai
gian bên để thuận lợi cho việc thực hành các nghi lễ tôn giáo.
Tòa Thượng Điện là một kiến trúc nằm vuông góc với tòa Tiền
Đường tạo thành kiểu chữ “Đinh”. Bộ khung đỡ mái được kết cấu kiểu “Chồng rường
con nhị” theo cách thức truyền thống. Phía dưới đặt các lớp tượng Phật, gồm: Bộ
tượng Tam Thế, A Di Đà, Quan Âm Nam Hải, Cửu Long, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu.
Ngoài Tiền Đường có các tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác, Đức Ông, Thánh Tăng…
Nhà Tổ có kết cấu dạng chữ “Đinh” gồm 5 gian Tiền Tế, 3 gian
Hậu Cung. Kết cấu các bộ vì theo kiểu “Chồng rường hạ kẻ”. Phần trang trí được
tập trung trên các kẻ và cột đá với đề tài: tùng, trúc, cúc, mai, lá lật, văn
triện, vân xoắn…. mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Dưới các gian đặt ban
thờ Đức Bồ Đề Đạt Ma và các vị Tổ trụ trì chùa đã quá cố.
Nhà Mẫu gồm 4 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói
ta. Bộ khung kết cấu đơn giản theo kiểu “Quá giang gối tường”. Gian giữa thờ
Tam Tòa Thánh Mẫu, Công Đồng, hai gian bên thờ Đức Thánh Trần và chúa Sơn
Trang.
Trải qua nhiều thăng trầm biến động của lịch sử, chùa Cổ Miễu
vẫn bảo lưu được hệ thống di vật minh chứng cho quá trình tồn tại và vận hành của
di tích, gồm: hơn 20 pho Tượng tròn, 7 Đại tự, 9 đôi Câu đối, 4 Cửa võng Thiều
Châu, 7 tấm Bia đá, 1 quả Chuông đồng… có niên đại tạo tác ở thế kỷ XIX-XX.
Một đặc trưng ấn tượng tại chùa là hệ thống tượng Phật trong
chùa được tạo tác đẹp, chau chuốt giầu tính nghệ thuật. Những pho tượng có giá
trị nghệ thuật cao như: bộ Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Quan Âm Nam Hải…
mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX với những đường nét sắc xảo, tinh tế, đạt
tính chuẩn mực của điêu khắc tượng đương thời.
Chùa Cổ Miễu là nơi sinh hoạt tâm linh của cộng đồng cư dân
địa phương, nhằm hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ngôi
chùa chính là nơi để nhân dân gửi gắm mọi niềm vui, nỗi buồn và ước vọng về một
cuộc sống thái bình, an lạc.
Chùa Cổ Miễu đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm
1996.