Chùa Cung Kiệm (Thượng Phúc tự), khu phố Cung Kiệm, phường Nhân Hoà, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã có từ thời Lê sơ. Chùa thờ Phật, Mẫu và thờ tổ. Đặc biệt chủa sở hữu bức tượng cổ Phật Quan Âm – bảo vật quốc gia thời Lê sơ.
Chùa Cung Kiệm, có tên chữ là Thượng Phúc tự được xây dựng
trên một gò đất cao ở cuối làng, theo hướng Đông, xung quanh là cây cối xanh
mát.
Chùa làng Cung Kiệm từ lâu đời đã là điểm sinh hoạt tín ngưỡng,
tâm linh thân thuộc của người dân địa phương. Người dân làng Cạm (Cung Kiệm
ngày nay) truyền rằng, chùa xưa cổ kính có quy mô lớn với các tòa ngang dãy dọc
hàng trăm gian liên thông nhau.
Thời Lê Sơ, chùa rất nổi tiếng và được nhiều người cung tiến
tiền của để tu bổ, tôn tạo, tạc tượng phật và đặt hậu phật. Trải qua hàng trăm
năm chiến tranh, thiên tai, chùa xưa bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2018, chính quyền
và nhân dân địa phương đã góp công sức, tiền của hưng công xây dựng lại chùa
trên nền đất cũ.
Chùa có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh, bao gồm Nghi môn
Tam quan, Tòa Tam bảo gồm Tiền đường 3 gian hai chái kết nối với 3 gian Thượng
điện. Nhà thờ Tổ 5 gian, tháp sư tổ trụ trì và vườn tháp mộ cùng phủ thờ Mẫu, lầu
Quan Âm và nhà phụ trợ.
Nhà Tam bảo, Chùa Cung Kiệm.
Nhà Tam bảo được xây dựng với quy mô lớn.
Chùa Cung Kiệm là nơi thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu.
Gian thờ chính trong nhà Tổ.
Tiền đường gồm 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, trên bờ nóc đắp
tên chùa, cửa mở 3 gian giữa kiểu “thượng song hạ bản”, 2 gian hồi trổ cửa sổ.
Vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách “chồng rường bán giá chiêng”.
Xung quanh nhà Tam bảo là hành lang. Thượng điện 3 gian, bộ
khung nhà được làm bằng gỗ. Nhà Tổ 5 gian 2 mái, bình đầu bít đốc, khung nhà gỗ
kiểu “chồng rường, giá chiêng”. Nhà Mẫu mới xây 3 gian, khung bê tông. Nhà
khách, nhà tăng khung bê tông xây gạch 2 tầng 4 mái đao cong. Lầu Quan âm 2 tầng
8 mái đao cong.
Bảo vật Quốc gia - Tượng Quan Thế âm.
Chùa bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như bia đá, hệ thống
tượng Phật được tạo tác công phu, nghệ thuật và bảo vật Quốc gia - Tượng Quan
Thế Âm
Tượng được bảo quản trong khám, đặt trên bục cao, sát vách
tường phía sau, bên phải tòa Thượng điện. Pho tượng cao 88,7cm gồm 2 phần
chính: Phần bệ cao 36,9cm và phần thân tượng cao 51,8cm.
Tượng Quan Thế âm được tạo tác năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thái Hòa
thứ 7 (năm 1449). Dựa trên hình tượng nghệ thuật, kinh điển và truyền thuyết về
Quan âm lưu truyền ở Việt Nam, có thể thấy pho tượng Quan âm thể hiện ứng thân
của Nam Hải Quan âm, cũng thường được biết đến với tên gọi Quan âm Diệu Thiện.
Tượng được tạo tác trong tư thế ngồi thiền, bán kiết già, đường
nét chạm khắc tinh tế, mềm mại. Khuôn mặt bầu, phúc hậu toát lên vẻ từ bi của
nhà Phật. Đầu đội mũ thiên quan được trang trí rất tỉ mỉ với các đồ án hoa sen,
hoa mai, hoa dây cách điệu.
Đây là pho tượng Quan Âm bằng đá duy nhất tạo hình bệ tượng
với sự xuất hiện của đôi thủy quái đang trong tư thế ngóc cao đầu, vượt lên
sóng biển, ngoảnh mặt vào nhau cùng đội đài sen. Hình tượng này có nguồn gốc từ
truyền thuyết Quan Âm Quá Hải trong kinh Phật kể về tích Quan Âm vượt biển nhìn
xuống dưới thấy đám thủy quái đang hoành hành dữ dội. Bà đã ra tay cứu vớt
chúng sinh và thuần phục đám thủy quái.
Điểm độc đáo của pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm là phần
minh văn khắc trên tượng. Có tất cả 67 Hán tự, 9 chữ khắc trên lưng tượng và 28
chữ khắc trên bệ tượng, ghi lại niên đại tạo tác, địa chỉ, tên các tín chủ công
đức. Pho tượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử Phật giáo cũng
như lịch sử điêu khắc tượng tôn giáo Việt Nam. Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm
là một bằng chứng chính xác để chứng minh cho tín ngưỡng thờ cúng Quan âm ở nước
ta có từ rất sớm, tại miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ 15.
Nội dung phần chữ Hán khắc trên lưng tượng:
Ảnh chụp nội dung chữ khắc trên lưng tượng Quan Âm (Ảnh: Hiếu
Trần)
Chữ Hán:
黎朝第三皇帝大和 己巳七年北江中路武寧縣儉社信主陶銀阮氏边阮凌陶氏條阮閉阮氏少等
Phiên âm:
“Lê triều Đệ tam hoàng đế Thái Hòa Kỷ Tỵ thất niên. Bắc
Giang Trung lộ, Vũ Ninh huyện, Kiệm xã tín chủ: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn
Lăng, Đào Thị Điều, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu đẳng”.
Dịch nghĩa:
“Năm Kỷ Tỵ (1449) niên hiệu Thái Hòa thứ 7 triều vua
thứ 3 nhà Lê. Các tín chủ ở xã Kiệm, huyện Vũ Ninh, lộ Bắc Giang Trung gồm: Đào
Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu”.
Ảnh chụp nội dung chữ khắc trên bệ tượng Quan Âm (Ảnh: Hiếu
Trần)
Chữ Hán:
大和七年歲次己巳本社信主陶銀阮氏边阮閉阮氏少阮凌陶氏條等
Phiên âm:
“Thái Hòa thất niên, tuế thứ Kỷ Tỵ, bản xã tín chủ:
Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu, Nguyễn Lăng, Đào Thị
Điều đẳng”.
Dịch nghĩa:
“Năm Kỷ Tỵ (1449) niên hiệu Thái Hòa thứ 7, các tín
chủ người bản xã gồm: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu,
Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều.”
Như vậy, tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm là pho tượng chất
liệu đá được khắc niên đại sớm nhất (năm 1449), đồng thời là pho tượng Quan Âm
thời Lê Sơ duy nhất được biết đến. Điều này có giá trị đặc biệt quan trọng
trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo, lịch sử tạo tượng Việt Nam nói chung và lịch
sử tín ngưỡng thờ Quan Âm của người Việt nói riêng.
Với những giá trị nêu trên, tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm
đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, Quyết định số
41/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2023
Ngoài ra, nội dung minh văn còn cho thấy nét riêng của văn
hóa tín ngưỡng, tôn giáo bản địa - “văn cung tiến” xuất hiện ở nước ta từ rất sớm.
Cung tiến là hoạt động quyên góp từ thiện một cách tự nguyện, là hành vi thể hiện
niềm tin của các tín đồ bằng cách đóng góp các loại tài sản khác nhau cho các
cơ sở thờ tự của các cộng đồng tín ngưỡng tôn giáo. Họ tin rằng, sự đóng góp (cả
bằng vật chất và hành động lao động công ích) dù ít hay nhiều, đều thể hiện niềm
tin và tấm lòng thiện lành của mình đối với cộng đồng tín ngưỡng chung.
Khoảng hơn 30 năm trước, trong quá trình tu sửa, xây dựng lại
ngôi chùa đổ nát, khi đào móng, người dân phát hiện phần đầu tượng, sau đó lại
phát hiện phần thân tượng, các cụ mang hai phần ghép vào nhau thì vừa khít. Dân
làng dùng xi măng cgắn lại thành pho tượng hoàn chỉnh để thờ phụng.
Chùa Cung Kiệm được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp
tỉnh năm 1996. Cùng với Tượng Phật Bà Quan Âm có giá trị đặc biệt vừa được nhà
nước công nhận là Bảo vật Quốc gia, chùa Cung Kiệm còn bảo lưu được 3 tấm bia
đá, trong đó có một tấm bia tứ diện được tạo dựng vào năm 1676 và 2 tấm bia “Hậu
phật bi ký” được dựng khắc vào năm 1705 và 1806. Năm 2018, chùa được dựng lại
toàn bộ.
Ngày 30/01/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số
41/QĐ-TTg công nhận pho tượng Quan Thế âm tại chùa Cung Kiệm, phường Nhân Hòa
là Bảo vật Quốc gia.
Bên cạnh đó, một số hiện vật tiêu biểu gồm: Bia “Hậu phật bi
ký” bằng đá có niên đại năm 1705, năm 1806; Bia tứ diện, có niên đại năm 1676;
Cây hương có niên đại năm 1729; Tượng, chuông, trống có niên đại thế kỷ XXI.
Chùa Cung Kiệm được khởi dựng từ lâu đời và được tôn tạo
trong lịch sử, hiện còn bảo lưu được bia đá, một số đồ thờ tự và tượng Phật thời
Lê, Nguyễn có giá trị về lịch sử. Ngôi chùa từ lâu đời là trung tâm sinh hoạt
tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân quê
hương nơi đây, góp phần giáo dục và phát huy tình đoàn kết cộng đồng làng xã,
giúp con người hướng thiện trừ ác.
Chùa Cung Kiệm được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử
văn hóa tại Quyết định số 1598/CT ngày 30/11/1996.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh