Chùa Mía (tên chữ: Sùng Nghiêm tự, 崇嚴寺) là một ngôi chùa ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Xưa kia, vùng này là Cam Giá, tên Nôm là Mía, nên chùa này được quen gọi là chùa Mía. Đây là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam, tới 287 pho tượng.
Chùa được xây dựng từ thời xa xưa, có quy mô nhỏ như một
ngôi miếu.
Năm 1632, bà Ngô Thị Ngọc Diệu (còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc
Dong) vốn là phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng (Thanh Đô Vương, chúa Trịnh thứ
2 thời Lê Trung Hưng, cai trị miền Bắc Đại Việt từ năm 1623- 1675) thấy miếu bị
hoang phế nên đã cùng cha mẹ và người dân các làng thuộc tổng Cam Giá (tức tổng
Mía) cùng nhau tôn tạo lại. Phi tần Ngọc Dong vốn là người làng Nam Nguyễn (Nam
An) trong tổng Mía, nên được người dân mến mộ gọi là "Bà Chúa Mía", đồng
thời tạc tượng đưa vào phối thờ ở chùa và còn có đền thờ riêng.
Chùa được tu bổ và hoàn chỉnh dần, song quy mô thời Bà Chúa
Mía vẫn được bảo tồn gần nguyên vẹn.
Năm 1750, tại chùa xây dựng thêm tòa Tiền đường mới, nằm tại
phía trước tòa Tiền đường cũ (nay trở thành tòa Bái đường của tòa Chính điện).
Năm 1843, xây dựng bổ sung thêm gác chuông phía trên Nghi
môn, đồng thời chuyển Nhà thờ tổ (từ phía sau) ra bên phải chùa như hiện nay, để
lập động Phật.
Các năm 1853, 1916, 1928, 1963, chùa được sửa chữa và làm
thêm một số kiến trúc khác.
Năm 1993, tòa Hậu điện được tu bổ, tôn tạo hoàn toàn và xây
thêm tháp Cửu phẩm Liên hoa.
Chùa Mía là một ngôi chùa linh thiêng và huyền bí.
Trong đó có truyện kể về một trận đại hồng thủy năm 1945, đê
sông Hồng bị vỡ, nước tràn vào, song chi đến cổng làng thì chảy chậm dần rồi dừng
lại; cũng có thể do thế đất của làng cao, hoặc các vị Thần Phật ra tay trợ
giúp.
Thời quân xâm lược Pháp còn chiếm đóng, dù giặc mở những trận
càn quét lớn qua đây, song chùa và dân làng Mía đều bình yên vô sự. Tương tự
như truyền thuyết về đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh trong thời chống chiến
tranh phá hoại của không quân Mỹ; dù bom rơi xuống hàng ngày, song đền và dân Cửa
Ông đều bình yên vô sự.
Toàn cảnh chùa Mía từ trên cao
Chùa Mía có bố cục quay về phía Nam, xây dựng theo lối “nội
công, ngoại quốc”, gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Vườn chùa, Tiền đường,
Chính điện, Tả vu, Hữu vu, động Phật, nhà Tổ và những nhà phụ trợ khác.
Nghi môn
Nghi môn chùa Mía là một tòa nhà đặt trên nền cao 5 bậc so với
sân, gồm 3 gian, 2 tầng theo kiểu chồng diêm. Tầng 1 đầu hồi bít đốc 2 mái. Tại
tường hồi nhô ra trụ biểu, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu, thân trụ không có
trang trí. Tầng 2, 3 gian, 4 mái, sàn nhà bằng gỗ.
Hai bên Nghi môn có hai trụ biểu lớn, đỉnh trụ trang trí tứ
phượng (hiện không còn), thân trụ phía trên trang trí ô lồng đèn, phía dưới là
các ô câu đối, chân trụ là một khối bệ vuông.
Bên cạch trụ biểu lớn là cổng phụ, dạng vòm có mái che bên trên dạng 4
mái.
Tại tầng dưới có hai tấm bía đá. Một bia dựng năm 1621, ghi
lại việc lập chợ Mía trước chùa. Tấm bia kia dựng năm 1750, ghi lại việc sửa
tòa Tiền đường.
Tầng trên treo một quả chuông đúc 1743 và một khánh đồng đúc
năm 1864.
Nghi môn chùa Mía
Vườn chùa
Vườn chùa Mía khá rộng, bên trái có một cây đa cổ thụ đã 400
năm tuổi.
Cạnh đó là tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13 m thờ vọng
Xá Lợi đức Phật.
Từ Nghi môn theo một con đường nhỏ qua vườn chùa đến một cổng
nhỏ mở vào sân chùa trước tòa Tiền đường.
Vườn chùa với Tháp Cửu phẩm Liên hoa và cây đa cổ thụ tại
phía sau Nghi môn chùa Mía
Đường từ Nghi môn dẫn vào sân chùa
Tiền đường
Tòa Tiền đường chùa Mía được xây dựng bổ sung vào năm 1750,
nằm tại phía trước tòa Tiền đường cũ (nay là
tòa Bái đường của tòa Chính điện).
Tiền đường được xây trên một bệ cao 7 bậc so với sân. Phía
trước có hòn non bộ.
Tòa Tiền đường 7 gian, đầu hồi bít đốc, 2 mái; các kết cấu gỗ
được chạm khắc đơn giản.
Bên trong tòa Tiền đường có các bệ nền cao, là nơi chuẩn bị
các đồ tế lễ trước khi vào Tam bảo.
Trong Tiền đường, ở gian phải có tấm bia khắc năm 1634, nói
về việc trùng tu chùa năm 1632. Bia cao hơn 1,6 m, rộng 1,2 m, dựng trên lưng một
con rùa.
Gian trái Tiền đường có ban thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị
thánh chủ của Đạo Mẫu Tam phủ.
Mặt trước tòa Tiền đường, chùa Mía
Bên trong tòa Tiền đường
Khe hở lấy ánh sáng giữa tòa Tiền đường (bên trái ảnh) và
tòa Bái đường
Chính điện
Sau Tiền đường là Chính điện, đặt sát cạnh nhau.
Chính điện chùa Mía có cấu trúc hình chữ “công” hay chữ H gồm
Bái đường, Thiêu hương và Hậu điện.
Bái đường 5 gian, 2 chái, 4 mái. Tòa Bái đường song song với
tòa Tiền đường, cách nhau một khoảng để lấy ánh sáng tự nhiên xuống phía dưới.
Tại tòa Bái đường có 2 pho tượng Hộ pháp lớn và 8 pho tượng
Kim Cương. Mỗi pho tượng là hình tượng một võ tướng trong tư thế chuẩn bị chiến
đấu trừ thế lực hắc ám, bảo vệ Phật pháp.
Thiêu Hương là tòa đặt dọc nối Bái đường với Hậu điện, gồm 3
gian, 2 mái. Tại đây đặt các ban thờ công đồng, phía trước ban thờ Phật.
Hậu điện là tòa trong cùng, 3 gian, đầu hồi bít đốc 2 mái, đặt
trên một nền cao hơn 1m với 5 bậc so với tòa Thiêu hương.
Bên trong Hậu điện đặt ban thờ với các lớp tượng theo triết
lý nhà Phật. Lớp cao nhất là ba pho Tam Thế. Lớp dưới cùng giáp với tòa Thiêu
Hương là tượng Thích Ca sơ sinh.
Bên trong Chính điện còn giữ được bộ khung gỗ có nhiều cột gỗ
to, thấp và cửa bức bàn với nhiều chạm khắc công phu hình Tứ linh, Tứ quý, hoa
lá…, có từ thế kỷ 17.
Hai bên của Chính điện là tòa Tả vu và Hữu vu. Mỗi tòa 7
gian, đầu hồi bít đốc hai mái, tạo thành hệ thống hành lang hai bên Chính điện.
Đây là nơi đặt tượng 18 vị La hán (Thập bát la hán) và ban thờ đức ông, đức
thánh hiền tại gian cuối của mỗi hành lang.
Bên trong tòa Bái đường, chùa Mía
Ban thờ tại tòa Thiêu Hương (đặt dọc)
Ban thờ tại tòa Hậu đường
Tượng Hộ pháp tại tòa Bái đường
Bộ tượng Bát bộ Kim Cương tại tòa Bái đường
9 pho tượng La Hán tại tòa Hữu vu (9 pho khác đặt tại tòa Tả
vu)
Ban thờ Bà Chúa Mía tại chùa Mía
Động Phật
Điểm độc đáo của chùa Mía là phía sau Hậu đường có là một
tòa 5 gian, 2 chái, 4 mái với những cột gỗ mít to đến 0,76m; trước đây là nhà Tổ,
nay trở thành động Phật, nơi bố trí các hang động bằng đất đắp. Bên trong có
nhiều tượng, trong đó có tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn; tượng Tuyết Sơn cao
0,76 m; tượng Quan Âm Tống Tử cao 0,76 m.
Tượng Quan Âm thường được gọi là tượng Bà Thị Kính, diễn tả
một người phụ nữ có vẻ mặt hơi buồn nhưng hiền từ nhân hậu, ẵm một đứa bé bụ bẫm
kháu khỉnh. Đường nét chạm khắc mềm mại, trau truốt. Người dân làng Mía tự hào
về pho tượng này qua câu ca dao:
“Nổi danh chùa Mía làng ta;
Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm”.
Động Phật tại phía sau Hậu đường
Hàng hiên phía trước động Phật
Bức phù điêu nhóm tượng Công đồng Phật tại động Phật
Bức phù điêu nhóm tượng Tuyết Sơn tại động Phật
Bức phù điêu nhóm tượng Quan Âm Tống Tử tại động Phật
Tượng Quan Âm Tống Tử tại động Phật
Tượng Quan thế Âm Bồ Tát
Chùa Mía khá nổi tiếng với số tượng thờ với 287 pho tượng lớn,
nhỏ, trong đó có 6 pho tượng đồng, 107 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng đất
nung sơn son thếp vàng. Mỗi một pho tượng hay một nhóm pho tượng là cả một câu
chuyện về sự tích Phật giáo và sự tích Thần đạo Việt Nam gắn với đức tin của cộng
đồng dân cư nơi đây. Chùa Mía là nơi lưu giữ một số lượng lớn các thần tích mà
không nhiều người biết tới.
Chùa Mía đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc
gia, năm 1993.
Chùa Mía, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, dù trải qua các thăng
trầm lịch sử, vẫn tồn tại và luôn là nơi để con người kết nối với tiền nhân,
nuôi dưỡng đạo đức, định hình niềm tin và mong muốn làm được những điều tốt đẹp.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn: Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, ĐHXD