Chùa Phúc Quang còn gọi chùa Quang Phúc (tên chữ là Phúc Quang Tự), cách thành phố Bắc Giang khoảng 20km về phía Bắc, thuộc xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, vốn nổi tiếng về những cụm di tích văn hóa có từ mấy trăm năm trước. Đặc biệt, chùa chưa từng có sư trụ trì được quá 3 năm.
Chùa Phúc Quang là một điểm thờ tự linh thiêng, có kiến
trúc độc đáo và gắn liền với những câu chuyện kỳ bí. Chùa nằm ngay cạnh đình
Thuận Hòa, có quy mô hoành tráng gần 300 năm tuổi.
Văn bia tại đây cho biết chùa được thành lập từ mùa xuân năm
Long Đức thứ ba (1734) dưới đời vua Lê Thuần Tông, bên cạnh một ngôi chùa cổ
hơn. Đó là ngôi chùa cổ, được thành lập từ năm 1723 dưới thời vua Lê Cảnh Hưng,
hướng chính Nam, được sư Chiếu Chiêm quê gốc ở Tiên Lục, Lạng Giang kêu gọi
nhân dân hợp tổ chức xây dựng, ngài cũng chính là Tổ sư đang ngự trên Tam bảo.
Chùa có 35 gian, thiết kế theo lối kiến trúc “nội Công ngoại
Quốc”. Toàn bộ phần tiền đường, hai dãy hành lang và gác chuông nối lại thành
hình chữ Quốc, phần còn lại là tòa thiêu hương nối với thượng điện thành hình
chữ Công.
Trong chùa, hệ thống tượng phật được xắp xếp thứ tự từ thượng
điện đến hai dãy hành lang và bên dưới gác chuông lớn, tất cả có khoảng 90 pho
tượng cổ quý giá. Nếu đứng giữa chùa quan sát, chiêm ngưỡng các pho tượng cổ du
khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước nghệ thuật tạc tượng hết sức
điêu luyện, tinh xảo của các tiền nhân.
Trải qua gần 300 năm tuổi, hiện nay chùa vẫn lưu giữ được
chiếc chuông lớn có từ ngày đầu và khoảng 90 pho tượng Phật giáo quý giá. Tuy
nhiên những mảng điêu khắc đá hầu như đã không còn nữa.
Trong suốt những năm tháng chiến tranh, mặc dù các xã xung
quanh bị bom đạn oanh tạc đến xơ xác, riêng chùa Phúc Quang và xã Tiên Lục vẫn
được bảo vệ an toàn. Nhân dân địa phương do đó càng tin chắc rằng chính ngôi
chùa cổ đã trấn giữ vùng đất này, giúp họ an cư lạc nghiệp.
Theo dân kể, xưa kia có một vị vua mặc thường phục vi hành,
vô tình đi qua ngôi chùa Phúc Quang. Vì trước đó có hiềm khích với đạo Phật nên
vị vua này đã để lại lời nguyền: bất kỳ nhà sư nào cũng không được ở trong chùa
này. Người dân nghĩ đó chỉ là câu nói buột miệng của vua nên không để tâm.
Cho đến sau này, có một thiền sư được giao đến trông nom
chùa, nhưng vừa bước tới Tam Bảo đã bị rắn cắn nên sợ quá bỏ chùa. Những vị sư
tiếp đó đến chùa chỉ ở được một thời gian rồi cũng phải ra đi. Dân chúng khi ấy
mới nhớ đến vị vua lạ và bắt đầu lan truyền câu chuyện rắn thần ứng nguyện lời
nguyền cản bước các vị sư.
Gần đây nhất có một vị sư là Huệ Cửu về trụ trì từ năm 2010.
Tuy nhiên, chưa đầy 3 năm sau, sư gọi xe giữa đêm, thu dọn hành lý bỏ đi không
lời từ biệt, đến sáng người dân trong làng mới biết.
Sau đó không có thông tin gì về sư Huệ Cửu. Tiếp theo có vài
vị sư khác đến thăm chùa cũng muốn ở lại, nhưng sau khi thắp hương khấn vái và
nhìn cây hương có dòng chữ Nho họ đều lẳng lặng ra đi, không bao giờ trở lại.
Với những giá trị quý giá ấy, năm 1989, chùa Phúc Quang được
Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di
tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Ảnh: VietLandmarks
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang