Chùa Thổ Hà có tên là Đoan Minh Tự, được nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa 1996. Niên biểu chính thức của chùa chưa tìm thấy. Căn cứ dòng chữ ghi trên đôi rồng đá ở cửa chùa thì năm Giáp Thân 1580 đời nhà Mạc mua rồng đá, năm Canh Thân 1610 tu sửa lại. Đúng lý chùa phải làm trước khi mua rồng đá.
Chùa xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, có quy mô lớn,
bao gồm cổng tam quan, gác chuông và tiền đường. Tam quan chùa nằm sát sau
đình. Qua Tam quan một quãng xa mới tới gác chuông (nay đã cháy), phía trước cửa
chùa có hai sấu đá, bên phải là bia chùa hình vuông khắc chữ cả bốn mặt.
Gác chuông và tiền đường được chạm trổ lộng lẫy với các đề
tài rồng mây, hoa lá. Thời gian kháng chiến quả chuông to trong gác chuông được
lấy để đúc vũ khí. Trong chùa có tượng Phật tổ Như Lai to lớn, tượng Phật bà
Quan Âm ngồi trên tòa sen.
Từ tòa Tam bảo theo hai dãy hành lang vào tới Động Tiên, đó
là một công trình kiến trúc hiếm có. Động tiên đã ghi lại đầy đủ hình ảnh Thích
Ca từ lúc mới sinh ra, lúc trưởng thành và khi lìa bỏ kinh thành vào động tu
hành đến đắc đạo. Tiếp theo đi qua sân rộng tới nhà Tổ, nơi đây thờ Sư Tổ và
các vị sư đã trụ trì ở chùa này. Chùa Thổ Hà được Hội phật giáo Việt Nam rất
quan tâm, luôn luôn cử sư về trụ trì ở chùa này.
Văn chỉ
Văn chỉ là nơi thờ Thánh Khổng Tử (có tượng Khổng Tử lớn bằng
đồng), ghi dấu tích các bậc tiên nho, tiên hiền ở Thổ Hà, có học vị, thi đỗ qua
các triều đại. Văn chỉ làng Thổ Hà được công nhận là di tích lịch sử văn hóa
ngày 28 tháng 2 năm 1999 do Bộ trưởng văn hóa thông tin Trần Hoàn ký.
Ban thờ Thái thượng Lão Quân trong Văn chỉ
Văn chỉ xưa kia ở cạnh chùa. Miếu thờ lộ thiên, hai bên có
hai dãy bia đá thẳng tắp, xây dựng năm 1680 đời Lê Chính Hòa. Hiện nay còn cái
nền nhà cũ. Bia đá gồm 8 tấm từ 1680 đến 1856 Tự Đức cửu niên, còn nguyên vẹn,
trong đó ghi số thí sinh trúng tuyển 75 người.
Đến năm Minh Mạnh thứ 6 Ất Dậu 1825 mới xây ba gian chính điện,
làm cửa võng, ba hoành biển, câu đối. Năm Bính Thìn Tự Đức cửu niên 1856 Văn chỉ
được di chuyển về nơi cuối làng, lại xây thêm 5 gian tiền điện. Vào những ngày
lễ tết, sóc vọng, sắp thi cử, các gia đình có con học hành hay sắp đi thi thường
đến Văn chỉ làm lễ mong cho con học hành tiến bộ và thi đỗ.
Chùa Thổ Hà sau khi Trùng tu