Chùa Thượng Đồng hiện ở tổ dân phố số 9, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội (trước đây là thôn Thượng Đồng, xã Hội Xá, huyện Gia Lâm). Chùa còn có tên chữ là Hiển Ưng tự.
Chùa Thượng Đồng - Hiển Ứng tự
Nội
dung 3 tấm bia cổ rất quý có niên đại Khánh Đức năm thứ 5 (1653), Chính
Hoà năm thứ 14 (1693) và Chính Hoà năm thứ 17 (1696) hiện còn lưu giữ
tại chùa đã cho chúng ta biết trước đây chùa Thượng Đồng là một ngôi
chùa cổ, có quy mô bề thế, to đẹp ở trong vùng, được ra đời vào đầu thế
kỷ XVII. Qua những thăng trầm của lịch sử mà kiến trúc gốc của chùa đã
bị mai một và đã được tu sửa nhiều lần.
Chùa Thượng Đồng hiện nay
được làm quay hướng đông nam với bố cục mặt bằng gồm: gác chuông, sân,
Tiền đường, Thượng điện, phía sau là nhà Tổ (mới làm).
Tuy không bị di chuyển từ nơi khác tới, nhưng hướng chùa hiện
nay không còn theo hướng truyền thống nữa, có lẽ kiến trúc này bị đổi hướng vào
khoảng đầu thế kỷ XX và hầu như tất cả các quy chuẩn cơ bản của nó đều đã bị
suy lạc.
Chùa không nhìn về hướng Nam, có nghĩa ít quan tâm tới
" Bát Nhã" ( Trí tuệ) một trong những cứu cánh tối thượng của nhà Phật.
Mặt khác, cũng không theo hướng Tây, một hướng cổ truyền của tổ tiên là mong thần
linh luôn yên vị để vì chúng sinh mà phù trợ.
Ngoài các hướng trên thì phần nhiều các hướng khác đã lệ thuộc
vào tư duy thực dụng, tuỳ tiện ( phần nhiều ở đô thị, lệ thuộc vào trục giao
thông, hoặc nhận thức cổ truyền đã bị tàn phai) mà quên mất tư duy liên tưởng đầy
giá trị tâm linh có phần mang nét trừu tượng dân dã.
Người ta thường nghĩ rằng, trong thế giới tâm linh, được đúc
kết biết bao đời, thì, sự thiếu chuẩn mực sẽ là cửa ngõ cho mê tín dị đoan xâm
nhập. Chẳng thế mà, chùa này nay không có tam quan, một phương đình cao có một
tầng mái xây trước mặt chùa chỉ mang tư cách là nơi để treo chuông, ngoài ra
không còn một ý nghĩa triết học cổ truyền nào khác.
Chùa chính không còn đầy đủ đá bó vỉa để phân định thế giới
thiêng liêng và trần tục. Tuy nhiên, đối với hệ thống tượng thờ dù cho có niên
đại không sớm, nhưng phần nhiều đều có một giá trị nghệ thuật nhất định.
- Bộ tượng Đức Ông đầy vẻ tự nhiên mà vẫn oai phong, các tượng
này như mang một phong cách riêng có nhiều chi tiết không giống ở nơi khác. Đức
Ông, vẫn ngồi trên bệ, buông chân song song, nhưng mũ của ngài không có cánh
chuồn chéo lên hoặc ngang, mà lại tạo thành hai giải mũ ngắn lửng hơi vênh ra ở
sau tai, cả hai tay tì trên gối, nhưng tay phải lại cầm hốt để biểu hiện uy quyền
tối thượng với thế gian.
Hai tượng thị giả cũng có bộ mặt bầu bĩnh hiền lành như Đức
Ông. Thế ngồi, một chân buông, một chân tụt khỏi giầy để co chống trên bệ ngồi,
vị bên phải lại vén tay áo trái tới tận vai. Ở đây, người ta đã ít quan tâm tới
tướng mạo của khuôn mặt và những động tác như đã nêu trên, khiến bộ tượng trở
nên tự nhiên và gần gũi, như có nét bình dân hơn.
Từ đây kẻ hành hương chuyển qua gian giữa để lễ Phật. Do thờ
Phật theo lối bình dân ( Thế gian trụ trì Phật Pháp), người Phật tử cần ngửng mặt
lên để chiêm ngưỡng Thánh tượng của chư Phật và chư vị Bồ Tát.
Trên cao nhất là bộ tượng Tam thế Thường trụ diệu pháp thân
( Cũng gọi là Tam thế Tam thiên Phật) tượng trưng cho 3000 vị Phật của ba thời
Quá khứ ( Tương ứng Trang nghiêm kiếp), Hiện tại ( Tương ứng Hiền kiếp) và Vị
lai ( Tương ứng Tinh tú kiếp)...
Đây là một bộ tượng được tạo tác khá kỹ, khá chuẩn mực. Tượng
ngồi theo lối Kiết già hàng ma, đã ngầm bảo cho chúng ta biết, đương thời khi
làm lại chùa ít nhất dân chúng nơi đây đã bị nhiều điều ngang trái, có khi là
tai hoạ ở lĩnh vực tinh thần hay cuộc sống.
Ở lĩnh vực tạo hình, ba pho tượng này cùng một phong cách, đầu
tượng có tóc kết thành nhiều u xoắn nổi (Tượng cho các chữ Thánh: Vạn tự, Đức tự,
Cát tường tự), nhục kháo không rõ nhưng lại lộ rõ tướng Vô kiến đỉnh (
Sahasrâra) một biểu tượng cao hơn hết về trí tuệ của đức Phật.
Bộ mặt bầu bĩnh phúc hậu với đầy đủ quý tướng của kiếp tu. Đặc
biệt các tượng đều có nụ cười hàm tiếu mang ý nghĩa cảm thông và cứu độ chúng
sinh. Áo cà sa ( Nhẫn nhục y, Thanh y, Tĩnh y...) và la bào đã tạo nhiều nếp, với
hình thức kế thừa gần gũi phong cách của tượng Phật có niên đại vào thế kỷ
XVIII. Tay tượng kết ấn Tam Muội ( Samâchi, Giới định, Pháp giới định...) Tất cả
đã hội lại thành một chỉnh thể ở mặt tinh thần của nhà Phật.
- Hàng thứ hai là bộ Di Đà Tam Tôn, cũng gọi " Di Đà Tiếp
Dẫn" mang ý nghĩa: dẫn dắt chúng sinh có Phật quả về miền Tĩnh Thổ. Bộ tượng
này có ba pho gồm: ở giữa A Di Đà Phật với 13 đại danh tính, trong đó có 2 danh
tính thường được nhắc tới: Vô Lượng Thọ Phật và Vô Lượng Quang Phật, trong trường
hợp này Ngài còn là hiện thân của Đại Trí, Đại Tuệ, Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ,
Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả... Bên trái Ngài có Quan Thế Âm Bồ Tát, hiện thân của Từ,
Bi, Hy, Xả, và bên phải của Ngài là Đại Thế Chí Bồ Tát, hiện thân của Trí, Tuệ,
Hùng, Lực.
Như vậy rõ ràng, trong dạng thức trên, A Di Đà là hiện thân
dung hội đặc tính của cả Quan Âm và Thế Trí, hoặc ngược lại... Và, tất nhiên bộ
ba này đã ở miền Cực Lạc/Niết Bàn nên bộ mặt và tay chân đều được thếp vàng
ròng.
Ở mặt tạo hình, tượng A Di Đà Phật của chùa này gần như đồng
nhất với tượng Tam Thế Phật với kích thước lớn hơn, ngực có chữ Vạn theo chiều
quay của lửa Tam Muội, chỉ một chi tiết khác là trong ấn Thiền Định đã để bàn
tay phải trên bàn tay trái, còn các tượng Tam Thế thì ngược lại.
Hai tượng Quan Âm và Thế Chí có phần phức tạp hơn về nghệ
thuật chạm khắc, như ở Thiên/Bảo quan được làm theo phong cách của thế kỷ XVII
– XVIII với nhiều chi tiết gồ ghề.
Trên đó, ở chính giữa mặt đứng Thiên Quan của Thế Trí được
chạm nổi lọ nước Cam Lồ trong lòng lá đề, còn ở Quan Âm là đấng Từ Phụ ( A Di
Đà). Mặt khác nếp áo của các Bồ Tát này nhiều khi nổi lên thành những đường gân
lớn, gấu La Bào và mũi cánh sen vuốt vênh ra không ấm áp như ở tượng A Di Đà.
Điều này có thể cho thấy, hai pho này đã không cùng một bộ gốc với tượng A Di
Đà. Có lẽ cả hai đã được làm muộn hơn. Một điểm đáng quan tâm nữa là hiện hai
pho này đang ngồi nhầm chỗ của nhau!
- Ở hàng thứ ba là bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh với Thích Ca giơ
bông sen lên để nhắc nhở chúng sinh, vào chùa là để " Tự tính trạm
viên" (Tự mình phải tìm lấy Phật tâm trong sáng tròn đầy của mình) để đi tới
giác ngộ và giải thoát.
Tượng có bộ mặt khá chuẩn, nhưng tai khá thấp mang cùng một
phong cách với tượng Quan Âm và Thế Chí ở hàng trên, nếp áo cong cường điệu và
rõ ràng không được đẹp.
Hai Bồ Tát Văn Thù (Tượng trưng cho Chân Trí của nhà Phật)
và Phổ Hiền (Tượng trưng cho Chân Lý tuyệt đối của nhà Phật) đã được tạo tác với
phong cách khác gần gũi và ấm áp, nhiều chất dân gian... Cả hai tượng đều có
khuôn mặt nữ, voi và sư tử đều mang nhiều nét tượng trưng. Tuy vậy cả bộ tượng
vẫn nói lên tinh thần về triết học của nhà Phật là: Âm và Dương, Phàm và Thánh,
Lý và Trí... cùng một thể một cội nguồn.
- Về hàng thứ tư là bộ Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu, cả ba
pho đều có kích thước gần như tương đồng, chỉ pho giữa được đội mũ bình thiên
và cầm hốt quyền uy. Hai pho bên không cầm sách và bút như các bộ tượng thông
thường cùng loại.
Cả ba đều cùng ngồi trên bệ không ngai, chân buông thẳng xuống
ở phía trước. Dường như chỉ một pho Ngọc Hoàng Thượng Đế ở giữa là chính gốc,
còn hai tượng bên như đã được gán ghép vào ( vốn không phải cùng một bộ).
Trước mặt ba pho trên là pho tượng Cửu Long Thích Ca sơ sinh
cũ với phong cách dân gian, ngỗ nghĩnh và khá đẹp, theo dáng dấp của các tượng
cùng loại vào thế kỷ XVII – XVIII. Đây là một pho cần chú ý. Trước mặt pho
Thích Ca sơ sinh là tượng Quan Âm Chuẩn Đề. Pho này cũng có niên đại khá muộn,
được thể hiện khi mà những quy tắc thông thường về hình tượng này có phần đã bị
suy lạc, với ngón tay dài vuốt cứng không tự nhiên, song ấn Chuẩn Đề kết trước
ngực có vẻ hững hờ không được chuẩn, chỉ có khuôn mặt vẫn theo cách cũ.
Về bộ Cửu Long Thích Ca sơ sinh, đây là bộ có nhiều tượng nhỏ
( vừa có tượng gốc, vừa có tượng bổ sung về sau), hình thức có phần vui. Trung
tâm là tượng Thích Ca sơ sinh mặc váy cũn cỡn, pho này làm đúng theo tư duy
nông nghiệp Bắc Bộ, với tay trái (âm) chỉ lên trời (dương) và tay phải ( dương)
chỉ xuống đất (âm), đó là hình tượng phù hợp với quy luật âm dương đối đãi của
trời đất.
Đứng trước tượng này, người Phật tử như còn thoảng nghe thấy
lời " Tuyên ngôn" của Thích Ca, rằng " Thiên thượng, thiên hạ
duy ngã độc tôn". Ngài đã dạy chúng sinh rằng: Ngã ở đây là ta, song không
phải là cái ta cá thể (Átman) mà là Đại Ngã trường tồn ( Brâhman) đồng nhất với
Bản thể chân như, tức Phật thân ẩn chứa trong mỗi chúng sinh. Trong tạo hình,
có một số tượng nhỏ được bổ sung vào, song cách sắp xếp chưa được đúng, như đặt
tượng A Di Đà cao hơn Tam Thế Phật, khiến Quan Âm và Thế Chí đứng chơ vơ.
Tình trạng đó cũng tương tự như đối với Ca Diếp và A Nan Đà
khi mà Tuyết Sơn bị ngồi xuống tận dưới cùng. Ở đây cũng có một số tượng được
làm theo tích Phật, như bà Ma Gia sinh ra đức Thích Ca ở nách (với hình tượng một
bà mẹ giơ tay lên cao, để lộ rõ một chú bé lấp ló ở ống tay áo) hay vài thiên
tướng dưới dạng như những hộ pháp, rồi vua Tịnh Phạn với những người hầu cận.
Ngoài những pho trên chính điện, ở toà Tiền đường còn tượng
Khuyến Thiện, Trừng ác, Thánh Tăng và gần đây là tượng Đại Phạm Thiên Vương được
đưa vào cho việc cúng vong và phục vụ công tác kinh tế của nhà chùa. Ở mặt tạo
hình, nhìn chung các pho này chưa thấy gì nổi bật.
Trong hệ thống tượng cũng cần phải điểm tới tượng Tổ, nổi
lên là hai tượng Bồ Đề Đạt Ma ngồi ở lớp giữa và Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cưỡi sư
tử ngồi trên cùng. Đó là điểm riêng của chùa này.
Bồ Đề Đạt Ma là sơ tổ Đông Độ, được coi như người đầu tiên
đem Thiền Tông Ấn Độ tới lưu truyền trên đất Trung Hoa, đã lập ra phái Thiếu
Lâm, truyền thừa tới đời thứ 6 thì nổi lên có 2 vị là Huệ Năng và Thần Tú.
Phái của Huệ Năng chú ý hoằng dương Phật Pháp ở phía Nam, để
rồi ảnh hưởng tới Phật giáo nước ta một cách mạnh mẽ từ thế kỷ thứ XVII. Vì thế
hầu hết các ngôi chùa ở đất Việt đều coi Bồ Đề Đạt Ma như một vị sư tổ chung,
được đặt ở vị trí cao và sâu nhất trên Ban thờ Tổ.
Còn Văn Thù Bồ Tát, dù có lịch sử ghi chép như thế nào đi nữa,
Ngài cũng không phải là một vị sơ tổ như Đạt Ma, Ngài được người Trung Hoa lập
chùa thờ với trung tâm là Ngũ Hành Sơn. Ảnh hưởng của Ngài tới đất Việt chủ yếu
được đặt bên trái tượng Thích Ca (Ở Việt Nam vị trí này nhiều khi lẫn với Phổ
Hiền, ngay như ở chùa này), Ngài cưỡi con sư tử, thường màu xanh, với những
chùa nhìn về hướng Nam.
Trong tư cách đó, Ngài tượng cho Chân Trí tuyệt đối của nhà
Phật. Ở lĩnh vực tạo hình, về dáng bên ngoài, tượng Văn Thù có nét gần gũi với
tượng Văn Thù ở chùa Bút Tháp, tuy nhiên mặt nào đó thân hình có vẻ mập mạp và
có nhiều điểm làm chúng ta phải suy nghĩ, như Thiên quan có vẻ theo phong cách
của tạo hình thế kỷ XVIII.
Chùa còn
bảo lưu được một hệ thống di vật có giá trị, đa dạng về chất liệu, phong
phú về hình thức, sâu sắc về nội dung, có niên đại trải dài từ thời Lê
đến thời Nguyễn như: bia đá, chuông đồng, câu đối, hoành phi cùng nhiều
đồ thờ khác... Chùa Thượng Đồng được coi là một bảo tàng điêu khắc dân gian với
các bộ tượng Phật mang phong cách nghệ thuật từ thế kỷ XVIII - XX.
Chùa
Thượng Đồng còn là một địa điểm diễn ra những sự kiện gắn với lịch sử
cách mạng ở địa phương như: Tháng 3/1945, Hội nghị Mặt trận Việt Minh
thôn, xã đã họp bàn về việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 19/8/1945,
tại cây đa trước chùa, tự vệ chiến đấu và quần chúng nhân dân toàn tổng
Đặng Xá đã tập trung để giành lại chính quyền huyện lỵ Gia Lâm. Chùa
cũng là nơi du kích thôn và bộ đội địa phương thường xuyên ẩn náu, hoạt
động phá hoại vùng địch hậu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân
Pháp. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa là nơi đặt hầm
hậu phẫu, điều trị của Viện Quân y 108...
Chùa Thượng Đồng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Bùi Thế Quân
Nguồn: Cổng thông tin điện tử quận Long Biên