Chùa Vân Gia tọa lạc tại xã Trung Hưng, Thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Ngôi cổ tự được gọi theo tên thôn là chùa Vân Gia, còn có tên chữ là Viên Quang tự. Chùa nằm ở rìa làng, quay hướng nam.
Chùa Vân Gia được xây dựng trên một thế đất đẹp “gối sơn đạp
thuỷ”, gồm các hạng mục công trình: Gác chuông, Đại điện, Nhà Tổ, nhà khách. Đại
điện được xây kiểu chữ “đinh”, bao gồm tòa Tiền đường và Thượng điện.
Tam quan chùa là ngôi nhà ngang 3 gian 2 chái, xây hai tầng
bốn mái uốn đầu đao. Mặt trước thông thoáng, hai đầu bờ nóc hai đấu đinh lợp
ngói rì cổ. Hai trụ biểu là hai tay ngai với đỉnh để vuông, phía dưới là ô lồng
đèn, thân trụ vuông, đắp soi gờ kẻ chỉ, thân trụ vuông.
Tòa Tam quan được xây theo phương thức truyền thống, các bộ
vì được đóng theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ chồng rường, bẩy”, lắp
đặt trên bốn hàng chân cột. Trên nóc tầng hai, một bên treo chuông và một bên
treo khánh.
Trong Đại điện, tòa Tiền đường là 3 gian nhà dọc. Mái tòa Tiền
đường thiết kế kiểu chữ “công” 2 nóc 4 mái đao cong, đắp nề trang trí bờ nóc và
bờ chảy, hai đầu đắp hai con kìm miệng ngậm bờ nóc, đuôi vút cao. Các đầu đao đắp
đầu rồng uống cong mềm mèm.
Tòa Tiền Đường có 6 bộ vì kéo đóng theo kiểu “Thượng chồng
rường, hạ kẻ, bẩy” đặt trên các cột gỗ lim, chân cột kê đá xanh. Trang trí chạm
khắc hoa lá cách điệu tập trung chủ yếu ở
các đầu rường, bẩy với các tích lá lật, mây cụm cách điệu mang dấu ấn thời Nguyễn.
Chùa Vân Gia hiện còn lưu giữ được những di vật cổ là: 1 quả
chuông đồng có niên đại thời Nguyễn; 1 khánh đồng một mặt ghi Viên Quang tự, một
mặt ghi Thọ Vương Khánh bằng Hán tự, khánh có niên đại thời Nguyễn. Ngoài ra
còn có các bia đá cổ thời Nguyễn.
Chùa được UBND tỉnh
Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2006.
Nguồn: Người Hà Nội