Chùa Vẽ xưa có tên gọi là Bà Ni Tự, sau đổi Hoa Linh Tự, tọa lạc ở đường Đà Nẵng, phường Đông Hải 1, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Chùa thờ Phật, phối thờ Vua Ngô Quyền, Đức Thánh Trần và Tam Tòa Thánh Mẫu.
Giới thiệu khái quát về chùa Vẽ
Chùa Vẽ là thuộc phường Đông Hải 1, quận Hải An, cách trung
tâm thành phố Hải Phòng khoảng 10km. Chùa Vẽ có tên chữ là Hoa Linh Tự, gắn liền
với những sự kiện oanh liệt chống ngoại xâm của quân dân ta trong chiến thắng Bạch
Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 1287- 1288 của
quân dân ta thời Trần.
Ngoài tên chữ là Hoa Linh Tự, chùa còn có tên nôm, rất phổ
biến trong nhân dân quanh vùng là chùa Vẽ.
Từ khi chùa Vẽ được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử-
văn hóa và được đưa vào khai thác phục vụ du lịch tham quan di tích của thành
phố Hải Phòng thì lượng khách quốc tế đến tham quan ngôi chùa ngày càng nhiều,
đặc biệt là du khách đến từ Trung Quốc và châu Á.
Những vấn đề lịch sử của di tích
Theo những tư liệu lịch sử, bà Lê Chân, danh tướng của nhị
vua Hai Bà Trưng là người đã chiêu mộ dân chúng, khai lập lên vùng đất ngày nay
được gọi là Hải Phòng. Truyền thuyết lịch sử kể rằng, nữ tướng Lê Chân từ trang
An Biên đã kêu gọi nhân dân di cư mở mang khai khẩn vùng đất mới, lập thành
làng xóm, tên làng và ngôi chùa thờ Phật vẫn gọi theo tên cũ: An Biên trang,
chùa Vẻn.
Chùa An Biên do dân trang lập ra lúc đầu nhỏ bé sơ sài địa
hình thay đổi nhiều nhưng đã đánh dấu về điểm xuất phát đầu tiên của Phật giáo
Hải Phòng đến ngày nay. Phật giáo Hải Phòng có liên quan chặt chẽ với chốn tổ của
thiền phát Trúc Lâm (Yên Tử). Vị sư tổ của chùa Đông Khê (Nguyệt Quang Tự) là
thiền sư chính thống dòng dõi Trúc Lâm. Tại chùa Dư Hàng (tên chữ là Phúc Lâm Tự)
hàng năm vào tháng 11 âm lịch, bản chùa kỷ niệm húy nhật vị sư tổ đệ nhất Điều
Ngự và vị sư tổ đệ tam Huyền Quang Lý đao tái.
Thần tích về hai vị công thần làng Vĩnh Khê, huyện An Dương
(nay là An Hải) có một chi tiết đáng lưu ý: “Đời Trần Dụ Tông (1341-1369) có
ông Vũ Quỳnh vốn người Châu Ái, có công giúp dân trang diệt trừ giống yêu quái
hay hãm hại đàn bà, trẻ con trong vùng.
Nhân ngày nhàn rỗi, ông dạo chơi ngắm cảnh, thấy ngôi chùa làng
lâu ngày bị mưa gió hủy hoại, bèn cùng dân xã quyên góp công của trùng tu cảnh
chùa, tạc tượng, đúc chuông, nhân đó lại đặt tên chùa.
Bản thân chùa Hoa Linh Tự phường Đông Hải 1 còn liên quan đến
truyền thuyết lịch sử liên quan đến đời Trần thế kỷ 13, qua huyền sử vẽ bản đồ
của Trần Hưng Đạo.
Chùa Vẽ là một di tích đặc sắc, có giá trị về nhiều mặt
trong lịch sử kiến trúc, nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Người vùng này vẫn có
câu phương ngôn: "Gạo chùa Đông, thông chùa Đà, đa Chùa Vẽ", để truyền
tụng về lịch sử xa xưa của ngôi chùa gắn với cây đa cổ thụ.
Thuở ban đầu Chùa Vẽ là một ngôi chùa nhỏ được xây dựng từ
những vật liệu giản dị như tranh, tre, nứa, lá, điểm thờ tự tâm linh của những
người dân chài lưới ở cửa sông Cấm.Thế kỷ thứ X, sau chiến thắng Bạch Đằng của
Vua Ngô Quyền, từ một thảo am nhỏ bé, Chùa Vẽ đã trở thành ngôi cổ tự linh
thiêng của làng Đoạn Xá (tên gốc là Đoàn Xá - làng của người họ Đoàn), huyện An
Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương.
Năm 1288, trong bối cảnh chuẩn bị cho trận chiến quyết định
trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn chính ngôi chùa này
làm nơi quan sát và lập kế hoạch chiến lược.
Tại đây, với trí tuệ và sự sáng tạo đặc biệt, ông đã cho vẽ bản
đồ chiến thuật đánh giặc trên sông. Sáng kiến quan trọng này đã giúp đại quân
và dân binh nhà Trần giành thắng lợi trước đạo quân Nguyên Mông.
Để truyền đạt kế hoạch tác chiến một cách bí mật đến với các
đạo quân, Hưng Đạo Vương đã sử dụng bánh đa - một loại bánh truyền thống của Việt
Nam. Bằng cách rắc vừng lên bánh đa và sau đó tráng bánh, hình ảnh của bản đồ
chiến trận hiện lên, tạo ra một phương pháp truyền tin bí mật và độc đáo. Những
chiếc bánh đa này không chỉ là sơ đồ tác chiến mà còn là nguồn lương thực quý
giá cho binh tướng trên chiến trường.
Sau chiến thắng lừng lẫy Bạch Đằng, một lần về thăm Đoạn Xá,
Hưng Đạo Đại vương đã dùng tiền bạc riêng giúp dân làng trùng tu, tôn tạo chùa.
Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo trực tiếp chọn hướng cho ngôi chùa mới và ban
cho tên chữ là Hoa Linh tự. Bia "Trùng tu Hoa Linh tự bi ký" dựng năm
1916 cho biết: "Chùa Hoa Linh có biển lớn đứng phía trước, thành phố dựa
phía sau, sông Rừng (tức sông Bạch Đằng) chảy phía tả, núi Voi trấn phía hữu, rắn
vàng vươn đai ấn, nhạn trắng ngậm cuốn thư, cảnh thanh vật nhã, danh lam cổ
soái”. Người dân địa phương thì gọi tên nôm của chùa là Chùa Vẽ để kỷ niệm sự
kiện Trần Hưng Đạo đã vẽ bản đồ chiến trận Bạch Đằng giang tại chùa này.
Chùa Vẽ, điểm thờ tự linh thiêng của thành phố Hải Phòng. Ảnh:
Tư liệu
Kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc
Dưới thời Trần (1226 - 1400), chùa được xây dựng với quy mô
rộng lớn theo đồ hình "nội công ngoại quốc". Ngay trước sân chùa, ven
hồ nước có một cây trúc dài bằng đá, niên đại Lê Chính Hòa (1680-1705)), phần
chữ còn đọc rõ, niên bị mờ, ghi rõ địa giới, ý nghĩa tên chùa, giúp xác định thời
gian phát triển, mở rộng chùa vào đầu thế kỷ 17.
Chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào năm 1889, 1917,
1924...
Chùa lưu trữ nhiều văn bia, ghi chép lại những lần trùng tu
này. Bia "Tu tạo Hoa Linh tự bi" dựng năm 1889 cho biết: "Năm Kỷ
Sửu niên hiệu Thành Thái sơ niên, thân hào xã Đoạn Xá, tổng Hạ Đoạn, thấy chùa
Hoa Linh đổ nát, họp bàn với sư trụ trì, nội bộ phát động người có hằng tâm
giúp việc công ích, mặt ngoài đẩy mạnh việc quyên giáo, chỗ nào hỏng thì sửa chữa,
chỗ nào chưa có thì xây dựng cái mới, thế là quả phúc của nhà chùa đã viên
mãn...".
Bia “Trùng tu Hoa Linh tự chi bi" dựng năm 1924 cũng
ghi rõ, chùa bị xuống cấp nên năm đó sư trụ trì chùa cùng với người dân địa
phương: "Hợp sức xây dựng, mở mang cảnh chùa. Nhân đó tạo thành thượng điện,
tiền đường, hai bên cung cấm, tất cả 11 gian đều dùng gỗ lim, ngói tốt; xây dựng
nhà sau, đắp đường, đào ao, trồng cây, việc trùng tu 2 năm mới hoàn
thành...".
Ngày nay, Chùa Vẽ là công trình kiến trúc nghệ thuật tâm
linh quy mô lớn, tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, quay hướng Đông
Nam, bao gồm: Nghi môn Tam quan hai tầng tám mái uốn đầu đao; Tòa Chính Điện và
Tòa thờ tổ.
Phía trước 3 dãy nhà chính của chùa là giếng đất tròn, nước
xanh trong, xung quanh trồng nhiều loài cây bóng mát như bàng, đa, si. Trong
khuôn viên chùa có vườn hoa cảnh, xung quanh trồng nhiều cây ăn quả như chuối,
đu đủ, hồng, khiến ngôi chùa vừa có không gian trầm mặc, trang nghiêm nhưng rất
gần gũi với đời thường.
Ngôi chính điện kiến trúc hình chữ “Đinh” gồm 5 gian tiền đường
và 4 gian Phật điện.
Toà Tam Bảo được bày trọn trong Hậu cung, Điện Phật bài trí
tôn nghiêm, thờ tượng: Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Thích Ca Tam Tôn, Bồ tát
Quán Thế Âm, tòa Cửu Long, Thích Ca sơ sinh, tượng đức Phật nhập Niết bàn, Thất
Phật Dược Sư và hai vị Hộ Pháp.
Hàng trên cùng là bộ tượng Tam Thế, tiếp đến là bộ Di Đà Tam
Tôn là những tượng pháp kinh điển của nhà Phật. Tượng A Di Đà cao to nhất trong
Phật điện, thể hiện trong tư thế toạ thiền trên đài sen, phụ toạ toàn phần
trong thế hình tháp vững chắc.
Hàng tượng thứ ba có đức Phật Thích Ca giáo chủ ngồi giữa, hai
bên là tượng Mahacadiếp và Anam Đà tôn giả là những đệ tử của Phật Tổ.
Hàng tượng thứ tư gồm ba pho Quan Thế Âm Bồ Tát. Pho đặt
chính giữa là Quan Âm 'Thiên thủ Thiên nhỡn' ngồi trên toà sen, có 6 đôi tay để
trần xoè ra như đoá hoa nở và các ngón tay cong lại trong những thế ấn bí truyền
của dòng Thiền.
Pho bên phải là đức Phật bà Diệu Thiện với bình nước cam lồ
để diệt trừ 108 điều phiền não cho chúng sinh và con chim ca lăng tần già đang
hoá giảng Phật pháp cho chúng sinh. Pho bên trái là Quan Âm toạ sơn ngồi khoan
thai trên bộ gỗ.
Tiếp đến là các hàng tượng: Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu;
toà Cửu Long và Thích Ca Sơ Sinh; tượng đức Thế Tôn thuyết pháp; cuối cùng là
tượng Thánh Tăng.
Nhà thờ Tổ 5 gian cùng song hàng với ngôi chánh điện, thờ đức
Ngô Vương Quyền, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma cùng tượng các vị Tổ của chùa.
Chùa có nhà bia, nhà tri khách, tòa hậu Phật; trai phòng;
khu học xá; giảng đường; khu phụ rộng rãi, khang trang. Khu vườn "Lâm Tỳ
Ni" với tượng đài kỷ niệm "Đức Phật Thích Ca và thập đại đệ tử"
thu nhỏ rất sống động. Lầu Quán Thế Âm bát giác. Như những chùa khác ở Việt
Nam, chùa Vẽ phối thờ Đức Thánh Trần, Tam tòa Thánh Mẫu và các vị hậu Phật.
Hệ thống tượng pháp, bia ký, chạm khắc trang trí của Chùa Vẽ
có giá trị nghệ thuật cổ cao. Hệ thống tượng Phật của Chùa Vẽ được điêu khắc tương
tự người thật, sơn son thếp vàng lộng lẫy, hầu hết có niên đại thế kỷ XVIII -
XIX.
Tiêu biểu nhất là bộ tượng "Cửu Long và Thích Ca Sơ
sinh", pho Phật Thích Ca nhập niết bàn. Đặc biệt, chùa sở hữu tòa Ngọc Phật
Quán Âm Tứ diện được tạc từ khối ngọc thạch nephrite nặng tới 14,5 tấn.
Cổng ngoài Chùa Vẽ
Cổng Chùa Vẽ
Tòa chính điện
Nhà Bia
Nhà thờ Tổ
Ngoại cảnh Chùa Vẽ
Ban thờ Phật chính điện
Ban thờ Phật Quan Âm
Ban thờ Hộ Pháp
Ban thờ Tổ. Tổ sư Thiền Bồ đề Đạt Ma
Lễ hội Chùa Vẽ được tổ chức vào ngày 10 đến 20 tháng 8 Âm lịch
hàng năm để tôn thờ Đức Phật và Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trùng với ngày giỗ của
Đức Thánh Trần ngày 20 tháng 8 Âm lịch.
Vào dịp này nhân dân trong vùng kéo về đây trẩy hội rất đông
để lễ Phật, lễ Thánh và cầu an, cầu phúc, cầu lộc. Đặc biệt có cỗ chay dâng Phật
và Thánh không thể thiếu món bánh đa nướng có rắc vừng, mô phỏng lại trận đồ
tác chiến trên sông Bạch Đằng xưa của Đức Thánh Trần như gợi nhớ về một kỷ niệm
vang bóng một thời xa xưa của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng lịch sử.
Chùa Vẽ - Hoa Linh tự
không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là một trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, đem
lại cho du khách một trải nghiệm du lịch đầy ý nghĩa và sâu sắc. Đây là nơi lưu
giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trí tuệ và lòng dũng cảm của các bậc tiền nhân anh hùng dân tộc.
Nguồn: Thành đoàn Hải Phòng