Chùa Vĩnh Lợi hay còn gọi là “Chùa Cau Đẻ”* tọa lạc trên một khu đất đẹp nhìn ra dòng sông Lô, thuộc thôn Ngạc Tân (trước đây là làng Phương Ngạc), xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Về cương vực lãnh thổ hành chính: thôn Ngạc Tân, nơi tọa lạc của chùa Vĩnh Lợi, trước đây thuộc làng Phương Ngạc, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, địa danh Phương Ngạc từng trực thuộc những đơn vị hành chính như sau:
Thời Văn Lang - Âu Lạc, thuộc bộ Văn Lang.
Thời đầu Công nguyên, thuộc huyện Mê Linh, quận Giao Chỉ.
Từ thế kỷ III đến thế kỷ V, thuộc huyện Mê Linh, quận Tân Xương.
Từ thế kỷ VI đến thế kỷ X, thuộc huyện Tân Xương, quận Phong Châu, Thừa Hóa (gọi tắt là Phong Châu).
Đến thế kỷ XIII - thế kỷ XIV (thời Trần), thuộc huyện Lập Thạch, châu Tam Đới, lộ Đông Đô.
Thế kỷ XV - thế kỷ XVIII (thời Lê - Nguyễn), thuộc huyện Lập Thạch, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây.
Năm 1890, chính quyền thực dân Pháp lập đạo Vĩnh Yên, vùng đất Phương Ngạc thuộc huyện Lập Thạch, đạo Vĩnh Yên.
Năm 1891, đạo Vĩnh Yên giải thể, đất đai đạo này nhập vào tỉnh Sơn Tây, Phương Ngạc trở lại thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Sơn Tây.
Năm 1899, người Pháp lập lại tỉnh Vĩnh Yên, Phương Ngạc thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên.
Theo “Địa chí Vĩnh Phúc” (Nguyễn Xuân Lân, Sở VHTT Vĩnh Phúc, 2000), năm 1903, Phương Ngạc là một trong số sáu làng thuộc tổng Nhân Mục là: Đôn Mục, Khoan Bộ, Lãng Sơn, Nhân Lạc, Nhân Mục, Phương Ngạc.
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa xóa bỏ cấp tổng, mở rộng các xã trên cơ sở sáp nhập các làng cổ đã có. Lúc này hai làng thuộc tổng Nhân Mục cũ là Phương Ngạc và Khoan Bộ sáp nhập với nhau thành xã Phương Khoan.
Năm 1950, chính phủ ta sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc, đất đai Phương Ngạc thuộc xã Phương Khoan, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú, Phương Ngạc thuộc xã Phương Khoan, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú.
Năm 1997 tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ sự chia tách tỉnh Vĩnh Phú, Ngạc Tân thuộc xã Phương Khoan, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tháng 4 năm 2009, huyện Lập Thạch tách thành hai huyện Sông Lô và Lập Thạch. Từ đó đến nay, chùa Vĩnh Lợi tọa lạc tại thôn Ngạc Tân, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.
Những thần nhân thờ phụng trong chùa
Chùa Vĩnh Lợi thờ Phật theo phái Tịnh độ
Pháp môn Tịnh độ chủ trương niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A-di-đà và sự thù thắng, trang nghiêm của cõi Cực lạc Tịnh độ, bằng tự lực với Tín, Nguyện, Hạnh, tương ứng bản nguyện của Đức Phật A-đi-đà.
Trong các pháp môn tu tập, Tịnh độ là một trong những pháp môn phổ biến đối với các Phật tử tại nhiều nước Phật giáo Đại thừa như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…Cùng với sự phát triển của Thiền tông từ bao thế kỷ nay, Tịnh độ tông cũng được phát triển đến mức các nhà tu hành đều thâm sâu cả hai giáo lý và trở thành việc hành trì theo Thiền - Tịnh song tu.
Sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng
Hằng năm, chùa Vĩnh Lợi tổ chức các lễ chính như sau:
- Đại lễ Nguyên tiêu: Tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, với đông đảo các Phật tử và Nhân dân trong xã tham dự; thực hiện theo nghi lễ Phật giáo, pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo: cầu an lành cho dân được an, cho dân được thịnh, cho đất nước được hưởng thái bình.
- Đại lễ Phật đản sinh: Thời gian tổ chức vào ngày Rằm tháng Tư âm lịch.
Do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, ngày Rằm tháng Tư âm lịch hằng năm là kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca, nhưng theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập niết bàn).
- Tổ chức Lễ Quốc Mẫu và giỗ tổ Hùng Vương (ngày 12 tháng Hai và ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch).
- Lễ Vu lan báo hiếu: Tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy:
- Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc: Tổ chức từ ngày 30 tháng Chạp (tất niên) đến ngày mùng 3 tháng Giêng âm lịch.
Bên cạnh những ngày trọng lễ, vào mùng Một, ngày Rằm, nhà chùa đều mở cửa để du khách thập phương và nhân dân đến chiêm bái, hành lễ.
Chùa Vĩnh Lợi hiện nay
Hiện nay, chùa Vĩnh Lợi gồm có tam quan (có niên đại xây dựng vào cuối thời Nguyễn) và tam bảo (được phục dựng lại vào năm 1993).
Cổng Tam quan được xây dựng theo kiểu thức Tam quan gác chuông. Tam quan chùa được dựng lên từ 4 trụ, tạo thành ba ô cửa ra vào, các ô cửa được tạo hình kiểu mái vòm tạo sự uyển chuyển, mềm mại trong kiến trúc. Ô cửa giữa xây dựng thành gác chuông có bố cục hai tầng 8 mái theo mô-típ truyền thống của ngôi chùa làng Việt. Quy mô kiến trúc gồm: Tiền đường 5 gian, thiêu hương 5 gian và thượng điện 2 gian. Chùa có kiến trúc đơn giản, hệ thống vì kèo bằng gỗ, liên kết theo kiểu vì kèo suốt, quá giang gối tường.
Ngày 21 tháng 7 năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2043/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vĩnh Lợi, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô. Ngày 24/9/2017, Nhân dân địa phương đã khởi công xây dựng ngôi tam bảo với quy mô gồm tiền đường ba gian, thượng điện hai gian, theo kiểu thức tường hồi bít đốc. Đến ngày 28/6/2019, tiếp tục khởi công xây dựng nhà Mẫu với quy mô tiền đường ba gian, hậu cung hai gian.
Hệ thống bệ tượng Phật bằng bê tông cốt thép. Ngôi tam bảo thờ 18 vị gồm: Bộ tượng Tam thế Phật, tượng A-di-đà, Bộ tượng Quan Thế Âm Bồ tát và Kim Đồng, Ngọc Nữ; tượng Di Lặc; tượng Nam Tào - Bắc Đẩu; tượng Thích Ca sơ sinh, Tượng Quan Nho, tượng Đức Ông, tượng Thánh Tăng, tượng Quan Âm tống tử, tượng Địa Tạng, hai ông Hộ Pháp, Thánh Hiền. Trong đó, tượng cao nhất là 2,7m và tượng thấp nhất là 81cm.
Ngôi nhà Mẫu: thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Quan Thế Âm Bồ tát, Thánh Vân Hằng Nga công chúa, Hưng Thiên bản địa giáng sinh, Thiên tiên Thánh Mẫu, Thiên Hạ công chúa, Đệ tam Động Đình, Tam đầu Cửu vĩ Thủy phủ Long cung, Đệ Nhất đức ông Hoàng tử Vương quan, Đệ Nhị đức ông Hoàng tử Vương quan, Đệ Tam đức ông Hoàng tử Vương quan, Đệ Tứ đức ông Hoàng tử Vương quan, Đệ Ngũ đức ông Hoàng tử Vương quan, Hoàng Linh công chúa, Nhật Tiên công chúa, Nguyệt Tiên công chúa, Quỳnh Hoa công chúa, Vạn Hoa công chúa, Đào Hoa công chúa, Tiên Hoa công chúa, Thụy Hoa công chúa, Mai Hoa công chúa, Lý Hoa công chúa, Thùy Hoa công chúa, Quế Hoa công chúa, Thụ Tài Hoa công chúa, Tiên Lộc Hoa công chúa, Hồng Hoa nương, Lưu Hoa nương, Thụy Hoa nương.
Chùa Vĩnh Lợi được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2013 tại Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua thời gian do tác động của chiến tranh và do thời tiết khắc nghiệt, kiến trúc của ngôi chùa đã xuống cấp, chỉ còn lại ngôi Tam quan chùa là chứng tích cổ xưa, kiến trúc có niên đại cuối triều Nguyễn. Trên cơ sở đó và được sự đồng thuận của Nhân dân, UBND xã và Ban hộ tự chùa Vĩnh Lợi đã làm tờ trình xin tu bổ, tôn tạo chùa Vĩnh Lợi. Ngày 21/7/2017 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2043/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vĩnh Lợi, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô.
Nhằm giữ gìn và bảo tồn những giá trị của di tích, ngày 24/9/2017, UBND xã Phương Khoan phối hợp với Ban Hộ tự chùa Vĩnh Lợi khởi công tu bổ, tôn tạo ngôi Tam bảo, năm 2019 tiến hành tu bổ tôn tạo ngôi nhà Mẫu, sau lễ khởi công đã có các tổ chức, các nhà hảo tâm phát tâm công đức xây dựng ngôi chùa; đến nay, các hạng mục đã hoàn thành với tổng giá trị khoảng 5 tỷ đồng và bàn giao cho Ban Hộ tự chùa Vĩnh Lợi quản lý đưa vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương.
Ngày 25/4, xã Phương Khoan tổ chức Lễ khánh thành Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh chùa Vĩnh Lợi.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Phòng Nội vụ, Phòng Văn hóa Thông tin, Đảng ủy, UBND xã, Ban quản lý Chùa đã cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Vĩnh Lợi.