Đình Diên Lộc - Đình Tổ và Lăng tổ sư nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền, thôn Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình thờ phụng vị tổ sư – người thầy đầu tiên của nghề gò đồng Đại Bái Nguyễn Công Truyền.
Cổng đình Diên Lộc.
Đình Diên Lộc vốn được khởi dựng từ thời Lê, nằm liền kề phía Đông đình Văn Lãng với kiến trúc lớn (xưa làng Đại Bái có 02 đình: đình Diên Lộc (Đình Tổ) và đình Văn Lãng). Năm 1947, đình Diên Lộc và đình Văn Lãng đều bị thực dân Pháp đốt phá, đến năm 1954-1956, đình Diên Lộc được xây dựng lại theo kiến trúc hình chữ công trên nền xưa đất cũ. Năm 1989, đình được nhân dân địa phương trùng tu tôn tạo với quy mô lớn theo dáng vẻ truyền thống. Năm 2019, đình được xây dựng lại mới hoàn toàn, lùi về vị trí phía sau của đình cũ hiện nay khoảng 50m.
Mái đao cong truyền thống.
Hiện đình gồm các công trình: Đại đình, Ống muống và Hậu cung. Đại đình có kiến trúc kiểu “bình đầu bốn mái đao cong”, mái dán ngói ống. Hệ chịu lực bằng bê tông cốt thép, gồm 4 bộ tạo thành 3 gian 2 chái. Mỗi bộ vì gồm 4 hàng chân cột, kết cấu kiểu “vì kèo”. Ống muống 1 gian, khung bê tông. Hậu cung gồm 2 tòa tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh.
Đại đình có kiến trúc kiểu “bình đầu bốn mái đao cong”.
Tòa ngoài có kiến trúc kiểu “bình đầu bốn mái đao cong”. Hệ chịu lực bằng bê tông, gồm 2 bộ vì tạo thành 1 gian 2 chái, xung quanh có hành lang, mỗi bộ vì gồm 2 hàng chân cột, kết cấu kiểu “vì kèo”. Chuôi vồ 1 gian, khung bê tông.
Hệ thống cửa vào Đại đình.
Ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Công Truyền được thờ trong Hậu cung đình Diên Lộc.
Bát bảo tại khu vực Tiền tế.
Khu Lăng Tổ sư nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền nằm trên xứ đồng Lít (còn gọi là xứ đồng Lăng tổ) ở phía Đông - Nam làng Đại Bái, xung quanh Lăng là hàng cây bao bọc. Đến năm 1983, dân làng đã cho xây tường bao xung quanh lăng, mái lợp ngói ta. Năm 1997, tu tạo phần mộ và cổng đi. Năm 2017, làm lại sân, xây dựng tường bao, xây dựng nhà khách.
Khu Lăng mộ Tổ sư nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền.
Hiện đình và Lăng còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật có niên đại từ thời Nguyễn như: tượng tổ nghề, ngai, hương án, thần tích, sắc phong, bia đá...
Sắc phong còn được lưu giữ tại đình.
Bia ghi công đức của Nhân dân.
Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức ngày giỗ tổ nghề tại đình và lăng vào ngày 29/9 âm lịch. Ngày giỗ được tổ chức trong 2 ngày, sáng 28/9, đoàn rước tạ từ đình tổ về lăng (nơi có mộ tổ nghề) làm lễ và tế. Sau đó đoàn rước về đình an vị. Đến sáng 29/9, các cụ cao niên trong làng tổ chức tế tại đình.
Đình Diên Lộc cùng Lăng tổ sư nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền đã được xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 1570 –VH/QĐ ngày 05/09/1989.
N.N