Đền Bà Đồng – Vũ Miếu Linh từ ở thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, thờ Phật, tam tòa Thánh Mẫu, Thái Thượng Lão quân và các vị nhân thần vì dân vì nước.
Thị trấn Núi Đèo được thành lập theo Quyết định số 23/HĐBT
ngày 18/3/1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở
sát nhập một phần đất đai và dân cư của 2 xã Thủy Đường và Thủy Sơn.
Theo các nguồn tư liệu địa chí và thư tịch cổ, khu vực thị
trấn Núi Đèo ngày nay có nguồn gốc hình thành từ lâu đời với tư cách là trung
tâm của huyện Thủy Nguyên.
Sách “Thủy Kinh Chú” của tác giả Trung Quốc - Lịch Đạo
Nguyên viết từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên có nhắc đến huyện Kê Từ (tức huyện
Thủy Nguyên ngày nay) mà trung tâm hành chính của nó được khẳng định là khu vực
Núi Đèo.
Thời Hùng vương, Núi Đèo là một điểm tụ cư lớn của người Việt
mà dấu tích còn đến ngày nay là các sưu tập hiện vật bằng đồng thuộc giai đoạn
văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện.
Đến thời Bắc thuộc, nơi đây, trên các sườn núi quanh thị trấn,
các xã lân cận như Thủy Đường, Thủy Sơn, Hòa Bình hiện còn lưu giữ một số lượng
lớn các ngôi mộ cổ. Nghiên cứu và tiến hành khai quật những ngôi mộ này, các
nhà khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định là mang phong cách mộ của người Hán
(Trung Quốc) có niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ IX.
Đồng thời cho rằng, khu vực Núi Đèo là một trung tâm chính
trị, kinh tế, thương mại của Hải Phòng trong suốt ngàn năm thời Bắc thuộc, tập
trung nhiều quan lại, dân binh và thương nhân người Hán do nơi đây nằm trên con
đường giao thương buôn bán từ thời Đông Hán đến Lục Triều.
Trong kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập từ sau thế kỷ thứ X,
thời Đinh - Lê, Lý - Trần và trước thế kỷ XIV, vùng đất Núi Đèo cũng đã được nhắc
đến như một trung tâm lớn trên đường hành quân của Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo cũng
như cuộc khởi nghĩa do Lê Ngã lãnh đạo hồi thế kỷ thứ XIV ở khu vực Thủy Đường
chống quân xâm lược Minh.
Sang thời Nguyễn, thế kỷ thứ XIX cũng có tư liệu ghi chép về
Nguyễn Tri Phương, một vị tướng của vương triều Nguyễn lập đàn cầu đảo (lễ cầu
mưa vào những năm đại hạn có nguy cơ mất mùa) tại Núi Đèo, nhằm giúp dân trừ
thiên tai, nạn giặc cướp hoành hành.
Từ sau năm 1986, thị trấn Núi Đèo trở thành trung tâm chính
trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của cả huyện Thủy Nguyên.
Đền Bà Đồng - Vũ Miếu Linh từ
Đền Bà Đồng thờ chư vị:
- Thờ chư Phật;
- Thờ Tam tòa Thánh mẫu gồm:
+ Thiên tiên Thánh mẫu - Mẫu nghi thiên hạ - Quỳnh Hoa công
chúa (thờ ở ban giữa):
Liễu Hạnh Công chúa (柳杏公主) là một trong những vị thần
quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam. Bà
còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh (柳杏), Mẫu Liễu
Hạnh (母柳杏). Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là một trong
bốn vị thánh “Tứ Bất tử”.
Bà vốn là công chúa Quỳnh Hoa, con gái Ngọc Hoàng Thượng đế,
vì trót đánh rơi chén ngọc giữa lúc thiết triều nên Ngọc Hoàng nổi giận đày xuống
trần gian. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà
Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - tức là mẹ của muôn
dân". Bà còn được xem là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu.
+ Mẫu Thượng Ngàn (thờ ở ban bên Phải):
Lâm Cung Thánh Mẫu (林宮聖母) hay Mẫu Thượng Ngàn hoặc
Bà Chúa Thượng Ngàn là một trong ba vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu cùng hai
vị Liễu Hạnh và Mẫu Thoải. Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của
tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt.
Tương truyền, bà là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn
Thánh) và công chúa Mỵ Nương (trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Khi còn
trẻ, Mẫu là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, được cha mẹ đặt tên là
La Bình.
Khi Tản Viên và Mỵ Nương theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế
trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa
Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả
81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng
của nước Nam.
+ Mẫu Thoải (thờ ở ban bên Trái):
Thủy cung Thánh Mẫu (水宮聖母) còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu
Thoải 母水 (chữ thoải là đọc trệch từ chữ thủy) là vị nữ thần
dân gian Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý các miền sông nước. Theo truyền thuyết,
Mẫu thoải phủ là con gái út của Bắc Hải Long Vương lên rẽ nước biển lên trần dạo
chơi.
Nhưng ngày kia vua cha cho đóng cửa biển nàng công chúa thủy
phủ này không còn đường về thủy cung nên đã ở trên trần đầu thai tu nhân tích đức,
sau được phong là công chúa thủy phủ rồi đức hạnh ngày càng cao nên được mệnh
danh là Mẫu thủy phủ - mẹ của người dân miền sông nước và mẹ có thể cứu con
dân, đưa vong lên bờ để không phải chịu sự lạnh giá miền sông nước.
Mẫu Thoải giúp đỡ mọi người mỗi khi đi qua các vùng sông nước.
Do vậy, mỗi khi bước xuống đò, qua một khúc sông rộng, người ta thường nhẩm cầu
khấn, xin Mẫu phù hộ độ trì. Mỗi khi có hạn, Mẫu phái tướng sĩ đi lo việc làm
mưa. Còn khi bão lụt, Mẫu lại hóa phép để gió yên, mưa tạnh. Các loài thủy
quái, thủy tặc, do có các thần tướng của Mẫu canh chừng, nên cũng không thể tùy
tiện tác oai, tác quái.
Ngoài ra đền còn thờ các vị:
- Bà chúa Sơn Lâm, Đệ nhị Thượng ngàn Ngọc Hoa công chúa;
- Thờ Đức Thánh Trần: Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn vị anh
hùng dân tộc, vị tướng lỗi lạc của Việt Nam sống vào thế kỷ thứ XIII;
- Thờ Thái Thượng Lão quân: Thái Thượng Lão Quân (太上老君)
là tôn hiệu một vị thần tiên tối cao trong Đạo giáo, là một trong Tam Thanh (gồm:
Ngọc Thanh - Nguyên thủy thiên tôn, Thượng thanh – Linh bảo thiên tôn và Thái
thanh Đạo đức thiên tôn cũng chính là Thái Thượng Lão Quân).
- Thờ cụ Tổ đền;
- Thờ Đức ông Hoàng Bảy: Ông Hoàng Bảy hay thường gọi là Ông
Bảy Bảo Hà. Ông là con Đức Vua Cha. Theo lệnh vua, ông giáng phàm trần, trở
thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, cuối thời Lê. Vào triều Lê Cảnh
Hưng, có giặc Trung Quốc từ Vân Nam tràn sang cướp bóc, đốt phá. Triều đình bèn
cử ông, dọc theo sông Hồng, lên đánh đuổi quân giặc và trấn giữ vùng biên ải
nơi Bảo Hà, Lào Cai.
Tại đất Bảo Hà, ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc
về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người
Thổ, người Nùng lên khẩn điền lập ấp. Sau này trong một trận chiến đấu không
cân sức, Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man, nhưng ông vẫn một
lòng kiên trung, quyết không đầu hàng, cuối cùng, không làm gì được, chúng sát
hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông.
Kì lạ thay, di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi đến phà
Trái Hút, Bảo Hà, Lào Cai thì dừng lại. Còn một điều kì lạ nữa là khi ông bị giặc
sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa),
từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng
lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội.
Sau này khi hiển linh ông được giao quyền cho trấn giữ đất
Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, đến lúc này ông nổi tiếng là một Ông Hoàng
không chỉ giỏi kiếm cung mà còn rất ăn chơi, phong lưu: khi thanh nhàn ông ngả
bàn đèn, uống trà mạn Long Tỉnh, ngồi chơi tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa... lúc nào
cũng có thập nhị tiên nàng hầu cận, ông cũng luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở
có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu. Triều vua Minh Mạng,
Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn
khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc_ Ông Hoàng Bảy Bảo Hà”;
- Thờ Đức ông Hoàng Mười: Theo truyền thuyết, ông Hoàng Mười
là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh ông giáng trần để
giúp dân phù đời. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản.
Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay khảo sát thần tích gần 50 đền
thờ cho rằng ông giáng xuống trần thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai
Vua Lý Thái Tổ, cai quản châu Nghệ An, thời Lý.
Theo một số đền thờ vùng Nghệ Tĩnh thì ông được coi là Lê
Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười
năm kháng chiến chống quân Minh. Vì thế, ông Hoàng Mười còn được nhân dân xứ
Nghệ tôn vinh là "Đức thánh minh", là một vị quan nằm trong hệ thống
điện thần thờ mẫu tứ phủ ở Việt Nam. Nơi nào có điện thờ mẫu là nơi đó có tượng
hoặc bàn thờ ông Hoàng Mười.
Một sự tích được lưu truyền khác như sau: Ông Mười giáng
sinh thành Nguyễn Xí, một tướng giỏi dưới thời Vua Lê Thái Tổ, có công giúp vua
dẹp giặc Minh, sau được giao cho trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tính (cũng chính là
nơi quê nhà).
Tại đây ông luôn một lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân,
truyện kể rằng có một lần xảy ra cơn cuồng phong làm đổ hết nhà cửa, ông liền
sai quân lên rừng đốn gỗ về làm nhà cho dân, rồi mở kho lương cứu tế. Trong một
lần đi thuyền trên sông, đến đoạn chân núi Hồng Lĩnh, thì lại có đợt phong ba nổi
lên, nhấn chìm thuyền của ông và ông đã hóa ngay trên ngã ba sông la,sông minh
giang và sông Lam nơi linh từ mỏ Hạc.
Trong khi mọi người đang thương tiếc cử hành tang lễ, thì trời
quang đãng, nổi áng mây vàng, bỗng thấy thi thể của ông nổi trên mặt nước nhẹ tựa
như không, sắc mặt vẫn hồng hào tươi tắn như người đang nằm ngủ, khi vào đến bờ,
đột nhiên đất xung quanh ùn ùn bao bọc, che lấy di quan của ông.
Lúc đó trên trời bỗng nổi mây ngũ sắc, kết thành hình xích
mã (có bản nói là xích điểu) và có các thiên binh thiên tướng xuống để rước ông
về trời. Sau này khi hiển ứng, ông được giao cho trấn thủ đất Nghệ Tĩnh, ngự
trong phủ Nghệ An. Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười.
Tương truyền, đền được xây dựng vào thời Pháp thuộc, khoảng
những năm 30 của thế kỷ trước. Lúc bấy giờ, ngôi đền được dựng lên giữa một
vùng rừng núi hoang vu, dân cư còn thưa thớt. Người đời truyền nhau có ngôi đền
thiêng giữa vùng đất linh nên được nhân dân địa phương và vùng lân cận rất mực
sùng kính, thường xuyên lui tới lễ bái.
Thậm chí, nơi đây còn thu hút cả những quân lính, sỹ quan
người Pháp đến thành tâm đảnh lễ. Hiện nay, tại bản đền còn lưu giữ một chiếc
chuông đồng, đúc ngày 7/5/1940, trên chuông được khắc chữ Pháp với nội dung
chuông do sĩ quan người Pháp có tên là EOUVENIR đúc tặng. Qua đó đã phần nào thể
hiện được sự linh thiêng, vai trò và tầm ảnh hưởng của ngôi đền đối với những
dân cư vùng sở tại.
Tại khuôn viên di tích còn ngôi mộ tổ của cụ Nguyễn Thị Kiến
(1883-1966), hiệu Riêu Huynh, quê ở thôn Thức Vụ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh
Nam Định. Năm 1910, cụ tu ở chùa Năng Tĩnh, thế phát tại nhà chùa Vị Hoàng. Năm
1911, cụ học ở chùa Thường Tín. Năm 1912, cụ tu luyện ở Bảo Tháp, Tầm Thực, Yên
Tử.
Năm 1915, cụ đến trong nom đền Dẹo (thị trấn Núi Đèo). Năm
1935, cụ đến xây dựng ngôi đền trên khu đất linh có cây đa với ngôi miếu nhỏ,
thờ bà chúa và lập nên ngôi Vũ Miếu linh từ ngày nay. Cụ tạ thế ngày 14/9 năm
Bính Ngọ, mộ phần được xây dựng vào năm 1968 và trùng tu vào năm 2013.
Tuy nhiên các kiến trúc cũ của đền hiện không còn, các công
trình hiện nay đều là kết quả của các lần xây dựng cùng tu sửa vào các năm
2003, 2005, 2008, 2010./.
Phòng VH&TT TH